Ký ức hào hùng của người treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ Đài Huế

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Ký ức hào hùng của người treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ Đài Huế

(ĐSPL) 70 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm ngày đầu tiên treo cờ cách mạng lên cột cờ Phu Văn Lâu Huế như vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Trung tá Việt. Ông nhớ, giây phút bước lên bậc thang thứ ba, hơn 100 người lính quân đội Hoàng gia Bảo Đại giương súng về phía mình. Thế nhưng, lá cờ đỏ sao vàng dài 50m, rộng 23m vẫn được kéo lên. Cùng với lá cờ bay phấp phới là niềm vui khôn tả của người dân.

02/09/2015 09:01 AM
61

Giây phút thiêng liêng

Dù đã 96 tuổi, ông Đặng Văn Việt (SN 1920, ngụ TP. Hà Nội) vẫn đi từ Hà Nội vào Thừa Thiên-Huế để ôn lại kỷ niệm, cũng như tận hưởng không khí Quốc khánh tràn ngập đất cố đô.

Gần trăm tuổi nhưng trông ông vẫn còn rắn rỏi, tay chân chắc nịch, đi lại không cần gậy chống. Ông khoe, sức khỏe còn tráng kiện như thời thanh niên, vẫn chơi được quần vợt, tuần hai buổi khiêu vũ. Đưa mắt nhìn lên lá cờ bay phấp phới trên cột cờ Phu Văn Lâu, ông cười bảo: “70 năm rồi! Nhanh quá!”.

 - Ảnh 1Phóng to

Trung tá Việt (bên trái) cùng đồng đội đến thăm Kỳ Đài Huế.

Ông kể, ông nội ông là cụ Đặng Văn Thụy, từng giữ chức Tế Tửu (tức hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám. Cha ông là Thượng thư Đặng Văn Hướng, Tổng đốc Nghệ An thời đó nhưng lại bí mật giúp sức cho Việt Minh. Năm 1945, ông được chọn học tại trường Thanh niên tiền tuyến Huế. Đây là ngôi trường bí mật đào tạo sỹ quan cho cách mạng ở Huế (trường cũng vừa kỷ niệm 70 năm thành lập ngày 21/8/2015).

Năm ấy, ông Việt 26 tuổi. Sáng 20/8/1945, ông nhận được mật báo đến một địa điểm ở gần đền Nam Giao gặp đồng chí Trần Hữu Dực, khi ấy là Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Lúc gặp, ông Dực trao cho ông một lá cờ đỏ sao vàng to bằng cả gian nhà cùng yêu cầu treo lên ngọn Kỳ Đài Huế với lời dặn: “Hôm sau phải xong nhiệm vụ”.

Ông cuộn lá cờ vào một bao tải, buộc sau xe rồi mang về trường ở cửa Quảng Đức, gần với Kỳ Đài cất giấu. Ông vội báo lại nhiệm vụ với Đội trưởng Việt Minh là Lâm Kèn. Sau khi được báo, đồng chí Lâm Kèn huy động thêm ông Cao Pha (nay đã qua đời) cùng phối hợp thực hiện.

Suốt đêm ấy, ông Việt không tài nào ngủ được. Hàng loạt băn khoăn, trăn trở cứ kéo về. Lúc đó, Cách mạng tháng Tám chưa nổ ra ở kinh kỳ, chính quyền vẫn nằm trong tay quân Nhật và triều đình nhà Nguyễn. Do đó, việc treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ Đài Huế là một điều không đơn giản. Lỡ khi quân triều đình kháng cự, tính mạng của ông liệu có giữ được? Ông thừa nhận, thuở ấy còn quá trẻ, chưa hiểu hết được khái niệm về chính trị hay quân sự. Nhưng, trong lòng vẫn khát khao đất nước được giải phóng. Rồi, ông lại ngẫm: “Hoàn thành nhiệm vụ là một niềm vinh dự cho cả đời, nếu chết thì cũng là hy sinh cho hòa bình, cho đất nước”.

Sáng 21/8/1945, ông Việt cùng ông Pha gọi nhau dậy thật sớm, chọn bộ kaki mới nhất để mặc, rồi mang lá cờ dài 50m, rộng 23m đặt sau xe đạp đẩy tới khu vực Kỳ Đài. Đúng 9h sáng, ông Pha dừng lại giữ chiếc cờ, còn ông Việt leo lên bậc thang chính của Kỳ Đài. Bước lên hai bậc, mọi chuyện vẫn bình thường. Nhưng khi ông vừa đặt chân lên bậc thứ ba thì bị đội trưởng đội cận vệ hoàng gia nhà Nguyễn kháng cự. Cùng lúc, một tiểu đội 12 lính mang súng chĩa thẳng vào hai người. Cách đó không xa, 120 lính khác nằm rạp dọc thành cửa Ngọ Môn cầm súng đã lên đạn, chỉ chờ hiệu lệnh là bấm cò.

Thời khắc ngàn cân treo sợi tóc, ông Việt vội lấy lại bình tĩnh, bảo với đội trưởng đội cận vệ hoàng gia Bảo Đại với giọng đanh thép: “Chúng tôi nhận được lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, mang cờ đỏ sao vàng đến treo lên Cột cờ Phu Văn Lâu”. Người đối diện nhìn thẳng về phía ông. Ông vội vã chỉ xuống lá cờ đang được đồng đội cầm. Viên đội trưởng liền yêu cầu lính không được bắn và cho người vào báo với Bảo Đại hoàng đế. Vua ra lệnh “Không được bắn”.

Nghe lời người lính báo lại, ông Việt trút được nỗi lo, quay sang nói với viên  đội trưởng, cho sáu người lính xuống rước cờ lên. Lá cờ của triều Nguyễn được hạ xuống, thay vào đó là cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Tất cả mọi người đứng nghiêm trang, đội lính bồng súng, còn hai ông trang nghiêm chào cờ theo kiểu nhà binh. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được treo lên Kỳ Đài Huế, người đứng xa hàng chục km vẫn có thể nhìn thấy. Đứng trên cao, ông nhìn rõ, rất nhiều người dân dừng lại ngước lên ngắm cờ đỏ sao vàng. Những người đang chèo đò dưới sông Hương cũng phấn khởi trông lên. Ông nghe rõ lời hô vang của người dân: “Cờ đỏ sao vàng được kéo lên rồi!”.

 - Ảnh 2Phóng to

Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên Kỳ Đài.

Đối với ông Việt, lá cờ Việt Minh lần đầu bay phấp phới trên Kỳ Đài Huế là hình ảnh đẹp chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí. 70 năm trôi qua, nhìn lại cột cờ Phu Văn Lâu, ông cứ ngỡ, nhiệm vụ ngày ấy vẫn như mới đây. Ông cười: “Tôi còn sống là may mắn lắm! Nếu hôm ấy, 132 người lính bắn, có lẽ, bây giờ đã là ngày giỗ lần thứ 70 của tôi và tôi không thể nào chứng kiến giây phút kỷ niệm 70 Quốc khánh trọng đại”.

Sống sao cho xứng đáng người chiến sĩ cách mạng

Sau ngày ghi dấu lịch sử ấy, ông Việt tích cực tham gia cách mạng. Vài năm sau, ông trở thành chỉ huy trưởng Trung đoàn thép 174, tổ chức 120 trận đấu, thắng 116 trận. Đường binh nghiệp của ông gắn liền với đoạn đường số 4 chạy dọc theo biên giới Việt - Trung, dài 340km vượt qua ba tỉnh từ Đông Bắc xuyên qua Tây Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng). Ông trở thành nỗi khiếp đảm của địch và được quân Pháp đặt danh xưng “Hùm xám đường số 4”.

Tham gia nhiều trận chiến, không thể nhớ chi tiết, nhưng chiến thắng Biên giới thu đông 1950 là một dấu mốc lớn trong ký ức người lính già. Rồi, ông tiếp tục chỉ huy Trung đoàn tham gia hàng loạt chiến dịch lớn khác như chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Hòa Bình... Đến năm 1960, rời quân đội với hàm Trung tá, ông chuyển sang công tác tại bộ Xây dựng, đến khi nghỉ hưu vào năm 1980.

Ông nhẩm tính, trong chiến trận, có khoảng 30 lần chết hụt. “Tôi nghĩ, sống chết có số cả rồi. Chết thì dễ nhưng sống làm sao cho xứng đáng mới là điều khó”, ông nói.  Hòa bình lập lại, đôi lần ông gặp các cựu chiến binh chiến tuyến bên kia, hầu hết họ là tướng tá từng kinh qua chiến tranh Đông Dương, ngay ở Việt Nam lẫn trên đất Pháp. Ngày trước, họ xem nhau là địch, nhưng bây giờ, đối mặt, tay bắt mặt mừng, họ trò chuyện như những người thân thiết, không chút hận thu...

Những lần gặp gỡ ấy, các cựu chiến binh Pháp không ngần ngại cho biết, chiến bại thu đông 1950 là thất bại đầu tiên của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Họ tỏ ra kính phục những anh lính cụ Hồ. Ngày ấy, quân Pháp được trang bị vũ trang đầy đủ. Trong khi đó, quân đội cụ Hồ lại gặp vô vàn khó khăn, phải tính chi ly từng hạt gạo, viên thuốc... mà vẫn chiến thắng. Cũng chính vì điều này, cứ 5 năm một lần, Pháp lại làm lễ kỷ niệm ngày thất bại ở chiến trường Biên giới 1950.

Ông bảo, chiến tranh đã lùi xa, rất nhiều đồng bào nằm xuống để đổi lại hòa bình. Do đó, chúng ta phải biết yêu quý, bảo vệ chủ quyền. Đất nước đang phát triển, chúng ta phải cùng chung tay xây dựng ngày càng phồn vinh. Bây giờ, người dân Việt phải cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, vun đắp cho tình hữu nghị với các dân tộc trên toàn cầu.

Vì từng có nhiều gắn bó với Huế nên mỗi lần đất cố đô có sự kiện gì lớn là lãnh đạo địa phương lại mời ông vào tham dự. Có nhiều cống hiến cho cách mạng, từng giữ chức Cục phó cục Xây dựng cơ bản, nhưng đến nay, người lính kiên trung ấy vẫn sống trong căn hộ 12m2 tại một khu tập thể. Hằng ngày, ông vẫn nghiên cứu, viết sách và đoạt giải thưởng cao. Ông chú trọng đến các cuốn sách về các binh pháp quân sự với hy vọng, để lại kinh nghiệm cho đời sau. 

HUY CƯỜNG

Xem thêm video: 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý