Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47: Biển Đông vẫn là điểm nóng

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47: Biển Đông vẫn là điểm nóng

Congly.vn Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác vấn đề Biển Đông là chủ đề nóng tại các Hội nghị.

13/08/2014 11:32 AM
776

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự các hội nghị nói trên và gặp một số quan chức đồng cấp.

Quan ngại sâu sắc

Về tình hình quốc tế và khu vực, Biển Đông tiếp tục là vấn đề được các nước quan tâm và dành nhiều thời gian trao đổi. Các nước tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng vừa qua ở Biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, do đó cần phải nỗ lực bảo đảm không để tái diễn các sự việc tương tự.

Khẳng định hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của tất cả các nước, các Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982); giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trước hết là quy định tại Điều 5 của DOC về thực hiện kiềm chế, không được có hành động gây bất ổn định và làm phức tạp tình hình, yêu cầu cần đẩy mạnh thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình và ổn định ở khu vực.

Các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS) ở Naypyidaw ngày 10/8  Ảnh: AFP/TTXVN

AFP dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ có mặt tại Naypyitaw tiết lộ tại AMM-47 và ARF, các nước thành viên ASEAN “đã thể hiện rõ sự lo ngại ngày càng gia tăng đối với hành vi leo thang của Trung Quốc”. Các cuộc thảo luận tại phòng họp kín cho thấy sự quan ngại “ở mức độ cao chưa từng thấy”.

Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario thẳng thừng phát biểu rằng cả khu vực đều tận mắt chứng kiến “những hành động khiêu khích, gây hấn ngày càng gia tăng trên biển Đông, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực”.

Ông Del Rosario chỉ đích danh Trung Quốc rằng nước này cần lập tức ngừng các hành động đi ngược lại DOC, bao gồm việc cải tạo đất trên biển Đông, xây hải đăng ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hay có ý đồ xây căn cứ không quân ở quần đảo Trường Sa.

“Trung Quốc đang muốn hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền của họ trước khi COC được thành lập và tranh chấp được giải quyết ở tòa án trọng tài” - ông Del Rosario chỉ trích.

Các quan chức Mỹ đánh giá ngôn ngữ của thông cáo chung dù không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc nhưng mang tính chỉ trích cao và cản trở ý đồ kéo dài thời gian của Trung Quốc. “ASEAN quyết định rằng việc chỉ tập trung tuyên bố những điểm tích cực là không còn đủ nữa” - quan chức Mỹ bình luận.

Các nhà ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh Washington không hề có ý định đối đầu với Bắc Kinh, nhưng muốn bảo vệ các nguyên tắc và lợi ích chung trong khu vực. “Những gì xảy ra ở đây không chỉ là vấn đề với khu vực hay Mỹ mà với toàn thế giới” - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố tại Naypyitaw.

Kế hoạch ba bước của Philippines

Thông cáo chung của các ngoại trưởng ASEAN cũng ghi nhận kế hoạch ba bước của Philippines nhằm giảm căng thẳng trên biển Đông. Đó là đình chỉ các hành động khiêu khích, thực thi DOC và giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế trọng tài quốc tế.

Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho biết các nước ASEAN ủng hộ sáng kiến của Manila. Trước đó Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng chính thức đưa ra lời kêu gọi các bên ngừng lập tức những hành động gây bất ổn và leo thang căng thẳng trên biển Đông.

Bất chấp phản ứng lo ngại của ASEAN, Trung Quốc vẫn tỏ ra hung hăng về vấn đề biển Đông. Tại AMM-47, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mô tả Bắc Kinh “không phải là bên gây hấn trong vùng biển tranh chấp” và đe dọa “sẵn sàng thực hiện các hành động mạnh mẽ và rõ ràng để bảo vệ chủ quyền”.

Ông Vương Nghị bác bỏ kế hoạch ba bước của Philippines với lý do đề xuất này “làm đứt quãng đàm phán giải quyết tranh chấp, hủy hoại lợi ích chung của Trung Quốc và ASEAN, có ý đồ khác”...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry (Ảnh: Quỳnh Hoa)

Ông Vương Nghị chỉ trích Philippines đã thực hiện trước bước thứ ba trong kế hoạch ba bước là kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan). “Nếu Philippines muốn theo đuổi kế hoạch ba bước của họ, họ nên rút đơn kiện và trở lại với bước một... Họ đã bỏ qua bước một và nhảy thẳng tới bước ba. Hành động của họ mâu thuẫn với những đề xuất của họ”, ông Vương Nghị nói.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng phản bác  lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và nhấn mạnh Bắc Kinh “sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ chủ quyền biển” và tiếp tục luận điệu cũ là chỉ chấp nhận đàm phán song phương với các nước tranh chấp chủ quyền.

Theo báo Daily Inquirer, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario đã chỉ trích Trung Quốc bác bỏ kế hoạch ba bước của Manila để giảm căng thẳng trên biển Đông. “Trung Quốc phản đối sáng kiến này ngay lập tức dù họ lẽ ra phải nghiên cứu. Không nghiên cứu mà phản đối cho thấy Trung Quốc không thừa nhận căng thẳng biển Đông đang gây ra vấn đề cho tất cả các nước” - ông Del Rosario nói.

“Như thể họ nói là căng thẳng nào, vấn đề nào? Chẳng có vấn đề gì ở đây cả. Chúng ta không thể giải quyết khúc mắc nếu không thừa nhận vấn đề tồn tại. Rõ ràng Trung Quốc đang giả mù giả điếc về tình hình biển Đông” - ông Del Rosario bức xúc.

Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh kế hoạch ba bước của Manila được các quốc gia ASEAN ủng hộ. “Có nhiều tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ. Tất cả đều đồng ý rằng cần phải tìm giải pháp cho vấn đề biển Đông. Khi tôi đề xuất kế hoạch ba nước không quốc gia ASEAN nào phản đối. Đó là điều chưa từng thấy” - ông Del Rosario tiết lộ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói với trang tin The Rappler ngày 12-8 rằng không nên hiểu kế hoạch Philippines là các bước riêng rẽ. Những cách tiếp cận sơ bộ, trung gian và cuối cùng trong đề xuất ba bước “có thể được tiến hành cùng lúc, chứ không phải theo thứ tự lần lượt - theo lời ông Jose  - Chúng tôi không gọi là các bước, chúng tôi coi đây là cách tiếp cận”.

Về đề nghị của ông Vương yêu cầu Philippines rút đơn kiện, ông Jose nói: “Vì lợi ích quốc gia của chúng tôi, chúng tôi phải tiếp tục vụ kiện”.

Dư âm lo ngại về Biển Đông

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục phớt lờ những lời kêu gọi giảm căng thẳng. “Kế hoạch của Trung Quốc là cản trở ngoại giao, trói buộc ASEAN trong các cuộc đàm phán dằng dai, không biết bao giờ mới chấm dứt” - giáo sư Thayer nhận định.

Giáo sư Renato C. De Castro thuộc ĐH De La Salle ở Philippines cũng cho rằng Trung Quốc không hề nghiêm túc trong việc đàm phán bởi nước này đã xác định quyết làm chủ toàn bộ biển Đông. “Chúng tôi sẽ giám sát tình hình thực tế xung quanh những bãi đá, san hô và cát ngầm ở Biển Đông”, vị quan chức này nói.

Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao những tiến triển đạt được thời gian qua trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Về vấn đề Biển Đông, chia sẻ quan ngại sâu sắc về các vụ việc căng thẳng gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các nước cần cam kết và có các biện pháp không để tái diễn những hành động vi phạm tương tự. Phó Thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, và các nguyên tắc của ASEAN như đã được nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014, trong đó nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS, DOC; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là quy định tại Điều 5 về không được có các hành động làm phức tạp tình hình, đồng thời cần thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm đạt được COC.

Trả lời phỏng vấn về tình hình Biển Đông sau hội nghị này, TS Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới nói: Tôi cho rằng mong muốn Biển Đông lặng sóng là nguyện vọng tha thiết không chỉ của các nước ASEAN mà còn là của dư luận yêu hòa bình trên toàn thế giới. Nhưng vấn đề nó có “lặng sóng” hay không, thực chất hành động rút giàn khoan về là gì, chúng ta hãy nhìn vào chiến lược của Trung Quốc với yêu sách về đường lưỡi bò. Trên thực tế, họ đã cố tình làm mọi cách để có thể hiện thực hóa yêu sách đó. Cho nên, đây chỉ là những động thái mang tính chất tình thế.

Nói một cách bóng gió, hành động rút giàn khoan là một sự im lặng trước một cơn bão chứ không phải một sự im lặng lâu dài và biểu hiện của những cơn bão đó là Trung Quốc đang huy động 9.000 tàu đánh cá tràn vào Biển Đông với những hướng dẫn bằng vệ tinh rất hiện đại. Đây là một biện pháp cực kỳ nguy hiểm, là hành động cướp bóc tài nguyên trắng trợn mà đối phó cực kỳ khó khăn. Hiện nay, Trung Quốc đang rục rịch đóng thêm giàn khoan rồi di chuyển xuống Biển Đông để tiếp tục thăm dò, khoan ở độ sâu 3.000 mét. Rồi vẫn còn đó Gạc Ma với tất cả những công trình được xây dựng và đường băng càng ngày càng được củng cố hơn nữa, lớn hơn nữa.

Tất cả những cái đó không phải biểu hiện cho sự im lặng như tờ như chúng ta nghĩ mà đấy là dấu hiện của những cơn bão mà chúng ta phải lường trước rằng nó còn nguy hiểm hơn thời gian vừa rồi.

Thái Bảo

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý