Kế hoạch nhập tàu của Đức Khải bị Bộ NN&PTNT không đồng tình

bexinh bexinh @bexinh

Kế hoạch nhập tàu của Đức Khải bị Bộ NN&PTNT không đồng tình

Congly.vn Từng tuyên bố “gây sốc” sẽ ủng hộ ngư dân 100 tàu cũ với công suất lớn trị giá 1.500 tỉ đồng để đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNN cũng như Bộ Tài chính đã “thẳng tay” bác bỏ chủ trương cho vay 1.350 tỉ đồng lãi suất ưu đãi 1% của Công ty CP Đức Khải.

19/08/2014 11:35 AM
1,599

Kế hoạch của Đức Khải phá sản
 
Nhắc đến việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, bám biển, không ai không biết đến “kế hoạch” mua 100 tàu cũ còn hạn sử dụng từ Nhật Bản, Hàn Quốc của  ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Công ty CP Đức Khải (gọi tắt là Đức Khải). Tuy nhiên, kế hoạch này đang có nguy cơ phá sản khi đề xuất lên Chính phủ xin vay 1.350 tỉ đồng với lãi xuất ưu đãi “bị” nằm trong diện không được thông qua.
 
Được biết, kế hoạch mà Đức Khải vạch ra có tổng số vốn triển khai dự án lên đến con số 1.500 tỉ đồng, chi phí cho đội tàu hơn 1.000 tỉ đồng; 95 tàu cá chuyên dụng có máy móc kỹ thuật cao sẽ khai thác tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng và 5 tàu còn lại đảm nhận nhiệm vụ hậu cần. Tuy nhiên, trong 1.500 tỉ đồng thực hiện dự án, vốn tự có của doanh nghiệp này chỉ có 150 tỉ đồng, bằng 10% vốn của dự án, còn lại toàn bộ số vốn… Đức Khải xin đề xuất được vay ưu đãi với lãi suất 1%.
 
Sau khi Đức Khải lập đề xuất vay ưu đãi lớn gửi Chính phủ đã tạo cho dư luận nhiều nghi vấn. Phải chăng Đức Khải muốn “đón đầu” Nghị định 67/2014/NĐ-CP (ký ban hành ngày 7.7.2014 và áp dụng từ ngày 25.8.2014) về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản.
 
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đức Khải
 
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đức Khải
 
Bộ NN&PTNT không đồng tình
 
Tại cuộc họp bàn về tiến độ hướng dẫn thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 12.8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đều không đồng tình với nhu cầu vay vốn ưu đãi để phát triển đội tàu của Đức Khải.
 
Theo ông Trần Xuân Hà, Nghị định 67 quy định việc hưởng ưu đãi chỉ áp dụng cho các trường hợp đóng mới tàu hoặc vay vốn ưu đãi để hoán cải, nâng cấp tàu đánh cá hiện có của ngư dân. Nghị định không áp dụng cho trường hợp vay lãi suất thấp để mua tàu đánh cá cũ đánh bắt xa bờ được. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, xét trên các yêu cầu của Nghị định đưa ra, Đức Khải không hề đáp ứng được yêu cầu nào của Nghị định.
 
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN cho biết, sau khi xem xét hồ sơ đề xuất của Đức Khải về việc công ty này xin nhập 100 tàu cá đều được sản xuất từ năm 1985 với các vật liệu khác nhau, Bộ cho rằng, đối chiếu các quy định thì số tàu cá này không đủ tiêu chuẩn vì “quá tuổi” quy định.
 
Người dân cũng không ủng hộ
 
Được biết, trước đó, khi ông chủ của Đức Khải vừa tuyên bố “ủng hộ” 100 tàu cá cũ cho ngư dân, nhiều luồng ý kiến trái chiều đã xuất hiện và tỏ ra lo ngại với phát ngôn “ngông cuồng” của vị đại gia này. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành thủy sản, dự án này khó khả thi và nếu “cố làm” sẽ mang lại thua lỗ cho Đức Khải.
 
Độc giả P.T.T (Đà Nẵng) lên tiếng ủng hộ: “Hoan hô với quyết định của Bộ NN&PTNT, đừng để Việt Nam thành bãi rác công nghiệp của thế giới. Nếu doanh nghiệp muốn làm thật sự thì hãy đóng tàu mới phù hợp với môi trường của Việt Nam, Nhà nước hãy chỉ hỗ trợ đóng tàu mới thôi”.
 
Anh Trần Định (Bình Phước) chia sẻ: “Bài học mua ụ nổi hãy còn đó, Nhà nước phải thận trọng với cách diễn giải của các doanh nghiệp, họ nói nghe có lý lắm. Khi tàu thành sắt vụn, Nhà nước và dân là người hứng chịu hậu quả. Đừng biến nước ta thành bãi rác của các nước phát triển”. 
 
“Doanh nghiệp Việt Nam phải biết nghĩ đến những việc làm ích nước, lợi dân, nếu chỉ nghĩ đến kinh doanh, nộp thuế thì hẳn là chưa đủ. Vẫn còn đó hàng trăm loại máy móc cũ được nhập về Việt Nam là những đống sắt vụn không có giá trị... Mặc khác, các xưởng đóng tàu Việt Nam thừa khả năng đóng mới tại sao lại phải nhập? Hoan nghênh Bộ NN&PTNT đã có quyết định đúng đắn về việc này”, một độc giả ở Hải Phòng nêu ý kiến.
 
Về phía ngư dân, hầu hết đều cho rằng, vị đại gia này cần phải xác định lại xem mình đang bỏ tiền mua tàu vỏ thép hay mua phế liệu từ nước ngoài?! Tàu đi đánh bắt xa bờ, điều ngư dân cần là tàu chất lượng chứ không phải số lượng bao nhiêu con tàu, mua 100 tàu cũ, kém chất lượng rồi sửa lại có khi chi phí còn hơn đóng mới. Thêm vào đó, cách thức vận hành tàu nước ngoài cũng có phần khác so với tàu đóng tại Việt Nam nên có phần khó khả thi khi đánh bắt xa bờ.
 
Một số ý kiến khác cũng bày tỏ lo lắng, dự án mà Đức Khải đưa ra liệu có khả thi? Nếu thực sự quan tâm đến việc giúp đỡ ngư dân thì vị đại gia này nên hỗ trợ bằng việc đóng mới vài chục chiếc tàu tại các hãng đóng tàu uy tín tại Việt Nam, phải chăng dự án chỉ là một chiêu trò đánh bóng tên tuổi của vị đại gia chơi ngông này?!
 
Đầu tháng 7/2014, CTCP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt cũng trình lên Bộ hồ sơ xin nhập tàu vỏ thép đã qua sử dụng dưới 15 năm. Tuy nhiên, hồ sơ đã không được chấp thuận vì tàu “quá tuổi” quy định. Ngay sau khi có phản hồi từ Bộ NN&PTNN, ông Trần Văn Trí (chồng đại gia Diệu Hiền), Chủ tịch Trí Việt  cho biết, doanh nghiệp đã chuyển hướng kiến nghị xin nhập các loại đóng tàu mới hoặc cũ nhất là 8 năm.

Diễm Trần - An Nhiên

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý