Hồi ức giành chính quyền tại Hà Tĩnh của cụ ông 100 tuổi

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Hồi ức giành chính quyền tại Hà Tĩnh của cụ ông 100 tuổi

(ĐSPL) Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Ngô Đức Mạch (100 tuổi), trú tại khối phố 1B, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), một nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn sống, vẫn còn nhớ như in hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các ngả đường trong ngày giành chính quyền đúng 70 năm trước của nhân dân huyện Can Lộc.

02/09/2015 09:01 AM
63

Những ngày đầu thành lập lực lượng, chuẩn bị cướp chính quyền

Trong những ngày cuối tháng 8 nắng vàng lịch sử, chúng tôi tìm về nhà cụ tại huyện Can Lộc, một trong những huyện đầu tiên dành chính quyền trong cả nước. Rót ly nước trà mời khách trong căn nhà nhỏ ấm cúng còn nguyên những kỷ vật của một thời oanh liệt, mắt cụ long lanh, hồi tưởng lại ngày đó…

Cụ sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở làng Tân Phúc, xã Trào Nha (nay khối 1, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc). Thời điểm đó Nghệ - Tĩnh là một trong những khu vực hoạt động sôi nổi nhất trong cả nước. Cụ Mạch đã sớm giác ngộ cách mạng. Tháng 2/1945 cụ tham gia mặt trận Việt Minh, hoạt động bí mật.

“Tôi được giao nhiệm vụ đi liên lạc với các đồng chí tổng uỷ ở huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Hoạt động cùng các đồng chí Nguyễn Cư (một trong 5 đồng chí uỷ viên BCH huyện uỷ lâm thời - PV), đồng chí Lê Hồng Cơ và đồng chí Nguyễn Minh Chương…Sau đó, đi rải truyền đơn, điều lệ cứu quốc, công phiếu cứu quốc….chỉ đi bằng đôi chân này thôi”, cụ Mạch kể.

 - Ảnh 1Phóng to

Cụ Ngô Viết Mạch hào hứng kể về những ngày giành chính quyền của nhân dân Can Lộc.

Bên cạnh đó, cụ còn tham gia thành lập các tổ chức Việt Minh như nông dân tự vệ, thanh niên cứu quốc, đặc biệt là củng cố lực lượng tự vệ, lực lượng nòng cốt để cướp chính quyền.

Cuộc nổi dậy chớp nhoáng

Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, trong 2 ngày 14-15/8/1945, một cuộc họp bí mật tại Cẩm Xuyên đã diễn ra để bàn về kế hoạch khởi nghĩa. Nhớ lại thời điểm đó, cụ Mạch bồi hồi: “ Từ tối 14/8, tự vệ các xã đã có lệnh tập trung, bao vây các ngả đường. Lực lượng thanh niên cũng tuyên truyền quan điểm cách mạng tại đồn bảo an và huyện đường. Không khí cách mạng sục sôi trong từng làng, tổng, nhất là trong tầng lớp thanh niên”.

Ngày 16/8, ban lãnh đạo Việt Minh huyện Can Lộc đã họp bàn để chuẩn bị kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền.

Chiều ngày 16/8, một nhóm thanh niên gồm 20 người đã xông vào huyện đường buộc tri huyện Đặng Doãn giao nộp ấn tín, sổ sách và tuân thủ vô điều kiện các yêu cầu và treo cờ đỏ sao vàng tại huyện đường. Sau đó, đoàn tiếp tục kéo lên đồn để tước vũ khí của lính bảo an. Sau khi bàn giao vũ khí, lá cờ đỏ sao vàng lại một lần nữa tung bay trên cột cờ đồn binh ở Nghèn.

“Đó là lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang bay phấp phới trên bầu trời huyện Can Lộc. Anh em chúng tôi đứng từ xa nhìn thấy lá cờ mà xúc động vô cùng khi là những người chứng kiến giây phút lịch sự ấy. Cảm giác nhân dân thực sự là người làm chủ trên chính mảnh đất của mình”, cụ Mạch xúc động.

 - Ảnh 2Phóng to

Các đồng chí tham gia giành chính quyền ở Can Lộc ngày 16/8/1945.

“Trong chiều hôm đó, tri huyện Doãn bị bắt trói ở đồn, khi tôi vào thăm thì thấy ông ấy quỳ gối, chắp tay cầu xin đừng giết, tôi chỉ bố trí cho ông ấy ăn uống chứ không làm gì”, cụ Mạch nói.

Sự kiện này đã mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh.

Chưa dừng tại đó, ngay trong sáng 17/8, một cuộc mít tinh chưa từng có với sự tham gia của hàng nghìn người thuộc các xã kéo đến sân vận động. “Từ khắp các ngả đường, cờ đỏ sao vàng rợp trời, nhân dân tấp nập đều đổ về sân vận động huyện. Dân đói thì đói nhưng nghe nói đi cướp chính quyền thì đi ngay”, giọng cụ hào hứng.

Tại đây, mọi người phấn chấn nghe Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền bù nhìn đã bị đánh đổ, chính quyền cách mạng huyện được thành lập đo đồng chí Lê Hồng Cơ làm chủ tịch. Mọi người vui mừng cùng hô vang khẩu hiệu, diễu hành qua các huyện lỵ rồi chúng tôi bắt đầu phân tán lực lượng cùng với nhân dân về các làng tịch thu triện bạ của tổng lý, lý trưởng, thành lập chính quyền mới.

Tiếp sau Can Lộc là các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (ngày 17/8), Kỳ Anh, Đức Thọ, Thị xã Hà Tĩnh (ngày 18/8) và Hương Sơn, Hương Khê (ngày 21/8). Như vậy chỉ trong vòng 6 ngày từ 16 - 21/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh đã thắng lợi.

 - Ảnh 3Phóng to

Những kỷ vật về cuộc đời cách mạng được cụ cất giữ cẩn thận.

Sau ngày giành chính quyền thắng lợi, tháng 11/1945, cụ được cử làm chỉ huy đội tự vệ của huyện. Đến năm 1954 cụ xin về hưu. Bước sang tuổi 100, tuy tai nghe không rõ nhưng đôi mắt của cụ vẫn còn tinh tường, trí nhớ rất minh mẫn.

Hai vợ chồng cụ Mạch có 6 người con đều tham gia cách mạng. Người con đầu là Ngô Đức Đại là liệt sỹ. Hiện tại, cụ đang ở với người con út. Hàng ngày, cụ vẫn đi xe đạp điện đến thăm bạn bè cũ, người thân và một ly cà phê buổi sáng là thói quen không thể thiếu trong mấy chục năm qua của cụ.

Trong ngôi nhà ngói ba gian gọn gàng, những tấm huân huy chương, bằng khen được cụ cất giữ cẩn thận và treo ở những vị trí trang trọng trong nhà. Ông Ngô Đức Độ (SN 1953), con trai thứ ba của ông nói: “Các cô chú đến đây là ông vui lắm, đối với ông được kể về những ngày tham gia cách mạng còn hơn cho quà cho bánh”.

Gặp cụ, một nhân chứng sống của lịch sử, với đôi mắt tinh anh, vầng trán cao rộng, giọng nói trầm ấm ấy đã cho tôi cảm nhận cái khí chất của một người chiến sỹ cộng sản thực sự ở nơi ông - người chiến sỹ vừa tròn 100 tuổi.

 - Ảnh 4Phóng to

Lá cờ đỏ sao vàng treo trong ngày giành chính quyền đầu tiên tại huyện Can Lộc, được lưu giữ tại nhà tưởng niệm huyện can Lộc.

Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch huyện Can Lộc cho biết: “Sau những thăng trầm của lịch sử, có giai đoạn vai trò của lực lượng thanh niên vũ trang trong cuộc nổi dậy cướp chính quyền bị hoài nghi. Mãi sau thời kỳ đổi mới, lịch sử Đảng bộ mới viết lại, công nhận vai trò của lực lượng thanh niên cứu quốc trong cuộc nổi dậy ngày 16/8/1945”.

"Hàng năm, ngày 16/8 đã trở thành ngày truyền thống của nhân dân huyện Can Lộc. Và ngày 16/8 vừa rồi, huyện vừa tổ chức lễ kỷ niệm, gặp mặt cán bộ tiền khởi nghĩa", ông Cường cho biết thêm.

Trong nhà tưởng niệm của trung tâm văn hoá huyện Can Lộc, vẫn còn lưu giữ những dấu ấn oanh liệt, hào hùng của những ngày đầu giành chính quyền. Lá cờ đỏ sao vàng treo trong ấy vẫn còn nguyên màu đỏ chói lọi, màu đỏ của máu và màu đỏ của chiến thắng!.

NGÂN HÀ 

Xem thêm video: 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý