Kinh hoàng đàn chó lai cắn chết cô giáo nghèo về hưu

mesu mesu @mesu

Kinh hoàng đàn chó lai cắn chết cô giáo nghèo về hưu

Đến giúp việc cho công ty của người em, bà lão 70 tuổi bị đàn chó lai to lớn giật đứt xích lao vào tấn công, cắn xé.

03/07/2015 06:45 AM
2,908

Tóm tắt vụ việc:

Bà Lý Thị Nga (70 tuổi, quê Thái Bình) được người nhà đưa vào bệnh viện Đa khoa hữu nghị Việt - Tiệp (Hải Phòng) cấp cứu sáng 8/6 trong tình trạng nguy kịch do bị chó cắn. Được biết bà Nga sang Hải Phòng xin làm tạp vụ trong công ty TNHH Thái Anh, thị trấn An Lão, huyện An Lão, TP. Hải Phòng.

   - Ảnh 1

Theo gia đình, sáng 8/6, bà Nga đi đổ rác, chuẩn bị bữa sáng cho mọi người và bị một con chó lai giật đứt xích, lao vào cắn xé. Thấy thế, một số con chó khác cũng lao vào tấn công khiến bà Nga nằm gục tại cụm chuối ngoài vườn. Chỉ đến khi một bảo vệ công ty phát hiện, chạy đến, bà Nga mới được đưa vào bệnh viện.

Chị Vũ Thị Bích Mận, sống ở khu vực giáp ranh giữa An Lão và Tiên Lãng đi đám tang bà Nga kể lại với PV: “Công ty nuôi chó lai, chúng rất dữ. Hàng ngày, người ta vẫn cho nó ăn thịt. Sáng thứ Hai (sáng 8/6), chúng thấy bà Nga đi qua xổng xích ra cắn bà lão. Tôi không chứng kiến trực tiếp cảnh đó nhưng nghe những người chứng kiến kể: Bảo vệ cũng không thể đuổi những con chó đó ra cứu bà lão".

Bác sỹ Nguyễn Công Bình, Phó GĐ bệnh viện Việt Tiệp khẳng định: “Bệnh nhân Lý Thị Nga nhập viện vào lúc 6h55, ngày 8/6, trên người có hàng trăm vết thương. Bệnh nhân tử vong vào hơn 11h cùng ngày do mất máu nhiều và sốc đa chấn thương. Tuy nhiên đại diện công ty TNHH Thái Anh phủ nhận việc bà Nga tử vong do chó giữ của công ty này cắn".

Ông Anh (người thân của bà Nga) cho biết: “Vào sáng sớm ngày 8/6, bà Nga đi đổ rác thì bị chó trong công ty đuổi, bà Nga chạy và không may bị ngã. Không hề có chuyện đàn chó vào xâu xé, cắn bà Anh đến mức như mọi người đồn thổi bên ngoài”.

Cũng theo ông Anh, bà Nga được chuyển đến bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng để điều trị do bị bệnh tim và tử vong vào lúc 11h5, ngày 8/6.

Trả lời báo giới, ông Lê Văn Hưng, Chủ tịch thị trấn An Lão xác nhận vụ việc và cho biết, bà Nga là giáo viên về hưu, quê ở Thái Bình. Bên trong công ty bà Nga giúp việc có nuôi rất nhiều chó lai. Tìm hiểu của PV công ty TNHH Thái Anh là một công ty chuyên làm trong lĩnh vực may mặc. Bình thường, công ty này vẫn nuôi một số con chó lai loại to, rất dữ.

Trong số những con chó nuôi ở công ty hiện giờ, có một con chó đẻ. Những người dân nơi đây không dám bén bảng đến khu vực trụ sở công ty này. Họ cho rằng, đàn chó dữ trong công ty hiện phải có đến 7 – 8 con.

Nhân viên công ty cho hay, doanh nghiệp này nuôi rất nhiều chó dữ, đặc biệt có cả đàn chó lai, mỗi con cân nặng 35-40kg. Ban ngày vì có công nhân ra vào nên chó được nhốt nhưng đêm xuống thì thả rông. Chó được huấn luyện theo kiểu thả vật nuôi còn sống như dê, gà ra khu đất trống, sau đó chủ nhân thả chó ra săn.

"Chính vì nuôi chó theo bầy đàn, lại thường xuyên cho ăn thịt sống nên bầy chó rất nguy hiểm bởi bản năng hoang dã của loài vật", một công nhân nói. Hiện Công an huyện An Lão đang điều tra vụ việc.

Xung quanh vụ việc trên, hiện có nhiều luồng ý kiến của bạn đọc phản ánh về toà soạn báo là cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan. Về dân sự, các chuyên gia thống nhất ở chỗ: Trong trường hợp người chủ tài sản gây ra thiệt hại thì phải căn cứ vào mức độ lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường.

Việc chủ tài sản dùng các biện pháp có thể gây nguy hiểm sức khỏe, tính mạng của người khác thì dù người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi, chủ sở hữu vẫn chịu những trách nhiệm pháp lý và phải bồi thường.

Về hình sự, có hai quan điểm khác biệt: Chủ cơ sở nuôi chó có cảnh báo không? Nếu không cảnh báo phải chịu trách nhiệm gì? Và nếu họ biết chó dữ có thể gây nguy hại cho người khác nhưng cố ý bỏ mặc cho hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý hình sự tội danh tương ứng với hậu quả.

Trong số báo này, chuyên mục giới thiệu ý kiến của luật sư Nguyễn Trinh Đức- Đoàn Luật sư Hà Nội. Theo quan điểm của luật sư Đức thì cần phải xem xét đàn chó lai là chó dữ và là nguồn nguy hiểm cao độ.

Chỉ có ý nghĩa đối với việc xác định bồi thường thiệt hại

Pháp luật hiện hành chưa có quy định nào khẳng định chó dữ là nguồn nguy hiểm cao độ. Bộ luật Hình sự cũng chưa quy định hành vi để chó dữ cắn chết người là có tội. Cho nên hiện chưa thể xử lý hình sự chủ cơ sở đựơc. Tuy nhiên, pháp luật xuất phát từ thực tiễn cuộc sống nên chúng ta cần phải sửa luật để điều chỉnh cho phù hợp.

   - Ảnh 2

Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ chỉ có trong Bộ luật Dân sự (BLDS). Theo Điều 623 BLDS, thú dữ được xem là một trong các nguồn nguy hiểm cao độ, còn chó dữ có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không lại là vấn đề khác. Chưa có hướng dẫn nhưng theo tôi, nếu chó dữ có khả năng tấn công con người, làm cho con người có thể chết hoặc bị thương thì được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Nhưng nó chỉ có ý nghĩa đối với việc xác định bồi thường thiệt hại chứ không có ý nghĩa xác định hành vi phạm tội. Việc xác định hành vi phạm tội của người nuôi chó (chủ chó) phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm mà chó chỉ được coi là “công cụ, phương tiện” phạm tội.

Chó hay bất cứ một động vật nào mà con người nuôi, dùng vào mục đích (cố ý) xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì chó và vật nuôi đó là phương tiện để người phạm tội thực hiện tội phạm. Nếu xâm phạm đến tính mạng thì phạm tội giết người, phương tiện dùng để giết người là con chó.

Trường hợp nếu người đó là người có chức vụ, quyền hạn, theo Điều 277 Bộ luật Hình sự như nhân viên sở thú, cảnh sát... để chó hay thú dữ xổng chuồng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác thì đó là hành vi phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Người không được giao chức vụ, quyền hạn không phải là chủ thể của nhóm tội về chức vụ, quyền hạn mà vô ý để cho thú dữ xổng chuồng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì chỉ chịu trách nhiệm dân sự, phải bồi thường theo quy định của BLDS mà thôi.

Trong vụ việc trên, nếu muốn xử lý hình sự thì phải dựa vào ý thức chủ quan. Tức là việc nuôi chó mà cảnh báo: “Có chó dữ,...” và ai đó bị chó cắn, phải dựa vào ý thức chủ quan của người chủ nuôi chó để xử lý.

Nếu người nuôi chó (chủ chó) nhận thức được việc thả chó trong trang trại, trong khu vực nhà mình để phòng trộm nhưng có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác nhưng vẫn thả; ai vô nhà hoặc trang trại mà bị chó cắn chết cũng mặc, bị thương cũng mặc thì tùy trường hợp, người nuôi chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc cố ý gây thương tích (lỗi cố ý gián tiếp - cố ý không xác định). Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp “phòng vệ trước”.

Pháp luật nước ta không thừa nhận phòng vệ trước, phòng vệ từ xa (việc phòng vệ với hành vi trái pháp luật của người khác phải đã bắt đầu, đang xảy ra, hoặc có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc... nên gài dây điện, cắm chông, thả chó dữ đi lông rông trong vườn được xem là phòng vệ trước, phòng vệ từ xa không được pháp luật cho phép). Trường hợp này, chó được xem là phương tiện thực hiện tội phạm.

Trường hợp người nuôi chó không có ý thức gì về việc phòng vệ, không mong muốn thiệt hại cho người khác như đã có biện pháp bảo vệ (nhốt chó, xích chó...) nhưng vì bất cẩn nên để chó xổng chuồng, đứt dây xích cắn người thì người nuôi chó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ là trách nhiệm dân sự.

Như vậy, người nuôi chó chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi họ cố ý (có cả cố ý gián tiếp) để chó cắn người. Còn nếu đã thực hiện các biện pháp thích hợp nhưng bất cẩn, vô ý để chó cắn người khác thì chỉ giải quyết việc bồi thường dân sự. Cần lưu ý là luật pháp cũng đã có quy định nuôi chó phải đăng ký, bảo đảm an toàn cho mọi người, không được thả rông, khi dắt chó ra đường phải có rọ mõm... để xác định ý thức chủ quan của người chủ nuôi chó.

LS. Nguyễn Trinh Đức

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý