Lắng nghe con trẻ "bi bô"

tyh tyh @tyh

Lắng nghe con trẻ "bi bô"

Hầu như tất cả trẻ con đều học được những quy tắc của ngôn ngữ mẹ đẻ từ lúc còn rất nhỏ, từ những tiếng bi bô đầu tiên, cho những lời thỏ thẻ chưa chuẩn xác.

09/03/2009 08:37 AM
31,413

Sự giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ nhỏ trong 5 năm đầu đời sẽ định hình quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trẻ em tập nói được một phần là do bẩm sinh và một phần là do giao tiếp với con người và môi trường xung quanh.

Giúp trẻ học nói theo từng độ tuổi

Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi: Mặc dù trẻ có vẻ chưa hiểu gì, nhưng bạn vẫn nên nói chuyện thường xuyên trong lúc chăm sóc trẻ như tắm rửa, thay tã, cho bú...Trẻ rất thích những âm thanh được phát ra từ tiếng nói của bạn. Hát ru cho trẻ ngủ càng tuyệt vời hơn.

Bạn nên tránh xuất hiện khi trẻ vừa tỉnh ngủ, hãy để một chút thời gian cho trẻ ê a một mình, như thế sẽ luyện cho dây "thanh quản" của bé, chuẩn bị cho việc học nói sau này.

Từ 4 đến 6 tháng: Nhắc lại vài lần những từ bạn hay nói với con như "măm măm" khi thấy bé có dấu hiệu muốn bắt chước từ ấy. Hãy hát cho trẻ nghe , lặp đi lặp lại những âm điệu góp phần giúp trẻ hiểu được ngôn ngữ và khuyến khích bé biết nói sớm hơn.

Từ 7 đến 9 tháng: Hãy đọc cho trẻ nghe những bài thơ ngắn, ca dao, đồng dao... vừa đọc vừa làm động tác. Chơi trò tặc lưỡi với trẻ để tạo ra những âm thanh "tách tách" vui tai. Thường đặt những câu hỏi như:"Bóng đâu?","Gấu bông đâu rồi?"... rồi chỉ vào đồ vật nếu trẻ chưa nhìn thấy. Khi trẻ nhìn vào vật gì và kêu lên, bạn hãy gọi tên vật đó.

Từ 10 đến 12 tháng: Hãy để cho trẻ bắt chước những động tác tay như vỗ, vẫy chào, cầm nắm, lăn bóng... kèm theo lời nói diễn tả hành động đấy. Hãy gọi tên trẻ thường xuyên trong mọi giao tiếp hàng ngày.

Từ 13 đến 18 tháng: Vốn từ mà trẻ sử dụng giai đoạn này lên khoảng từ 50 đến 100 từ, gồm những từ đơn giản, gần gũi có một hoặc 2 âm tiết. Tuy vậy trẻ vẫn còn dùng những ngôn ngữ "tự chế" để giao tiếp. Khi trẻ muốn gì đó, chẳng hạn như đi vệ sinh, bạn cần kiên nhẫn chờ trẻ nói ra điều bé muốn thay vì thoả mãn ngay yêu cầu của con.

Từ 19 đến 24 tháng: Vốn từ vựng của trẻ có thể lên tới 30 từ, trong đó bao gồm những từ chỉ sở hữu của con và phủ nhận như con sẽ không... Hay sử dụng tính từ và kết hợp với danh từ để diễn tả những từ như "con ngoan, nước nóng, con cún đáng yêu". Đồng thời tập dùng những câu mệnh lệnh như "hãy chạy nhanh"... Thêm vào đó khi cần sử dụng những giới từ như "trên, đằng sau, dưới..." bạn cần giải thích cho trẻ hiểu bạn muốn diễn tả điều gì với nó.

Từ 25 đến 36 tháng: Giúp bé gia tăng vốn từ bằng cách sử dụng vốn từ. Trong đó, thường xuyên đọc sách và giải thích với trẻ những từ mới phát sinh là cách thức rất hữu hiệu. Ngoài ra hãy tạo điều kiện để cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác, vì đây là cách tốt nhất giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ.

Tiếp tục dạy cho trẻ hát, đọc thơ, xem và đọc sách chữ lớn có hình. Yêu cầu trẻ thực hiện nhiệm vụ và có từ 2 đến 3 yêu cầu như:"Lấy nước uống rồi úp ly vào khay trên bàn".

Ở giai đoạn này trẻ có thể bắt đầu nói lắp nhưng chỉ là tạm thời. Nếu trẻ không thể khắc phục được tật nói lắp, khi đến khoảng 4 tuổi rưỡi và nếu nghiêm trọng bạn cần đưa trẻ đến chuyên viên trị liệu về ngôn ngữ để tham vấn.

Từ 3 đến 5 tuổi: Kiên trì trả lời những câu hỏi của trẻ, và yêu cầu trẻ nhắc lại những gì bé nói mà bạn chưa hiểu rõ. Điều này thể hiện rằng, bạn quan tâm đến những gì trẻ nói. Trẻ sẽ bắt chước bạn, có thói quen lắng nghe người khác. Đây còn là kỹ năng giao tiếp quan trọng cần được hình thành từ nhỏ của trẻ.

Cuối tuần bạn có thể đưa trẻ đến nhà sách, để trẻ có cơ hội tự chọn sách cho mình. Thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe, nhất là trước giờ đi ngủ. Bạn hãy hỏi trẻ thích nhân vật nào và tại sao. Bạn có thể đọc nhiều lần một câu chuyện mà trẻ vẫn thích, đặc biệt là chuyện cổ tích, thần thoại với nhiều tình tiết bất ngờ và có tính hài hước.

Những lưu ý khi giúp trẻ tập nói

Ngôn ngữ được xem là phương tiện để tư duy và giao tiếp, là kỹ năng sống quan trọng trong đời sống ngày thường. Việc tạo điều kiện, kích thích ngôn ngữ của trẻ phát triển tối ưu là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ.

- Cha mẹ cần chú ý đến lời ăn tiếng nói của mình khi trò chuyện cùng trẻ. Nên nói chậm rãi, phát âm rõ ràng đồng thời cẩn thận trong lời nói khi có mặt trẻ

- Trả lời mọi thắc mắc của trẻ một cách có chọn lọc và kiểm tra xem trẻ có hiểu cách trả lời của bạn hay không.

- Không bắt chiếc cách nói đớt theo trẻ, trẻ sẽ tưởng nói thế là được và không cố gắng nói đúng nữa.

- Khéo léo sửa lỗi dùng từ, cách nói cho trẻ, và chỉ cho trẻ biết lỗi của chúng nhưng không nên cười chế nhạo. Nếu trẻ nói nhanh, không rõ hay nói nhỏ, bạn nên nhắc nhở trẻ rằng cần phải nói một cách từ tốn và to rõ.

- Khi trẻ vô tình nói bậy do bắt chước từ người lớn, bạn bè, đừng đánh hay phạt trẻ, như vậy sẽ khiến con bạn nhớ mãi từ ngữ xấu ấy. Thay vào đó kiên trì giải thích với con đó là từ xấu, không nên nói thì từ từ con bạn sẽ hiểu.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý