Không nên để những kẻ 'hù ma, dọa quỷ' trục lợi

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Không nên để những kẻ 'hù ma, dọa quỷ' trục lợi

Đó là nhận định của PGS.TS. Lâm Bá Nam, Trưởng bộ môn Nhân học (trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) xung quanh tục cúng vía và sự lạm dụng tín ngưỡng của các “thầy cúng”, “thầy tử vi”.

07/07/2014 08:34 PM
844

Sau khi đăng bài , chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Lâm Bá Nam xung quanh vấn đề này.

 - Ảnh 1

PGS.TS. Lâm Bá Nam.

Một hình thức chữa bệnh bằng tâm linh

Thưa ông, trong tín ngưỡng của một số dân tộc ở nước ta thường có tục cúng vía (hay làm vía). ông có thể cho biết, tục cúng vía xuất hiện trong đời sống tâm linh của một cộng đồng với những mục đích và ý nghĩa như thế nào?

Trước hết, chúng ta cần phân biệt hai khái niệm hồn và vía. Một số dân tộc ít người ở nước ta (thậm chí là cả người Kinh) quan niệm con người có linh hồn. Vía được hình dung như phần trung gian giữa thể xác và linh hồn. Vì thế, con người ai cũng có linh hồn nhưng lại có vía khác nhau (người ta thường nói người nam có 7 vía, người nữ có 9 vía).

Ngay từ thời xa xưa, đồng bào nhiều dân tộc (chứ không phải tất cả các dân tộc) quan niệm rằng, trong bản thân con người có hồn và có vía. Con người tồn tại được là nhờ có hồn vía và người nào có phần hồn khỏe mạnh thì cơ thể mới được khỏe mạnh. Con người trở nên ốm đau, bệnh tật là do sự thiếu cân bằng của hồn vía. Hồn và vía có thể tồn tại trên nhiều bộ phận khác nhau của con người tùy thuộc vào quan niệm của từng dân tộc. Chẳng hạn, vía quan trọng nhất theo quan niệm của đồng bào dân tộc Thái là nằm ở trên đỉnh đầu (vì thế họ rất kiêng xoa đầu trẻ em).

Nhìn chung, hồn vía là một thứ tồn tại hiện hữu nhưng không nhìn thấy được. Nếu hồn vía bị đụng chạm thì nó sẽ làm cho người ta trở nên ốm yếu (hay còn gọi là bạt vía). Người ta quan niệm là như vậy và thực tế quan niệm này vẫn hiện hữu trong đời sống tâm linh của nhiều dân tộc cho tới tận bây giờ, kể cả dân tộc Kinh. Vì thế, cần khẳng định, quan niệm về hồn vía là một quan niệm có thật, là một quan niệm trong quan niệm dân gian mà thôi.

Để gọi hồn vía “đi lạc” nhập về thể xác, người ta thường tổ chức những buổi cúng vía. “Thầy cúng” sau đó sẽ đeo cho người bị bệnh một chiếc “vòng trấn vía” để trừ tà, bảo vệ . Theo ông, ý nghĩa thực sự của những buổi cúng vía và chiếc “vòng trấn vía” này là gì?

Khi cơ thể con người bị bệnh thì nhiều người quan niệm hồn vía của họ đi lang thang đâu đó. Đồng bào một số dân tộc thiểu số còn quan niệm, vía là do một số con ma nào đó dẫn đi - cần lưu ý quan niệm về ma của họ khác với chúng ta. Họ cho rằng, có ma lành và ma dữ - cho nên phải tiến hành cúng vía để lôi hồn vía trở lại cho cơ thể được khỏe mạnh. Vì thế, đây là một hình thức chữa bệnh bằng tâm linh trong cộng đồng một số dân tộc thiểu số.

Người dân tộc có rất nhiều hình thức chữa bệnh. Có thể, họ chữa bằng thuốc và có thể họ chữa bằng cúng bái (cúng hồn vía). Để làm được điều này, quan trọng nhất vẫn nằm ở niềm tin. Nơi nào còn niềm tin vào hồn vía thì tục này vẫn còn tồn tại. Thực tế hiện nay, nhiều dân tộc đã bị phai nhạt dần tục cúng vía. Điều đó chứng tỏ niềm tin vào hồn vía của dân tộc đó đã không còn như xưa. Nhưng ngược lại, đối với nhiều dân tộc (như dân tộc Thái) thì tục này vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh.

Riêng “vòng trấn vía” thường được dân gian gọi là “bùa”. Điều này như tôi đã đề cập ở trên, nó xuất phát từ niềm tin và tác dụng của “bùa” cũng tùy thuộc vào đức tin của người đó như thế nào.

Niềm tin không phụ thuộc vào... người phán!

Hiện nay, nhiều người đã lợi dụng này để tuyên truyền mê tín, dị đoan và trục lợi. Đặc biệt, tục này còn được du nhập về thành phố và cũng được nhiều người tin theo. ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Tục cúng vía là một tín ngưỡng độc đáo của một bộ phận các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nó thể hiện bản sắc dân tộc và có ý nghĩa nhất định về mặt dân tộc học. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người lợi dụng tâm lý ngày càng mê tín trong nhân dân, dựa vào tín ngưỡng này để trục lợi.

Đây là điều hết sức đáng lên án. Chúng ta đã có thời kỳ chống mê tín dị đoan nhưng thời gian gần đây nó lại bắt đầu trỗi dậy. Thực tế, những người tin theo lời lừa phỉnh của những kẻ cơ hội thường là người có niềm tin mù quáng. Niềm tin của họ không xuất phát từ niềm tin vào một tín ngưỡng mà lại tin vào những lời phán lung tung của một “ông thầy” nào đó.

Đây mới là mấu chốt của vấn đề khiến cho không chỉ riêng tục cúng vía mà nhiều tín ngưỡng khác đang bị lợi dụng tràn lan.
Đứng trước thực trạng này, ông có những kiến nghị gì, ít nhất trên quan điểm văn hóa để hạn chế tình trạng trên?

Theo tôi, người dân cần hiểu được ý nghĩa thực sự của tục cúng vía để hạn chế những hiểu lầm không đáng có. Khi họ đã hiểu rồi thì họ có quyền tin hay không tin. Thực tế hiện nay, nhiều người có niềm tin thông qua một đối tượng trung gian chứ không trực tiếp hiểu và tin một tín ngưỡng cụ thể. Nhiều người thấy bảo làm thế này thì tốt, làm thế kia thì xấu nhưng thực chất họ có hiểu gì đâu. Vì thế, phải làm cho họ hiểu, đối tượng mà mình gửi gắm đức tin dưới góc nhìn khoa học. Nhưng điều quan trọng là làm sao để mọi việc phải hài hòa, tránh gây nên mê tín dị đoan trong .

Xin cảm ơn ông!

N.Giang - P.Thiệu

Xem thêm video clip : 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý