Hát ru Hoàng Sa vang vọng ngày xuân của người phu nữ bí ẩn

remember1 remember1 @remember1

Hát ru Hoàng Sa vang vọng ngày xuân của người phu nữ bí ẩn

“À ơi/Con ơi con ngủ cho mau/Để mẹ nấu cháo luộc rau cho cha dùng... Giọng hát của bà Hảo vang lên ngọt ngào mà da diết.

11/02/2016 08:19 AM
14

(ĐSPL) - “À ơi/Con ơi con ngủ cho mau/Để mẹ nấu cháo luộc rau cho cha dùng/Ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/Hoàng Sa là của nước ta/Để người ngoại quốc xâm vào chẳng yên/Con ơi con ngủ cho ngoan/Để mẹ đi tiễn cha xuống thuyền chứ tù và kêu...”.

Giọng hát của bà Hảo vang lên ngọt ngào mà da diết khiến người nghe cảm nhận như đâu đây vang lên âm thanh trầm hùng của tiếng ốc u, tiếng trống giục giã tiễn đoàn binh phu xuống thuyền ra Hoàng Sa mênh mông sóng nước.

Tự hào Hải đội Hoàng Sa

Theo chân một người dân địa phương, chúng tôi về thôn Đông (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) để tìm gặp bà Đỗ Thị Hảo, “người đàn bà hát ru Hoàng Sa”. Từ đầu ngõ, đã vang lên lời ru buồn: “Ầu ơ...! Đến mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đã mãn. Ầu ơ...! Chứ cá chuồn đã mãn sao anh chưa về. Ầu ơ...! Hoàng Sa đi có về không, chứ lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”... Lời ru buồn, chất giọng trầm ấm của người đàn bà vang lên giữa trưa hòa với tiếng sóng biển làm lay động lòng người...

Trong căn nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ, bà Hảo ngồi trên chiếu say sưa hát ru. Bà hát tự nhiên, không micro, không hiệu ứng âm thanh, sân khấu..., nhưng lại có một sức hút kỳ lạ, khiến người nghe bồi hồi say đắm. Bên cạnh bà là người cô ruột tên là Đỗ Thị Lệ (83 tuổi) đang chăm chú ngồi nghe. Mấy năm nay bà Lệ theo con cái vào miền Nam sinh sống, nay mới có dịp trở về quê ăn Tết. Vừa về đến Lý Sơn là bà Lệ đến ngay nhà bà Hảo, để được nghe điệu hát ru của quê hương mình. "Xa quê đã lâu nên tôi nhớ điệu hát ru này lắm. Lúc trước tôi cũng biết hát ru nhưng bây giờ già cả, giọng bị khàn nên không còn hát được nữa", bà Lệ chia sẻ.

Hát ru Hoàng Sa vang vọng ngày xuân từ kho báu của người phụ nữ bí ẩn - Ảnh 1Phóng to

Bà Hảo (phải) đang hát cho du khách nghe.

Ở cái tuổi 70, bà Hảo dáng vẻ cao gầy, đen và khắc khổ thường thấy ở phụ nữ vùng biển nhưng bên trong cái vẻ ngoài khô cứng ấy là một tâm hồn tuyệt vời, bà thả hồn vào những điệu hát ru bằng chất giọng ngọt ngào. Ngưng hát, bà Hảo kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc, xuất xứ và cả ý nghĩa của những câu từ trong từng lời hát ru. Theo đó, thuở xa xưa, trai tráng Lý Sơn tuân theo lệnh vua đi bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa ruột thịt. Những người phụ nữ ở nhà mang trong lòng nỗi bất an, nhớ cha, nhớ chồng, họ gửi gắm tâm tình của mình trong những điệu hát ru con. “Bà nội tôi kể lại cứ mỗi lần có người thân đi ra Hoàng Sa và Trường Sa, lòng người ở lại luôn lo lắng, bồn chồn như cắt ruột vậy. Lúc trời vừa mờ tối, không khí buồn não nề lắm, những người mẹ khi ru con ngủ, chỉ biết hát và nhìn ra biển chờ người thân trở về”, bà Hảo cho biết thêm.

Nói đoạn, bà Hảo cất giọng: “Ớ... Lý Sơn hải đảo xa khơi, quanh năm sóng vỗ biển trời bao la, a ơ,... Lý Sơn nhớ Hoàng – Trường Sa, ông cha ngày trước đã ra canh phòng...”. Những điệu hát ru này còn tái hiện sự hy sinh gian khổ, sự can trường của những binh phu Hoàng Sa năm xưa. Lời ru ngọt ngào, da diết khiến người nghe cảm nhận như đâu đây vang lên âm thanh trầm hùng của tiếng ốc u, tiếng trống giục giã tiễn đoàn binh phu xuống thuyền ra Hoàng Sa mênh mông sóng nước. “À ơi/Con ơi con ngủ cho mau/Để mẹ nấu cháo luộc rau cho cha dùng/Ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/Hoàng Sa là của nước ta/Để người ngoại quốc xâm vào chẳng yên/Con ơi con ngủ cho ngoan/Để mẹ đi tiễn cha xuống thuyền chứ tù và kêu. Ơn nghĩa cha ông, bao người trước mình quên thân để có hôm nay, nên mới có câu: “Ân đức xây dựng miền đảo Lý/Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa””, bà Hảo chia sẻ. 

Người giữ hồn quê hương

Bà Hảo kể lại, thời con gái, buổi trưa bà thường theo các chị, các mẹ ra bờ cát ven đảo đan lưới rồi hát đối đáp cùng các anh, chị trong làng. Những đêm trăng, trai gái còn tụ họp hát ru cả đêm. Tuy nhiên, khi chúng tôi gợi ý bà mời thêm mấy người phụ nữ đến hát đối đáp, thì bà Hảo chỉ lắc đầu. Bà nói vẻ tiếc nuối: “Thời của những người phụ nữ như bà, mẹ và chúng tôi, hát ru con là một thói quen phổ biến ở tất cả các gia đình. Nhưng bây giờ thì khác, các bà mẹ trẻ không còn hát ru con, giới trẻ chỉ nghe nhạc trẻ mà thôi. Vì vậy, tôi trở thành người duy nhất trên đảo còn hát ru, tôi sợ sau này rồi cũng dần quên lãng, đó cũng là điều khiến tôi buồn và tiếc nuối”.

Trước đây, bà Hảo là Phó Chủ tịch mặt trận xã Lý Vĩnh (nay là An Vĩnh, huyện Lý Sơn). Công việc của bà là giúp những người phụ nữ trong xã có cái nhìn tốt hơn về sức khỏe sinh sản cũng như việc nuôi dạy con cái. Để hoàn thành nhiệm vụ, bà luôn phải sát sao từng đối tượng, xông xáo trong các hoạt động văn nghệ tuyên truyền. Từ đó, bà trở thành cây văn nghệ chính của xã, rồi của huyện. Cũng từ đây, những bài hát ru mẹ dạy thuở nhỏ được bà đưa đi biểu diễn khắp nơi, trong các cuộc hội diễn văn nghệ ở huyện, tỉnh bà đều đạt giải cao.

Ở Lý Sơn, gần như bà là người duy nhất thuộc nhiều bài hát ru Hoàng Sa. Tiếng lành đồn xa, nhiều du khách vì mê giọng hát ru ngọt ngào nên đã tìm đến nhà bà. Ban đầu, người ta đến để nghe bà hát rồi ghi hình, ghi âm. Sau đó, tiếng hát ru làm say đắm lòng người của bà được đưa lên các chương trình truyền hình, rồi bà được bà con trên đảo phong danh hiệu nghệ nhân. Bà Hảo cười, nói: “Tôi hát với mong muốn được giữ hồn cho quê hương, để lớp trẻ sau này còn thấy được cái hào hùng của đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Ai ngờ, tôi được đi hát ở nhiều nơi,  lại còn được bà con ở Lý Sơn đặt cho biệt danh Người đàn bà hát ru Hoàng Sa”.

Không chỉ hát những bài mà các bậc tiền bối để lại, bà Hảo còn có thể sáng tác và hát những bài mới, phù hợp với cuộc sống. Hai kỷ niệm mà bà nhớ nhất đó là khi hát cho đài Phát thanh truyền hình Quảng Ngãi và cho ông Hồ Cương Quyết (tên Pháp là André Menras) nghe để thực hiện bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát. Sau lần đó, lần nào ra Lý Sơn, ông Hồ Cương Quyết cũng đều đến thăm hỏi và nghe bà hát. Cũng từ những câu ca này mà bà thấy mình cần phải có trách nhiệm với quê hương.

Chia tay bà Hảo, tạm xa rời sự yên bình vốn có của Lý Sơn, chúng tôi trở về đất liền khi không khí của ngày Tết đang cận kề, nhưng những câu hát ru của người phụ nữ vùng đảo cứ theo từng nhịp sóng nhẹ nhàng, vang vọng theo từng bước chân.

Mở lớp dạy hát ru Hoàng Sa

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Minh Hùng, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lý Sơn chia sẻ: “Quả thật lời hát ru dân gian đang dần mai một khi thế hệ trẻ bây giờ lại thích nghe nhạc thị trường. Vì vậy đây cũng là mối bận tâm của địa phương nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu tổ chức lớp dạy hát, hoặc có thể lồng vào chương trình dạy nhạc dân gian ở trường học. Giúp thế hệ trẻ học hát ru, chính là lưu giữ lại lịch sử, văn hóa liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa  thân yêu".

NHƯ Ý

Xem thêm video tin tức:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý