Lãi suất ngân hàng: "Sóng ở đáy sông"

mesu mesu @mesu

Lãi suất ngân hàng: "Sóng ở đáy sông"

Trong khi cơn sốt công bố giảm lãi suất cho vay đã tạm lắng thì nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc đua lãi suất huy động vẫn âm thầm diễn ra...

26/05/2016 07:48 AM
17

(ĐSPL) - Trong khi "cơn sốt" công bố giảm lãi suất cho vay đã tạm lắng thì nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc đua lãi suất huy động vẫn âm thầm diễn ra...

Lãi suất cho vay chỉ hạ chớp nhoáng?

Tin tức trên báo Tiền phong, đã 3 tuần trôi qua kể từ lời hiệu triệu của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kêu gọi ngân hàng hạ lãi suất, đến nay cơn sốt công bố giảm lãi suất tạm lắng. Về mặt nghiệp vụ, đúng như dự đoán của giới chuyên gia, 3 tuần nay, NHNN đã tăng cung tiền qua lưu thông (tăng tổng phương tiện thanh toán), từ đó tạo một phần cơ hội cho các ngân hàng hạ lãi suất. Trên thực tế, hàng loạt ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV đều vào cuộc thông báo hạ lãi suất tại nhiều lĩnh vực cho vay của doanh nghiệp.

Theo công bố của NHNN, trong tuần đầu tiên của tháng 5, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Riêng lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3 - 11%/năm. Đặc biệt, NHNN cũng gửi đi thông điệp cho biết, đã xuất hiện nhóm khách hàng được vay với lãi suất chỉ 5-6/%/năm.

Giám đốc chi nhánh ngân hàng một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long của Vietcombank thừa nhận: Tại chi nhánh này, đã có nhóm doanh nghiệp được vay lãi suất 5-6%. Tuy nhiên, chỉ là vay vốn ngắn hạn và lưu động. “Khoản vay và số tiền cho vay lớn này chúng tôi dành cho các doanh nghiệp được xếp hạng A++. Lúc cao điểm, dư nợ cho vay lãi suất này lên tới gần 950 tỷ đồng trên tổng dư nợ của cả chi nhánh là 2.100 tỷ đồng. Tất nhiên, bây giờ dư nợ đã giảm, vì lý do doanh nghiệp đã bán hết hàng và họ trả nợ luôn theo mùa vụ”, vị giám đốc này cho biết.

Thực tế, những trường hợp “vay nhanh, trả lẹ” như trên quả không nhiều. Còn lại, không hiếm các doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất cao. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép tại Bắc Ninh kể, doanh nghiệp của ông đang trả lãi suất vay ngắn hạn 7,5 - 8%/năm và dài hạn 9 - 10%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng gần cả năm qua và chưa có thay đổi.

“Đây là mức lãi suất cao hơn rất nhiều lãi suất các nước trong khu vực. Tôi chỉ mong ở mức khoảng 6%/năm như đang được áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên để doanh nghiệp giảm chi phí vốn”, vị này nói.

Lãi suất ngân hàng: "Sóng ở đáy sông" - Ảnh 1Phóng to

Nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc đua lãi suất huy động vẫn âm thầm diễn ra, trong đó có cả huy động vốn để lao vào đấu thầu trái phiếu Chính phủ, thay vì cho doanh nghiệp vay. (Ảnh minh họa).

Lãi suất huy động đang đẩy lên

Nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc đua lãi suất huy động vẫn âm thầm diễn ra, trong đó có cả huy động vốn để lao vào đấu thầu trái phiếu Chính phủ, thay vì cho doanh nghiệp vay. Trong khi đó, lạm phát lại dọa tăng.

Thông tin trên báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính, so với cuối năm 2015, mặt bằng lãi suất huy động của các NHTM đã tăng khá cao và mức độ cạnh tranh ngày càng lớn. Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, lãi suất kỳ hạn ngắn đã gần chạm trần, trong khi kỳ hạn dài hiện được niêm yết ở mức 6%/năm trở lên. Tại Vietcombank, kỳ hạn trên 12 tháng áp dụng lãi suất 6,5%/năm, BIDV áp dụng lãi suất 6,9%/năm, các kỳ hạn 12, 13, 18 tháng đến 36 tháng lên đến 7,2%/năm.

Hiện nay cuộc đua lãi suất đang rất nóng ở nhóm NHTMCP, ở kỳ hạn ngắn lãi suất nhiều NH xoay quanh trần 5,5%/năm, trong khi ở kỳ hạn dài đa số áp dụng từ 6,5-8%/năm.

Tại ACB, tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12-36 tháng trong mức từ 6,2-6,8%/năm. Còn tại VPBank, mức lãi suất tiền gửi cao nhất đạt 7,4%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng áp dụng khoản tiết kiệm từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng. Tương tự, SHB đang tính mức cao nhất 7,3%/năm đối với khoản tiền gửi trên 2 tỷ đồng ở kỳ hạn 24 và 36 tháng.

Nổi trội nhất là tại TPBank áp dụng mức lãi suất cho kỳ hạn 36 tháng lên đến 7,8%/năm lĩnh lãi cuối kỳ. Đáng chú ý, nếu gửi tiền theo sản phẩm tiết kiệm Tài Lộc với các kỳ hạn dài 15, 18, 24 và 36 tháng, khách hàng được hưởng lãi suất cao nhất tới 8,4%/năm.

Vietbank có sản phẩm tiết kiệm lãi suất thả nổi và lợi nhuận tối ưu, theo đó gửi kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi suất 6,6% và biên độ 0,3%/năm, kỳ hạn 13 tháng lãi suất 7,2%/năm và 15 tháng là 7,3%, biên độ 0,4%/năm. Ngoài ra, khách hàng không rút trước một phần vốn được cộng thêm 0,2%/năm, khi tái tục gửi tiền, lãi suất được tính bằng lãi suất sản phẩm tại kỳ tái tục cộng thêm 0,1%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động của các NH liên tục được điều chỉnh tăng do nhiều tác động. Cụ thể, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 quy định tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% giảm về 40%. Hiện nay, tỷ lệ này tại các NHTM có vốn nhà nước 33,91% và tại NHTMCP 35,58%. Nguồn vốn để cho vay dài hạn không còn nhiều nên các NH chạy đua tăng lãi suất để gia tăng nguồn vốn, đảm bảo tăng trưởng tín dụng. Theo các NHTM, giải pháp xử lý đối với vấn đề này là phải gia tăng vốn huy động dài hạn và giảm bớt tỷ lệ cho vay trung, dài hạn bằng vốn ngắn hạn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các NH đang đứng trước áp lực đảm bảo thanh khoản nên buộc phải tăng lãi suất huy động. Hơn nữa, nhu cầu vay vốn đang tăng cao nên nhiều NH tính đến phương án điều chỉnh tăng lãi suất huy động để gia tăng nguồn vốn. Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định trong tháng 4 thanh khoản có dấu hiệu chịu áp lực, đẩy lãi suất liên NH tăng 1% trong tuần đầu tháng 4 tại tất cả các kỳ hạn. Nguyên nhân xuất phát từ nhóm các NHTM có tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao hơn mức dự kiến điều chỉnh Thông tư 36. Mặt khác, lãi suất liên NH thời gian qua tăng chủ yếu do áp lực từ tăng lãi suất huy động trên thị trường 1, bởi các NH đang tăng dự trữ vốn phục vụ cho nhu cầu tín dụng tăng cao hơn trong quý II. Ngoài ra, đại diện một NHTMCP chia sẻ gần đây các NHTM tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12, 13 tháng nhằm đánh vào lãi suất cho vay đối với những khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, vay mua nhà, mua xe vì các khoản vay này ưu đãi lãi suất từ 6 hoặc 12 tháng, sau thời hạn đó lãi suất được tính bằng lãi suất huy động 12 hoặc 13 tháng, cộng thêm biên độ 3-5%/năm.

Bên cạnh đó, đợt tăng lãi suất huy động đồng loạt của các NHTM từ đầu năm đến nay do cuối năm 2015 dòng vốn của NH đầu tư đổ mạnh kênh TPCP nên phải hút vốn để bù lại. Năm 2016, kế hoạch phát hành TPCP là 220.000 tỷ đồng cũng đã tạo áp lực huy động vốn đối với các TCTD, vì đặc thù của thị trường TPCP là trên 80% do các TCTD nắm giữ. Theo công bố của Bộ Tài chính, tính đến ngày 6-5 Việt Nam đã thực hiện phát hành được gần 111.791 tỷ đồng TPCP bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, đạt xấp xỉ 50,8% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2016. Để tiếp tục thực hiện phần còn lại, các NHTM chắc chắn phải tiếp tục tăng cường huy động để hoàn thành kế hoạch và sẽ tạo ra áp lực đối với lãi suất.

Ngoài ra, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay khá cao và ngày càng nhiều NH đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, nên các NH chấp nhận huy động với lãi suất cao hơn để phục vụ hoạt động này. Chẳng hạn VPBank đang sở hữu cổ phần Công ty Tài chính (CTTC) FE Credit. Năm 2015, FE Credit có hơn 2 triệu khách hàng tại Việt Nam. Đây được xem là CTTC đang dẫn đầu thị trường về cho vay tiêu dùng hiện nay. Theo báo cáo tài chính của VPBank, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đã mang đến cho NH này gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2015. Tổng dư nợ tín dụng năm 2015 của VPBank đạt 116.804 tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng 38.425 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó cho vay khách hàng cá nhân đóng góp 25.925 tỷ đồng. Theo kế hoạch, VPBank dự kiến cho vay khách hàng năm 2016 sẽ tăng hơn 30%.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý