Hơn 40 năm lặng lẽ viết nhật ký chờ chồng

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Hơn 40 năm lặng lẽ viết nhật ký chờ chồng

(Công lý) Lặng lẽ, hơn 40 năm qua bà đều gửi gắm vào đó những buồn vui cuộc sống. Và cũng hơn 40 năm qua, kể từ ngày nhận giấy báo tử của chồng – bà vẫn tin rằng ông vẫn luôn ở bên bà trong những dòng nhật ký.

26/04/2015 02:36 PM
302

Miền ký ức

Chiến tranh đã lùi xa với thực tại, có những nỗi đau đã thôi không còn nhức nhối, nhưng ký ức về nó có lẽ sẽ chẳng bao giờ ngủ yên trong bà – người đàn bà đã hơn 40 năm qua lặng lẽ viết nhật ký chờ chồng. Bà là Hà Thị Tính (SN 1937, trú tại phường Trường Thi, TP.Vinh, Nghệ An).

Thành Vinh rộng lớn vậy nhưng không khó để tìm được nhà bà, vì câu chuyện về người đàn bà viết nhật ký chờ chồng hơn 40 năm qua đã khiến bao người cảm động và truyền tai nhau như một huyền thoại.

Tiếp chúng tôi (PV) trong căn nhà nhỏ, bà Tính với dáng người mảnh khảnh, giọng nói nhỏ nhẹ đã đưa chúng tôi về miền ký ức mà ở đó là nơi bắt đầu những hạnh phúc cũng như những khổ đau của cuộc đời bà.

Hơn 40 năm qua bà Tính lặng lẽ  bên di ảnh của chồng

Ngày đó, bà và ông đang còn là chàng trai, cô gái ở tuổi đôi mươi. Bà là cô chủ tịch xã còn ông là anh lính trốn nhà đi bộ đội. Hai người đến với nhau bằng sự sắp đặt của số phận. Ngày ấy, chiến tranh ác liệt nên tuy ở cùng một xã nhưng bà và ông không hề biết nhau. Chỉ khi nghe người làng xôn xao câu chuyện anh Trần Văn Minh (SN 1930) “ở bên kia sông”, khai tăng tuổi để đi lính thì bà mới để ý.

Thời điểm đó, anh Minh mới 16 tuổi, đang là học sinh lớp 10 trường huyện. Hận quân thù nên anh trốn bố mẹ, chạy ra xã khai gian thêm tuổi xung phong nhập ngũ, nhưng lừa bố mẹ là lên huyện ở trọ học thêm.

Phía bên này sông, bà mới tuổi 20 và giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Xuân An, thời điểm đó, bà là nữ Chủ tịch xã trẻ nhất Hà Tĩnh. Ông bà đến với nhau hết sức tình cờ, trong một lần lên xã xin giấy tờ hành chính, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sự dịu dàng của cô chủ tịch đã khiến ông vương vấn để rồi sau đó nhờ người tìm hiểu.

Không biết ông đã tác động thế nào mà chỉ mấy ngày sau, bà nhận được tin như “sét đánh” bên tai từ mẹ: “Chuẩn bị lấy chồng con nhé, vì mẹ đã nhận cau trầu người ta. Tìm hiểu ra mới biết, ông đã nhờ Bí thư Đảng ủy xã mang trầu cau đến gặp mẹ. Đã là “ý kiến” của Đảng ủy thì tôi chối răng được”, bà Tính nói. Đến tháng 10/1957, cô chủ tịch xã chính thức làm đám cưới với anh lính trẻ.

Nhưng, đêm tân hôn, vì quá bỡ ngỡ, cô dâu tìm cách đứng ngoài sân, không chịu vào nhà. “Nhà người lạ, tôi không dám vào ngủ. Mà anh ấy cũng ở lỳ trong nhà, nhất quyết không chịu ra xem vợ thế nào. Tôi đứng ngoài sân đến khi trời mờ sáng lên đường xuống huyện đi họp. 3 ngày sau trở về thì anh Minh đã lên đường trở về đơn vị. Tôi hối hận lắm vì anh đi mà còn vương vấn đủ thứ. Chính cái sự e ngại đó, mà phải đến gần 1 năm sau, ngày anh về phép, khi ấy, chúng tôi mới là vợ chồng đích thực. 9 tháng sau thì con gái đầu, tên là Loan của chúng tôi ra đời…”, bà Tính tâm sự.

Đời vợ chồng chỉ có 80 ngày sống bên nhau

Đất nước gồng mình bởi bom đạn của chiến tranh, còn người vợ trẻ phải gồng mình để vượt qua những khó khăn cuộc sống. Ông vì đất nước, vì nhiệm vụ mà vắng nhà biền biệt, còn bà với 3 đứa con thơ, thiếu thốn đủ bề, nhiều lúc như muốn quật ngã bà.

Cả đời vợ chồng, ông - bà chỉ được sống vỏn vẹn 80 ngày bên nhau…Nơi chiến trường khói lửa, chỉ có những lá thư ông viết vội. Những lá thư gửi gắm yêu thương, lo lắng, đủ để bà biết tình yêu của ông dành cho bà nhiều đến nhường nào. Và đó cũng là động lực để bà vượt qua tất cả để nuôi 3 đứa con thơ khôn lớn.

Nhưng chiến tranh đã lấy đi tất cả, chỉ chừa lại cho bà những nỗi đau… Năm 1967, cũng trong bức thư viết vội, ông bảo rằng, cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, và ông được cử tham gia nhiệm vụ bí mật ở mặt trận Lào - Thái. Đó cũng là lá thư cuối mà bà nhận được từ ông...

Mùa thu năm 1967, khi đang trên đường đi làm, bà nhận được tin ông đã hy sinh. Cầm tờ giấy báo tử trên tay, bà chết lặng. Lúc đó, đứa con gái đầu mới được 7 tuổi, thằng con thứ 3 tật nguyền thì mới lên 2.

Đau khổ, nhưng bà lại trấn an mình: “Anh ấy đi nhiệm vụ đặc biệt, chỉ có tổ chức biết thôi vậy thì tại sao lại có giấy báo tử được. Chắc đây là kế hoạch của tổ chức để thực hiện một nhiệm vụ khác quan trọng hơn”.

Ai nói gì bà cũng bỏ ngoài tai và một hai tin rằng, chồng bà vẫn còn sống. Dù niềm tin là vậy, nhưng đêm đêm, bà khóc ròng, những trang nhật ký đã úa màu và nhòe nhoẹt bởi mỗi dòng chữ đều thấm đẫm nước mắt của bà.

Bà Tính phải gồng mình để vượt qua những khó khăn cuộc sống cho đến ngày hôm nay

Năm 1984, bà tình cờ gặp lại người đồng đội cũ của ông. Qua câu chuyện rất thật của người đàn ông ấy, bà mới tin rằng, chồng mình không còn sống. Thế rồi, bà suy nghĩ và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt của ông.

Gửi con cho người thân, bà một mình mang ba lô lên đường, lần theo địa chỉ của những đồng đội, lặn lội dọc dòng sông Mê Kông để tìm thông tin về chồng mình. Nhiều năm trời như thế, bà cũng tìm được ông, và đưa về đất mẹ.

Và cuốn nhật ký cuộc đời

Ông  không còn, nhưng nhật ký đã trở nên quá thân quen, bà vẫn muốn dùng nó, như một cách để bà có thể hằng ngày được nói chuyện cùng ông. “Viết cho anh ấy tôi như trút bỏ được những buồn phiền, khổ đau trong cuộc sống. Cứ lúc nào tưởng chừng mình sắp gục ngã, những lúc nào tôi thấy mình yếu đuối bởi những va vấp trong cuộc sống tôi lại trút cõi lòng mình vào đó, cứ như thể anh Minh đang lắng nghe, đang san sẻ khổ đau với tôi”, bà chia sẻ.

Và, không chỉ có thế, nhật ký còn là nơi bà giận hờn, trách móc như là cách chia sẻ gánh nặng với người chồng, dù ông không bao giờ hiện hữu. Đó còn là nỗi buồn trong những thời khắc thiêng liêng tiễn năm cũ, chào đón năm mới. Trong thời khắc mà các gia đình sum họp, bà chỉ lại đứng nghiêm bên bàn thờ chồng và đứa con tật nguyền rồi khóc.

Bà không biết làm gì, lại trút tất cả nỗi niềm đó vào trang giấy. Một mình bà tần tảo nuôi con khôn lớn, hai đứa con gái trưởng thành, xây dựng gia đình, cứ mỗi bước đi của các con đều được bà “báo cáo” đầy đủ với chồng.

Hơn 40 năm qua, viết bao nhiêu cuốn nhật ký rồi, bà cũng không còn nhớ nữa. Ngoài nỗi đau mất chồng, bà còn có những nỗi khổ riêng. Đứa con trai độc nhất của bà ngày ngày phải chịu đau đớn bởi di chứng chất độc da cam từ bố.

Hằng ngày, bà không dám rời nó nửa bước, những lúc bất lực trước bệnh tật của con, bà lại tìm sự an ủi trong những trang nhật ký viết cho chồng. “Mỗi lần cho con ăn em lại khóc. Em còn sống, em thay anh chăm sóc Sơn, em chết đi, ai chăm sóc con?... Đã hơn 30 năm rồi nhưng có những đêm em không thể nào chợp mắt được”. Bà cứ sống với nỗi đau kép cho đến năm 2011, anh Sơn ra đi mãi mãi sau gần 40 năm chống chọi với bệnh tật.

Giờ đây, trong căn nhà của mình, chỗ trang trọng nhất, bà để di ảnh của chồng, bên cạnh đó là những cuốn nhật ký xếp dài. Đó là tài sản thiêng thiêng, cũng là bảo vật tình yêu không có gì có thể thay thế được đối với bà.

Những ngày tháng còn lại, sau những lúc bên con cháu, bà thường tìm đến cửa Phật để tìm lấy sự yên bình sau những biến cố quá lớn của cuộc đời mình.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý