Hành trình từ củ đắng chỉ vài chục ngàn/kg trở thành sâm Ngọc Linh có giá hàng chục triệu/kg

sakura1 sakura1 @sakura1

Hành trình từ củ đắng chỉ vài chục ngàn/kg trở thành sâm Ngọc Linh có giá hàng chục triệu/kg

1 kg sâm bây giờ có giá từ vài chục đến vài trăm triệu nhưng ít ai biết một thời, sâm trên núi Ngọc Linh nhiều vô kể, người dân vào rừng một ngày có thể mang về cả bao tải.

08/06/2017 05:19 AM
650

1 kg sâm bây giờ có giá từ vài chục đến vài trăm triệu nhưng ít ai biết một thời, sâm trên núi Ngọc Linh nhiều vô kể, người dân vào rừng một ngày có thể mang về cả bao tải. Họ dùng nấu nước giải khát hay bán với giá chỉ vài chục nghìn. Có lúc, 1 kg sâm đổi 1 bao muối, 1 kg gạo hay 1 chiếc quần đùi...

1 kg chỉ vài chục nghìn đồng

Núi Ngọc Linh cao 2.592m so với mực nước biển, được xem là đỉnh núi cao nhất của miền Nam. Trên dãy núi này, sâm Ngọc Linh là dược liệu quý giá, phân bố chủ yếu ở 3 huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), Đắk Gleu và Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Ở đây, người sinh sống chủ yếu là dân tộc Xê Đăng và Ca Dong.

Đường lên lãnh địa sâm Ngọc Linh vô cùng khó khăn. Trong cuộc hành trình, chúng tôi gặp anh Hồ Văn Xuân (ngụ xã Trà Linh, huyện Nam Trà My). Anh Xuân chia sẻ: “Người dân ở đây không gọi sâm là sâm mà gọi là củ đắng, củ giấu”.

Hành trình từ củ đắng chỉ vài chục ngàn/kg trở thành sâm Ngọc Linh có giá hàng chục triệu/kg - Ảnh 1Phóng to

Cây sâm có trái đỏ mọng.

Anh kể, cách đây vài chục năm, một nhóm người dân vào rừng và bị lạc. Lúc đói lả, tay chân rệu rã, nhóm này nhìn thấy một bầy chim bay xuống khu đất có nhiều loại cây có hạt đỏ mọng nước. Họ nghĩ: “Chim ăn được thì người cũng ăn được”, nên hái dùng thử. Chỉ trong chốc lát, mọi người bỗng khỏe lại. Loại cây này rất đắng, chẳng khác gì thuốc độc nên người dân gọi là củ đắng. Khi trở về, người dân rỉ tai nhau về công dụng đặc biệt của củ đắng.

Đồng thời, người dân Xê Đăng và Ca Dong vẫn thường có tục, các gia đình, sau khi kiếm được cây thuốc quý thì phải mang giấu trong nhà, sẵn sàng cứu người, chữa bệnh, nhưng không được truyền lại bài thuốc cho người ngoài dòng tộc. Sâm được người dân xem là một phương thuốc “bí truyền” nên vẫn thường gọi là cây giấu.

Về sau, người dân ở vùng núi Ngọc Linh phát hiện củ đắng có rất nhiều công dụng khác. Chẳng hạn, đối với các vết thương nhẹ và vừa, chỉ cần nhai lá hoặc củ đắp vào, chỉ trong vòng chừng một tuần, thịt da liền lại, chẳng còn đau đớn.

Theo anh Xuân, trước đây, sâm ở vùng núi Ngọc Linh nhiều vô kể. Người dân ở Quảng Nam và Kon Tum trên ngọn núi này vẫn thường bắt gặp. Có nơi chúng mọc hàng loạt, hạt đỏ khắp cả một khu. Chúng tập trung chủ yếu trên lá mục, khe suối. Ngày ấy, khi mới biết đến công dụng của củ đắng, người dân vẫn thường vào rừng, hái về nấu nước uống giải khát. “Có hôm, chỉ đi một buổi là có thể tìm được cả bao tải”, anh Xuân nói. Người dân trên ngọn núi này cứ nghĩ củ đắng cũng như các loại cây khác, chẳng ai ngờ một ngày, nó có giá trị như bây giờ.

Ông Hồ Văn La ở huyện Nam Trà My kể, trước đây, củ đắng rất nhiều. Mỗi khi vào rừng, có thể nhổ được một gùi lớn. Sau đó, người dân mang xắt lát, phơi khô để đổi muối, đổi cá, áo quần... Vợ ông sinh được năm người con thì bệnh tật qua đời. Nhiều người khuyên ông nên “đi thêm bước nữa”. Nhiều khi, ông cũng có ý nghĩ tìm một người phụ nữ về chung chăn gối, nhưng lại ngẫm đến các con nên đành thôi. Để nuôi năm đứa con, hàng ngày, ông vào rừng kiếm củ đắng về bán.

Trước năm 2000, 1 kg củ đắng chỉ có giá khoảng vài chục nghìn đồng. Ngày đó, ông thấy mức giá ấy là có giá trị lắm rồi, bởi, có thể lo liệu cho các con. Nhiều lúc, ông kiếm được một số củ nặng đến gần 1 kg. “Nếu bây giờ mà tìm được một củ như thế thì cả nhà chẳng cần phải lao động hay vào rừng nữa, bán được có khi chỉ cần ở nhà hưởng thụ thôi”, ông La nói.

Già làng Hồ Văn Suốt ở làng Đắk Ngo, xã Trà Linh kể, ngày trước, sâm ở trên thảm lá mục và ven suối nhiều vô kể. Có những lúc, ông vào rừng đào được những củ sâm rất to. Lúc ấy, đồng bào ở đây chưa biết hết giá trị của sâm Ngọc Linh nên không dùng hết thì xắt lát rồi phơi khô để dùng dần. “Người dân ở đây không có thời. Lúc sâm có giá thì đã chẳng còn để khai thác nữa”, ông tỏ ra hối tiếc.

Nghèo vẫn hoàn nghèo

Nhiều người dân xác nhận, trước đây, sâm rẻ là có thật. Khoảng năm 2000, một số người Kinh từ dưới xuôi lên, hỏi mua củ đắng. Người dân vào rừng, đào cả bao tải về mang đổi. Ngày ấy, 1 kg sâm đổi 1 chiếc nồi, chiếc chảo hoặc 1 kg gạo, bì muối hay chiếc quần đùi... Người dân trên vùng núi này nghèo, củ đắng từ trước đến nay cũng chỉ làm giải khát. Trong khi đó, với họ củ đắng đổi được chiếc nồi, chiếc chảo là đã giá trị lắm rồi. Họ cảm thấy thỏa lòng với những thứ có được.

Hành trình từ củ đắng chỉ vài chục ngàn/kg trở thành sâm Ngọc Linh có giá hàng chục triệu/kg - Ảnh 2Phóng to

Anh A Róc cho biết, có một thời sâm vô cùng rẻ.

Anh A Róc, Phó chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum nhớ lại, ngày ấy, sâm nhiều đến mức người dân vào rừng một buổi là có thể gùi một gùi mang về. Một số người trải ra đường để bán nhưng chẳng ai mua. “Sâm chỉ thực sự sốt và khởi nguồn kể từ khi A Tích và A Biêng tìm thấy bãi sâm lớn”, anh A Róc nói.

Anh kể, A Tích và A Biêng là người dân tộc Xê Đăng ở huyện Mường Hoong. Một lần đi rừng bẫy thú, hai người phát hiện bãi sâm lớn. Lúc ấy, dù sâm còn rẻ nhưng đối với người dân tộc ở đây, chúng có thể đổi nhiều thứ từ dưới xuôi mang lên đã là rất giá trị. Do đó, anh em nhà A Tích giấu biệt. Hàng ngày, họ vào bãi này hái sâm ra đổi gạo, thức ăn và rượu. Người nhà A Tích chẳng mấy chốc lười biếng, chẳng vào rừng bẫy thú chỉ đi hái sâm. Thay vào đó, họ say khướt từ sáng đến tối. Chừng năm 2005, trong cơn say, một người bạn hỏi, A Biêng tiết lộ về bãi sâm. Thông tin này nhanh chóng lan rộng, người dân vào bới tung. Thương lái ở dưới xuôi nghe tin cũng lũ lượt kéo lên hỏi mua.

Thế nhưng, thương lái tự “dàn xếp” kịch bản với nhau. Họ hỏi mua sâm nhưng thường chê ỏng, chê eo tìm mọi cách để ép giá xuống thấp nhất. Đồng bào dân tộc Xê Đăng và Ca Dong ngày ấy cũng chẳng biết hết giá trị của củ đắng nên tưởng thật. Họ vào bãi, hái mang về bán với giá khá rẻ. Đó là thời hoàng kim của sâm. Người dân có được tiền, cứ nhẹ nhàng sống qua ngày. Họ mua rượu uống, chẳng nghĩ gì đến việc tiết kiệm. Tiền kiếm được dễ dàng, họ mở hội, hát hò, đâm trâu...

Ông A Róc thừa nhận, lúc ấy, không chỉ người dân mà cán bộ xã cũng vào rừng hái sâm mang về bán. Kho báu bị khai thác triệt để, chẳng bấy lâu cạn kiệt. Nhiều người dân nhắc lại chuyện xưa cũ không khỏi hối tiếc. Họ bảo, đỉnh núi Ngọc Linh này, người Xê Đăng, Ca Dong ngự trị hàng thập kỉ, củ đắng lẩn khuất trong rừng cũng ngần ấy thời gian. Chẳng nơi nào trên ngọn núi này người dân chưa đặt chân đến. Nhưng, họ không mảy may nghi ngờ, kho báu được cất giấu đằng sau loài cây có hạt màu đỏ mọng nước. Khi biết giá trị của loài cây này cũng là lúc nó đã kiệt.

Người dân ở đây từng ngồi trên “đống vàng” nhưng chẳng biết. Đến bây giờ, những người từng vào rừng, mang về cả bao tải sâm, nghèo vẫn hoàn nghèo. Hàng ngày, họ vẫn phải vào rừng, kiếm cái ăn, cái mặc, cuộc sống vẫn vất vả như xưa.

 Khi được hỏi về thời hoàng kim, kiếm được nhiều sâm, không ít người tiếc nuối: “Nếu biết có một ngày, sâm đắt giá thì bây giờ chẳng khổ. Nhưng, quá khứ cũng qua rồi, phải sống tiếp thôi...”. Từ lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến Mường Hoong để tìm A Tích và A Biêng nhưng nhà đóng cửa. Hàng xóm cho biết, hai người này giờ cũng nghèo, phải vào rừng kiếm sống, chừng mười ngày, nửa tháng mới về một lần...

Huy Cường - Nhâm Thân

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý