"Kẻ lạc thời" Hồ Ngọc Xum

biettuot biettuot @biettuot

"Kẻ lạc thời" Hồ Ngọc Xum

Thực ra những gì Hồ Ngọc Xum làm không phải là trác tuyệt. Hồ Ngọc Xum cũng đã từng làm... hàng chợ, những bộ phim mì ăn liền kiếm lời vài tỷ đồng. Và ông cũng không phải mẫu người chém cối xay gió để bảo vệ chính kiến một cách chung chung, chuyện mây gió trên cao. Nhưng, Hồ Ngọc Xum được một cái tính rất đáng giá, làm gì cũng làm tới cùng. Mẫu người ấy trong nghệ thuật không dễ kiếm...

30/09/2009 09:53 AM
886
 

Tôi gọi Hồ Ngọc Xum là "kẻ lạc thời". Bởi vào lúc này, khi truyền hình đang bước vào một guồng quay với những công thức có phần hào nhoáng, phim truyền hình đầy xa hoa nhà xe rực rỡ, chân dài tung tăng. Còn ông, như thể một kẻ đã nếm qua, đã chán ngán với những giấc mơ ấy, chân trời ấy, giờ muốn đi vào căn cốt của cuộc sống. Những nhấn nhá có tình. Những câu chuyện giản dị. Và phim của ông không ngôi sao...

Câu chuyện trải nghiệm là câu chuyện khá... buồn cười. Rất nhiều người tự nhận mình trải nghiệm, nhưng những trải nghiệm ấy là những xác chữ đâu đó trong hàng vạn trang mà anh ta ngấu nghiến trong thư viện. Nghe gì là biết liền, trích đông tây kim cổ, toàn sách là sách. Phải, trong sách đã có cả. Nhưng chưa từng trải qua, chưa từng nghĩ suy thấu triệt thì ấy là sự trải nghiệm dởm đời.

Sở dĩ Hồ Ngọc Xum chán ngán chân dài, nhà xe lộng lẫy, là bởi ông đã đi qua cái giai đoạn ấy từ lâu. Khi thiên hạ hùng hổ nhà xe gái đẹp nước mắt nhạt nhòa màn bạc, ông đã làm "Lệnh truy nã 3" và kiếm lời vài tỷ. Những năm 90 của thế kỷ hai mươi, vài chục triệu đã có thể mua cả một ngôi nhà, thì vài tỷ đồng là con số không dễ gì có được. Hàng loạt phim ông làm thời đó, không bao giờ chịu lỗ.

Không đi thì sẽ không bao giờ tới. Và không đi sẽ không bao giờ biết được, đường dài lắm nỗi quanh co. Nếu không có những năm tháng ấy, hẳn ông cũng sẽ nghĩ, phim truyền hình muốn hấp dẫn phải có trai xinh gái đẹp lượn lờ trong những ngôi biệt thự bạc tỉ, tình yêu trai gái quanh co. "Những bộ phim đó cũng chẳng có lỗi gì đâu. Nhưng cứ bắt khán giả coi hoài mấy chuyện như vậy thì mình có tội. Không biết thì làm cho tới. Còn biết rồi mà vẫn nhắm mắt đưa chân là mình sai. Tôi biết, bây giờ áp lực doanh thu rất mệt mỏi. Nhưng những bộ phim có ngôi sao hay chân dài thì chỉ "nóng" trên các tờ báo giải trí. Chứ còn với khán giả, nhất là khán giả ở tỉnh thì không ăn. Họ thấy xa lạ. Và họ có gì để xem, để ngẫm nghĩ, để chia sẻ từ những cuộc tình xa hoa ấy?" - Hồ Ngọc Xum nói.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum (giữa)

Vậy là Hồ Ngọc Xum đi làm phim về nông dân. Làm từ truyện cũ của Hồ Biểu Chánh. Thực ra, sự nghiệp điện ảnh của Hồ Ngọc Xum bắt đầu từ... Hồ Biểu Chánh. Bộ phim đầu tiên "Ngọn cỏ gió đùa" của anh, do Việt Linh viết kịch bản từ truyện của Hồ Biểu Chánh. Thế nên, về sau, càng đọc nhiều, càng mê nhiều tính cách Nam bộ trong văn chương của ông.

Hồ Ngọc Xum học văn khoa, và ông hiểu được giá trị của những tác phẩm văn chương khi dựng thành phim. Và sau này, "Con nhà nghèo", "Nợ đời"... được Hồ Ngọc Xum thực hiện đúng với tinh thần ấy. "Nợ đời" vượt lên khỏi những bộ phim truyền hình thời điểm đó, tạo thành một điểm sáng đáng giá. Hồ Ngọc Xum không đi vào những chuyện chinh chiến hay xây dựng những biến cố có dấu vết thời cuộc. Ông đi vào cái tình người, cái cách mà người ta sống, ứng xử với nhau trong những biến cố. Từ đó bật lên tính cách của người Nam bộ.

Miền Tây trong trái tim Hồ Ngọc Xum là miền ruột thịt. Chàng trai An Giang ngày hai buổi đến trường bằng bộ quần áo gói trong túi nilon. Buổi sáng, mặc quần tà lỏn lội qua sông, đến trường mới dám mặc. Cuộc sống của Hồ Ngọc Xum không thuận lợi. Không tuổi thơ vì cuộc sống vật lộn. Ba ông mất sớm. Hồ Ngọc Xum phải tự vật lộn với cuộc sống của một đứa học sinh xa nhà. Và cứ như thế, lầm lũi ngày tháng ông tự lo cuộc sống của mình như vậy.

Suốt thời học Văn khoa, Hồ Ngọc Xum sống cuộc sống của một phu khuân vác dưới bến thuyền. Và ông đã làm tất cả mọi việc để có thể nuôi thân và học tiếp đại học. Không có điều gì làm ông cảm thấy lo sợ, ngoài việc, mình có dám vượt qua để trưởng thành hay không. Cuộc sống thời thanh niên của Hồ Ngọc Xum vốn nhiều rối ren, sáng tối chưa phân rõ rệt. Tìm được cho mình một con đường thực sự, là một điều tưởng giản đơn nhưng cũng khó vô chừng.

Hồ Ngọc Xum bắt đầu sự nghiệp điện ảnh cũng bằng một con đường không bằng phẳng. Nhưng từ khi tốt nghiệp đạo diễn, hơn 20 năm qua, ông đều đặn làm mỗi năm một phim và không ít trong số đó đã được những giải thưởng của ngành điện ảnh và truyền hình. Phần nhiều các tác phẩm của Hồ Ngọc Xum là làm về miền Tây, làm về nỗi ám ảnh của người sông nước trong cái nhìn của một người thấu hiểu cuộc đời.

Hồ Ngọc Xum nói, điều ông cảm thấy tiếc nuối nhất, là khi ông có thể làm chủ được cuộc sống, có thể trả hiếu ba mẹ thì không còn ai bên cạnh ông nữa. Còn tất cả, mọi sự sau này, kể cả những đổ vỡ trong cuộc hôn nhân đầu tiên, cũng không làm ông day dứt quá nhiều. Mọi sự trong đời ông, ông hoàn toàn không nghĩ cho mình. Ông làm phim cũng không phải để ghi danh. Có những bộ phim ông kiên quyết không nhượng bộ. Ông không bao giờ làm bộ phim mà mình không thích. Nhưng khi đã làm ông sẽ làm tới cùng.

Một góc khuất trong cuộc đời phim ảnh của Hồ Ngọc Xum là những bộ phim tài liệu. Bộ phim đoạt giải vàng của ông "Đời thương hồ" thực sự là một tác phẩm xuất sắc. Ông, bằng cả cuộc đời và gốc gác của mình, kể lại một đặc trưng sống chỉ có ở người Nam Bộ. Những người dân sống và buôn bán trên ghe thuyền dọc những con sông. Và họ hài lòng với cuộc sống ấy. Họ chấp nhận có thể nghèo một chút, nhưng sống thoải mái và thành thật. Cũng có những người buôn bán khẳm, họ lại dựng những chiếc ghe lớn, đầy đủ tiện nghi để sống cuộc đời sông nước tự do vẫy vùng. Với nhiều người, đó là sự thường. Nhưng, với Hồ Ngọc Xum, đó lại là một điều đặc biệt, dù ông lớn lên từ sông nước ấy. Chuyện sống trên bờ hay dưới nước, không phải là vấn đề lớn nhất. Mà cái quan trọng, là phải những con người yêu tự do ra sao, thích độc lập thế nào, mới thích cuộc đời không ràng buộc vào một nơi chốn như thế.

Hồ Ngọc Xum hay đi vào những câu chuyện nhẹ nhàng như vậy. Phim của ông thường không bao giờ có diễn viên nổi tiếng. Có những phim hoàn toàn là diễn viên mới. Ông chọn diễn viên theo tiêu chí riêng, miễn là hợp vai. Chính vì cách làm việc ấy, mà Mỹ Uyên mới có cơ hội nhận được một vai lớn nhiều đất diễn như Ba Có trong "Nợ đời". Thực sự Ba Có là mốc dấu quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất của Mỹ Uyên. Cô tâm sự rằng, với Hồ Ngọc Xum, cô luôn dành cho anh một tình cảm trân trọng. Trong những bộ phim sau này, dù chỉ là một vai rất nhỏ, nhưng nghe Hồ Ngọc Xum gọi, cô đều sẵn lòng tham gia.

Nhưng cũng chính vì sự hết lòng của "dân miền Tây" với nhau, nên Hồ Ngọc Xum luôn dành cho cô những vai nhỏ nhưng rất cá tính. Hồ Ngọc Xum tâm sự, cái quan trọng không phải là một ngôi sao, mà quan trọng là chúng ta chọn một nhân vật cho phim của mình. Ngôi sao có thể sẽ tăng sức hấp dẫn nhất thời. Nhưng trong tổng thể, thì nên chọn theo sự phù hợp.

Tôi gọi Hồ Ngọc Xum là kẻ lạc thời. Vì hầu như những gì ông đang làm, đều không cùng hướng với xu thế chung. Ông đang chuẩn bị làm bộ phim chiến tranh về thanh niên xung phong. Một dự án phim đòi hỏi tốn thời gian, công sức và tiền đầu tư thì còm cõi. Nhưng ông vẫn muốn làm, như một sự tri ân nhiều hơn là tham vọng nghệ thuật. Để chuẩn bị cho dự án ấy, ông cũng lặn lội rừng biển, chuẩn bị cho từng cảnh quay. Và cũng để chuẩn bị cho dự án ấy, ông buộc phải dừng rất nhiều những dự định khác...

Hồ Ngọc Xum nói, thực sự ở vào tuổi này, mọi buồn riêng đã được lắng xuống từ lâu. Ông chỉ mang nỗi buồn chung. Dường như, những người nông dân, những người nghèo, bị đẩy dần xa những phương tiện giải trí. Họ bị lối sống thị dân xâm chiếm, sự xâm chiếm ấy bắt nguồn từ truyền hình. Không có được sự chia sẻ đáng giá từ các phương tiện truyền thông đối với họ. Những người nông dân Nam bộ cần được sự sẻ chia. Ông đang đi lạc thời. Nhưng sự lạc thời đó không vô nghĩa...

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý