KSS khốn đốn, chủ nợ BIDV ngồi trên đống lửa

thienlong thienlong @thienlong

KSS khốn đốn, chủ nợ BIDV ngồi trên đống lửa

Thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Khoáng Sản Na Rì Hamico (KSS) bị khởi tố khiến KSS trở thành “rắn mất đầu”.

29/06/2015 10:34 PM
612

Cổ phiếu KSS bị nhà đầu tư bán tháo và rơi vào diện kiểm soát. Điều này làm những chủ nợ đứng ngồi không yên.

KSS: “Rắn không đầu”

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2015 của KSS cho thấy, trong cơ cấu nguồn vốn của công ty là 1.918 tỷ đồng có 1.445 tỷ đồng nợ phải trả, bao gồm các khoản vay nợ ngắn hạn, dài hạn, phải trả người bán, chi phí phải trả khác, chiếm 75,3% nguồn vốn của công ty. Riêng khoản vay từ BIDV lên đến 987 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo trên, kết quả kinh doanh trong 3 tháng đầu năm của KSS đều sụt giảm, cụ thể: doanh thu đạt 27,2 tỷ đồng, giảm 47,1% so với cùng kỳ năm trước (52,5 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế đạt 1,2 tỷ đồng giảm 48% so với quý 1/2014 (2,3 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế giảm 45% chỉ đạt 986,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2014 (1,7 tỷ đồng).


Chủ nợ lớn BIDV.

Sau khi thông tin lãnh đạo của KSS bị khởi tố để thực hiện điều tra, giá cổ phiếu KSS liên tục giảm 14,2% từ 2.800 đồng/cổ phiếu (ngày 9/6) xuống còn 2.400 đồng/cổ phiếu (ngày 16/6), tương ứng giảm 400 đồng/cổ phiếu khiến các cổ đông của công ty này không khỏi lo lắng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2014, KSS có chỉ tiêu nợ phải trả chiếm 75% trên tổng nguồn vốn, trong đó chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn và ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. KSS giải thích đây là vấn đề khó khăn nhất của công ty khi phải liên tục vay nợ để đầu tư cho các dự án kéo dài trong nhiều năm. Chi phí lãi vay ngày càng gặm nhấm vào lợi nhuận làm cản trở đà phát triển của công ty.

Ngày 31/3/2015, KSS có khoản vay và nợ dài hạn là 552 tỷ đồng. Trong đó, vay tại BIDV chi nhánh Bắc Kạn là 436,3 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Bắc Kạn - Thái Nguyên gần 15,6 tỷ đồng và khoản 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (khoản trái phiếu này đã được chuyển đổi thành cổ phiếu vào đầu tháng 4/2015).

Thuyết minh chi tiết tại báo cáo tài chính năm 2014 của KSS cũng cho thấy, các khoản vay ngắn hạn từ BIDV hơn 550 tỷ đồng được dùng để trả lương, mua nguyên vật liệu, thiết bị, công cụ, dụng cụ sản xuất và các hoạt động sản xuất khác với lãi suất dao động từ 10-15%/năm. Khoản vay dài hạn hơn 436 tỷ đồng được ký hợp đồng từ tháng 10/2009 có thời hạn 7 năm, lãi suất ban đầu 13%/năm, thay đổi 6 tháng 1 lần và được đảm bảo bằng tài sản.


CTCP Khoáng Sản Na Rì Hamico.

BIDV có đòi được nợ?

Dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất từ năm 2012-2014 của KSS, các khoản nợ BIDV được KSS đảm bảo bằng tài sản. Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh của KSS ngày càng giảm sút rõ rệt, đồng thời các khoản nợ vay ngày càng tăng lên. Cụ thể, tính tại thời điểm ngày 31/12/2012, các khoản nợ vay ngắn hạn, dài hạn của KSS tổng cộng là 901,1 tỷ đồng, kết thúc năm 2013 khoản nợ này tăng lên 1.222 tỷ đồng và tại ngày 31/12/2014 số tiền đứng ở mức 1.381 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ vay tại BIDV cũng tăng dần từ 631,2 tỷ đồng (2012) lên đến 987,1 tỷ đồng (2014). Chưa hết, hàng tồn kho của KSS trong 3 năm qua không có dấu hiệu giảm xuống. Tính riêng hàng tồn kho trong 3 tháng đầu năm 2015 của KSS có trị giá 649 tỷ đồng, lớn hơn so với quy mô vốn chủ sở hữu 473 tỷ đồng. Nhìn lại số dư hàng tồn kho và doanh thu, vay nợ ngắn hạn của KSS trong 3 năm qua cho thấy, công ty rơi vào tình trạng khó khăn từ lâu.

Được biết, ngày 15/6 vừa qua, KSS tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2015 lần thứ 2 bất thành, do tỷ lệ cổ đông tham gia không đủ 51%, trước đó vào ngày 1/6 ĐHCĐ lần 1 của công ty này cũng bất thành với cùng lý do trên. Liệu vào ngày 30/6 tới đây, ĐHCĐ của KSS có tiến hành thuận lợi, trước những “biến cố” mới diễn ra và liệu KSS có trả nổi khoản nợ lên đến cả ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, “ông chủ nợ” BIDV có thu hồi được phần nào khoản tiền đã cho KSS vay trong thời gian qua?

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý