Hành trình làm mẹ gian nan của những ông bố đơn thân

remember1 remember1 @remember1

Hành trình làm mẹ gian nan của những ông bố đơn thân

Nén nỗi buồn riêng, bằng tình phụ tử thiêng liêng, những ông bố đơn thân này đã vượt mọi khó khăn để nuôi dạy con.

24/07/2017 07:02 AM
8,185

Hôn nhân “đứt gánh” giữa đường khiến họ chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Phụ nữ một mình nuôi con đã khổ, đàn ông một mình chăm con lại càng vất vả bội phần. Nén nỗi buồn riêng, bằng tình phụ tử thiêng liêng, những ông bố đơn thân này đã vượt mọi khó khăn để nuôi dạy con.

Thức tỉnh nhờ tiếng khóc của con

Tới giờ, nói về cuộc hôn nhân của mình, anh Nguyễn Thuần Ph. (SN 1987, quê ở Bắc Ninh) vẫn không giấu nổi sự hụt hẫng. Với anh, đó là những ký ức buồn nhiều hơn vui và anh đã phải rất nỗ lực mới vượt qua được nó.

Hành trình làm mẹ gian nan của những ông bố đơn thân - Ảnh 1Phóng to

Anh Ph. hạnh phúc bên con nhỏ.

Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, anh Ph. kể: “Tôi làm tài xế cho một hãng taxi ở Bắc Ninh, tính đến nay tròn 10 năm. Nơi làm việc cũng là nơi tôi quen H.- vợ cũ của tôi. H. sinh năm 1993, là người Hải Phòng. Khi đó cô ấy xin vào làm ở công ty tôi, ngay lần gặp đầu tiên, chúng tôi đã phải lòng nhau. Chỉ sau thời gian yêu đương ngắn, chúng tôi làm đám cưới”.

Kể về cuộc hôn nhân, anh Ph. không giấu nổi sự xót xa: “Tôi cứ nghĩ cưới nhau rồi, hai vợ chồng sẽ tu chí làm ăn nhưng cô ấy không hài lòng về cuộc sống hiện tại. Nhiều lúc, cô ấy cứ so sánh gia đình mình với gia đình người khác, rồi chê bai chồng, khiến tôi cảm thấy cuộc sống gia đình rất căng thẳng, áp lực”.

Lập gia đình từ năm 2014, sau khi cưới nhau được 4 tháng thì vợ anh Ph. có thai, tháng 10/2015 con trai đầu lòng của vợ chồng anh chào đời. Những tưởng đứa con sẽ là sợi dây gắn kết tình cảm vợ chồng, mọi khúc mắc trong cuộc sống sẽ có thể giải quyết, nhưng khi bé được 13 tháng thì vợ anh Ph. đột ngột bỏ đi.

Sau khi vợ bỏ đi, anh Ph. như người mất hồn, anh điên cuồng gọi điện cho vợ, nhưng số điện thoại của chị H. luôn trong chế độ “thuê bao không liên lạc được”. Sau này tìm hiểu anh mới biết, lý do vợ bỏ đi là bởi nhiều yếu tố trong đó do kinh tế gia đình eo hẹp, anh chạy xe đi sớm về khuya không có nhiều thời gian quan tâm cho vợ.

Anh Ph. giãi bày: “Tôi đau khổ, tuyệt vọng trong một thời gian dài vì mang tiếng bị vợ bỏ, bố mẹ thấy tôi như vậy họ cũng đã khuyên nhủ tôi nhưng nỗi đau đó chỉ có tôi mới thấu hiểu được. Và rồi, chính tiếng khóc của con hàng đêm đã thức tỉnh, khiến tôi phải sống một cuộc sống khác, không cho phép mình bi lụy hay ủ rũ thêm nữa”.

Cũng cảnh “gà trống nuôi con” nhưng anh Đặng Văn Đ. (SN 1992, Thái Bình) lại có hoàn cảnh bi đát hơn, khi con thơ vừa chào đời được 4 tháng, vợ anh đột ngột qua đời vì tai nạn.

Anh Đ. buồn bã: “Vợ chồng tôi yêu nhau từ năm 2010, năm 2015 mới kết hôn. Cô ấy hiền lành, chịu thương chịu khó nên được lòng bố mẹ chồng. Nhưng rồi, sau 4 tháng sinh con gái đầu lòng, trong một lần về nhà ngoại thăm bố mẹ, vợ tôi bị tai nạn rồi qua đời. Bố mẹ tôi cũng vì thế mà đau buồn một thời gian dài”.

Cũng theo anh Đ., khi vợ anh mới mất, con còn nhỏ, không có sữa và hơi ấm của mẹ nên bé thường xuyên quấy khóc, mỗi lần anh Đ. đưa bình sữa lên miệng con, bé lại quay mặt không chịu ti, rồi khóc đến tím tái mặt mày. Bố mẹ anh xót cháu, cả đêm thức trắng làm đủ cách dỗ bé, nhưng vẫn không thay đổi được tình hình.

“Mỗi lần bé đói sữa, đều chút chít miệng tìm ti mẹ, nhưng khi tìm mãi không thấy đâu lại gào khóc. Cho uống sữa ngoài, bé không chịu, chỉ khi đói quá, mới chịu ăn một ít. Cả gia đình tôi suốt thời gian dài mất ăn, mất ngủ mà vẫn không biết phải làm thế nào”, anh Đ. nghẹn ngào.

Những nụ cười chưa trọn vẹn

Từ ngày vợ bỏ đi, anh Ph. dành nhiều thời gian cho con trai. Ban ngày anh đi làm, gửi con nhờ ông bà nội trông, chiều đến anh lại tất tưởi về lo cơm nước, giặt giũ và pha sữa cho con. “Ngày vợ tôi chưa bỏ đi, cô ấy làm hết việc trong nhà từ chăm con đến giặt giũ. Đợt đó, tôi đi làm về không phải đụng tay vào việc gì. Giờ đây, tôi bỡ ngỡ lắm. Mới đầu, làm cái gì cũng gượng gạo, không quen. Có hôm, pha sữa nóng quá, con gào khóc. Có hôm, lại pha nước quá nguội... Chưa kể, việc thức đêm thường xuyên khiến tôi luôn trong tình trạng thiếu ngủ, mắt lờ đờ. Nhưng rồi, làm mãi cũng quen, giờ đây tôi như một “bà mẹ” thực thụ...”, anh Ph. hạnh phúc kể.

Theo lời của anh Ph. con trai anh hiện được gần 20 tháng tuổi, với ông bố đơn thân này cuộc sống có vất vả khó khăn đến mấy anh vẫn có thể lo liệu được cho con. Thế nhưng, bản thân anh vẫn chưa thể nào tha thứ được cho người vợ đã dứt ruột bỏ con mình đi không một lời hỏi han: “Vợ tôi không xứng đáng làm mẹ bởi tôi chưa từng gặp ai lại vô tâm với con mình như thế. Tôi không thấy hận cô ấy mà chỉ thương con, tội cho con vì còn quá nhỏ, đang tuổi bú mớm mà mẹ nỡ bỏ con đi”.

Với ông bố trẻ này, nhìn thấy con khôn lớn hàng ngày chính là niềm an ủi và điều mà anh mong mỏi nhất. Khi được hỏi, có khi nào anh nghĩ tới việc “đi thêm bước nữa” anh Ph. lắc đầu: “Hiện tại tôi chưa nghĩ đến hạnh phúc riêng, chỉ nghĩ đến làm sao cho con lớn lên mạnh khỏe, trưởng thành là tôi an lòng”.

Còn anh Đ., từ ngày vợ mất, anh gần như suy nhược cơ thể khi đêm nào cũng phải thức trông con. Thời gian đầu, đêm nào anh cũng lên mạng đăng tin xin sữa các bà mẹ nuôi con nhỏ. Nhiều người thương cho hoàn cảnh của bố con anh, nên đến tận nhà cho sữa. Tuy nhiên, việc xin sữa cũng gặp phải sự phản đối từ mẹ anh, khi bà sợ sữa xin qua mạng, nguồn gốc không an toàn, với cả những người cho sữa, nhiều khi chắc gì đã khỏe mạnh hoàn toàn.

Anh Đ. kể: “Với tôi, đó là khoảng thời gian rất khó khăn. Tôi đã phải nén nỗi đau vào trong để chăm cho con tốt nhất. Nhưng sữa của người ta cho, không phải ai bé cũng ăn, có những người dỗ dành đủ kiểu nhưng bé vẫn “trốn ti”, thậm chí là dỗi, bỏ ăn nhiều bữa. Kết quả là khi 11 tháng tuổi, bé chỉ nặng có 7kg”.

Cho con ăn đã khó, với anh Đ. việc tắm, thay bỉm, cho con cũng là một vấn đề. Có những đợt bé bị phát ban, đỏ ửng cả người, khi đó, anh Đ. như ngồi trên đống lửa, suốt cả tuần không dám ngủ chỉ vì sợ có điều gì bất trắc xảy ra với con.

“Có những đợt bé ốm, sốt li bì, những đêm đó, tôi mất ăn mất ngủ. Tôi mường tượng những điều không may mắn sẽ đến với con. Thậm chí, là điều xấu nhất, bởi con gái tôi quá còi. Tất cả, nỗi lo lắng giảm dần đi, khi con bắt đầu tập ăn dặm. Dù có khó khăn trong việc dỗ dành, nhưng rồi, con cũng dần bắt nhịp. Cả gia đình tôi ai cũng thở phào nhẹ nhõm”, anh Đ. chia sẻ.

Với anh Đ. và anh Ph. thời gian đầu gặp khó khăn, nhưng dần dà, họ đã quen với cảnh “gà trống nuôi con”. Giờ đây, mỗi lần nghe thấy tiếng cười con thơ, lạnh giá trong tim họ dường như tan biến. Tuy nhiên, từ sâu thẳm con tim, họ vẫn có những nuối tiếc, hoài niệm bởi họ vẫn mong sao con có một gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Mai Hằng - Hoàng Bích

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý