Khi bác sỹ bạc đầu vì… khan hiếm tạng

remember1 remember1 @remember1

Khi bác sỹ bạc đầu vì… khan hiếm tạng

Khi trực tiếp nghe các bác sỹ trải lòng về nguồn cung cấp tạng vô cùng thiếu, chúng tôi mới có thể hiểu được phần nào nội hàm của câu “lương y như từ mẫu”.

06/10/2015 02:57 PM
147

“Cầu như núi, cung như vực”

PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước (Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch & Lồng ngực - BV Việt Đức) là một trong những bác sỹ tham gia nhiều ca ghép tạng. Ông cũng là người luôn luôn trăn trở để vận động người dân hiến tạng cứu người.

Nói về sự khan hiếm tạng, bác sỹ Ước ví von: “Nhu cầu bệnh nhân cần ghép tạng thì cao như núi, còn nguồn tạng thì như vực sâu. Đó là điều khiến chúng tôi rất trăn trở, muốn cứu bệnh nhân mà không có nguồn tạng thì cứu kiểu gì…”.

Khi gặp nhóm PV để chia sẻ thông tin về ca ghép tạng xuyên Việt cách đây không lâu, bác sỹ Ước phát cho mỗi PV một tờ đơn Tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, cùng đó là bản đăng ký hiến tặng tạng, mô.

“Nếu như các nhà báo là những người cùng chúng tôi tiên phong trong công cuộc hiến tạng và vận động hiến tạng thì tới đây, chúng ta có thể cứu sống thêm được nhiều người”, bác sỹ Ước nói. Tuy nhiên, theo quan sát của PV báo Người Đưa Tin, không phải nhà báo nào cũng dám viết và ký tên vào tờ đơn này. Điều đó phần nào cho thấy, công cuộc vận động hiến tạng cứu người không hề dễ dàng.

“Mỗi năm, nước ta có hàng chục nghìn ca chết do tai nạn giao thông. Nếu các ca này hiến tặng tạng mô thì có thể cứu được hàng trăm nghìn người. Cùng đó, mỗi ngày, chỉ riêng ở bệnh viện Việt Đức đã có 1-4 người bị chết não. Nếu các ca tai nạn giao thông, các ca chết não này mà hiến tạng mô thì đúng là quý hoá biết bao…”, BS.Ước tâm tư.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay cả nước đã có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép mô, tạng, trình độ ghép tạng của y bác sĩ Việt Nam được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, ngành ghép tạng nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự thiếu trầm trọng nguồn mô, tạng để cấy ghép, trong khi đó, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng.

   - Ảnh 1

PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước (Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch & Lồng ngực – BV Việt Đức) luôn trăn trở tìm nguồn tạng cho bệnh nhân

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao. Đặc biệt, việc tuyên truyền về hiến mô, tạng sau khi chết, chết não còn nhiều hạn chế, chưa đến được với đông đảo người dân. Bên cạnh đó việc thiếu hệ thống cung cấp thông tin, tư vấn và đăng ký hiến tặng cũng là những thách thức đang đặt ra với ngành y tế nước ta.

Được biết, đến nay cả nước đã thực hiện được trên 1.011 ca ghép thận, 37 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc. Trong khi đó, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận, trên 1.500 người được chỉ định ghép gan và khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có khoảng 6.000 trường hợp đang chờ được ghép giác mạc, cùng hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi...

“Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh, là một sự lãng phí lớn và đang đặt ra cho chúng ta nhiều trăn trở”, BS.Ước chia sẻ.

Trước thực tế trên, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Hội Ghép tạng Việt Nam đã chính thức được thành lập. Trong đó, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ trưởng bộ Y tế) đã được bầu làm Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và GS.TS.Phạm Gia Khánh làm Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam.

Được biết, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam ra đời có nhiệm vụ liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia các hoạt động tuyên truyền vận động về hiến tặng mô, bộ phận con người tới mọi tầng lớp nhân dân.

   - Ảnh 2

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết (bệnh viện Việt - Đức) thăm khám cho bệnh nhân ghép gan Vũ Đình Huỳnh.

Những quan niệm sai lầm… chết người!

PGS.TS.Ước cho rằng, không chỉ riêng bệnh nhân mà ngay cả thầy thuốc, tư duy lạc hậu, luôn cho rằng, đã chữa bệnh là phải chữa khỏi hoàn toàn, giống như mua một chiếc xe máy là đi mãi không hỏng.

“Có thể hiểu là phương pháp chữa bênh, chữa như thế nào đấy bệnh nhân phải sống, sống là phải sống lâu. Ngay cả những ca ghép tim vừa rồi, đi xa như thế, chúng tôi mang được tạng ra, ghép được cho bệnh nhân đã là quá thành công rồi, kể cả bệnh nhân có chết hay như thế nào đi nữa. Ghép xong được vài ngày, bệnh nhân chết cũng là thành công tuyệt vời rồi”, BS.Ước nói.

Cũng theo BS.Ước, quan niệm xưa đến nay sau mỗi ca mổ, ca cấp cứu cứ phải sống thì mới là thành công. Cái này đã tồn tại quá lâu trong tư duy con người Việt Nam. Ca ghép tim thành công thì bệnh nhân phải khỏe.

Ghép tạng không giống như thay một cái van tim, vá đoạn lỗ thông. Tuy nhiên, họ chưa hiểu hết được thay hẳn một cái tạng. Chính vì thế, quy trình chăm sóc, theo dõi sau ghép rất phức tạp, không đơn giản như thay rồi về sống bình thường được.

Quá trình theo dõi không đơn giản mà người bệnh là nhân tố chính, phải giữ gìn bảo tồn tạng ghép tốt, vì nó ảnh hưởng đến những sinh hoạt thường ngày của con người, liên quan đến những khoái cảm của con người: Ăn, uống, sinh hoạt tình dục… đều bị hạn chế rất nhiều, có những cái có thể cấm. Tạng đưa vào cơ thể không thể giống với cái chỉ, mũi khâu được, không thể cứ ghép, đi về là xong, khỏe mạnh ăn uống hoạt động như người bình thường.

“Có những bệnh như ung thư, chấn thương sọ não, có những người sẵn sàng bỏ hàng tỷ đồng ra để đi chữa chạy, như ung thư chỉ sống được vài tháng, hay vài năm mà thôi, hay bị chấn thương sọ não chỉ nằm một chỗ, hay sống thực vật gia đình chăm sóc… nhưng người ta sẵn sàng chấp nhận.

Chính vì thế, ghép một cái tạng giúp người bệnh khỏe lên rất nhiều, chất lượng cuộc sống tăng lên, thời gian có thể lâu hơn, nhưng không thể là vĩnh cửu. Người dân, các thầy thuốc cũng hiểu sai sau khi ghép tạng là phải sống bình thường và phải sống thật lâu. Cần phải thay đổi cách suy nghĩ như vậy”, PGS.TS.Ước nhận định.

BS.Ước cho biết thêm: “Ở Việt Nam có một số bệnh nhân không tìm được nguồn tạng ghép nên sống được vài tháng thì chết, có tạng nhưng không có bệnh nhân nào ghép phù hợp.

Đơn cử như có hơn 30 ca ghép gan nhưng chỉ có hơn 10 ca ghép tim có thể thấy có nhóm ở giữa không có người nhận, nếu như có trong tay danh sách những người nhận đông hơn thế nữa thì con số không chỉ có thế, rất là tiếc cho những trường hợp không phù hợp đó. Nhiều khi chúng tôi vẫn hay hỏi nhau, anh ơi có tim không, anh ơi có gan không… điều đó có nghĩa là có nguồn tạng, quan trọng có người chờ không”…

Kể về lần đầu tiên vận động xã hội trong ghép tim, BS.Ước nói: “Tôi là người đầu tiên trong cả nước vận động ghép tim cho một bệnh nhân nhà nghèo, viết thư lên báo xin hỗ trợ của độc giả. Đối với trẻ em có bệnh lý bẩm sinh thì quả là dễ, khi trong một vài ngày vận động đã đủ, thậm chí có thêm tiền hậu phẫu để chăm sóc. Thế nhưng, đối với người lớn thì khó lắm, chúng tôi đã vận động một lần sau hơn 10 ngày mới đc 1,5 triệu đồng, không đủ cho bênh nhân ăn uống, huống hồ…”.

“Về mặt lý thuyết, có rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng nhưng trên thực tế không phải có nhiều như vậy. Bởi, thứ nhất là vấn đề thông tin, hiểu biết của người bệnh, thầy thuốc, thứ hai có nhiều bệnh nhân thì cũng không có nguồn để ghép. Ở bệnh viện Việt Đức, trong vòng 14 tháng mới có nguồn để ghép, như thế có thể thấy được, thông tin mà người bệnh nắm được không phải là nhiều.

Và như thế, bệnh nhân chờ đợi trong thời gian đó đã chết vì không ghép được tạng. Thứ ba là nguồn hiến hiện đang phụ thuộc chính vào nhận thức của xã hội…”, PGS.TS.Ước nói.

Theo PGS.TS.Ước cho biết, luật pháp về hiến tạng đã có rồi, vấn đề tổ chức thì Trung tâm Ghép tạng quốc gia đã có nhiều hoạt động, có đầy đủ giấy tờ về mặt hành chính, nhưng để vận động người dân hiến tạng thì quả là điều rất khó khăn.

Ở Việt Nam, kỹ thuật ghép tạng có thể đạt ngang tầm với các nước trên thế giới nhưng mắc ở hai đầu cực ở nguồn người nhận và người cho, rồi công tác chăm sóc người bệnh sau ghép tạng… Giáo dục sức khỏe cho người bệnh sau ghép là công tác vô cùng quan trọng.

Nhóm PV

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý