Huyền bí ngôi đền thờ con gái Long Vương

mesu mesu @mesu

Huyền bí ngôi đền thờ con gái Long Vương

Đền thờ Long Sơn Thủy Quốc tọa lạc trên đỉnh núi Bồ Lĩnh, một ngọn núi cao 266m so với mực nước biển, nằm giữa địa giới 2 huyện Đô Lương và Yên Thành (Nghệ An).

12/02/2016 03:19 PM
13

(ĐSPL) - Đền thờ Long Sơn Thủy Quốc tọa lạc trên đỉnh núi Bồ Lĩnh (dân gian hay gọi là động Tù Và), một ngọn núi cao 266m so với mực nước biển, nằm giữa địa giới hai huyện Yên Thành và Đô Lương (Nghệ An). Đây là một trong những nơi hiếm hoi trên khắp cả nước thờ tụng con gái Long Vương.

Các cao niên trong vùng từ xưa đã lưu truyền câu chuyện về thần Long Vương tạo ra mưa ở vùng phía Nam và phía Bắc động Tù Và. Theo truyền lại thì thần Long Sơn Thủy Quốc vốn là công chúa của Long Vương, hóa thành một cậu học trò thông minh hiếu học đã giúp thầy và nhân dân trong vùng cầu mưa, dẹp hạn. Vì giúp nhân dân chống lại phép của Thiên đình nên đã bị vua cha trừng phạt. Khi chết được thầy đồ và bà con trong vùng chôn cất tử tế.

Nhờ trận mưa ngày đó mà dân làng có nước cày cấy, xóm làng lại yên vui nên dân làng đã cùng nhau lập đền thờ thần Long Vương hay  Long Sơn Thủy Quốc ngay chính giữa động, nơi cao nhất mà 2 bên đều nhìn thấy được để thờ tự.

Huyền bí ngôi đền thờ con gái Long Vương - Ảnh 1Phóng to

Đền Long Sơn Thủy Quốc, nơi thờ tự con gái Long Vương.

Trải qua nhiều triều đại, nhận thấy sự linh thiêng của ngôi đền, các vua chúa đã nhiều lần phong sắc cho thần Cao Sơn Cao Các. Đời vua Vĩnh Khánh năm thứ hai (1730) vào ngày ngày 10/12 đã phong đạo sắc Long Sơn Thủy Quốc cho vị thần thờ ở đền Thượng và đền Hạ. Đến đời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), nhà vua cũng phong sắc Long Sơn Thủy Quốc. Về sau, các triều vua nhà Nguyễn cũng nhiều lần phong các đạo sắc với danh thần như trên.

Ông Trần Khắc Giá (62 tuổi) trú tại xóm Ngọc Sơn, xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), người trông coi ngôi đền chia sẻ: “Tui trông coi ở đây cũng đã hơn 15 năm rồi, làm vì công đức thôi chứ cũng không có lương bổng gì. Ngôi đền này thờ 2 vị thần trong đó có thần thần Long Sơn Thủy Quốc là con gái Long Vương. Ngôi đền này rất linh thiêng nên hằng năm người dân kéo về khá đông, nhất là từ khi đền được tu sửa giúp việc đi lại thuận tiện hơn. Dịp tết vừa rồi mỗi ngày ngôi đền đón tiếp hàng trăm lượt khách hành hương đến tế lễ”.

Huyền bí ngôi đền thờ con gái Long Vương - Ảnh 2Phóng to

Ông Trần Khắc Giá, người trông coi ngôi đền hơn 15 năm nay.

Trải qua nhiều năm tháng chiến tranh, đền bị hư hỏng đổ nát nhiều lần. Thời kì chống Mỹ cứu nước, đền được nhân dân tháo dỡ, phân tán để bảo vệ. Một số Long ngai, bài vị, đồ thờ tự được người dân đưa xuống ngôi đền phía dưới là đền Hạ. Sau khi đền Hạ bị tháo dỡ, Long ngai được đưa về thờ tại làng Đình Đông, xã Khánh Thành.

Năm 2004, ngôi đền được phục dựng, nhân dân đem đồ thợ tự trở lại để tiếp tục cúng bái. Lần tôn tạo gần đây nhất được hoàn thành vào ngày 10/1/2016 với kinh phí hơn 3 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Ngôi đền được xây mới, mở rộng nhưng vẫn giữ nguyên tàn tích của ngôi miếu cũ được xây bằng sò, mạch vôi rộng khoảng 20m2, cao 4m. Đường lên đền Long Sơn Thủy Quốc khá khó khăn với gần 2000 bậc quanh sườn động.

Huyền bí ngôi đền thờ con gái Long Vương - Ảnh 3Phóng to

Ngôi đền cũ xây bằng sò và mạch vôi được giữ lại.

Anh Ngô Văn Chung, khách hành hương chia sẻ: “Nghe tiếng linh thiêng của đền đã lâu, nay mới có dịp đưa gia đình về cúng lễ, cầu bình an. Dù đền đã được tu sửa công phu nhưng để lên được đến nơi cũng là một thách thức không nhỏ, nhất là trẻ em và người lớn tuổi, Hy vọng trong tương lại, ngôi đền sẽ tiếp tục được chỉnh trang để người dân có thể tiện lợi trong việc hương khói”.

Huyền bí ngôi đền thờ con gái Long Vương - Ảnh 4Phóng to

Để lên đền, du khách hành hương phải đi qua gần 2000 bậc đá.

Cũng như những ngôi đền thờ Long Sơn Thủy Quốc khác trên khắp cả nước, bên cạnh cầu may, ngôi đền còn duy trì lễ tế Cầu Đảo, tức lễ hội cầu mưa.

Trước kia, khi chưa có hệ thống thủy nông Đô Lương thì nhu cầu về nước của người dân các làng đồng cao như Nam Thôn hoàn toàn trông chờ vào trời mưa. Vì nhân dân ở đây vẫn tin là thần Long Sơn Thủy Quốc có thể làm ra mưa. Mục đích của lễ hội này là cầu xin thần Long Sơn Thủy Quốc cho mưa xuống để nhân dân có nước dùng trong sinh hoạt, nuôi sống gia súc, gia cầm và tiến hành sản xuất nông nghiệp.

Thời gian tổ chức không hạn định, thường là vào mùa hạ những lúc hạn hán kéo dài. Còn nơi tổ chức lễ của làng là vệ Cầu Đảo, một bãi đất phẳng vùng giữa không có cỏ mọc, nằm ở phía Đông đền Hạ gần khe Hạc, một khe lớn bắt nguồn từ các đồi chảy qua cồn Lúa Hột và phía Đông động Tù Và, đổ nước ra Rộc Vẹo, để xuống sông Bùng rồi chảy ra biển.

Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, lễ Cầu Đảo không còn nữa vì nước đã có hệ thống thủy nông Đô Lương cung cấp, vì trình độ dân trí đã được nâng lên, thậm chí có người còn cho rằng chuyện nhờ Thần, Phật, cúng bái ở đền chùa... là mê tín dị đoan.

Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ai cũng hiểu được nguyên nhân gây ra mưa không phải là do một thế lực siêu nhiên nào điều khiển cả. Tuy nhiên hằng năm vào ngày 10/3 tại ngôi đền này, nhân dân vẫn tiến hành nghi lễ thờ tự cầu bình an, xem đó như một sinh hoạt tâm linh, góp phần giáo dục con người chung tay chống hạn hán, biết quý trọng nước, tiết kiệm nước, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường... thể hiện truyền thống tốt đẹp như uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ngày lễ, bà con đều cùng chung tay tổ chức, đây cũng là dịp thắt chặt thêm tình đoàn kết trong thôn xóm, láng giềng.

ĐÌNH TUẤN

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý