Không để lãnh đạo thua lỗ vẫn… “lên cao”

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Không để lãnh đạo thua lỗ vẫn… “lên cao”

Bỏ lại doanh nghiệp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, nhiều lãnh đạo “hạ cánh an toàn” ở vị trí mới hoặc “ngồi cao” hơn chiếc ghế từng tại vị. Chính phủ đang rất quyết liệt...

30/07/2017 09:48 AM
108

Bỏ lại doanh nghiệp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, nhiều lãnh đạo “hạ cánh an toàn” ở vị trí mới hoặc “ngồi cao” hơn chiếc ghế từng tại vị. Chính phủ đang rất quyết liệt xác định trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ của ngành Công Thương. Vậy làm sao ngăn chặn tình trạng cá nhân, tổ chức luồn lách “khách quan hóa” nguyên nhân để “hô biến” trách nhiệm thành “của chúng ta”? Để rộng đường dư luận, PV báo ĐS&PL đã có cuộc phỏng vấn Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Bùi Đức Thụ.

PV:Thưa ông, từng có thời gian 5 năm làm Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIII, ông đánh giá thế nào khi 12 dự án nghìn tỷ của ngành Công Thương đã thua lỗ từ lâu nhưng trách nhiệm cá nhân, tổ chức vẫn chưa thể xác định được? Phải chăng, đây là việc khó hay còn lý do gì khác?

Không để lãnh đạo thua lỗ vẫn… “lên cao” - Ảnh 1Phóng to

Ông Bùi Đức Thụ đề nghị sớm xử lý dứt điểm 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ của ngành công thương. (Ảnh: Dương Thu).

Ông Bùi Đức Thụ: Muốn xác định trách nhiệm cần làm rõ thực trạng và nguyên nhân thua lỗ. Với nền kinh tế thị trường, việc thua lỗ là hết sức bình thường xuất phát từ rủi ro trong kinh doanh. Ở đây có trách nhiệm của người quyết định đầu tư, không xem xét và tiên lượng đầy đủ diễn biến của thị trường trong tương lai. Tuy nhiên, với 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, ngoài nguyên nhân khách quan cần làm rõ trách nhiệm chủ quan của tổ chức, cá nhân. Qua phân tích có thể thấy, việc xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức gắn liền với xác định nguyên nhân, thực trạng thua lỗ. Đây là quá trình dài, có nhiều việc phải làm và cần thời gian. Tôi cho rằng, quản lý Nhà nước để đánh giá mức độ thua lỗ, phát hiện kịp thời yếu kém để xử lý thời gian qua làm chậm. Lỗi chủ quan chính là năng lực quản lý của Nhà nước, bộ, ngành, chủ đầu tư.

PV: Vậy, để làm rõ trách nhiệm, yếu tố nào là quan trọng?

Ông Bùi Đức Thụ: Chúng ta có nhiều cơ quan thực hiện việc này. Tôi được biết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Kiểm toán Nhà nước, bộ Công an, Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành việc kiểm toán, điều tra, thanh tra tại 12 dự án này.

Nếu sai về quản lý điều hành, có chế tài xử lý. Trường hợp vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra xem xét khởi tố. Còn trường hợp do cơ chế, chính sách quản lý sử dụng nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sơ hở thì kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật đó. Tôi thấy cần xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, đừng để lãi mẹ đẻ lãi con, Nhà nước phải gánh chịu. Đồng thời, rà soát và xử lý cả doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thua lỗ, không đợi mất tiền rồi mới chạy theo giải quyết hậu quả.

PV: Như ông phân tích có nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến thua lỗ. Vậy làm sao ngăn chặn tình trạng cố tình luồn lách, đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan để trách nhiệm thành “của chúng ta” và thoát án một cách nhẹ nhàng?

Ông Bùi Đức Thụ: Những người liên quan đến quá trình doanh nghiệp thua lỗ chắc chắn muốn tìm cách đẩy hết về nguyên nhân khách quan để thoái thác trách nhiệm, an toàn với mình.

Vấn đề đặt ra là cơ quan thanh tra, kiểm toán, những người nhân danh Nhà nước, thay mặt dân được pháp luật quy định phải đảm bảo phản ánh hoạt động của doanh nghiệp một cách khách quan. Trường hợp thanh tra, kiểm toán có sự thông đồng, phản ánh sai cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải có tâm sáng, vô tư. Nhiều người giỏi nhưng cố tình thông đồng, móc ngoặc với nhau thì không khách quan được. Để đảm bảo cho đạo đức nghề nghiệp tồn tại trong đời sống xã hội và trước mắt là trong thanh tra, kiểm tra 12 dự án kể trên, tôi cho rằng phải tăng cường giám sát. Không chỉ là giám sát doanh nghiệp mà cả cộng đồng xã hội, các cơ quan và người dân cũng vào cuộc giám sát. Số liệu thanh tra kiểm tra phải được công bố kịp thời, công khai trước dư luận.  Để tách bạch giữa nguyên nhân chủ quan, khách quan, chỉ rõ trách nhiệm cá nhân tổ chức là khó định lượng, nhưng cũng phải làm rõ. Ngay cả việc đấu thầu hay đầu tư thiết bị máy móc, các thủ tục... cũng cần làm rõ có minh bạch công khai hay “quân xanh quân đỏ”, gửi giá...

Việc lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ đi lên là do công tác cán bộ còn khâu yếu kém. Đề bạt, bổ nhiệm theo cơ chế tập thể nhưng đằng sau cơ chế tập thể có một số trường hợp để vai trò cá nhân chi phối. Khi xảy ra sự cố lại làm đúng quy định hiện hành, trình tự thủ tục, không xử lý được ai, bởi quy trình là từ dưới lên, cả tập thể, dẫn đến không thể cá thể hóa trách nhiệm được. Tôi cho rằng, cần rà soát cả cơ chế quản lý cán bộ để minh bạch, công khai, sử dụng đúng người tài, không làm dân buồn lòng.

DƯƠNG THU

Đăng lại bài trên báo giấy Đời sống & Pháp luật 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý