Làng năng lượng mặt trời’ lớn nhất miền Trung: Đến rầm rộ, đi âm thầm

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Làng năng lượng mặt trời’ lớn nhất miền Trung: Đến rầm rộ, đi âm thầm

Hễ trời nắng là cả làng lại đem bếp ra sân, thậm chí mang ra đường làng để nấu nướng.

15/06/2014 02:04 PM
1,230

Mùa nắng tám năm trước, cả làng được "tài trợ", ai ai cũng hồ hởi đem bếp ra đường nấu nướng. Đi đến đâu cũng nghe dân làng bàn tán về công năng "ưu việt" của chiếc bếp . Vậy mà đến nay, những chiếc bếp không tiêu tốn điện, gas, than, an toàn và thân thiện với môi trường đã gần như trở thành phế liệu, chỉ còn lại nỗi tiếc nuối trên khuôn mặt người dân thôn Bình Kỳ (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng).

Còn đâu "làng năng lượng mặt trời"

Về thôn Bình Kỳ vào một ngày nắng chói chang của mùa hè, đi từ đầu làng đến cuối xóm, dù chúng tôi đã cố căng mắt tìm cho được một chiếc bếp mặt trời đang sử dụng để "minh chứng" cho cái nơi từng được mệnh danh là "làng năng lượng mặt trời" nhưng... không hề có! Hỏi ra mới biết một thực tế đau lòng là, những chiếc bếp từng được coi là niềm tự hào của người dân nơi đây nay lại nằm chỏng chơ ở góc vườn, thậm chí có người còn đem bán phế liệu.

Khó có thể tin được, chỉ cách đây chừng dăm bảy năm, người người nhà nhà ở thôn Bình Kỳ từng xem chiếc bếp năng lượng mặt trời (NLMT) này như "của quý".

Vào năm 2007, chiếc bếp NLMT được xuất hiện rộng rãi trên trong sự kỳ vọng của giới chuyên môn và những người tiêu dùng, đặc biệt là những vùng dân cư đời sống còn khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Qua khảo sát, tìm hiểu nhiều ngày, Tổ chức phục vụ NLMT Việt Nam đã chọn thôn Bình Kỳ  là điểm "dừng chân" của chiếc bếp "thần kỳ".

Trong những buổi trưng bày, giới thiệu cũng như hướng dẫn cách sử dụng bếp, bà con ở Bình Kỳ tham gia rất đông. Nhận thấy được những điểm nổi bật của bếp  sử dụng NLMT so với bếp củi, ga, điện, người dân, đặc biệt là các bà nội trợ, ai cũng muốn sở hữu một chiếc. Tuy nhiên, khi đưa bếp về "làng", nhà phân phối bán với giá 200 ngàn đồng/bếp (tương đương với giá thị trường lúc bấy giờ là 900 ngàn đồng/chiếc).

 - Ảnh 1

Người dân  đang phơi chảo năng lượng mặt trời

Chị Nguyễn Thị Hà (Chủ tịch hội LHPN phường Hòa Quý, đơn vị trực tiếp kết hợp với Tổ chức phục vụ NLMT Việt Nam thực hiện dự án tại địa phương) cho biết: "Ban đầu, do còn ngần ngại vì số tiền bỏ ra quá lớn nên trong thôn chỉ có tôi vài chị "tiên phong" mua bếp dùng thử. Nhưng sau thời gian sử dụng thấy hiệu quả, nên nhiều chị cũng xin mua.

Đa phần kinh tế của các hộ dân ở đây đều thấp nên có nhà phải bán lúa, bán heo mới có đủ tiền mua bếp. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Tổ chức phục vụ NLMT Việt Nam kêu gọi sự tài trợ của một số doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để tặng 300 chiếc bếp miễn phí cho bà con. Đồng thời, họ còn điều cán bộ kỹ thuật về từng nhà để lắp đặt bếp và hướng dẫn cách sử dụng. Bà con trong thôn ai cũng phấn khởi".

Từ khi có bếp, người dân tiết kiệm được một khoản tiền kha khá vì không phải sử dụng củi, than, ga để nấu nước, nấu thức ăn gia súc... Bà Đặng Thị Hoa (58 tuổi, trú thôn Bình Kỳ) nhớ lại: "Sử dụng bếp NLMT vừa đơn giản, vừa tiết kiệm và an toàn lại được tặng miễn phí nên ngày ấy bà con trong thôn hưởng ứng nhiệt tình lắm. Cứ ngày có nắng to là cả làng ai cũng đem bếp ra nấu, rôm rả lắm. Người nấu nước, hầm xương, người nấu cám heo..., mỗi năm cũng tiết kiệm được khá nhiều tiền gas, tiền điện".

Giống như bà Hoa, hàng trăm hộ dân ở Bình Kỳ nhờ sử dụng bếp NLMT đã tiết kiệm được mỗi tháng khoảng 100.000 đồng mua chất đốt. Đối với các gia đình buôn bán nhỏ, mỗi tháng có thể tiết kiệm được 200.000 đồng. Trung bình, tuổi thọ của các loại bếp NLMT khoảng 10 năm và giá thành 850.000 đồng (đối với bếp hình hộp) và 1,5 triệu đồng (đối với bếp hình parabol) thì việc sử dụng loại bếp này sẽ giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều kinh phí.

Những tưởng, mô hình sử dụng NLMT ở Bình Kỳ sẽ được duy trì và nhân rộng ra nhiều địa bàn dân cư khác. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng "rầm rộ", những chiếc bếp hình parabol lại bắt đầu bộc lộ điểm yếu. Bà Hoa giải thích: "Nấu cả buổi sáng được có ấm nước. Trời nắng chang chang mà cứ 30 phút là phải chạy ra điều chỉnh hướng để "hứng" nắng. Tiết kiệm không đáng là , nhưng cái công mình bỏ ra là thấy không bù lại được rồi". Nhiều người không "đủ kiên nhẫn" để tiếp tục sử dụng bếp như bà Hoa cũng đem vứt ra vườn để đựng rác, thậm chí có người đem đi bán phế liệu với giá "như bèo".

Bỏ thì tiếc, vương thì... phí

Trò chuyện với PV, ông Mai Độ (SN 1954, Bí thư Chi bộ thôn Bình Kỳ 2) cho biết, sau khoảng ba năm sử dụng, nhiều hộ dân ở Bình Kỳ không còn hứng thú với bếp NLMT như ban đầu nữa. Bếp to, cồng kềnh, chỉ sử dụng được vào mùa nắng, còn về mùa mưa không dùng nhưng cũng không có chỗ để bảo quản nên người dân đành để ngoài vườn. Chính vì vậy, khi mưa xuống, đế và thanh sắt dùng để treo nồi bị rỉ sét, rồi mục và gãy dần, vùng parabol để phản chiếu ánh sáng mặt trời cũng không còn sáng mà bị oxy hóa.

Cho đến nay, ở ngôi làng từng được mệnh danh là "làng năng lượng mặt trời", số hộ gia đình còn sử dụng bếp chỉ đếm trên đầu ngón tay. ông Mai Độ dẫn chúng tôi vào một con hẻm nhỏ cạnh nhà văn hóa thôn để đến gia đình bà Năm Nhung (SN 1944), một trong những gia đình hiếm hoi còn sử dụng bếp NLMT để đun nấu.

Bà Năm Nhung cũng là một trong số ít những người "tiên phong" mua bếp NLMT. Đến nay cũng đã gần tám năm, tuy không còn "mặn mà" với nó như xưa nhưng hằng ngày, bà Nhung và người cháu gái vẫn khênh chiếc bếp công kềnh ra giữa sân để đun nước.

Bà Nhung cho biết: "Cả ngày nắng, tôi nấu được chừng hai ấm nước. Con cái cũng có bảo tôi bỏ bếp đi vì nắng nôi mà ra đứng nắng lỡ đau ốm thì khổ. Nhưng tôi vẫn muốn giữ lại nó. Trời mưa, tôi đem vào nhà cất, mỗi lần nấu xong tôi lại dùng khăn lau sạch để bếp luôn sáng bóng. Tôi vẫn mong, có một ngày, cả làng lại sử dụng bếp NLMT như trước".

Cũng như bà Nhung, rất nhiều người ở đây tỏ ra tiếc nuối nguồn NLMT đã từng giúp họ tiết kiệm chi phí nhiên liệu đáng kể. Nhưng từ thực tế hiện tại, đặc biệt là từ khi TP.Đà Nẵng triển khai dự án mở đường lớn, nhiều hộ dân mất ruộng đất, thậm chí chỗ ở phải giải tỏa, di dời đi nơi khác, diện tích đất ở, đất sản xuất thu hẹp, không còn khoảng không có nhiều ánh sáng mặt trời để sử dụng, thì những suy nghĩ về việc "cứu vãn" làng NLMT đã thật sự lụi tàn trong họ.

Chị Nguyễn Thị Duy (SN 1974), từng là cộng tác viên của chương trình Làng NLMT ở Hòa Quý thở dài trong sự tiếc nuối: "Ngày ấy, có người phải bán cả con heo mới mua được chiếc bếp. Nhưng bây giờ, họ lại bán phế liệu với giá 50.000 - 100.000 đồng/chiếc bếp. Người dân ai cũng phải đi làm quần quật từ sáng đến chiều để kiếm tiền lo cho cuộc sống, nên không còn thiết tha với bếp NLMT như xưa nữa". Hỏi ra mới biết, nhà chị Duy cũng có một bếp NLMT đã bị hỏng từ 3-4 năm nay, chị để ngoài vườn, nhiều người thu mua phế liệu hỏi mua nhưng chị tiếc, không bán.

Chị Nguyễn Thị Nga (SN 1970), một người thu mua phế liệu trên địa bàn chia sẻ: "Nhà nào cũng nói bán bếp thì tiếc, nhưng giữ lại thì cũng không để làm gì, chỉ chật nhà thêm. Từ năm 2010 đến nay, chị đã thu mua đến cả trăm chiếc bếp NLMT. Mỗi chiếc chị mua với giá  trên dưới 100.000 đồng".

Như vậy, cho đến nay, việc tạo nên một thiết bị tiện ích, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường, an toàn với người sử dụng, giúp người dân nâng cao ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường và quan trọng hơn là giúp người dân làm quen với các thiết bị sử dụng NLMT đang dần đi vào bế tắc. Những người dân nghèo nơi đây, dù vẫn ý thức được sự lãng phí rất lớn từ nguồn năng lượng này nhưng với họ, việc lo trang trải cuộc sống còn quan trọng hơn!

Người cần không có, người có không dùng

Chị Trần Thị Mỹ (cán bộ dân số phường Hòa Quý) cho biết: "Việc trao tặng bếp NLMT khá dễ dãi, người cần không có, người có không cần, nên dẫn đến việc nhiều người đem bếp về không dùng rồi vứt bỏ. Bếp sử dụng không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ gây nên tình trạng lãng phí nguồn năng lượng rất lớn".

Nơi thành công, nơi thất bại: Vì sao?

Trái ngược với tình trạng gần 300 bếp NLMT được hỗ trợ cho người dân ở Bình Kỳ và Bá Tùng (Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) bị xem như phế liệu để bán cho những người thu mua đồng nát, ở nhiều địa phương khác, các “làng năng lượng mặt trời” lại triển khai rất hiệu quả và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân.

Theo thống kê của Tổ chức Phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve) Việt Nam, hiện nay trên địa bàn toàn quốc, từ khu vực miền Trung đổ dọc xuống các tỉnh thành phía Nam, nhiều bếp NLMT được người dân ưu tiên sử dụng. Điển hình, gần đây nhất, dự án Làng năng lượng mặt trời thực hiện tại hai xã Phong Bình và Vinh Hải (Thừa Thiên - Huế) đã thành công, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương. Tại hai xã này, để có bếp, mỗi gia đình phải chi tiền mua với giá 2 triệu đồng. Người mua chỉ được miễn phí lắp đặt và hướng dẫn sử dụng.

Thế nhưng, các hộ gia đình vẫn hào hứng bỏ tiền ra mua bếp vì tính tiện ích và tiết kiệm của nó. Đồng thời, tại các tỉnh, thành Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, TP.HCM, Bình Dương, Vietnam Solar Serve cũng nhận được hàng nghìn đơn đặt hàng các loại bếp NLMT của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một nhân viên của Solar Serve cho hay: “Bếp NLMT có khuyết điểm là chỉ sử dụng trong mùa nắng và phải có chỗ đặt bếp thuận tiện cho việc nhận được nhiều nhiệt lượng từ mặt trời nhất. Những ngày trời râm mát hay có mưa, người dân không thể sử dụng loại bếp này được nên cũng có nhiều bất tiện. Hơn nữa, đối với những gia đình sống trong những thành phố lớn, khó khăn lớn nhất chính là không có chỗ đặt bếp phù hợp. Do vậy, người dân phải kết hợp sử dụng bếp NLMT với một loại bếp khác để đáp ứng nhu cầu đun nấu trong gia đình”.

Bạch Hưng – Ưu Đàm - Hoài Thương

Xem thêm video clip : 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý