Kỳ bí 'hòn đá ma' ở thôn Nhân Vũ kỳ 1: Những chuyện kể khó tin

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Kỳ bí 'hòn đá ma' ở thôn Nhân Vũ kỳ 1: Những chuyện kể khó tin

Vì tin là có thần linh nhập vào “hòn đá ma” này mà từ xưa đến nay, chưa một ai dám đến đây để đào bới, di chuyển đi đâu mà nó vẫn nằm đó chỉ lộ khoảng 1/3 chiều dài, cao 30cm so với mặt đất.

01/04/2015 09:39 AM
395

Tìm về thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi (Ân Thi, Hưng Yên) vào một ngày cuối tháng 3, PV báo Người Đưa Tin đã được nghe người dân nơi đây kể những câu chuyện thần bí đến khó tin xung quanh cái giếng cổ bên cạnh ngôi miếu dưới tán si già. Đặc biệt là sự xuất hiện của “hòn đá ma” được cho là ngàn năm tuổi nằm cạnh đó.

 - Ảnh 1

Cây si quanh năm tỏa bóng rủ những màng rễ xuống mặt giếng và phủ kín ngôi miếu nhỏ cạnh đó.

Vừa đặt chân tới đầu làng, phóng viên đã được "mục sở thị" chiếc giếng bằng đất bên cạnh ngôi miếu nhỏ. Nằm ẩn mình dưới tán rễ rậm rạp của cây si già, chếch phía đối diện gốc si là “hòn đá ma” chỉ nhô lên khỏi mặt đất chừng 30cm, đã phủ một màu rêu phong qua năm tháng nắng mưa bào mòn.

Hòn đá trong tư thế nằm nghiêng 40 độ so với mặt đất và chỉ nhô lên một góc vát bên trái phía trên khoảng 30cm, dày gần 25cm và đã bị rêu phong bao phủ. Phải quan sát thật kỹ mới nhận ra một số dấu vết, hoa văn trang trí ở góc của hòn đá có hình một tấm bia này.

“Hòn đá ma” và những câu chuyện khó lý giải

Ở thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi (Ân Thi, Hưng Yên), theo các cụ cao niên trong làng, hòn đá và cái giếng này có từ đời nào cũng không ai biết. Từ lúc tóc còn để chỏm đã thấy có sẵn rồi. Cụ Đặng Xuân Vang (77 tuổi) cho hay, trước đây từ thời Pháp thuộc đã có một cái điếm canh của lính tuần nằm ngay cạnh cái giếng. Giờ chỉ còn lại dấu tích của mặt nền trải gạch và được xây bậc cầu thang đi xuống giếng. Hồi trước giếng này rộng và sâu lắm, nhưng mưa gió khiến cho miệng giếng bị xói lở dần nên giờ chỉ sâu chưa đầy 2 mét. Không ai biết cái giếng này cùng với “hòn đá ma” có từ bao giờ.

Giếng có hình tròn đường kính rộng khoảng chục mét. Diện tích mặt giếng cũng gần 200 mét vuông. Hai bên thành cầu bậc thang đi xuống giếng được bao quanh bởi hai nhánh rễ cái của cây si trông rất kỳ lạ. Lạ kỳ ở chỗ càng ngày đất bị sói lở thì càng lộ rõ hai nhánh rễ cái của cây si, đâm qua cả nền gạch chỗ cầu giếng sang hai bên mang.

 - Ảnh 2

Cận cảnh “hòn đá ma” ở góc giếng trong tư thế nằm nghiêng đã bị thời gian phủ kín một màu rêu phong.

Vừa thấy bóng khách phương xa, bà Lê Thị Tịnh (71 tuổi), người trông coi ngôi miếu suốt hơn 20 năm qua liền mời vào uống nước. Vốn là người đã gắn bó với mảnh đất này gần hết đời người, những câu chuyện kỳ lạ đến khó tin xung quanh cái giếng với “hòn đá ma” này, bà là người gần như nắm trong lòng bàn tay.

Bà Tịnh kể, cứ vào các tuần sóc vọng hàng tháng hay lễ tết là rất đông bà con dọc trục đường gần đây đến dâng lễ tại miếu này để cầu mong bình an, may mắn cho gia đình. Cũng theo bà, cái giếng này rất thiêng. Nằm chếch hướng đối diện gốc si qua lòng giếng, còn có một “hòn đá ma” ngàn năm tuổi (?).

 - Ảnh 3

Bà Lê Thị Tịnh (70 tuổi) đang kể về sự thần bí của cái giếng bên cạnh ngôi miếu được che mát bởi tán cây si quanh năm.

“Từ đời chồng tôi còn sống đã phải xây ngôi miếu nhỏ và trồng cây si này cạnh giếng để thờ thần linh thổ địa và bà Chúa giếng. Không ai dám xâm phạm dù chỉ là cành cây ngọn cỏ nơi đây. Bởi đã có trường hợp có người “thất kính” với bà Chúa giếng, bị đau ốm phải ra đây lễ tạ mới khỏi”, bà Tịnh kể thêm.

Hay chuyện có một anh thợ chuyên đi bắt rắn. Mấy tháng trước Tết nguyên đán, anh này tới đây và ngỏ ý muốn đào một cái hang nghi có rắn hổ mang bên trong ngay cạnh vị trí hòn đá. Nhưng sau khi nghe bà Tịnh khuyên can, anh thợ bắt rắn này mặt tái xanh vì “sợ” nên lập tức từ bỏ ý định đó và vào lễ tạ lỗi với thần linh ngay rồi đi mất dạng luôn.

 - Ảnh 4

Phải nhìn thật kỹ mới thấy một số dấu tích hoa văn trên bề mặt hòn đá đã bị bào mòn bởi thời gian mà chưa một ai dám có ý định động chạm đến để khai quật hay di rời đi đâu.

“Cũng chính vì đất này linh thiêng nên trước đây không có ai dám dựng nhà cạnh hai bên mang của giếng để ở đâu. Hơn 20 năm trước, vợ chồng tôi xây dựng miếu để thờ cúng bà Chúa giếng và thổ thần duy trì tới ngày nay nên mới ở được yên ổn”, bà Lê Thị Tịnh giải thích.

Lãnh đạo địa phương nói gì?

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Huận – Bí thư chi bộ thôn Nhân Vũ, ông khẳng định: “Việc tồn tại cái giếng gốc cây si và hòn đá cạnh giếng gần nhà bà Tịnh là có thật. Tuy nhiên, những câu chuyện thực hư xung quanh chỉ là chuyện ngẫu nhiên, mang tính duy tâm. Chúng tôi khuyến cáo bà con không được đồn thổi mê tín dị đoan. Đồng thời cùng nhau bảo vệ các giá trị văn hóa, không xâm phạm di tích để giáo dục con cháu ngàn đời sau về tình yêu quê hương, đất nước”. “Mọi vấn đề liên quan tới cái giếng cổ và hòn đá "ma" vẫn cần phải chờ các nhà khoa học vào cuộc mới có câu trả lời chính xác được”, ông Huận nhấn mạnh.

 - Ảnh 5

Đại diện lãnh đạo thôn Nhân Vũ: Ông Đặng Xuân Hậu, trưởng thôn (trái) và ông Nguyễn Văn Huận, Bí thư chi bộ thôn (phải) chia sẻ về thực hư các câu chuyện xung quanh cái giếng và “hòn đá ma”.

Đại diện lãnh đạo thôn Nhân Vũ: Ông Đặng Xuân Hậu, trưởng thôn (trái) và ông Nguyễn Văn Huận, Bí thư chi bộ thôn (phải) chia sẻ về thực hư các câu chuyện xung quanh cái giếng và “hòn đá ma”.

Xem video: Khám phá chuyện giếng thần bị yểm bùa khiến dòng họ tiêu vong

Chung quan điểm với ông Huận, ông Đặng Xuân Hậu (trưởng thôn Nhân Vũ) cho rằng: “Tôi thì chưa gặp lần nào, nhưng đúng là có chuyện một số cụ cao tuổi trong làng kể lại việc gặp các hình ảnh của bà Chúa giếng với thần nữ trấn trong hòn đá một vài lần. Còn việc lễ bái của bà con vào ngày rằm mùng một hàng tháng ở đó chỉ mang tính chất duy tâm, không gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên chính quyền cũng không gây khó dễ cho bà con”.

Tuy nhiên, khi đem vấn đề này tới lãnh đạo xã, thì ông Phạm Văn Tiệp – Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi – tỏ ra khá ngạc nhiên: “Phía ủy ban xã vẫn chưa thấy có báo cáo từ địa phương thôn Nhân Vũ về vấn đề này. Việc bà con tới ngôi miếu cạnh cái giếng đó nhiều hay ít, khi nào và thực trạng về những câu chuyện thần bí quanh “hòn đá ma” cạnh đó chúng tôi cũng chưa nắm bắt được”.

Theo ông Phạm Vũ Đạo – Phó bí thư Đảng ủy xã – cho biết: “Trước đây thôn Nhân Vũ có hai cái giếng nằm ngay cạnh bờ sông Quảng Lãng. Một cái giờ ở cạnh ngôi Đình gọi là giếng bát giác, đã được xây dựng lại bờ thành kiên cố, an toàn. Còn một cái là chiếc giếng đất ngày trước các cụ đào giờ ở khu đất gần nhà bà Tịnh ở. Việc một số bà con ý kiến muốn xin kinh phí để tôn tạo lại lòng giếng và kè lại bờ thành vẫn đang được chính quyền địa phương xem xét do nguồn kinh phí eo hẹp”

Đình Tuệ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý