Kỳ án “cây thiêng” và kẻ “tử tù” phải trả nợ rừng

mesu mesu @mesu

Kỳ án “cây thiêng” và kẻ “tử tù” phải trả nợ rừng

Theo tập tục, những lễ vật cúng tế của người Cơ Tu luôn được xem là báu vật cực kì linh thiêng, mà bất cứ ai dám to gan mạo phạm sẽ bị nhận lấy một kết cuộc bi thảm…

15/08/2014 05:00 PM
815

Đó cũng chính là khởi nguồn cho câu chuyện cây thiêng với 9 mạng người trong một vu å kỳ án tại vùng cao Tiên Phước (Quảng Nam). Tên sát nhân cuối cùng phải nhận án tử hình, những nạn nhân lại chính là người thân, họ hàng, láng giềng của hắn cũng đã yên nghỉ. Nhưng nóc xóm nghèo ngày ấy đến nay vẫn luôn ám ảnh bởi lời nguyền, cùng nhiều tình tiết ly kỳ, chắp vá khó lý giải khiến không ít gia đình vì mê tín mà bỏ xứ ra đi. Cho đến khi sự thật được làm sáng tỏ sau nhiều năm xảy ra thảm án...

Từ chuyện nhà họ Lê mạo phạm vác "cây thiêng" về làm cột dựng nhà

Tượng nhà mồ vốn được biết đến là một tập tục văn hóa tâm linh, truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam. Nhưng ít ai biết, người Cơ Tu còn có một cách thể hiện tình cảm, lối sống kỳ lạ mang nét văn hóa độc đáo hơn, đó là tặng quan tài cho nhau trong những dịp lễ quan trọng như hội mừng lúa mới, ngày cưới... Đồng bào Cơ Tu tin rằng, những cây được chọn, cúng tế làm cỗ quan tài "tương lai" sẽ trở thành một vật cực kỳ linh thiêng, có giá trị trong cuộc sống và mang nặng nhiều lời nguyền ứng nghiệm...

Chân dung hung thủ Lê Văn Lâm

Chuyện liên quan đến lời nguyền ứng nghiệm bởi tập tục kỳ lạ và ly kỳ lời đồn về sự trừng phạt của thần rừng đối với những kẻ mạo phạm cây thiêng này, còn liên quan đến một thảm án vùng cao. Chả là, dân ở thôn 5, xã Tiên Hiệp đã truyền nhau một câu chuyện về nhà ông Lê Minh (SN 1956) đông con, lại rất nghèo. Bù lại, ông Minh có đến 3 thằng con trai lực điền, vạm vỡ, cộng thêm miềm vui có nàng dâu cả sắp sinh đứa cháu nội đích tôn. Nhà sắp thêm người nhưng chật chội, cũng muốn vợ chồng thằng cả ra ở riêng cho tiện bề sinh hoạt. Mấy cha con ông Minh kiệm tiền, quyết định lấy sức làm công, bàn nhau lên rừng tìm chặt cây gỗ tốt về cất nhà. Ông Minh đã phát hiện ra gốc cây tựa lưng lại chính là loại gỗ đinh hương quý, thân chắc to, thẳng tắp...

Nhưng rồi ông nhận ra: “Cây này là cây "quan tài" mà Giàng chọn cúng tế rồi các con à. Không thể chặt được, cứ nhìn kỹ quanh gốc cây thì rõ, lông gà trắng, hương đèn, đoạn trước còn có cả giàn tre để đồ cúng tế nữa đây này. Nếu mạo phạm đến thần linh thì sẽ bị báo oán đấy các con ơi"... Dẫu biết rằng tập tục cha ông, cây thiêng thì thật là thiêng, mà vì bức bối bõ công cốc cả ngày trời, bị cha ra sức cản ngăn, lại biết cây gỗ quý có giá trị, con trai thứ 3 Lê Văn Lâm (SN 1983) vẫn sinh lòng tham. Bất chấp lời cha, Lâm bổ nhát rìu đầu tiên, sau đó quay ra hối thúc anh em trai hạ quyết tâm đốn cây đem về nhà dựng cột cho bằng được... Cũng từ đây, kỳ án về cây người chết và 9 mạng người đã đeo bám lên một thôn nghèo của xã vùng cao, huyện Tiên Phước (Quảng Nam)...!

Đến lời nguyền tai ương dồn dập xuống thôn nghèo

Đầu tiên là bi kịch nhà họ Lê. Lê Văn Lâm con trai thứ ba của ông Lê Minh, cũng chính là người bổ nhát rìu đầu tiên vào cây gỗ thần sau chuyến đi rừng hôm ấy. Bấy lâu Lâm là thanh niên khỏe mạnh, chân chất, hiền lành, bỗng chốc lăn đùng ra ốm. Sau ốm, Lâm tự dưng đổi tính, trái nết, hoang dại như kẻ điên, biểu hiện đáng sợ nhất là hắn hễ cứ rượu vào là lại vác dao đuổi đánh mọi người. Lâm chính là tấn bi kịch đã ập xuống nhà ông Minh đúng vào ngày 19/11/2007...

Dân Tiên Phước từng chứng kiến vụ việc vẫn còn nhớ như in thảm án nhà họ Lê. Sáng hôm đó, Lâm tổ chức lễ thôi nôi cho con gái đầu lòng, tất cả bà con láng giềng trong thôn đều được mời kéo đến rượu thịt chung vui. Đến 14h tiệc tan, khách khứa lục đục ra về, Lâm hồ hởi đem tiền mừng ra đếm được 1.030.000 đồng. Lâm đang định bụng đút túi để nhậu dần thì ông Lê Minh ngang qua dặn con: “Tiền mừng mày đưa cho mẹ hoặc vợ giữ cho, chớ lại vung hết vào rượu mà khổ vợ, khổ con". Bực cha quở trách, Lâm đã nhất quyết không đưa, còn lớn tiếng chửi lại hỗn hào. Thấy vậy, anh Lê Văn Đức (SN 1992, em trai Lâm) vội chạy đến trách anh trai không được có lời nói bất hiếu với cha. Sẵn men rượu, Lâm nổi máu khùng, lao xuống bếp rút con rựa đang giắt trên vách nhà rồi chạy lên nhà thẳng tay chém xối xả vào người em trai, làm Đức chết ngay tại chỗ. Phần ông Lê Minh, sức già không ngăn nổi cảnh các con trai nồi da xáo thịt, bản thân ông cũng bị Lâm truy sát nên chỉ còn biết kinh hãi chạy thoát thân ra cánh đồng trước mặt nhà kêu cứu. Nào ngờ, Lâm cũng chẳng tha cho cha, hắn lập tức đuổi theo bắt kịp ông Minh, cuồng điên đâm nhiều nhát rựa vào lưng và đầu cho đến khi người cha tội nghiệp sóng xoài trên vũng máu.

Việc tặng quan tài bằng thân gỗ quý trong những dịp lễ lớn, mừng lúa mới hay ngày cưới là nét văn hóa tâm linh độc đáo của đồng bào Cơ Tu.

Vẫn chưa hết, Lâm vẫn như con thú điên tay vác dao cuồng loạn chạy khắp xóm. Nạn nhân thứ ba của Lâm là ông Lê Hoè chú của Lâm.  May cho ông Hòe, nhờ nhanh chân chạy sâu vào rừng phía sau nhà nên chỉ bị thương ở tay và thoát chết. Không chém được anh Hoè, Lâm lại gặp bà Trần Thị Tuấn (SN 1932, mẹ ông Hoè, bà nội Lâm) đang ngồi giặt áo quần. Bà Tuấn đã phải nhận lấy liên tiếp 04 nhát chém liên tiếp vào người và tử vong ngay trên đường đi cấp cứu... Sau bà Tuấn là đến bà Trần Thị Sáu (SN 1967). Bà Sáu cũng là nạn nhân cuối cùng của Lâm, những nhát dao oan nghiệt của hắn đã cướp đi nguyên bàn tay trái, ba ngón tay phải và một vết thương sâu trên đầu cho bà... Sau khi gây ra thảm án điên cuồng, Lâm ôm dao cố thủ ngay tại nhà... Nhận được tin báo, Công an tỉnh Quảng Nam lập tức điều động hơn 15 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, và phải đến 20 giờ cùng ngày mới khống chế, tước hung khí, bắt được Lâm. Ngày 29/12 năm đó, Lê Văn Lâm đã phải nhận bản án tử hình do TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên.

Sự thật được giải mã

Sau bữa tiệc thôi nôi kinh hoàng ở nhà họ Lê, dường như lời nguyền oan nghiệt của thần rừng vẫn chưa thôi đeo bám xã nghèo Tiên Hiệp. 6h sáng 25/9/2007, những người đi làm đồng ở Tiên Hiệp, Tiên Phước đã phát hiện xác Xã đội trưởng Nguyễn Được với 16 nhát dao trên người nằm ngay bên vệ đường. Tại hiện trường, vật duy nhất hung thủ để lại là một con dao. Nhưng đây cũng chính là bằng chứng tố cáo hung thủ. Điều tra, sàng lọc nhanh các đối tượng, đến 12h trưa cùng ngày, CA huyện Tiên Phước cùng với CA tỉnh Quảng Nam đã tiến hành bắt khẩn hung thủ Trần Ngọc Minh (SN 1974, trú cùng thôn và là anh em cọc chèo với anh Được) khi y đang lẩn trốn tại thôn Trà Sơn, huyện Bắc Trà My, cùng với tang vật là chiếc xe máy mang biển số 92F8-3555. Một điều đặc biệt là hung thủ Minh là kẻ có tiền sử bị bệnh tâm thần, nghiện rượu tương tự sát thủ Lê Văn Lâm.

Chưa đầy ba tháng sau, thôn 5, xã Tiên Hiệp lại trở nên rúng động với một vụ giết người man rợ khác. Nạn nhân lần này là anh Huỳnh Văn Nghĩa (SN 1974, trú ở thôn 5, xã Tiên Hiệp), bị hung thủ là Phạm Văn Vàng (SN 1964, trú cùng thôn), dùng dao phay đâm chết ngay tại chỗ. Nguyên nhân được xác định là do trước đó, vào tối 12/2, Nghĩa chặn đường đánh và "xin đểu" Vàng. Để rửa hận, chiều 13/2, Vàng lận dao phay trong người đi tìm Nghĩa, sau khi bị Nghĩa dùng đá ném vào mặt gây chấn thương, Vàng đã rút dao đâm mạnh một nhát vào ngực trái làm Nghĩa chết ngay tại chỗ rồi chạy thục mạng về nhà cố thủ cho đến khi Công an huyện Tiên Phước khống chế, bắt được. Cũng ngay thôn 5, của xã Tiên Hiệp, vào chiều 9/8/2011, một vụ chém chết người lại tiếp tục xảy ra, nạn nhân lần này là ông Năm Tài. Cũng vì rượu, hung thủ Nguyễn Đức Hạnh, (SN 1992) sau trận say bí tỉ, từ người là ân nhân cứu Hạnh ngã từ dưới mương nước lên bờ, ông Tài lại bị Hạnh "đền đáp" bằng nhiều nhát dao khiến ông Tài tử vong ngay trên mương nước. Gây án xong, Hạnh chạy lên núi Nà Thau ẩn náu. Công an huyện Tiên Phước đã phải huy động hàng trăm chiến sĩ và dân quân du kích xã Tiên Hiệp mật phục đến hai ngày mới bắt được Hạnh ở vùng núi Nà Lầy (giáp với xã Tiên Ngọc, Tiên Phước, Tiên Phước).

Trở lại vụ thảm án nhà họ Lê, trong khi Lâm đang ngồi đếm từng thời khắc ngắn ngủi còn lại của cuộc đời mình, thì phía ngoài song sắt, tai ương vẫn chưa chịu buông tha những nạn nhân may mắn sống sót của y. Ai cũng nghĩ bà Trần Thị Sáu phúc phận, tuy vĩnh viễn thương tật với bàn tay trái bị đứt lìa, bàn tay phải chỉ còn lại hai ngón cùng chấn thương ở đầu nhưng tính mạng còn giữ được... Thế nhưng, đúng 6 tháng sau, bà Sáu lại không thoát được cái chết đau đớn do bị TNGT. Điều lạ lùng là địa điểm bà Sáu chết vì TNGT cũng chính là nơi bà Sáu từng bị Lâm ra tay chém trọng thương... Người cuối cùng nhận sự “quở phạt” không ai khác chính là  vợ của hung thủ Lâm, chị Nguyễn Thị Bích Hồng. Lúc Lâm gây tội ác tày trời cũng là lúc chị Hồng đang mang thai đứa con thứ hai trong bụng. Chồng gây nghiệp chướng quá nặng, nhưng một ngày cũng là tình nghĩa vợ chồng. Tròn một năm sau ngày Lâm nhận án tử hình, Hồng lặn lội từ nhà mẹ đẻ ngược lên nhà chồng ở Tiên Hiệp để thắp cho Lâm, bố chồng, em chồng một nén nhang. Thương thay, trên đường trở về nhà, Hồng đã gặp TNGT nghiêm trọng, vĩnh viễn ra đi, để lại hai đứa con thơ tủi phận cha chết vì tội danh giết người, nay lại mồ côi cả mẹ... Trong chuỗi bi kịch do Lê Văn Lâm tạo ra, gia cảnh bi thương của ông Lê Hòe (SN 1962) cũng khiến trái tim người dân Tiên Phước quặn thắt. Mẹ ông Hòe, bà Trần Thị Tuấn bị Lâm cướp đi sinh mạng khi đang ngồi giặt áo quần bên giếng làng. Chồng của bà sau đó không lâu cũng thắt cổ tự tử vì quá đau buồn. Không vượt qua được ám ảnh của quá khứ, ông Hòe đành phải dắt díu vợ con bỏ đi biệt xứ. Bóng tối và giá lạnh bao trùm ngôi làng từ đó...

Câu chuyện mạo phạm cây gỗ thiêng của đồng bào Cơ Tu khiến gia đình họ Lê và dân làng thôn 5 gặp đại họa, rồi thêm lời đồn cả làng phát lộc sau cái chết của người tử tù Lâm đã khiến làng quê nghèo dậy sóng suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, khác với lời đồn đại, cuộc sống nơi đây diễn ra khá bình lặng, cũng chẳng ma mị, huyền bí như cách người đời thổi phồng sự việc.

Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Lực, Trưởng thôn 5, xã Tiên Hiệp cho biết, chuyện trong vòng hơn một năm xảy ra đến 4 vụ án mạng nghiêm trọng cướp đi tính mạng 6 con người trên địa bàn chỉ là sự trùng hợp chứ chẳng phải do thần Giàng nào báo oán. Mọi chuyện chung quy cũng chỉ tại một chữ “rượu” mà ra. Người dân ở đây chủ yếu làm nông, hết mùa lúa lại bám vào rừng kiếm sống. Quanh năm đầu tắt, mặt tối vẫn không đủ ăn nên cũng chẳng có thời gian “đầu tư” kiếm lấy con chữ. Thêm vào đó, người dân lại hay có thói quen tụ tập uống rượu, tình trạng say xỉn đánh nhau, thậm chí gây chết người xảy ra như cơm bữa. Điển hình là trường hợp của Lê Văn Lâm, giết một lúc 3 người gồm cả cha, em ruột và bà nội cũng chỉ vì say rượu, không kiểm soát được hành vi. Cái chết của anh Huỳnh Văn Nghĩa, ông Năm Tài cũng xuất phát từ xích mích trong các cuộc nhậu. Một mâu thuẫn nhỏ, bình thường hoàn toàn có thể giải quyết được, nhưng khi rượu vào, bản thân không còn làm chủ được mình nên gây ra những chuyện đáng tiếc. “Riêng cái chết của Xã đội trưởng xã Tiên Hiệp Nguyễn Được là do hung thủ có tiền sử bị bệnh tâm thần, khi lên cơn đã ra tay sát hại dã man anh Được. Còn cái chết của chị Nguyễn Thị Bích Hồng, bà Trần Thị Sáu là do tai nạn giao thông chứ cũng chẳng phải bị “Giàng xô” gì, ông Lực cho biết thêm.

Ông Lê Thành Danh (Trưởng Công an xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Chuyện chỉ trong vòng một thời gian ngắn xảy ra liên tiếp các vụ án mạng nghiêm trọng khiến 6 người chết là hoàn toàn xác thực, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan cấp trên điều tra rõ ngọn ngành, xử lí đúng người đúng tội. Còn từ trước đến nay, chúng tôi chưa hề nghe phản ánh có thông tin nào liên quan đến việc gia đình Lê Văn Lâm bị gỗ thần báo oán. Nếu có thì đó cũng chỉ là tin đồn nhảm của những kẻ hành nghề mê tín dị đoan ở nơi khác dựng nên để trục lợi mà thôi…”.

Theo Cstc.cand.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý