Hé lộ những bức thư tình của các bậc vĩ nhân trên thế giới

biettuot biettuot @biettuot

Hé lộ những bức thư tình của các bậc vĩ nhân trên thế giới

Các bậc vĩ nhân trên thế giới đã có những cống hiến vô cùng lớn lao cho nhân loại. Nhưng cũng như bao người khác, họ cũng có những cảm xúc yêu đương mãnh liệt được gửi gắm qua những bức thư tay

13/04/2017 10:18 AM
361

Các bậc vĩ nhân trên thế giới đã có những cống hiến vô cùng lớn lao cho nhân loại. Nhưng cũng như bao người khác, họ cũng có những mối tình đẹp, những cảm xúc yêu đương mãnh liệt. Khi ấy, tình yêu của các bậc thiên tài được gửi gắm qua những bức thư tay.

Sự tò mò của con người là không giới hạn, đặc biệt những bí mật thuộc về các vĩ nhân lại luôn khiến trí tò mò của con người trỗi dậy. Chúng ta vẫn luôn thắc mắc rằng, vào thời ấy các bậc vĩ nhân đã thể hiện tình cảm, tình yêu say đắm của mình tới người phụ nữ họ yêu bằng cách nào. Và sau này, câu trả lời ngắn gọn nhất cho những thắc mắc đời tư là “họ đã trao gửi yêu thương bằng những dòng thư tay, những bức thư tình sâu sắc nhất”.

Hãy cùng khám phá bí mật về những bức thư tình của các thiên tài - những con người đã ghi dấu mình trong lịch sử thế giới!

1. Nhà vật lý thiên tài Albert Einstein

Hé lộ những bức thư tình của các bậc vĩ nhân trên thế giới - Ảnh 1

Albert Einstein (1879 - 1955), một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất thế giới, được coi là "cha đẻ" của ngành vật lý hiện đại. Ông cũng là người khai sinh ra thuyết tương đối, giải thích về bản chất của lực hấp dẫn, đến nay lý thuyết này vẫn được sử dụng.

Ít ai ngờ rằng có rất nhiều "bóng hồng" xuất hiện trong cuộc đời của thiên tài này, không chỉ riêng gì hai người vợ của ông. Theo thông tin đăng tải trên tạp chí Listverse, trong một số bức thư Einstein gửi cho con gái riêng của vợ hai thì "6 người tình mà ông gần gũi đều chủ động tán tỉnh" ông.

Năm 1903, Einstein kết hôn với người vợ đầu, có với bà 3 đứa con và đến năm 1919 thì ly hôn. Sau đó ông tái hôn với người vợ thứ hai cũng chính là em họ ông. Khi đó, người vợ thứ đã có hai con gái riêng, nhưng đều lấy theo họ của Einstein và được ông yêu thương như con đẻ. Năm 1936, người vợ thứ qua đời vì bệnh tật.

Trong một lá thứ gửi cho con riêng của vợ thứ, Einstein đề cập đến những người tình của mình: "M. đã theo bố đến tận đây. Cô ấy điên cuồng tán tỉnh bố và bố không thể làm gì để ngăn cô ấy."

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ tình cảm của ông với một trong số những người phụ nữ theo đuổi ông: "Bố thật sự bị thu hút bởi cô L., cô ấy khá tử tế và hoàn toàn vô hại."

2. "Nàng thơ" của nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven

Ludwig van Beethoven, thiên tài âm nhạc người Đức có công mở đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Mặc dù cuộc đời của ông gắn liền với bệnh tật. Năm 30 tuổi, Beethoven bị khiếm thính hoàn toàn.

Vượt lên trên số phận nghiệt ngã, ông vẫn cho ra đời những tác phẩm kinh điển đóng góp vào kho tàng âm nhạc đồ sộ của thế giớ. Tiêu biểu phải kể đến những bản giao hưởng như Anh hùng ca, Đồng quê,... cùng các bản sonata được ông sáng tác trong những năm cuối đời.

Đời sống riêng tư cũng như bệnh tật của nhà soạn nhạc vĩ đại này luôn là đề tài hấp dẫn học giả. Dù ông không kết hôn, nhưng người ta tin rằng có rất nhiều phụ nữ đi qua cuộc đời của Beethoven. Vậy ai là "nàng thơ" truyền cảm hứng cho nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng nhất thế giới này?

Nhiều nghiên cứu cho biết sinh thời, Beethoven được nhiều phụ nữ ngưỡng mộ và theo đuổi. Trái tim ông lại dành tình yêu đơn phương mãnh liệt cho một cô học trò tên Theresa de Brunowick. Vẻ đẹp trẻ trung, ngọt ngào của Theresa đã truyền cảm hứng cho Beethoven sinh ra đứa con tinh thần chính là bản giao hưởng số 6 "Đồng quê".

Nhưng sau khi cầu hôn Theresa và bị cự tuyệt, nhiều ý kiến cho rằng bản "For Elise" của ông ra đời để dành tặng cho nàng Elise - chính là Theresa nhằm nói lên nỗi lòng của mình: tình yêu ông dành cho cô mãi mãi không thay đổi.

Bên cạnh đó, một nhà nghiên cứu âm nhạc người Đức cho rằng Beethoven dành tặng "For Elise" tới Elisabeth Roeckel. Đây là người tình trong mộng của nhà soạn nhạc tài ba. Bởi trong cuốn sách Beethoven in the eyes of his contemporaries (tạm dịch là Beethoven trong mắt những người cùng thời) có nhắc tới một phụ nữ tên Elisabeth Roeckel.

Dưới đây là trích đoạn trong bức thư tình Beethoven viết cho nàng thơ được đăng trong tuyển tập "The 50 Greatest Love Letter of All Time" (tạm dịch là "50 bức thư tình hay nhất mọi thời đại"); trong đó ông gọi nàng là "người tình bất tử", "thiên thần của ta, cuộc sống của ta, tất cả của riêng ta":

Hé lộ những bức thư tình của các bậc vĩ nhân trên thế giới - Ảnh 2

"Thiên thần của ta, của riêng ta...

Tại sao nỗi đau này mãi quẩn quanh. Tình yêu của chúng ta liệu có thể kéo dài mãi mà không cần trải qua những hy sinh, đau thương không? Nàng có thay đổi được sự thật rằng nàng không phải trọn vẹn thuộc về ta, và ta cũng không thể có được trọn vẹn bản thân mình?

Chúa ơi! Hãy trông thiên nhiên tươi đẹp trong vẻ đẹp của nàng, và hãy để trái tim nàng nơi nó thuộc về - Tỉnh yêu chỉ cần vậy thôi, phải không?

Chúng ta sẽ còn gặp nhau nữa phải không?...

Trái tim ta còn muốn nói với nàng rất nhiều điều..."

3. Bức thư tình gửi vợ mới cưới của Napoleon

Nước Pháp và cả thế giới thường nhắc đến Napoleon Bonaparte với lòng ngưỡng mộ và sự tôn kính dành cho nhà lãnh đạo kiệt xuất, một bậc thầy về quân sự. Và cũng rất nhiều người đã từng nghe qua về khả năng chinh phục trái tim mĩ nhân của Napoleon, đặc biệt là những bức thư tình của trái tim yêu thương cháy bỏng.

Vào năm 1797, Napoleon cưới Joséphine de Beauharnais - một người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần và rất quyến rũ. Lúc này ông đã là một danh tướng và phải lên đường ra trận để chỉ huy đội quân của mình chiến đấu. Vì thế, dù mới cưới nhưng ông đã phải tạm biệt người vợ mới cưới để ra chiến trường.

Trong khoảng thời gian xa vợ, ông luôn lo sợ Joséphine không chung thủy với mình. Sự ghen tuông, hồ nghi khiến ông vô cùng khổ tâm và thôi thúc ông viết bức thư tay gửi vợ sau 21 ngày cưới. Bức thư thể hiện đượng tình yêu nồng nàn mà Napoleon dành cho Joséphine.

Hé lộ những bức thư tình của các bậc vĩ nhân trên thế giới - Ảnh 3

Bức thư tình có nội dung:

"Nếu em yêu anh ít thôi thì có lẽ em chưa bao giờ yêu anh cả".

Chẳng có ngày nào anh không yêu em. Chẳng có đêm nào anh không ôm em vào lòng. Chẳng có khi nào anh uống trà mà không nguyền rủa cái chiến công và tham vọng đã nắm giữ anh, khác hẳn với tâm hồn anh.

Joséphine yêu dấu của anh, là duy nhất trong trái tim anh, đủ chiếm giữ tinh thần anh, chiếm lĩnh mọi suy nghĩ của anh. Nếu như anh xa em với vận tốc của dòng thác sông Rhône, đó là để gặp lại em nhanh hơn. Nếu như giữa đêm khuya, anh vùng dậy làm việc, đó là vì có thể được gặp em trước vài ngày. Vậy mà trong bức thư em gửi từ ngày 23 tháng Ba, em đã gọi anh bằng "ông".

Ông ư? Chính là em mới phải! Ôi! Người vợ xấu bụng của anh! Em có thể viết một bức thư như thế sao? Nó mới lạnh lẽo làm sao! Và rồi từ ngày 23 đến 26 có tới những bốn ngày: Em đã làm gì mà không viết một dòng cho ông chồng của em?...

Ngày em nói với tôi "Em yêu ông ít thôi" sẽ là ngày cuối cùng của tình yêu tôi dành cho em và cũng là ngày tận thế của cuộc đời tôi. Joséphine! Joséphine! Hãy nhớ lại đôi điều anh nói với em: Tạo hóa đã hun đúc cho anh một tâm hồn mạnh mẽ và quyết đoán; nó dệt nên em bằng gấm vóc và sự dịu êm. Em đã hết yêu anh rồi ư? Hãy tha lỗi cho anh, tâm hồn của cuộc đời anh. Em đã hoàn toàn ngự trị trong trái tim anh, mọi nỗi lo sợ làm cho anh trở nên bất hạnh.

Chúa ơi! Ôi! Nếu em yêu anh ít thôi thì có lẽ em chưa bao giờ yêu anh cả. Chính vì thế mà anh hết sức đau lòng.

4. Thư tình của Các Mác và Gienny

Được xem là một trong những nhà triết học vĩ đại của thế giới, nhưng ít ai biết rằng Mác là người đàn ông khá lãng mạn. Điều đó được thể hiện qua những bức thư tình đầy yêu thương và “có cánh” của ông dành cho vợ Gienny. Trong khoảng thời gian xa cách, cả hai thường xuyên viết những bức thư tay vô cùng tình cảm gửi cho nhau. Mác cho rằng sự xa cách như thứ gia vị làm cho tình yêu thêm mãnh liệt. Cho đến bây giờ, hạnh phúc của Mác vẫn được cả thế giới ngưỡng mộ.

Em yêu quí của anh !

Anh lại được viết thư cho em, bởi vì anh đang cô đơn và bởi vì anh cảm thấy khổ sở khi luôn luôn chỉ được trò chuyện cùng em trong tâm tưởng, còn em lại không biết gì về điều đó, lại không nghe thấy anh và không thể trả lời anh. Em hiện lên trước mắt anh thật là sống động, anh bế em trên tay, hôn em từ đầu đến chân, anh quỳ dưới chân em mà thì thầm: "Anh yêu em!"

Xa cách nhau ít hôm là một điều rất có ích, bởi sự giao tiếp thường xuyên dễ gây cảm giác đơn điệu khiến những khác biệt giữa các sự vật bị xoá nhòa. Ngay cả các ngọn tháp nếu ta đứng gần, cũng có vẻ như không còn cao lắm, trong khi đó, những chuyện vặt vãnh trong đời sống hàng ngày, khi ta đụng chạm sát sạt với chúng, lại tăng lên đáng kể. Cái niềm say mê cũng vậy. Những thói quen thường ngày, do ta ở gần nhau nên chiếm lĩnh ta hoàn toàn và có vẻ giống như niềm say mê, sẽ không tồn tại nữa một khi đối tượng trực tiếp của chúng biến mất khỏi tầm nhìn. Những niềm say mê sâu sắc, do đối tượng ở kề bên nên có vẻ giống như các thói quen thường ngày, sẽ nổi hẳn lên và lại có được sức mãnh liệt vốn có của chúng dưới tác động diệu kỳ của sự xa cách. Tình yêu của anh đối với em cũng thế.

Hễ có một khoảng không gian phân cách chúng ta là ngay lập tức anh thấy rõ thời gian phục vụ cho tình yêu của anh chỉ nhằm mục đích y hệt mục đích mà nắng và mưa phục vụ cho cây cỏ - tức là để phát triển. Tình yêu của anh đối với em, hễ em ở xa anh, hiện lên đúng như tầm cỡ của nó - tầm cỡ của một chàng khổng lồ ở đó tập trung toàn bộ nghị lực tinh thần của anh và toàn bộ sức mạnh các tình cảm của anh. Anh lại cảm thấy mình là là một con người hiểu theo ý nghĩa đầy đủ của từ này, bởi anh được sống trong niềm say mê lớn lao...

Ðương nhiên trong thế gian này có nhiều phụ nữ và có một số người rất đẹp. Nhưng làm sao anh có thể tìm được một gương mặt nữa mà mỗi đường nét, thậm chí cả mỗi nếp nhăn trên đó đều gợi được trong anh những kỷ niệm mãnh liệt và đẹp đẽ nhất của đời anh? Tạm biệt em nhé, em yêu quí của anh, một ngàn lần, một vạn lần hôn em và các con.

Các của em!

Hé lộ những bức thư tình của các bậc vĩ nhân trên thế giới - Ảnh 4

Những bức thư tình của Phiđen Caxtơrô

Trong những tháng ngày của thời thanh niên sôi nổi, mặc dù bị cầm tù nhưng qua những cánh thư ông gửi cho người bạn gái có thể thấy được một tình yêu đẹp Phiđen dành cho người phụ nữ của đời mình đồng thời qua đó cũng thấy được lý tưởng cách mạng cao đẹp của một chiến sĩ cộng sản luôn sống vì đất nước và nhân dân.

Nội dung bức thư tình:

Nati yêu quý ! Từ chốn lao tù này anh xin gửi tới em lời thăm hỏi ân cần. Anh luôn luôn nhớ và yêu em mặc dầu đã từ lâu anh chưa được tin tức gì về em. Anh đã nhận được bức thư thân yêu mà em nhờ mẹ anh chuyển cho anh và bao giờ anh cũng giữ nó bên mình. Nếu em đã đau khổ nhiều vì anh thì mong em biết rằng, anh rất vui lòng được hiến dâng cuộc đời mình cho danh dự và hạnh phúc của em. Mặc dầu cuộc đời này còn rất nghèo nàn, nhưng có những thứ bất diệt và vĩnh cửu như ký ức của anh về em và sẽ mãi còn lại với anh cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Ngày 5/1/1954 Nati yêu quý của anh! Thật ra việc trao đổi thư từ giữa anh và em là một điều kỳ cục. Những lá thư của chúng ta giống những sinh linh có cuộc sống riêng của chúng. Chúng gặp gỡ ở đâu đó trên con đuờng đi của chúng mình và chia sẻ với nhau những bí mật và những vấn đề của chúng trước khi đến tay chúng ta. Và ai xui chúng ta nghĩ ra và viết những lời lẽ nồng nàn nhân ngày lễ Giáng Sinh? Và em có cảm thấy ở đây không thể không có sự thần giao cách cảm? Những bức thư của chúng ta trong bảy tuần lễ vừa qua đã vượt qua được những giai đoạn ban đầu, giai đoạn của sự giữ kẽ nhẹ nhàng và của cơn sốc đầu tiên do tình cảm bị kìm hãm quá lâu đồng thời cũng là giai đoạn thích ứng với hoàn cảnh và những người chung quanh. Cứ mỗi lần đọc thư của em anh lại càng thấy rõ rằng tạo hóa quả đã rất hậu hĩnh đối với em vì đã phú cho em trí thông minh với một tâm hồn (và tất nhiên cũng không quên ban cho em một hình dáng kiều diễm). Còn về những bức thư của anh thì anh viết cho em và chỉ để cho riêng em mà thôi. Và anh không quan tâm đến việc em sẽ định làm gì với chúng. Em đề nghị anh giữ kín việc trao đổi thư từ giữa chúng ta. Em có thể tin anh trong chuyện này - anh mỉm cuời khi nghĩ tới điều đó. Bởi lẽ đến một lúc nào đấy thì tất cả mọi nguời cũng sẽ biết sự bí mật này. Ôm hôn em, Phiđen của em.

Trên đây chỉ là những trích đoạn ngắn trong những bức thư tình đầy cảm xúc của các bậc vĩ nhân mà nhiều người vẫn tò mò. Tình yêu, dù ở bất kỳ thời điểm nào chỉ cần sự chân thành là đủ.

Tổng hợp (từ Vietnamnet/ PL&XH/ Dân Việt)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý