Khởi tố, truy nã 'ông trùm' vụ bắt hơn 50 tàu 'cát tặc'

mesu mesu @mesu

Khởi tố, truy nã 'ông trùm' vụ bắt hơn 50 tàu 'cát tặc'

Vụ bắt hơn 50 tàu cát tặc trên sông Hồng tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, cơ quan điều tra vừa tống đạt khởi tố 6 bị can liên quan.

20/11/2014 10:33 AM
2,588

Ngày 19/11, theo tin tức trên TTXVN, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 6 bị can trong vụ án "Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Các bị can bị khởi tố đều trú tại địa bàn Thành phố Hà Nội gồm: Vũ Anh Toàn (tức Toàn "cụt", 41 tuổi, trú tại Thanh Xuân); Nguyễn Ngọc Lâm (27 tuổi, trú tại Sơn Tây); Đặng Văn Thành (22 tuổi, trú tại Phúc Thọ); Đoàn Hồng Sơn (22 tuổi, trú tại Phúc Thọ); Trần Việt Anh (26 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Văn Hiểu (27 tuổi, trú tại Phúc Thọ).

Cơ quan điều tra cũng đã thực hiện lệnh tạm giam đối với Lâm, Thành, Sơn và Việt Anh để phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan điều tra ra lệnh bắt tạm giam đối với Vũ Anh Toàn và Nguyễn Văn Hiểu. Được biết 2 bị can này đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đang khẩn trương truy bắt, hoàn tất thủ tục truy nã. Các quyết định và lệnh trên đều đã được viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn.

 - Ảnh 1

Lực lượng cảnh sát đã bắt giữ 50 tàu thuyền các loại đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng. (Ảnh báo An ninh Thủ đô)

Cát tặc lắm chiêu

Chia sẻ trên báo Anh ninh Thủ đô, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, tuyến sông Hồng đoạn chạy qua địa bàn huyện Phúc Thọ dài gần 10km, tập trung nhiều mỏ cát đen cánh to có giá trị sử dụng cao nên nhiều đối tượng đã lợi dụng vỏ bọc doanh nghiệp cứu hộ, cứu nạn hoặc san lấp mặt bằng để khai thác cát trái phép. Với đủ chiêu trò đối phó, cát tặc chủ yếu hút cát vào các ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần hoặc vào ban đêm, sáng sớm, không loại trừ việc sử dụng vũ khí, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ, trên tuyến sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn có 3 công ty được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép khai thác tại các mỏ cát lộ thiên phục vụ việc san lấp mặt bằng. Ngoài ra còn có Công ty CP Vân Phúc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cứu hộ, cứu nạn, trục vớt và trục cạn các loại tàu thuyền. Tất cả các doanh nghiệp này đều không được cấp phép khai thác cát dưới lòng sông. Tuy nhiên ở phía bờ bên kia, có 2 công ty được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác lòng sông. Lợi dụng việc này, cát tặc đã tập trung khai thác tại các khu vực giáp ranh hoặc vị trí được cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép.

Trả lời về hoạt động khai thác cát trái phép và cưỡng đoạt tài sản trên tuyến sông Hồng được điều hành bởi đối tượng xã hội có tên Vũ Anh Toàn (tức Toàn “cụt”, SN 1973), Đại tá Bùi Xuân Trường – Trưởng CAH Phúc Thọ cho biết, từ năm 2012, cơ quan công an đã phát hiện nhiều biểu hiện nghi vấn và lên kế hoạch đấu tranh với đối tượng này. Công ty do Toàn “cụt” nắm quyền điều hành được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép hoạt động ở 30 lĩnh vực, trong đó có khơi thông, nạo vét dòng chảy.

Lợi dụng điều này, các đối tượng đã có biểu hiện thu tiền của các tàu thuyền di chuyển theo tuyến từ Ba Vì, Sơn Tây về đến Chèm. Do hoạt động phạm tội có tính liên huyện, liên tỉnh nên Công an huyện và các đơn vị nghiệp vụ CATP đều lập án đấu tranh, đồng thời báo cáo cấp trên để phối hợp, hỗ trợ. “Thủ đoạn của Toàn “cụt” rất tinh vi. Đối tượng này chỉ đứng sau chỉ đạo, việc giao dịch, đứng tên pháp nhân đều do họ hàng, đàn em đảm nhiệm. Do đó, việc chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng cầm đầu là cả quá trình kỳ công, gặp nhiều khó khăn” - Đại tá Bùi Xuân Trường cho biết.

 - Ảnh 2

Cuộc vây bắt cát tặc được Bộ Công an thực hiện bất ngờ, bí mật.

Không bảo kê, tiếp tay cát tặc

Theo báo Tiền Phong, liên quan đến vụ án trên, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 18/11, ông Bùi Xuân Trường, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết trước khi Bộ Công an vào cuộc, Công an huyện có nắm được thông tin về một đối tượng có tên Toàn như trên.

“Lợi dụng danh nghĩa này, Toàn chỉ đạo “tay chân” thu tiền của các tàu qua lại trên địa bàn sông thuộc huyện Phúc Thọ, nhưng chứng minh hành vi thì không dễ. Công an huyện Phúc Thọ đã lập chuyên án đấu tranh và đang trong quá trình điều tra. Còn có việc “chống lưng”, “bảo kê” hay không thì tôi khẳng định là không” – ông Trường quả quyết.

Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Phú - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ thừa nhận, tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn đã diễn ra từ những năm 2009 và thời điểm đó đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn nhưng đến nay chính quyền chỉ xử lý được 6 vụ, phạt hành chính chưa đầy 200 triệu đồng.

Ông Phú cũng cho hay, đang có sự chồng chéo trong việc quản lý khai thác cát trên địa bàn huyện Phúc Thọ và địa bàn huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc). Điển hình là việc ngày 8/9/2014 vừa qua lực lượng chức năng kiểm tra tàu cuốc số hiệu PT-1832 đang có hành vi hút cát từ lòng sông Hồng lên tàu. Chủ tàu Hiểu trình bày họ đang khai thác ở địa bàn huyện Yên Lạc (nơi được cấp phép khai thác cát) và được huyện Yên Lạc xác nhận. Do đó tổ công tác của huyện đã bàn giao cho công an Yên Lạc.

Cũng tại vị trí này, ngày 8/11/2014, khi lực lượng của Bộ Công an phối hợp với công an huyện Phúc Thọ bắt số tàu cuốc hút cát nói trên thì phía huyện Yên Lạc lại khẳng định địa phận đó thuộc... TP Hà Nội.

Theo ông Phú do nguồn cát đen dưới lòng sông Hồng có giá trị cao nên một số doanh nghiệp cấu kết các đối tượng tìm cách khai thác trộm với phương thức, thủ đoạn tinh vi như lợi dụng vào giấy phép khai thông dòng chảy để khai thác, chỉ hoạt động vào ban đêm hoặc ngày nghỉ lễ… “Ban đêm chúng tôi nhìn thấy cát tặc hoạt động nhưng không có phương tiện để ra bắt, mình tổ chức lực lượng thì đối tượng bỏ chạy sang địa phận của huyện khác” - ông Phú nói.

Trước đó, rạng sáng 8/11, khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ gồm các lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã bao vây toàn bộ khúc sông Hồng chảy qua địa bàn huyện Phúc Thọ, bắt giữ 51 tàu gồm 21 tàu cuốc (chuyên dùng để hút cát) và 30 tàu chuyên chở, cùng nhiều đối tượng hoạt động theo hình thức xã hội đen, bảo kê việc khai thác cát tại đây.

Theo kết quả điều tra ban đầu, mỗi ngày các đối tượng đã đánh cắp khoảng 2.000 m3 khối cát dưới lòng sông Hồng, tương đương khoảng 1 tỷ đồng. Hoạt động khai thác cát trái phép, dưới sự bảo kê của một băng nhóm tội phạm đã được phát hiện qua sự tố giác của người dân và được thông tin đại chúng kịp thời phản ánh…

Từ tháng 9/2014 đến khi vụ án được triệt phá, Vũ Anh Toàn và Nguyễn Văn Hiểu đã chỉ đạo 19 tàu khai thác và bán được khoảng trên 243.380m3 cát, thu về số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Gia Huy (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý