Không xin được việc, cử nhân cất bằng quay lại học... trung cấp

biettuot biettuot @biettuot

Không xin được việc, cử nhân cất bằng quay lại học... trung cấp

Theo thống kê hiện nay, khoảng 150 nghìn người có trình độ đại học trở lên… thất nghiệp. Trong số này, không ít cử nhân đang lao vào cuộc “liên thông ngược”.

04/05/2016 02:19 PM
7

Cất bằng cử nhân sư phạm, đi học bán... thuốc phụ khoa (?!)

Mỗi ngày, nắng cũng như mưa, Đỗ Anh Thu (Phú Thọ) thức dậy từ 5h sáng, đi chợ mua thức ăn rồi tất tả trở về nhà nấu đồ ăn và cho con đi học. Căn phòng trọ 20m2 nằm cuối cùng dãy nhà cấp 4 ẩm thấp là nơi cả gia đình gồm hai vợ chồng và cậu con nhỏ chui ra chui vào.

Sau khi đưa con đi lớp, trở về Thu lại ngồi vào góc phòng, ôm chiếc máy tính tư vấn cho khách hàng và chuẩn bị hàng để chồng giao cho khách. Cứ thế, một ngày của Thu kết thúc bằng những tin nhắn tư vấn cho khách lúc đêm khuya.

Sinh năm 1991, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm 2, Thu thất thểu về quê sau khi xin việc không thành ở đô thị sôi động.

Về quê xin việc, cô cũng không thể xin vào công chức vì “không quan hệ, không tiền tệ”. Để thoát cảnh tù túng khi ngày ngày thức dậy với tấm bằng cử nhân trong tay mà vẫn phải ngồi nhà “ăn bám” bố mẹ, Thu quyết định gửi hồ sơ vào một trường trung cấp dược của tỉnh.

  Không xin được việc, cử nhân cất bằng quay lại học... trung cấp - Ảnh 1

Sinh viên cần việc làm (ảnh minh họa).

Hết thời gian học, cô về quê lấy chồng rồi mở cửa hàng thuốc. Được một thời gian do kinh doanh khó khăn, hai vợ chồng lại tính cách trở lại Thủ đô để kiếm việc.

Nhờ quen biết một chủ mối hàng thuốc đông y chuyên chữa các bệnh cho chị em phụ nữ, hai vợ chồng quyết tâm xây dựng thị trường trên “mạng xã hội”, để kiếm khách, tư vấn và bán hàng. Với Thu cũng là may mắn vì không lãng phí bằng trung cấp dược.

Cũng như Thu, một ngày bình thường của Nguyễn Hải Giang (Bắc Ninh) bắt đầu bằng việc dậy sớm và đi làm ở quán cà phê cách nơi trọ khoảng 7km.

Sau một ngày vừa làm công việc pha chế, phục vụ, vừa dọn dẹp, trông coi quán đến cuối buổi chiều, Giang về nhà, cho mèo ăn, nghỉ ngơi và kết thúc một ngày. Nhìn vào công việc Giang đang làm, ít người biết rằng, cách đây gần 6 năm, Giang từng là thủ khoa của trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Năm 2015, Giang tốt nghiệp với số điểm 9.7, thuộc tốp đầu những sinh viên cùng lứa. Ngoài ra, khi còn là sinh viên trong trường, Giang có thành tích học tập xuất sắc và tham gia nhiều hoạt động sinh viên. Giang cũng từng được vinh danh thủ khoa và được giải thưởng Hoa Trạng nguyên.

Khi về quê ở Bắc Ninh, với chuyên ngành Hội họa, Giang nộp hồ sơ và được nhận vào một trường mầm non tư thục làm giáo viên bộ môn.

Giang tâm sự: “Thật ra, công việc của tôi chỉ cần bằng CĐ, nhưng lại là bằng ĐH nên người ta phải trả lương ĐH”.

Và thế là, dù là cử nhân ngành hội họa, nhưng Giang phải làm thêm đủ thứ việc như: Chăm trẻ, vẽ tranh tường, trang trí lớp, viết bài đăng website của trường và đủ thứ việc không tên khác… Cũng chỉ vì “làm được việc”, cô còn chịu đủ thứ ghen tị, nói xấu đổ lên đầu. Sau 3 tháng, Giang quyết định bỏ việc và tìm kiếm cho mình môi trường mới.

Không bằng cấp cao như Thu hay Giang, Lê Thu Thảo (quê Đà Nẵng) chỉ tốt nghiệp hệ CĐ ngành kế toán tại một trường ĐH ở TP.HCM. Tốt nghiệp xong, sau nhiều tháng chờ việc, nhưng bất thành, cô quyết định đăng ký học ngành quản trị nhà hàng của trường trung cấp Du lịch và Khách sạn.

Cũng dự tuyển vào trường này, thí sinh Nguyễn Hồng Nga cho biết đã tốt nghiệp hệ CĐ ngành quản trị kinh doanh tại một trường ĐH, tuy đã nộp hồ sơ vào nhiều công ty, nhưng không có hồi âm nên quyết định chuyển hướng.

Mục tiêu là có việc làm

Nhớ lại bước chuyển lịch sử của đời mình, Giang chia sẻ: “Hồi mới bỏ việc, có người bảo xin cho tôi đi làm ở khu công nghiệp, nhưng phải giấu bằng ĐH đi. Tôi cứ buồn cười. Mẹ tôi nghe người ta bảo chạy việc nhưng tôi đã từ chối”. Giang dự định, thời gian tới sẽ nộp hồ sơ học vào một trường trung cấp về nấu ăn, pha chế để tự mở quán.

Những câu chuyện “liên thông ngược” như kể trên đang trở nên phổ biến hiện nay. Điều không khỏi chua xót, nhiều cử nhân đành nhắm mắt giấu đi tấm bằng của mình để theo học một trường trung cấp, hoặc trường nghề chỉ với mong ước duy nhất là tìm được việc làm.

  Không xin được việc, cử nhân cất bằng quay lại học... trung cấp - Ảnh 2

PGS.TS Phạm Văn Sơn, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL về thực trạng trên, PGS.TS Phạm Văn Sơn, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục, nguyên Giám đốc trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực (bộ GD&ĐT) đánh giá, quan trọng nhất hiện nay là vấn đề đào tạo.

Nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động nhưng không tuyển được vì đào tạo không phù hợp yêu cầu sử dụng của họ. Chứng tỏ chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, định hướng nghề nghiệp của chúng ta vẫn còn kém.

Cũng nhận định về thực tế này, TS.Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam), nguyên Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học – bộ GD&ĐT cho rằng, sinh viên học 4 năm ĐH mà quay ngược lại học nghề thực sự lãng phí, lãng phí thời gian, cơ hội, nhân lực, vật chất của người học, người dạy và của cả xã hội.

“Điều này thể hiện tính dự báo kém nhất là ở tầm vĩ mô của cơ quan Nhà nước, bộ LĐ,TB&XH. Chúng ta chấp nhận một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, người đào tạo ra phải đi tìm việc, không phải như thời bao cấp, phân phối việc làm cho người học. Định hướng Nhà nước về hướng nghiệp là rất quan trọng. Cơ sở đào tạo cũng phải hướng nghiệp cho họ”, ông Khuyến nói.

Theo TS.Khuyến, ở nhiều nước, các trường đều có bộ phận theo dõi việc làm của sinh viên ra trường. Nếu phát hiện nhiều sinh viên ra trường sau 6 tháng mà không tìm được công việc, họ sẽ dừng hoặc giảm quy mô đào tạo đi. Thế nhưng, chúng ta lại không làm được điều đó. Các thông số về nhu cầu nhân lực thông báo phập phù, chuyên gia “bốc thuốc” mà không rõ thiếu thừa ra sao.

Một thực tế mà PGS.TS Sơn nhận thấy, việc thất nghiệp của nhiều cử nhân là do họ không chấp nhận hy sinh, không chịu gian khổ. “Nhiều ngành nghề rõ ràng sinh viên ra trường phải chấp nhận hy sinh và cống hiến. Như ngành xã hội, cần nhưng điều đi các vùng miền họ không chịu đi. Các em muốn bám lấy thành phố khi mà ngành đó Hà Nội không cần, rõ ràng các em phải chuyển nghề khác. Mục tiêu học ra phải có việc làm, chính vì vậy học đại học ra có em vẫn phải xếp bằng ĐH để quay lại học trung cấp vì đó là những nghề xã hội cần cũng là điều dễ hiểu”, PGS.TS Sơn nói.

Người học chưa có kênh thông tin về cung cầu nguồn nhân lực

Theo PGS.TS Phạm Văn Sơn, hiện nay, ngoài giáo dục kiến thức, nhiều sinh viên yếu kỹ năng xã hội, giao tiếp. Trong khi đó, cơ chế thị trường, kỹ năng đó rất quan trọng… Việc đào tạo phải gắn với doanh nghiệp, nhưng nay đào tạo cứ đào tạo, thậm chí đào tạo những cái xã hội thừa.

Một điểm khác, đối với học sinh, thông tin nhu cầu nhân lực xã hội là không có. Chính phủ đã có Quyết định 601 của Thủ tướng về Đề án xây dựng thông tin về cung cầu nguồn nhân lực nhưng chưa vận hành được. Khi có hệ thống đó, học sinh, sinh viên sẽ cập nhật biết ngành nào thừa, ngành nào thiếu để học.

THANH HIÊN - ĐỖ THƠM

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý