Kịch bản nào cho GP.Bank?

forlife forlife @forlife

Kịch bản nào cho GP.Bank?

Kịch bản nào cho GP.Bank khi thời gian tái cơ cấu đã kéo dài nhiều năm. Liệu rằng ngân hàng này có bị mua lại với cái giá 0 đồng?

30/05/2015 07:14 PM
863

   - Ảnh 1

GP.Bank là một trong 9 ngân hàng buộc phải tái cơ cấu đợt đầu tiên vào năm 2012, tuy vậy, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư mới nào tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng này.

Vào đầu năm 2014, một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã có ý định mua lại GP.Bank, tuy vậy với một số những điều kiện mà bên mua đưa ra, Ngân hàng Nhà nước đã không đồng ý thông qua.

Mặt khác, theo Giám đốc một tổ chức đầu tư tài chính nước ngoài ở TP.HCM, tập đoàn tài chính Singapore khi vào khảo sát GP.Bank với mục đích mua lại toàn bộ ngân hàng đã thuê tổ chức giám định độc lập Colliers đánh giá lại tài sản của GP.Bank. Thẩm định của Colliers cho thấy giá trị hiện tại các tài sản đảm bảo của ngân hàng thấp hơn nhiều so với giá trị được định giá khi cho vay. Điều này không có gì khó hiểu bởi khi thị trường bất động sản suy thoái, giá trị đất đai, nhà cửa, phân xưởng... thế chấp biến động mạnh.

Thông tin về GP.Bank trên thị trường cũng không nhiều. Trước đó, theo báo cáo thường niên năm 2010 được cập nhật trên website của Ngân hàng, GP.Bank có tổng tài sản là 27.731 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 3.157 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 3.018 tỉ đồng, tổng vốn huy động là 16.417 tỉ đồng, dư nợ cho vay là 8.045 tỉ đồng. Như vậy, dư nợ cho vay/ tổng tài sản đạt 32,11%, dư nợ cho vay/ tổng huy động đạt 54,25% và tỉ lệ an toàn vốn (CAR) đạt mức cao 14,75%.

Trước đó, theo tin tức được công bố, hệ số CAR của GP.Bank cũng luôn ở mức cao, lần lượt cho các năm 2008 - 2009 là 24,82% và 18,37%. Nhưng tỉ lệ nợ xấu cũng ở mức cao 9, 79% năm 2008, sau đó điều chỉnh giảm xuống 2,34% năm 2009 và chỉ còn 1,83% năm 2010, thấp hơn so với tỉ lệ nợ xấu của hệ thống là 2,5% trong năm 2010. Tương tự, tỉ lệ nợ quá hạn/ tổng dư nợ cũng có sự điều chỉnh theo hướng ổn định: Năm 2008 là 24,52%, 2009 là 3,68% và 2010 là 5,39%.

Dù vậy, nếu so sánh GP.Bank với một ngân hàng cũng có lộ trình tăng vốn lên trên 3.000 tỉ đồng và đạt 3.500 tỉ đồng trong năm 2010, cùng có cổ đông, đối tác chiến lược là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là Ocean Bank (Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương) – sẽ thấy hoạt động của GP.Bank có phần kém hơn nhiều so với OceanBank. Chẳng hạn, năm 2010, ở mức vốn điều lệ 3.500 tỉ đồng, OceanBank có tổng tài sản đạt 55,139 tỉ đồng.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại OceanBank với giá 0 đồng. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của OceanBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu.

Căn cứ vào tình hình "sức khỏe" của ngân hàng này, liệu rằng GP.Bank có bị mua lại với giá 0 đồng cùng chung kịch bản như OceanBank? Đặc biệt khi mới đây, một lãnh đạo NHNN cho hay GP.Bank có thể bị mua lại nhưng việc triển khai còn cần nhiều thời gian.

Mặc dù trước đó, ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc GP.Bank vẫn lạc quan vào một cú "lội ngược dòng" của ngân hàng này khi cho biết: “Thời gian vừa qua, ngoài các đối tác nước ngoài cũng có nhiều đối tác trong nước đến tìm hiểu và họ đã nhận thấy GP.Bank là ngân hàng ổn định, có những nền tảng cơ bản rất tốt nên đã quyết định đầu tư vào”.

Ngoài ra, ông Thắng khẳng định với quyết tâm tái cơ cấu của ban lãnh đạo ngân hàng cùng với sự trợ giúp đắc lực từ các đối tác chiến lược này, GP.Bank sẽ sớm hoàn thành công cuộc tái cơ cấu ngân hàng theo như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Tiền thân là Ngân hàng Thương mại cổ phần Nông thôn Ninh Bình, GP.Bank đã chính thức trở thành Ngân hàng TMCP đô thị, hoạt động tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 07/11/2005. GP.Bank có vốn điều lệ 3.018 tỉ đồng, khoảng 1.300 cán bộ công nhân viên, có 13 chi nhánh, 53 phòng giao dịch và 11 quỹ tiết kiệm tại các tỉnh, chủ yếu ở phía Bắc.

K.Hương

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý