Kỳ 2: Những cái Tết "không ấm" nơi xóm nổi trên sông Lam

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Kỳ 2: Những cái Tết "không ấm" nơi xóm nổi trên sông Lam

Đời nay qua đời khác bám trụ trên sông với con tôm, con cá, những cái Tết không ấm của họ cũng cứ trôi qua trong lặng lẽ như thế...

11/02/2016 02:19 PM
27

(ĐSPL) - Đời này qua đời khác bám trụ trên sông với con tôm, con cá, những cái Tết "không ấm" của họ cũng cứ trôi qua trong lặng lẽ như thế...

Ăn bữa trưa, lo bữa tối...

Dòng sông Lam non nước hữu tình trải dài từ Lào xuôi qua địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn; đi giữa các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, TP Vinh (Nghệ An) về huyện Đức Thọ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trước khi đổ ra biển lớn ở Cửa Hội.

Theo nghề chài lưới trên sông Lam là chấp nhận lênh đênh cùng sóng nước. Cả một gia đình, có thể là nhiều thế hệ sống chung trên một con thuyền hoặc một “ngôi nhà nổi” với không gian chật hẹp. Mọi sinh hoạt cuộc sống cũng chỉ vẻn vẹn trong một nơi gọi là nhà ấy!

Những cái Tết "lạnh" nơi xóm nổi trên sông Lam - Ảnh 1Phóng to

Một ngôi nhà nổi trên sông Lam chật hẹp nhưng là nơi sinh sống của nhiều thế hệ.

Không chỉ phải sống trong cảnh chen chúc, chật chội, những người dân chài nơi đây còn phải ngày ngày nai lưng kiếm sống bập bõm dưới nước mới có cái ăn. Vợ chồng, con cái đời này nối tiếp đời khác cùng nhau gõ thuyền, thả lưới, om hom, bỏ rọ... đêm ngày mới đủ sống.

Anh Nguyễn Văn Đức (SN 1983), một người dân chài trên dòng sông Lam cho biết: “Chìm nổi trên mặt nước là công việc cũng là cuộc sống ngấm vào máu thịt của người dân chài chúng tôi rồi chú ạ! Nghèo thì đã nghèo, khổ thì đã khổ, nhưng đây là cái nghề, cũng là cái cuộc sống mà từ đời cha ông chúng tôi đã như vậy nên cũng không biết làm việc gì khác. Nghĩ nhiều lúc cũng túng quẫn, mỗi ngày phải thả lưới đánh cá từ sáng đến tối mà may ra thì mới đủ ăn. Làm cái nghề này còn phải phụ thuộc vào thời tiết, thiên nhiên nhiều lắm, trời cho thì có mà không cho thì đói. Cuộc sống bấp bênh, bữa đói, bữa no nên lúc nào cũng lo ngay ngáy ấy chú ạ. Bản thân chúng tôi đã đành, chỉ sợ các cháu đói thôi!”.

Vừa đi chợ về, chị Trần Thị Yến (vợ anh Đức) cầm trên tay vỏn vẹn vài chục nghìn đồng vuốt phẳng trong tay thở dài tiếp lời: “Suốt cả một đêm hai vợ chồng gần như thức trắng mà bán xong rồi chẳng được là bao, chưa đủ tiền mua gạo chứ nói gì đến sắm sửa vật dụng sinh hoạt hả chú? Cũng may thức ăn thì còn có cá, có tôm không phải mua, chứ mà không may mưa gió thì không biết sống bằng gì. Tết nhất nữa...”.

Những cái Tết "lạnh" nơi xóm nổi trên sông Lam - Ảnh 2Phóng to

Những cái Tết "lạnh" nơi xóm nổi trên sông Lam - Ảnh 3Phóng to

Chìm nổi trên mặt nước là công việc cũng là cuộc sống ngấm vào máu thịt của người dân chài lưới trên sông Lam, huyện Tương Dương (Nghệ An).

Năm mới đến, với phần nhiều gia đình còn phải thấp thỏm lo từng miếng ăn, gom từng manh áo vá để sống qua ngày đoạn tháng nơi đây thì mong ước được sắm tết, chơi xuân là điều xa xỉ...

Những cái Tết "lạnh" nơi xóm nổi trên sông Lam - Ảnh 4Phóng to

Một góc bếp lạnh tanh trên ngôi nhà nổi.

Dẫu vậy nhưng chị Yến vẫn tươi cười bởi dù không thể lo cho các con được một cái tết đủ đầy vật chất nhưng tết năm nay vẫn còn khá hơn những tết trước. Ít nhất thì chị cũng đã kịp chuẩn bị cho các cháu được những bộ quần áo mới. Chị tin rằng, với những đứa trẻ ở đây mà nói, được mặc một bộ quần áo mới đã là một niềm vui lớn nhất trong dịp lễ tết rồi.

Khi được hỏi về những cái Tết đã qua, một số dân chài khác cũng chỉ biết cười mà nét mặt thì buồn lắm. Tết làm gì có khi ăn còn chưa lo được, Tết rồi cũng sẽ đến và sẽ qua như ngày thường mà thôi. 

"Tết trên đất liền thì vui tươi chứ chúng tôi làm gì có Tết. Vẫn lênh đênh bắt tôm bắt cá, lo miếng ăn cho cả nhà là hết ngày thôi. Trẻ em chúng nó cũng quen rồi...", anh Thịnh nói với ánh mắt buồn rầu.

Bao giờ Tết mới đến với xóm nổi trên sông Lam?

Dọc theo dòng sông Lam có hàng trăm hộ dân vạn chài sinh sống. Do đặc thù sông nước và phương thức làm ăn kiếm sống mà đa phần họ đều là những người ít học hoặc thất học.

Cuộc sống chỉ quẩn quanh sông nước đời nọ nối tiếp đời kia dường như nhận thức của họ cũng chỉ cần có việc học làm sao để đánh cá thật giỏi, bắt được thật nhiều cá để bán đổi lấy gạo, lấy thức ăn, lấy đồ dùng sinh hoạt chứ không hề nghĩ đến việc kiếm tiền cho con cái đi học để thay đổi cuộc đời, để có kiến thức phục vụ cuộc sống.

Như lời ông Võ Văn Phúc (SN 1957), là chủ một gia đình vạn chài có 4 người con trên dòng sông Lam nói: “Gia đình tôi có tới 6 miệng ăn, chủ yếu trông vào con tôm, con cá để sống. Chú bảo không có thời gian thả lưới đánh cá còn không đủ kiếm sống thì còn lấy đâu thời gian để mà lên bờ đi học, lại còn lấy đâu ra tiền để nộp học cho chúng nó hả chú? Nhà nước có chính sách hỗ trợ thật nhưng muốn đi học thì cần phải cố định ở một chỗ, mà đối với dân chài chúng tôi mà nói ở cố định một chỗ mãi, cá, tôm cũng sẽ dần cạn kiệt mà nguồn cá, tôm không còn thì đói ăn, thì học sao được...”

"Tết nhất, một số cháu được đến trường nay nghỉ học lại cùng chúng tôi trôi nổi trên sông nước kiếm kế sinh nhai. Nhìn các con với các bạn cùng trang lứa mà xót chú à. Ngày tết đến, các bạn khác thì được bố mẹ đưa đi chợ mua sắm đồ  chơi, quần áo mới...trong khi con mình thì vẫn lênh đênh trên dòng sông Lam", ông Phúc buồn rầu.

Không riêng gì ông Phúc, gia đình chị Nguyễn Thị Vinh cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ngồi trên chiếc thuyền độc mộc, chị Vinh chia sẻ: "Bao năm sống bằng nghề chài lưới trên sông, cuộc sống đến nay vẫn chưa có một ngôi nhà theo đũng nghĩa để có thể lo cho con cái chỗ ăn chổ ở. Bao năm lo cơm áo gạo tiền, giờ đây đứa con trai đầu học hết lớp 9 không biết có còn theo học được nữa không. Ngay cả việc tết đến, tôi cũng không có tiền để mua quần áo mới cho chúng nó để được bằng bạn, bằng bè".

"Những năm trước đây, sông nước còn có nhiều cá tôm, chúng tôi còn có đồng tiền để trang trải cuộc sống. Khoảng ngày 28/12 âm lịch, mọi người đã nghỉ đánh bắt để sắm sửa đôi chút cho gia đình để đón tết. Thế nhưng gần đây, khi Nhà máy thủy điện đã chặn dòng thì con cá, con tôm trên dòng sông Lam cũng ít dần, cuộc sông lại vất vả hơn. Do đó, năm nay gia đình chúng tôi chưa thể đón tết sớm như các năm trước được. Có những năm mưa bão nhiều, đêm 30 Tết, chúng tôi vẫn lênh đênh trên sông  và năm nay cũng không ngoại lệ", chị Vinh tâm sự.

Những cái Tết "lạnh" nơi xóm nổi trên sông Lam - Ảnh 5Phóng to

Những cái Tết "lạnh" nơi xóm nổi trên sông Lam - Ảnh 6Phóng to

Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã phải lênh đênh rong ruổi đánh bắt cá tôm cùng bố mẹ trên dòng sông Lam.

Ông Hồ Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Tương Dương cho biết: “Mặc dù địa phương đã tạo mọi điều kiện quan tâm tới những hộ dân chài này, nhưng họ sống theo thói quen chủ yếu bằng nghề chài lưới. Do đặc thù của dân chài là nay đây, mai đó hơn nữa lại nghèo nên không có điều kiện cho con cháu ăn học đến nơi đến chốn dẫn tới hầu như họ đều ít học hoặc thất học mù chữ. Cũng có không ít thanh niên trai gái dân vạn chài lên bờ xin đi làm thuê làm mướn, xin làm công nhân nhưng mà do không được học hành tử tế vì vậy cho dù có muốn đi xin việc làm thay đổi cuộc sống cũng không có ai nhận, cuối cùng rồi lại quay về sống lay lắt trên sông Lam. Cuộc sống của họ cứ mãi như vậy, Tết nhất đến nơi nhưng vẫn không có không khí gì”.

Những cái Tết "lạnh" nơi xóm nổi trên sông Lam - Ảnh 7Phóng to

Những cái Tết "lạnh" nơi xóm nổi trên sông Lam - Ảnh 8Phóng to

Vốn đã quen với nghề chài lưới trên sông nên việc chuyển lên bờ (đất liền) tìm một công việc khác trở nên rất khó khăn với người dân nơi đây.

Hằng năm, mỗi mùa mưa lũ về, nước sông Lam từ xanh chuyển đỏ dữ dằn, ngầu đục một màu. Mưa xối xả, gió thổi mạnh, những mảnh đời phiêu dạt vẫn cứ chèo chống con đò nhỏ bấp bênh theo dòng chảy ngược xuôi để tìm nguồn sống qua ngày đoạn tháng. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn với cảnh đói ăn, kém học, ăn bữa nay, lo bữa mai đầy bấp bênh xuôi ngược.

Biết đến bao giờ họ mới có thể ổn định cuộc sống; biết bao giờ những cái Tết của họ mới trở nên ấm cúng, vui tươi; biết bao giờ những đứa trẻ được đến trường, được vui xuân như bao bạn bè cùng trang lứa và biết bao giờ...

NGỌC TUẤN

 
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý