Hé lộ danh tính nhiều thương vụ sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng

nganha nganha @nganha

Hé lộ danh tính nhiều thương vụ sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng

Báo cáo của NHNN cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2014, ngoài trường hợp chấp thuận cho VPBank mua lại Công ty tài chính Than khoáng sản, NHNN tiếp tục thẩm định phương án cơ cấu lại đối với 03 công ty tài chính ty tài chính.

30/09/2014 05:38 AM
7,082

SHB sáp nhập Vinaconex Viettel, Techcombank mua Tài chính hóa chất

Theo tin tức từ báo Đầu Tư, từ đầu năm đến nay, trong khi việc tái cơ cấu các ngân hàng diễn ra khá chậm chạp thì việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cụ thể là các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính lại diễn ra khá mạnh mẽ.

Báo cáo của NHNN cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2014, ngoài trường hợp chấp thuận cho VPBank mua lại Công ty tài chính Than khoáng sản, NHNN tiếp tục thẩm định phương án cơ cấu lại đối với 03 công ty tài chính ty tài chính, bao gồm: Công ty tài chính cổ phần Điện lực, Công ty tài chính cổ phần Hóa chất, Công ty tài chính cổ phần Dệt may.

Techcombank là ngân hàng mới nhất tham gia vào làn sóng thâu tóm công ty tài chính đang rộ lên thời gian gần đây.

Theo đó, NHNN đã chấp thuận về chủ trương việc Maritime Bank mua lại Công ty tài chính cổ phần Dệt may. Đã xử lý đề nghị Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel sáp nhập vào SHB và đề nghị của Techcombank mua lại Công ty tài chính Hóa Chất.

 - Ảnh 1

Techcombank là ngân hàng mới nhất tham gia vào làn sóng thâu tóm công ty tài chính.

Như vậy, Techcombank là ngân hàng mới nhất tham gia vào làn sóng thâu tóm công ty tài chính đang rộ lên thời gian gần đây, cùng với SHB, Maritime Bank,VPBank, HDBank...

Đây cũng là lần đầu tiên NHNN xác nhận công ty tài chính Vinaconex Viettel xin sáp nhập vào SHB dù trước đó đã có rất nhiều đồn đoán về thông tin này.

Ngoài các trường hợp trên, NHNN cũng cho biết đã phê duyệt Phương án cơ cấu lại 8/8 TCTD phi ngân hàng nước ngoài (gồm 3 công ty cho thuê tài chính (VILC, KVLC, CILC) và 5 công ty tài chính (Toyota, Prudential, Mirae Asset, PPF, JACCS),

Đã chấp thuận chủ trương Southern Bank sáp nhập Sacombank, MDB sáp nhập Maritime Bank

Một thông tin đáng chú ý trong phần giải trình chất vấn của NHNN là hiện NHNN đã chấp thuận chủ trương Southern Bank sáp nhập Sacombank, MDB sáp nhập Maritime Bank. Trước đó, cuối tháng 8/2014, UBND TP.HCM cho biết, phương án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank chưa được thông qua.

Ngoài hai trường hợp trên, NHNN cũng cho biết đang tích cực chỉ đạo triển khai một số trường hợp mua lại một số TCTD khác.

Cũng về tái cơ cấu NHTM cổ phần, báo cáo của NHNN cho biết, trong số 9 NHTMCP yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, trong thời gian tới, NHNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với 01 ngân hàng còn lại.

Hiện nay, các ngân hàng này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt. Trong đó, một số NHTMCP yếu kém xác định trong năm 2013 đang được NHNN áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu.

Sau hơn 2 năm tái cơ cấu, đến nay hệ thống ngân hàng đã giảm bớt 5 ngân hàng qua sáp nhập, hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà nội, Phương Tây, Đại Á).

Hầu hết các phương án tái cơ cấu NHTMCP yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc phương án cơ cấu lại được NHNN chấp thuận, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát của NHNN.

“Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu. Các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện và cơ bản đảm bảo theo quy định của NHNN. Đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 09 NHTMCP yếu kém tăng 3,l7% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 10,18% so với cuối năm 2013”, báo cáo của NHNN cho biết.

Riêng đối với các NHTMCP hoạt động bình thường, NHNN đã nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 NHTMCP.Trong đó, NHNN đã phê duyệt 18 Phương án tái cơ cấu, đồng thời yêu cầu NHTMCP còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.

 - Ảnh 2

MDB sáp nhập Maritime Bank.

Rút phép nhiều TCTD nước ngoài vi phạm

Về tái cơ cấu các TCTD nước ngoài, NHNN cho biết, thời gian qua cơ quan này tích cực chỉ đạo tái cơ cấu 3 ngân hàng liên doanh thuộc diện yếu kém hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trong đó có 2 ngân hàng dự kiến có sự thoái vốn của đối tác Việt Nam, triển khai việc rút giấy phép, đóng cửa một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động không có hiệu quả hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, chuyển giao tài sản, công nợ sang đơn vị trực thuộc của cùng ngân hàng mẹ hoạt động ở Việt Nam:

Triển khai cơ cấu lại Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB) và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng hoạt động của VRB, đồng thời chỉ đạo NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và VRB xây dựng Phương án cơ cấu lại phù hợp với Đề án 254 và định hướng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nga.

Đối với 02 Ngân hàng liên doanh VID Public và Việt Thái chưa đảm bảo mức vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ (3.000 tỷ đồng), NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng xây dựng phương án tái cơ cấu; trong đó NHNN đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc thoái vốn của BIDV trong liên doanh của Ngân hàng VID Public. Đến nay, NHNN đã nhận được phương án thoái vốn của BIDV khỏi VID Public. Đồng thời, NHNN đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý đối với Ngân hàng liên doanh Việt Thái theo quy định của pháp luật và Đề án cơ cấu lại.

Một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ thực không bảo đảm mức vốn điều lệ theo quy định, NHNN yêu cầu ngân hàng mẹ phải cấp bổ sung vốn cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam và đã được thực hiện đầy đủ. NHNN đã tiến hành thu hồi Giấy phép và kết thúc thanh lý đối với 02 chi nhánh của ngân hàng liên doanh Lào - Việt, tiến hành thu hồi Giấy phép và đang tiến hành thanh lý đối với 02 chi nhánh ngân hàng Credit Agricole.

NHNN cũng đã hoàn thành việc đóng cửa và xác nhận việc chuyển giao tài sản - công nợ đối với các chi nhánh thuộc Ngân hàng ANZ và Ngân hàng Shinhan. Hiện đang triển khai xử lý dứt điểm việc chuyển giao tài sản - công nợ để đóng cửa 02 chi nhánh của các Ngân hàng HSBC và Ngân hàng Standard Chartered.

Loại trừ “mầm bệnh”…

Nhìn lại hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, mặc dù hoạt động mới chỉ gần 2 thập kỷ nhưng hệ thống đã có những biến đổi cơ bản về chất (đa dạng về hình thức sở hữu, phong phú về loại hình dịch vụ), và về lượng (số lượng tổ chức tín dụng gia tăng, mạng lưới phát triển rộng). Tính đến nay, toàn hệ thống đã có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng phi ngân hàng, 1 Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, 1083 quỹ tín dụng cơ sở và 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Với vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính, các tổ chức tín dụng đã và đang gánh vác một nhiệm vụ quan trọng trong việc huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng hiện phải đối mặt với không ít khó khăn. Nền kinh tế thế giới chưa phục hồi sau khủng hoảng tài chính tiền tệ, lại thêm ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu, nguy cơ tái suy thoái kinh tế thế giới còn tiềm ẩn. Thị trường vốn trong nước có nhiều diễn biến không ổn định.

Trong khi đó, nội tại hệ thống tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập, phải củng cố, kiện toàn thường xuyên. Năng lực tài chính còn khiêm tốn, chất lượng quản trị, điều hành còn hạn chế. Sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn. Lợi nhuận chủ yếu mới chỉ từ hoạt động tín dụng. Với một số lượng các tổ chức tín dụng không nhỏ kể trên, cùng với mạng lưới hoạt động chủ yếu tập trung tại khu vực thành thị đã và đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng, gây áp lực đến lợi nhuận, qua đó tạo sức ép buộc các tổ chức tín dụng chấp nhận mức rủi ro cao, đe dọa đến an toàn hệ thống.

Mục tiêu nhất quán trong điều hành của Chính phủ cho năm nay cũng như cả nhiệm kỳ 2011-2015 là “ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý”, do đó, chính sách tiền tệ tiếp tục được thắt chặt. Mục tiêu hàng đầu được nhấn mạnh đối với chính sách tiền tệ giai đoạn này là ổn định giá trị sức mua của đồng tiền, điều hành tăng trưởng tín dụng không quá 3 lần tốc độ tăng GDP hàng năm, kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán tương thích với tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng giữ ở mức thấp để kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các tổ chức tín dụng cần hoạch định cho mình chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng và tiến hành các biện pháp tái cấu trúc để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp hữu hiệu có thể lựa chọn là sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng.

Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng giúp hình thành nên những định chế tài chính lớn hơn, mạnh hơn, có khả năng trụ vững trong một môi trường cạnh tranh ngày một trở nên khốc liệt, qua đó lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng. Giữa những năm 1990, tại Việt Nam, chúng ta cũng đã chứng kiến các cuộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng thành công, góp phần tạo dựng một hệ thống tổ chức tín dụng lớn mạnh hơn. Hiện tại, chúng ta đã có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động này (Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 của Ngân hàng Nhà nước). Do đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trương khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Để thực hiện chủ trương này, trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thành công, góp phần từng bước kiện toàn hệ thống các định chế tài chính Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, phát triển bền vững.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Xem thêm video clip : Xăng giảm giá 600 đồng/lít, còn 24.210 đồng/lít

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý