Hạt KL báo cáo UBND huyện gỗ mục nát rồi né trách nhiệm

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Hạt KL báo cáo UBND huyện gỗ mục nát rồi né trách nhiệm

Sau thời gian dài điều tra, xác minh, hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông có báo cáo gửi UBND huyện rằng, phần gỗ bị đốn hạ đã mục nát, “di tích” đã có từ lâu...

29/05/2016 06:49 AM
16

(ĐSPL) - Tại thời điểm nhận được tin báo “lâm tặc” hiên ngang đốn hạ gỗ rừng trên địa bàn xã Cư Drăm, PV báo ĐS&PL đã vào đến “hang ổ”, mục sở thị và phản ánh tại các số báo trước. Thế nhưng, sau thời gian dài điều tra, xác minh, hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông có báo cáo gửi UBND huyện rằng, phần gỗ bị đốn hạ đã mục nát, “di tích” đã có từ lâu...

Gỗ mới bị đốn hạ, “hạt” kết luận lâu rồi!

Liên quan đến vụ việc phá rừng xảy ra trên địa bàn xã Cư Drăm (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), báo ĐS&PL đã phản ánh qua bài viết: “Cận cảnh và đau đớn khi nhìn hàng chục cây rừng 4 người ôm bị “lâm tặc xẻ thịt (ngày 21/3)”. Sau đó, PV nhiều lần phản ánh sự việc đến UBND huyện Krông Bông thế nhưng, thay vì đứng ra nhận trách nhiệm, các cơ quan chuyên trách trên địa bàn lại “đá bóng trách nhiệm” khi bị hỏi đến.

Sáng 23/5, sau gần 3 tháng trôi qua, PV một lần nữa tìm đến trụ sở UBND huyện ghi nhận cách giải quyết của cơ quan này. Trao đổi với PV, bà Đinh Trần Thị Bích Nga, Chánh văn phòng UBND cho biết: “Ngay sau buổi làm việc với PV trước đó, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện đã ký công văn “khẩn” chỉ đạo, yêu cầu làm rõ vụ việc báo ĐS&PL đã nêu. Cụ thể theo công văn số 554/UBND- VP (ngày 30/3) UBND huyện chỉ đạo: Giao hạt kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với Công an huyện Krông Bông, Vườn quốc gia Chư Yang Sin, UBND xã Cư Drăm, kiểm tra, xác minh địa điểm, số lượng gỗ rừng bị đốn hạ đồng thời làm rõ trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được Nhà nước giao quản lý. Báo cáo kết quả về UBND huyện xem xét, chỉ đạo trước ngày 5/4”.

Theo báo cáo số 17/BC –HKL (ngày 12/4) của ông Y Te B. Kông, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm gửi UBND huyện thì, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND huyện, Hạt thành lập đoàn kiểm tra vào hiện trường xác minh sự việc có kết luận như sau: Điểm bị mất rừng thuộc lô 5, khoảnh 4; lô 14 khoảnh 3, tiểu khu 1189 (xã Cư Drăm). Tại vị trí kiểm tra phát hiện 03 gốc cây (02 gốc Bạch Tùng, 01 gốc giổi). Tại lô 14, khoảnh 3, tiểu khu 1189 có hai gốc Bạch Tùng đã khô, mục có đường kính 80cm và 85cm ước tính thời gian bị chặt từ 2 - 5 tháng. Ngoài ra, có 07 phách dài 3,2m, rộng 55cm, dày 22cm có khối lượng 4,188m3; 01 phách, dài 2,2m, rộng 0,48cm, dày 40cm khối lượng 0,422m3. Ngoài ra có 01 gốc giổi có đường kính 85cm, chiều cao 1m ước tính bị chặt khoảng 4 - 5 tháng trước. Tại lô 5, khoảnh 4, tiểu khu 1189 phát hiện 01 phách gỗ Bạch Tùng; dài 3,2m, rộng 66cm, dày 15cm, khối lượng 0,316m3. Tổng khối lượng gỗ bị lâm tặc đốn hạ là 4,926m3.

Hạt kiểm lâm báo cáo UBND huyện gỗ mục nát “di tích” lâu đời rồi né trách nhiệm - Ảnh 1Phóng to

Ảnh minh họa.

Cũng theo báo cáo của hạt Kiểm lâm, theo Quyết định số 255/QĐ- UBND ngày 27/1/2015 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt kết quả thực hiện việc kiểm kê rừng Đắk Lắk thì địa điểm khai thác gỗ trái phép tại lô 5, khoảnh 4, lô 14, khoảnh 3, tiểu khu 1189 nằm trên lâm phần đã được giao cho UBND xã Cư Drăm. Căn cứ Điều 37, luật Bảo vệ phát triển rừng năm 2004, trường hợp này trách nhiệm quản lý Nhà nước thuộc về Chủ tịch UBND xã Cư Drăm và một phần trách nhiệm thuộc về kiểm lâm địa bàn xã.

Tuy nhiên, khi xem bản báo cáo của hạt kiểm lâm gửi UBND huyện, PV nhận thấy có nhiều bất cập. Bởi ở thời điểm “lâm tặc” phá rừng, PV có mặt tại hiện trường, kịp ghi lại hình ảnh tan hoang. “Lâm tặc” hiên ngang chọn hang đá làm lán trại, ba lô quân tư trang cá nhân, nguyên liệu xăng, dầu tất cả còn rất mới. Phía bên ngoài, “lâm tặc” hiên ngang dùng cưa lốc quật ngã cây rừng. Thế nhưng, thật phi lý hạt Kiểm lâm kiểm tra kết luận hầu hết các gốc cây, phách gỗ đã mục nát, “dấu tích” có từ lâu.

Trả lời về vấn đề này, bà Nga phân trần: “Có thể anh em họ đi kiểm tra nhưng đã đi sai địa điểm”. Một bất cập nữa trong bản báo cáo hạt Kiểm lâm huyện quy kết, đề nghị kiểm điểm xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Cư Drăm và kiểm lâm địa bàn xã để mất rừng, mà không hề đề cập đến trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn của hạt Kiểm lâm huyện. Phải chăng, hạt Kiểm lâm huyện vô can, như vậy đơn vị quản lý Nhà nước ở đây là kiểm lâm địa bàn xã chứ không phải kiểm lâm huyện?

HỒ NAM

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý