Hé lộ chiêu trò ép giá của các đầu nậu thu mua tôm tại Quảng Bình

forlife forlife @forlife

Hé lộ chiêu trò ép giá của các đầu nậu thu mua tôm tại Quảng Bình

(ĐSPL) “Mọi năm tôm được giá, các thương lái canh ngày đêm để tranh nhau mua, nhưng năm nay thì có gọi họ đến mua chưa chắc họ đã mua”, anh N. buồn bã nói.

10/10/2015 10:02 AM
154

Theo phản ánh của nhiều hộ nuôi tôm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc thu mua tôm của các hộ nuôi phụ thuộc vào 8 đầu nậu ở rải rác ở các huyện, thành phố.

Đến mùa thu hoạch, các hộ nuôi liên lạc với các đầu nậu này nhưng họ chỉ nhận được một người đồng ý mua trong số 8 đầu nậu đó. Người bán không có sự lựa chọn nào khác bởi liên lạc với đầu nậu đó rồi thì không thể liên thể liên lạc với ai khác, nếu có thì cũng bị từ chối mua. Do đó, không có cách nào khác, người nuôi tôm buộc phải bán với cái giá mà đầu nậu đó đưa ra.

Mặc dù, biết bị ép giá nhưng người nuôi tôm cũng buộc phải bán. Bởi theo một đầu nậu thu mua hải sản ở Hải Phòng cho biết, mỗi nơi có một “luật bất thành văn rồi” không thể “vượt mặt” “cò” địa phương được. Muốn làm ăn lâu dài thì phải tuân thủ nếu không bị “xử đẹp” ngay. Chính vì thế người nuôi tôm không thể tiếp cận được với thương lái ở tỉnh khác trong khi người làm giá với họ cũng không trực tiếp mua mà cũng “làm giá” lại.

Vừa bán hết số tôm của vụ vừa rồi và chuẩn bị xuống giống cho đợt nuôi tôm tiếp theo nhưng anh Hoàng Minh N., xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫn không dấu nổi vẻ mệt mỏi và buồn bã bởi giá tôm năm nay làm cho những người nuôi tôm lớn như anh thua lỗ quá nặng.

Anh N. bắt đầu nuôi tôm từ năm 2013 và trong năm kế tiếp anh đều có lãi vì giá tôm khá ổn định. Nhưng sang đến năm 2015 thì thua lỗ nặng nề, phần lớn đều do giá tôm đã giảm mạnh so với năm ngoái.

 - Ảnh 1Phóng to

Dù bị thua lỗ nhưng anh N. vẫn phải tiếp tục đầu tư để mong gỡ lại vốn

Mặc dù, giá thức ăn không tăng nhưng do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên vụ đông phải kéo dài đến 5 tháng mới thu hoạch được, trong khi thông thường 3 tháng là đã có thể bán tôm được rồi. Kéo theo đó, chi phí đầu tư cũng cao lên, đã thế tôm lại rớt giá thảm hại. Với 5 hồ, mỗi hồ nuôi gần 3500m2 anh N. lỗ trung bình mỗi hồ hơn 300 triệu đồng.

Anh N. cho biết: “Chỉ cần giữ giá bằng năm ngoái là người nuôi tôm đã có thể có lãi rồi. Năm ngoái 1kg tôm loại 50 con có giá 270.000 đồng thì năm nay chỉ được 135.000 đồng, giá giảm đi 1 nửa nên người nuôi ít thì lỗ ít, người nuôi nhiều thì lỗ nhiều”.

“Điều đáng nói, mọi năm tôm được giá, các thương lái họ chầu chực, canh ngày đêm để tranh nhau mua, nhưng năm nay thì có gọi họ đến mua chưa chắc họ đã mua”, anh N. buồn bã nói.

Cũng ở vào hoàn cảnh tương tự, anh Trương Quang Ph., xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết: “Năm ngoái, thương lái họ tự đến với mình. Nhưng năm nay, có gọi họ đến thì họ cũng xem qua, chụp ảnh con tôm đem về xem rồi mới quyết định mua hay không chứ không phải đến thấy là mua đâu”.

 - Ảnh 2Phóng to

Hồ nuôi tôm của một hộ dân ở xã Bảo Ninh

Trước sự việc giá tôm giảm mạnh, anh Ngô Minh P., xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho rằng: “Việc đưa ra giá thu mua tôm ở Quảng Bình không phụ thuộc nhiều vào thị trường mà phụ thuộc vào các đầu nậu, hay là các “cò mồi tôm””.

Sau hơn 6 năm bước vào nghề nuôi tôm, hiện nay anh P. được xem là hộ nuôi tôm lớn nhất ở huyện Lệ Thủy với 32 hồ tôm. Nhưng theo anh P., năm nay là năm giá xuống thấp nhất và lại xuất hiện tình trạng “cò” quyết định giá tôm.

Anh P. chia sẻ: “Vẫn biết giá tôm xuống thấp là do thị trường xuất khẩu thu hẹp nhưng năm nay giá đã thấp chúng tôi lại tiếp tục bị các đầu nậu làm giá. Qua tham khảo giá thu mua tôm ở một số tỉnh khác thì giá tôm ở Quảng Bình bị thấp hơn từ 5 – 10 giá. Nguyên nhân không phải do tôm của chúng tôi không đảm bảo chất lượng mà cơ bản là chúng tôi không tiếp cận được với các thương lái thực sự mà phải qua môi giới khi muốn bán tôm”.

Không dừng lại ở đó, thống nhất giá xong người nuôi tôm còn phải chịu thêm tiền hoa hồng cho “cò” với giá 1000đồng/kg tôm bán ra.

“Họ biết năm nay tôm không được giá nên họ tìm mọi cách để ép chúng tôi phải bán. Vì biết rằng không bán cho họ thì cũng không thể bán cho ai nên chúng tôi đành phải chấp nhận, đã lỗ lại càng thêm lỗ”, một hộ nuôi tôm cho  biết.

 - Ảnh 3Phóng to

Bà con bắt đầu một vụ nuôi mới với hy vọng được mùa, giá lại tăng

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại sản lượng thu hoạch tôm của Quảng Bình đã đạt hơn 4000 tấn, vượt kế hoạch đặt ra cả năm là 4500 tấn. Thế nhưng thay vì mừng vui được mùa, phần lớn người nuôi tôm đều lao đao trong thua lỗ, thậm chí trắng tay.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Bùi Xuân Ngọc, Trưởng phòng Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết: “Chính việc giá tôm năm nay giảm mạnh nên đã đẩy người nuôi tôm ở vào thế bị động buộc phải bán để thu hồi vốn”.

“Năm nay chúng tôi đã nghe rất nhiều hộ nuôi tôm phản ánh việc bị các đầu nậu hay là “cò mồi” ép giá gây ra rất nhiều thiệt hại cho bà con. Tuy nhiên, chúng tôi không được cung cấp bằng chứng của việc ép giá và làm giá này nên rất khó để giúp đỡ bà con chấm dứt hiện tượng này được. Nếu có bằng chứng cụ thể chúng tôi sẽ mời công an vào cuộc ngay”, ông Ngọc cho biết thêm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.

Xuân Hương

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý