Hôn nhân, giới tính và những lệnh cấm kì lạ của vua Lê Thánh Tông

mesuhao mesuhao @mesuhao

Hôn nhân, giới tính và những lệnh cấm kì lạ của vua Lê Thánh Tông

Vua Lê Thánh Tông rất nghiêm khắc với những vấn đề trong hôn nhân, giới tính mà ông coi là trái với lễ nghi thông qua việc ban bố nhiều mệnh lệnh nghiêm cấm kì lạ.

07/09/2014 08:13 PM
4,099

Kết hôn không đúng lễ, không được nhận chức, thăng chức

Théo sách Đại Việt sử ký toàn thư, vào ngày 16 tháng 11 năm Kỷ Sửu (1469), vua Lê Thánh Tông ban sắc dụ các quan viên văn võ và nhân dân trong cả nước như sau: “Trẫm nghĩ, người ta sở dĩ khác giống cầm thú là vì có lễ để phòng trừ. Nếu không có lễ thì bừa bãi tình dục, phóng đãng xằng bậy, không gì không làm. Từ nay về sau, các quan lại sắc dịch, ai được thăng lên hay bổ dụng, bộ Lại phải sức giấy cho phủ, huyện, xã bắt xã trưởng làm tờ đoan khai là thành viên ấy tuổi đã đủ cách, giá thú làm theo hôn lễ, thì mới được tâu lên cho thăng bổ như thường lệ. Nếu để cho người làm bậy được dự vào hàng quan chức thì viên ấy phải tội đồ thích chữ”.

Như vậy, một trong những tiêu chuẩn của một người muốn được bổ làm quan hoặc đang làm quan muốn tăng chức thì phải đáp ứng điều kiện đầu tiên, đó là kết hôn theo nghi thức. Theo sách Thiên Nam dư hạ tập ở mục “Hồng Đức hôn giá lễ nghi” (Lễ nghi cưới xin đời Hồng Đức) có viết như sau: “Con trai từ 18 tuổi trở lên, con gái từ 16 tuổi trở lên, bản thân và người chủ hôn không có tang từ một năm trở lên, bảo với cha mẹ hoặc người trưởng tộc mới có thể được thành hôn”.

Còn trong sách Thiên Nam dư hạ tập, quy định nghi thức hôn lễ như sau: “Lấy vợ trước hết phải có lễ vấn danh (đưa trầu cau đến gọi là vấn danh), lễ nạp thái (tiếp đó đưa lễ vật gọi là lễ nạp thái), rồi đến tiểu lễ (đưa lợn, rượu gọi là tiểu lễ). Các lễ này phải đưa đến nhà cha mẹ, nếu cha mẹ đều đã mất thì đến nhà anh em, chúc bác trong họ. Nếu không có anh em, chúc bác thì đến nhà trưởng làng để đón dâu nhận rể. Ngoài việc chồng phải thân chinh đi đón dâu về nhà, người con gái về nhà chồng, hòa thuận với nhà chồng, như vậy là đã có cưới xin...”.

VNN.jpg" alt="" />

Cấm quan hệ tình dục và sinh đẻ khi đang có tang

Mùa xuân, tháng giêng năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông ban sắc chỉ rằng: “Con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng phải theo quy chế chung là 3 năm, không được theo ý riêng tự tiện làm trái lễ, phạm pháp. Con để tang cha mẹ mà vợ cả, vợ lẽ có chửa thì bắt tội đi đày. Vợ để tang chồng mà dâm loạn bừa bãi, hoặc chưa hết tang đã bỏ áo trở, mặc áo thường, hoặc nhận lễ hỏi của người khác hay đi lấy chồng khác đều phải tội chết cả. Nếu đường có tang, ra ngoài thấy đám trò vui mà cứ mê mải xem không tránh, thì xử tội đi đày. Nếu kẻ nào tham của, hiếu sắc mà lấy vợ cả, vợ lẽ của kẻ đại ác phản nghịch, cùng là người Man thông dâm với vợ cả vợ lẽ của anh em đã chết rồi, cùng những kẻ làm quan lại nhận hối lộ thì tùy tội nặng nhẹ mà xử lý” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong Hồng Đức thiện chính thư cũng quy định rằng: “Đang có đại tang cha mẹ mà vợ hay nàng hầu có thai, đến ngày đẻ con là ba ngày trước ngày hết tang, sẽ bị lưu đày đi châu xa”.

Là người ban lệnh cấm nghiêm khắc này nhưng cuối cùng Lê Thánh Tông cũng lại là người xóa bỏ lệnh cấm ấy xuất phát từ chuyện buồn liên quan đến vị Bảng nhãn Nguyễn Toàn An còn gọi là Nguyễn Kim An (đỗ khoa thi năm 1472). Trong sách Hải Dương phong vật chí của Trần Đạm Trai có ghi: “Cổ thời trọng đạo hiếu đến nỗi luật pháp cấm vợ có thai trong khi tang chế, đến thời Lê Thánh Tông mới bỏ lệ ấy, nhân vì có người xứ Hải Dương, huyện Đường An, xã Thời Cử tên là Nguyễn Kim An, thuở nhỏ hàn vi, thời Hồng Đức (1470-1497) làm lính chầu trong cung. Vua thấy có tài cho về đi học, 22 tuổi đỗ Hương cống, rồi thi Hội, thi Đình đỗ Bảng nhãn. Được bổ làm quan ít lâu, về cư tang, giữ trọn ba năm đạo hiếu thì mất, không có con trai, vua cảm thương, từ đó bỏ lệnh kia”.

Cấm thực hiện hành vi phá thai

Nhận thấy rằng phá thai là việc làm trái đạo đức có nguy cơ gây ra những tác động xấu đến xã hội, vua Lê Thánh Tông đã ban hành các quy định ngăn cấm. Trong sách Thiên Nam dư hạ tập cho biết vào năm Đinh Hợi (1476) niên hiệu Quang Thuận thứ 8, Lê Thánh Tông ban lệnh về cấm uống thuốc đọa thai như sau: “Kẻ nào dùng thuốc đọa thai để phá thai cho người khác hoặc đi tìm thuốc đọa thai đều bị xử tội đồ. Do cố ý dẫn đến chết người thì xử theo tội sát nhân, xã nào có người như vậy mà không biết cấm đoán thì xã trưởng xã đó sẽ bị xử nặng hơn luật thường, các quan phủ huyện châu sẽ bị bãi chức”.

Trong bộ Quốc triều hình luật (còn gọi là Bộ luật Hồng Đức) tại điều 424 có quy định: “Đem thuốc đọa thai làm cho người bị đọa thai, hay là người xin thuốc đọa thai, cũng đều bị xử tội đồ. Vì đọa thai mà chết thì kẻ cho thuốc mắc phải tội giết người”.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, mặc dù đã có lệnh cấm nhưng có lẽ vì hiện tượng phá thai vẫn gia tăng nên đến ngày 12 tháng 3 năm Giáp Thìn (1484) Lê Thánh Tông lại ban lệnh: “Nhắc lại việc đàn bà phá thai và phá thai cho người khác. Trước đây có lệnh cấm rằng: loại đàn bà tàn nhẫn, vì muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc, thấy mình có thai, dùng kế cho sẩy thai, thương tổn tính mệnh, làm hại luân thường, cùng là những kẻ phá thai cho người khác, đều phải tra xét, trị tội theo luật pháp. Thế mà chúng vẫn coi là tờ giấy lộn, không đổi lỗi trước, vẫn theo thói cũ, tệ trước càng tăng, coi thường pháp luật, làm hư phong tục không gì hơn thế. Nay hãy nhắc rõ lệnh trước, răn cấm nghiêm hơn, nếu có người đàn bà nào như hạng nói trên mà mọi người đều biết, cùng là người chồng không biết răn cấm, điều trị tội theo luật pháp”.

Một số quy định lý thú khác

Ngoài các quy định trên còn có một số quy định kỳ thú khác, như quy định về trường hợp mất vợ: “Phàm người chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có còn thì cho hạn một năm. Vì việc quan phải đi xa thì không theo luật này. Nếu đã bỏ vợ mà lại ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì phải tội biếm” (điều 308 Bộ luật Hồng Đức).

Hoặc trường hợp cấm kết hôn khi ông, bà, cha mẹ đang ở tù: “Người nào khi ông bà, cha mẹ đang bị giam cầm tù tội mà lấy vợ, lấy chồng thì đều bị xử biếm ba tư và đôi vợ chồng ấy phải ly dị, nếu ông bà cha mẹ ấy cho phép thì chỉ được làm lễ thành hôn mà không được bày ra cỗ bàn ăn uống, trái luật thì xử biếm một tư” (điều 318 Bộ luật Hồng Đức).

Vua Lê Thánh Tông lại còn có lệnh cấm bắt ở rể. Vào năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1471), nhà vua ban bố một số điều lệ mới, ở Chương răn dạy, điều 6 có viết: “Nhà trai đã tuân theo hôn lễ, đưa đồ sính lễ rồi đón dâu thì con gái phải về nhà chồng, không được theo tục cũ, bắt người chồng phải ở rể hết 3 năm mới cho con gái về nhà chồng. Đấy là tục ở rể của nhà Trần, không được noi theo, ai vi phạm điều lệ này sẽ bị trị tội”.

Thậm chí còn có lệnh cấm tăng đạo lấy vợ. Mặc dù theo lệ người xuất gia tu hành theo đạo Phật, đạo Lão không được lập gia đình nhưng có thể vì xảy ra hiện tượng “phá giới” nên mới có lệnh cấm này. Theo sách Thiên Nam dư hạ tập, vào năm Hồng Đức thứ 5 (1474) vua Lê Thánh Tông ban lệnh có nội dung như sau: “Một nhà nọ có người con gái, không biết thông dâm với ai mà có thai. Cha mẹ tra hỏi con gái thì cô ta khai ra người hàng xóm, bèn phát đơn kiện người hàng xóm. Quan khám án căn cứ theo luật xử rằng: Có bắt được trai trên gái dưới hay không?, và nếu gian phu đã chạy thoát, tuy biết đích danh mà không bắt được quả tang, nay con gái có chửa thì chỉ bắt tội người con gái”. Sách Hồng Đức Thiện chính thư cho biết điều luật này được Lê Thánh Tông ban bố vào ngày 20 tháng 4 năm Bính Thân niên hiệu Hồng Đức thứ 7 (1476) và ở sách này còn có quy định về tội “Khiêu dâm con gái tân” với nội dung: “Càn rỡ làm điều sai trái, coi thường pháp luật phạm vào tội khiêu dâm con gái tân thì bị xử tội đồ. Người con gái bị phạt đánh 50 roi, nộp tiền tạ tùy theo tội nặng nhẹ và biếm 1 tư theo luật thi hành không thể tha thứ”.

Theo Đang yêu


 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý