Hoa khôi bóng chuyền Phạm Kim Huệ - Hạnh phúc bình dị sau những thăng trầm

mesuhao mesuhao @mesuhao

Hoa khôi bóng chuyền Phạm Kim Huệ - Hạnh phúc bình dị sau những thăng trầm

Huệ bảo rằng, gia đình, đó là hậu phương vững chắc, một tổ ấm bình yên mà mỗi lúc trở về, sau những vinh quang, thành bại, sau những tràng vỗ tay khen ngợi hay những giọt nước mắt sẻ chia, chị thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa….

27/09/2010 10:46 AM
70,416

Đã nhiều lần tôi thấy tuyển thủ bóng chuyền mang áo số 5 Phạm Kim Huệ chơi hết mình ở các VTV Cup được truyền hình trực tiếp trong mùa giải các đội mạnh. Không hiểu do thần thái của chị lúc ấy bỗng trở nên cuốn hút là thường, hay bởi trời phú cho chị một gương mặt quyến rũ, mà cho dù ở góc độ quay nào, khi chị hả hê vì ghi điểm hay tức giận vì rớt điểm… tôi vẫn thấy gương mặt Huệ luôn tự nhiên, tươi sáng và đầy đam mê. Gương mặt ấy chẳng thua kém gì một “hot girl” chân dài nào trên sàn catwalk. Gương mặt đã mang về không ít vinh quang cho đội tuyển bóng chuyền Việt Nam cũng như đội tuyển Bộ Tư Lệnh Thông tin, nơi mà chị gắn bó từ ngày đầu tiên bước vào nghề.

http://pictures.vinatro.com/tin-bong-da-tin-the-thao/2007/03/06/tin-the-thao/giai-bong-chuyen-doi-manh-toan-quoc-vang-hoa-khoi-kim-hue-1-VinaTro.com-1.jpg

Tôi gặp Kim Huệ ngay vừa lúc chị đi thi đấu ở tỉnh xa về đến Hà Nội. Trong bộ quần áo thể thao khỏe khoắn, trông vóc dáng của bà mẹ một con từng được khán giả hâm mộ gọi bằng một cái tên đầy  quý mến “người đẹp thể thao” không hề thay đổi.  Vẫn đôi mắt với ánh nhìn biết nói, nụ cười duyên dáng, không ra vẻ lạnh lung nhưng cũng không quá cởi mở với những người mới gặp lần đầu… Đặc biệt khi Kim Huệ cười, ở chiếc răng khểnh của chị lộ ra một hạt đá lấp lánh như ánh sao. Đây là món quà mà cô em chồng tặng cho Huệ, khiến cho vẻ đẹp của “gái một con” như được tăng lên bởi dáng vẻ trẻ trung, tinh nghịch.

Câu chuyện giữa chúng tôi không phải như nhiều năm trước, sẽ bắt đầu từ quả bóng mà bắt đầu từ việc… khoe con! Cô con gái gần 4 tuổi của Huệ trông cao ráo, trắng trẻo và giống hệt bố. Dường như, chiếc điện thoại Iphone đắt tiền của cô chỉ để dùng và lưu giữ ảnh của chồng, của con, của bà và cháu cũng như nhiều bức ảnh gia đình mà Huệ rất trân trọng. Huệ nói bằng cảm của một người mẹ như bao bà mẹ khác: “Tôi giữ nhiều ảnh của con để lúc xa con mở ra xem cho đỡ nhớ. Bởi vì dù lập gia đình và sinh con rồi nhưng bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm con dâu tôi vẫn chưa thực hiện được nhiều. Khi trở lại sân bóng, có nghĩa là tôi phải chấp nhận những chuyến xa nhà triền mien, một tháng, tôi vắng nhà chừng  20 ngày để thi đấu là chuyện bình thường. Dù biết xa con, xa nhà là nhớ không chịu nổi và cũng vô tình, mình đang tự tước đi quyền làm mẹ của mình, không được ở cạnh con thường xuyên để nhìn con khôn lớn, ngoan ngoãn. Nhưng là một vận động viên thì tôi vẫn phải hoàn thành tốt công việc của mình, một điều mà bao nhiêu năm nay tôi đã làm, đã cống hiến”.

http://baoninhbinh.org.vn/uploads/news/20098894018_hue8.jpg


Có thâm niên 15 năm gắn bó với quả bóng trên tay, song, nhắc về những ngày đầu bước chân vào thể thao, giọng Huệ bỗng chốc vẫn trầm lắng, xa xăm như để ký ức vọng về những điều chưa bao giờ cũ. Cái thời cô nữ sinh Phạm Kim Huệ mới học lớp 6  trường An Dương ( Tây Hồ) cao kều (1m68) luôn ngại ngần với chiều cao của mình khi đi cùng chúng bạn. Và, như một mối duyên trời định sẵn, bóng chuyền là một giải pháp đối với cuộc đời Huệ  để cô được phát huy thế mạnh của mình.  Mặc dù hồi đó, môn thể thao mà Huệ thực sự muốn tham gia là điền kinh, nhưng chị lại lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển bóng chuyền của Câu lạc bộ Bộ Tư lệnh Thông tin. Năm ấy, Huệ là thí sinh cuối cùng trong số 100 người tham gia thi để chọn ra 30 vận động viên. Ba năm sau, 30 người ấy chỉ còn lại 9 người được chơi trong đội tuyển trẻ của Bộ Tự lệnh Thông Tin.

Đến nay, trong số 9 người đồng đội ngày ấy, chỉ còn lại duy nhất Huệ đi theo con đường chuyên nghiệp. Trúng tuyển vào môi trường quân đội, Huệ đã được huấn luyện để trở thành một quân  nhân chơi thể thao. Cái hồi mới chân ướt chân ráo chơi bóng chuyền, Huệ tập ở sân đất, sân ngoài trời không có mái che mấy năm trời, nắng nóng hay đông lạnh cũng phải tập. Từ sân đất đến sân xi – măng rồi bây giờ là sàn gỗ mái che mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu, nhiều điều khác xưa nhưng tình yêu, nỗi đam mê với bóng chuyền của chị vẫn không thay đổi. Huệ bảo rằng, ngày ấy, vật chất và điều kiện tập luyện khó khăn nhưng tình cảm ở đội bóng lúc nào cũng như một gia đình. Có khi sống ở câu lạc bộ, Huệ còn thấy các thầy cô Huấn luyện viên chăm sóc mình kỹ mình hơn bố mẹ ở nhà, từ bữa ăn giấc ngủ, cả những ốm đau, mệt mỏi và khó khăn, các huấn luyện viên đã  như những người  mẹ, dạy cho các con không chỉ chuyên môn mà còn cả những bài học ứng xử của cuộc sống.

Dường như, mỗi con người sinh ra đều đã khoác trên mình một thân phận, một sứ mệnh đã được định sẵn. Với Kim Huệ, điều mà số phận đã ban cho chị là một nhan sắc thể thao hiếm có cùng một tính cách mạnh mẽ và quyết đoán với cuộc đời mình. Hồi đang ở thời kì đỉnh cao, thấy chị có một ngoại hình lý tưởng của một người mẫu, đã có nhiều người mời Huệ tham gia sân chơi của những “cô gái chân dài”, bước đi đầy kiêu hãnh trong ánh đèn sân khấu xanh đỏ, với môi son, má phấn và những ánh hào quang bóng loáng của váy áo xênh xang cùng những tiếng vỗ tay rộn rã của nhiều đại gia, thiếu gia, cùng nhiều tay phó nháy săn lùng. Huệ cũng đã thử một lần đến với sàn catwalk, đó là lần chị được nhà tạo mẫu Minh Hạnh mời tham gia trình diễn trong tuần lễ thời trang Việt – Ý.

http://img.news.zing.vn/img/89/t89712.jpg



Khi được trang điểm bởi các chuyên gia, khi được khoác lên mình những bộ xiêm y lộng lẫy cùng một gương mặt ăn ảnh, Huệ cũng đã khiến cho bao ánh mắt như bị hút hồn trong từng bước đi, điệu đứng… Thánh đường của ánh sáng, âm thanh có thể đã đến với chị, rộng mở đón chị… Nhưng Huệ đã chối từ nó để trở về giản dị quần đùi, áo phông với những bước nhảy cao vút trên sân bóng. Huệ bảo rằng, có hàng trăm, hàng nghìn người trên trái đất này cũng có chiều cao lý tưởng, ngoại hình bắt mắt, nhưng không phải tất cả họ đều làm người mẫu, hoa hậu hay một điều gì tương tự. Và chị, chị thuộc về sân bóng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, lăn xả để tranh bóng, đập bóng, người nhễ nhại mồ hôi, thậm chí, trong lúc cao trào tập luyện, chị lả đi vì đói, vì căn bệnh huyết áp thấp… chứ chị sinh ra không phải trở thành một dáng mai dịu dàng, yểu điệu trên sân khấu đẹp đẽ kia.Điều đó, số phận đã an bài.

Huệ là người thật thà, chân thành. Nói đúng hơn, chị là một con người thẳng thắn. Cũng chính bởi điều này, chị được nhiều người quý mến nhưng cũng gặp không ít tai bay vạ gió. Có một thời, người ta đồn chị có đại gia sau lưng nâng đỡ. Cũng có một thời, hồi còn trẻ, chị dôc lòng trang trải nỗi niềm của mình về một mối tình đầu với những ước mơ bay bổng… để rồi sau đó, là những đêm khóc thầm trong tủi hờn, đơn độc vì bị dư luận quan tâm quá mức, bị đồng nghiệp nghi kị, thị phi, bị người yêu ghen tuông, phản bội…Rồi một cú vấp sau những vinh quang, chị bị rạn xương ống chân, phải đi môt và nằm viện mất nhiều tháng trời. Lúc đó, Huệ nghĩ rằng, thể thao, ở một khía cạnh nào đó đối với phụ nữ, là một nghề bạc bẽo. Khi còn khỏe, còn trẻ thì còn được trọng dụng, khi ốm đau, bệnh tật là bị vùi vào quên lãng như một chiếc áo đã cũ, đã lỗi thời. Đấy là chưa kể, những đồng lương ít ỏi mà chị kiếm được chẳng đủ để chị đóng góp phần nào giúp bố mẹ chị trang trải đời sống công chức trong thời buổi kinh tế thị trường. Đã có một thời gian tâm trạng của Huệ thực sự đi xuống.

http://image.tin247.com/vnmedia/080924192711-855-810.jpg



Chị đã nghĩ đến việc giải nghệ tìm một công việc phù hợp với mình hoặc kinh doanh một thứ gì đó để kiếm tiền lo cho đời sống… Hồi ấy, những lúc buồn bã, cô đơn, chị cùng cô bạn thân thường đến các quán bar để đắm chìm trong tiếng nhạc rộn ràng, để có thể xả stress. Và cũng ở đó, chị gặp được người bạn đời lý tưởng của mình.Một người đàn ông sống rất ga lăng, có trách nhiệm, hiểu và thông cảm với nghề nghiệp của Huệ. Anh đã là một bờ vai tin cậy và vững chãi giúp Huệ vượt qua những khó khăn, bất trắc. Người đàn ông ấy, không phải là một đại gia, anh đơn giản là một người cũng từng lăn lộn, nếm trải trong cuộc đời, cũng từng va vấp… Hai tâm hồn của họ đã thuộc về nhau như duyên nợ của cuộc đời. Một năm sau, họ làm đám cưới. Hệ tạm chia tay trái bóng để làm tròn thiên chức của người phụ nữ. Chị ở nhà chăm con, học nấu ăn từ người mẹ chồng đảm đang, tần tảo. Gần một năm sau, chị được gọi lại đội tuyển, một phần vì chị nhớ nghề, một phần vì đội tuyển cần chị để dự thi giải các đội mạnh VTV Cup, vì không thể có ai thay thế được vai trò của chiếc áo số 5, là chị, trên sân thi đấu.



Sự trở lại của Huệ đã làm cho bao khán giả chờ đợi và tin tưởng vào thành công của đội tuyển bóng chuyền nữ nước nhà. Ngược lại, Huệ buộc phải lựa chọn giữa công việc và gia đình. Thật khó để bất kì người đàn ông nào chấp nhận sự vắng nhà thường xuyên của vợ. Điều may mắn là Huệ có được người mẹ chồng thật tuyệt vời. Bà là người phụ nữ giỏi giang, làm nghề buôn bán đồ cổ nhưng chính sự giỏi giang ấy cũng khiến bà gặp không ít những trắc trở trong cuộc đời. Sau những lần đổ vỡ của hạnh phúc, một tay bà phải vừa làm bố để gây dựng cơ ngơi mà cũng phải vừa phải làm mẹ để lo cho các con khôn lớn. Bà nói với con dâu: “Con cứ làm công việc của mình để cháu ở nhà mẹ trông nom”. Hệ bảo rằng, có lẽ, niềm hạnh phúc lớn trong đời của chị là có người mẹ chồng hiểu và thông cảm cho mình. Bà thương chị như những người con bà đứt ruột sinh ra và chị biết ơn bà vì điều đó. Huệ bảo rằng, gia đình, đó là hậu phương vững chắc,một tổ ấm bình yên mà mỗi lúc trở về, sau những vinh quang, thành bại, sau những tràng vỗ tay khen ngợi hay những giọt nước mắt sẻ chia, chị thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa….

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý