Khám phá sự kỳ bí miền Sông Mã: Vén màn bí mật quanh huyền tích cây chu đồng

baybeface1 baybeface1 @baybeface1

Khám phá sự kỳ bí miền Sông Mã: Vén màn bí mật quanh huyền tích cây chu đồng

Trong bộ sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, có nhiều chương đoạn kể về cuộc đi tìm, chặt đốn và vận chuyển cây chu kỳ vĩ, đem sự phồn thịnh cực đỉnh về cho bản Mường.

06/04/2017 12:19 PM
255

Trong bộ sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, có nhiều chương đoạn kể về cuộc đi tìm, chặt đốn và vận chuyển cây chu kỳ vĩ, đem sự phồn thịnh cực đỉnh về cho bản Mường. Chúng tôi tìm về ngọn đồi Lai Li Lai Láng, thuộc đất Mường Ống xưa, bên dòng sông Mã để tìm huyền tích của “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc”, hy vọng vén dần lên lớp lớp những bức màn bí mật.

Chúng tôi tìm về ngọn đồi Lai Li Lai Láng, thuộc đất Mường Ống xưa, bên dòng sông Mã để tìm huyền tích của “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc”, hy vọng vén dần lên lớp lớp những bức màn bí mật.

Từ chiếc hố tròn khổng lồ ở làng Cha

Bên bờ trái của dòng sông Mã, đoạn chảy qua xã Thiết Kế (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) có một ngôi làng của người Thái nhỏ xinh, gọi là làng Cha. Đây vốn là bến đò Vạn Cha cổ xưa, tấp nập trên bến dưới thuyền, nơi giao thương của người miền xuôi và miền ngược trên dòng sông Mã. Thuyền lớn từ phía xuôi lên đến đây là phải dừng vì không thể đi tiếp, phải chờ thuyền nhỏ trên ngược đem hàng hóa về.

Hỏi chuyện, người già trong vùng bảo: “Tên gọi đó là trại (chệch-PV) đi từ chữ Chu, chỉ sự to lớn, rộng rãi. Cũng là chỉ cây chu huyền thoại của người Mường xa xưa, chặt trên đồi Lai Li Lai Láng, nó đổ xuống bản này”. Tôi tìm đến chỗ cây chu đổ, là một vụng nước rất sâu, to như một chiếc hồ tròn, ngay mép nước sông Mã, đứng trên quốc lộ 15A có thể nhìn thấy. Trong pho sử thi đồ sộ “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường có kể về một hành trình kỳ vĩ đi tìm cây chu, đốn cây chu và chuyển cây chu theo sông Mã vận chuyển về Đồng chì Tam quan Kẻ Chợ. Cây chu, biểu tượng cho nguồn gốc làm nên sự giàu có và phồn thịnh của bản Mường, nên phải đưa về Kẻ Chợ. Phải chăng hành trình vĩ đại ấy bắt đầu từ chỗ này?

Khám phá sự kỳ bí miền Sông Mã: Vén màn bí mật quanh huyền tích cây chu đồng - Ảnh 1

Phiến đá hình gốc cây với đầy vẻ thâm trầm, bí ẩn - Ảnh: báo Người Đưa Tin

Sáng sớm, tôi cùng hai anh cán bộ kiểm lâm là Lê Bá Lâm, Phạm Văn Thành đi xe máy đến ngã ba Cây số 0, rẽ trái, vượt dốc Năm Cây tiến về thung Buốc Bo (xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước). Ba cán bộ xã Kỳ Tân là Hà Văn Minh, Vi Văn Điệp, Hà Văn Luyến đã chờ sẵn ở đó.

Nghe tôi nói muốn lên đồi Lai Li Lai Láng tìm “cây chu đá lá, chu đồng, bông thau, quả thiếc”, hai anh kiểm lâm tỏ vẻ ngơ ngác, nói chưa từng nghe chuyện đó. Anh Hà Văn Minh, Trưởng ban Văn hóa xã, cười: “Theo tiếng địa phương, “lai li lai láng” là chỉ sự rộng lớn bát ngát. Ngọn đồi Lai Li Lai Láng trong mo Mường là cả hệ thống núi đồi nằm dọc hai bên bờ sông Mã đoạn từ cầu Na Sài (Quan Hóa) xuống đến khu vực này, dài quãng hơn 10 km. Ngày xưa gọi chung là Mường Ca Da và Mường Ống”. Nhưng anh Minh cũng thừa nhận, mình chỉ nghe các cụ kể lại, chứ chưa từng khám phá huyền tích này.

Hết đoạn đường núi xe máy có thể đi, chúng tôi để xe máy tại một lán nhỏ, thong thả hướng lên đồi. Hà Văn Luyến và Vi Văn Điệp đi trước, dùng dao rừng mở đường phát lối. Thấy thắt lưng Luyến có buộc một chiếc chai nhựa chứa chất lỏng màu đen, hôi hám, tôi hỏi. Luyến cười: “Mấy hôm nay trời ẩm ướt, có lẽ sẽ có nhiều vắt tấn công đoàn mình đấy. Em thủ sẵn ít nước điếu, để trị. Đấy, vắt đã bám lên giày anh rồi kìa”. Miệng nói, tay Luyến mở nắp, lấy que nứa nhúng vào lọ nhựa rồi gí vào từng con vắt, khiến chúng lăn ra đất giãy giụa.

Có hai thanh niên tháo vát thoăn thoắt đi trước mở đường phát lối, nhưng do lối mòn lòa xòa cây cỏ, thỉnh thoảng chúng tôi cũng bị lạc. Anh Minh bảo, đường này trước đây chỉ có gia đình anh lên thôi, vì trên đồi này là đất rừng nhà anh quản lý. Đợt trước anh có trồng nhưng chưa được thu hoạch, nên cũng chẳng lên nữa. Luyến vẫn vừa đi vừa chỉ về những ngọn đồi, ruộng nương xung quanh, kể chuyện dấu tích khai phá của người Mường, người Dao xưa...

Tôi để ý quan sát, quả đồi tròn bên cạnh lối chúng tôi đi chỉ toàn đá, cây cối không mọc được, chỉ có loại cỏ gà còn sót chút ít. Điệp bảo, mỗi năm vài lần sét đánh ầm ầm vào ngọn đồi đó, không ai dám lên. Nhưng ngọn đồi chúng tôi đang đi lại hầu như chỉ có đất, cây cối sum suê. Sau nửa giờ đi bộ, chúng tôi mới nhìn thấy đá. Ban đầu là những viên đá hộc to như chiếc bàn, chiếc thúng nằm lăn lóc, cỏ rêu phủ đầy. Điều lạ là những tảng đá này đều có hai đến ba cạnh vuông vức, như những tảng đá xây dựng thành nhà Hồ nổi tiếng ở Vĩnh Lộc sau khi được chế tác. Cùng đó là những tảng đá dăm sắc nhọn như được chẻ tước ra. Thoạt nhìn, có cảm giác đây là một công trình khai thác đá từ lâu đời bị quên lãng.

... Đến gốc cây đá khổng lồ trên đỉnh Pù Đền

Từ con dốc nhỏ bắt đầu có những viên đá lớn, thêm chừng hơn 100 bước, xuất hiện một tảng đá to lớn, cỡ như trải được 4 chiếc chiếu lớn lên trên. Nó nằm chênh vênh bên vách núi, cao trên mặt đất chừng 1m. Mặt trên của tảng đá phủ một lớp dày rêu phong cỏ dại, bốn bên có các thân cây nhỏ mọc che khuất, khiến nó càng thêm thâm trầm, bí ẩn.

Điệp nhảy lên trên phiến đá, nói to: “Chúng ta nghỉ ở đây thôi. Ngày trước, em đi rừng đã từng ngồi nghỉ lại trên tảng đá này, nó rất bằng phẳng, không có vắt đâu”. Rất nhanh nhẹn, anh chặt mấy cành cây lớn, tuốt sạch cành lá, cùng Luyến hò zô bẩy lớp cỏ như tấm thảm khổng lồ lên, lăn và cuộn nó vào các góc. Mặt phiến đá được phong hóa lâu đời nên có một lớp mùn dày, phía dưới lớp cỏ còn nguyên các rễ cây, cảm tưởng như một lớp mạ mà nông dân miền xuôi ngày trước hay gieo giữa sân nhà. Chúng tôi bó lá cây thay chổi để quét sạch phiến đá.

Phạm Văn Thành lấy GPS ra đo từ mặt tảng đá, cho chỉ số độ cao khoảng 1.010m so với mực nước biển. Anh Minh, Điệp và Luyến tiếp tục chia sẻ những hiểu biết của họ về phiến đá này, những điều người già trong bản kể lại. Theo họ, đó là nơi vua Lê Lợi đã ngồi quan sát doanh trại của giặc Minh, cùng các tướng lĩnh bàn mưu tính kế. Đứng trên đồi cao nhìn xuống, đồn Quan Da nhìn rõ mồn một như lòng bàn tay, từ cách bố phòng đến các lối hành quân. Do có dấu tích của vua Lê, nên ngọn đồi có tên là Pù Đền, dưới chân đồi là ngôi đền thờ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi).

Anh Minh bảo: “Theo sử sách, mỗi lần thua trận ở núi Chí Linh, vua Lê Lợi lại lên miền này để tìm tập hợp lực lượng, xây dựng lại nghĩa quân. Một lần, ông đi qua khu ruộng dưới chân đồi, gặp ông Ban đang cày ruộng. Ông Ban thấy khách đói, bèn giở ép cơm nếp, ống canh uôi ra mời khách cùng ăn. Họ vui vẻ trò chuyện, tâm đầu ý hợp, ông Ban bèn thịt tiếp con chó của mình, thui lên mời khách ăn tiếp. Khách khen bữa cơm ngon, trước khi đi còn dặn: “Sau này ta thành công, cúng tế cho ta chỉ cần lễ vật như bữa ăn này là đủ”. Về sau ông Ban mới biết đó chính là Lê Lợi, từ dạo đó, người trong vùng có lệ cúng tế nhà vua đúng theo lời ngài dặn. Trong thung Buốc Bo, chỗ ông Ban cày ruộng khi xưa, hiện còn một chiếc lán đơn sơ, làm bằng luồng, lợp mái lá, bên trong có một chiếc bàn bằng luồng. Đó là nơi bà con đặt lễ vật cúng Lê Lợi, mỗi năm một lần, chung với ngày lễ hội Căm Mương (cúng cơm mới) của cả xã. Lễ vật của buổi cúng là một bát canh uôi, cơm nếp và thịt chó thui.

Cả anh Minh, Điệp và Luyến đều là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên trên đất này, nên câu chuyện của họ không có các huyền tích của người Mường cũng là điều dễ hiểu. Tôi đi quanh quẩn quan sát, bốn bề toàn đá dăm mảnh tước, như ai đó cố tình gọt đẽo. Khối đá hình tròn, mặt đá nhẵn phẳng như một gốc cây khổng lồ bị bàn tay tạo hóa đó cắt gốc.

Chuyện xưa kể, khi lang Cun Khương cùng đoàn người hùng hậu của mình chặt đổ gốc cây chu, thân nó đổ về phía sông Mã, tạo nên một miệng hố lớn. So sánh với miệng hố bên làng Cha, hình dung về một thân cây khổng lồ, quả nhiên “gốc cây” này thật tương ứng. Từ điểm gốc cây đến nơi ngọn nó lao xuống, chỉ cách một sườn núi, chừng 500m. Dù thuộc đất hai xã Kỳ Tân và Thiết Kế, nhưng đều thuộc đồi Lai Li Lai Láng và Mường Ống cổ xưa. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là gốc tích của cây chu đá huyền thoại của sử thi Mường. (còn tiếp)

Bài đăng lại trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 38 ra ngày 29/3/2017

LÊ QUÂN

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý