Lật lại vụ án gây chấn động Sài Gòn xưa (kỳ 2)

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Lật lại vụ án gây chấn động Sài Gòn xưa (kỳ 2)

Congly.vn Người ta gọi cô hoa khôi người Việt bằng cái tên là hoa khôi cô Ba, rồi thành danh luôn. Tuy nhiên, chính cái nhan sắc trời cho này của cô là tiền đề cho một vụ án thảm khốc xảy ra sau đó không lâu.

29/07/2014 11:32 AM
1,304

KỲ 2: NHAN SẮC KHUYNH ĐẢO NAM KỲ LỤC TỈNH TRỞ THÀNH BI KỊCH DƯỚI THỜI BỊ ÁP BỨC

Trở lại cuộc thi hoa khôi kể trên, chức danh hoa khôi đã được trao cho cô gái thường được gọi là cô Ba. Đây chỉ là một cuộc bầu chọn hoa khôi thu hẹp, do các phương tiện truyền thông của Sài Gòn, và miền Nam thời ấy rất eo hẹp, khiêm nhường, cho nên không có việc đăng hình và kết quả trên báo chí. Tuy nhiên, với nhan sắc vượt trội, lấn át cả các nữ kiều dân của Pháp tại Sài Gòn, và một số tỉnh  thời ấy, cho nên tiếng vang về cô hoa khôi đầu tiên của Sài Gòn - Nam kỳ lục tỉnh, khiến ngay cả chính quyền thuộc địa Pháp cũng phải sửng sốt và công nhận.

Thành hoa khôi vẫn giữ nét đẹp Á Đông

Người ta gọi cô hoa khôi người Việt bằng cái tên là hoa khôi cô Ba, rồi thành danh luôn. Thời ấy, một số hãng buôn và các tay tổ chức du lịch, giải trí ở Sài Gòn và Singapore hay Hong Kong đã đánh hơi được nên tiếp xúc với cô Ba, định mời cô đi du lịch qua các xứ đó, đồng thời tham dự những cuộc thi tổ chức tại Singapore và Hong Kong. Nhưng họ đã bị cô hoa khôi người Việt từ chối thẳng thừng. Cô nhất quyết không nhận lời họ để chụp ảnh, quay phim, nhất là chụp ảnh trong trang phục áo tắm, hay những quần áo thời trang không kín đáo. Đặc biệt, một số viên chức phủ toàn quyền ở Sài Gòn, có ý mời cô tham gia các cuộc tiếp đón quan chức đi du hí cuối tuần ở bãi biển Vũng Tàu. Cô Ba đã thẳng thừng từ chối.

Nhà nước tự trị của Pháp cho họa sĩ vẽ hình cô Ba vào tờ giấy bạc Đông Dương

 

Tóm lại hình ảnh của cô Ba trước sau vẫn nguyên vẹn, tiêu biểu cho nét đẹp ôn nhu, xinh xắn trong lễ nghi, phong cách của một cô gái Việt Nam. Cô được mọi người mô tả một cách đơn giản: Cô Ba hoa khôi không mặc quần áo lòe loẹt, không hở hang, không “phi-dê” (uốn tóc) hay má phấn môi son. Đặc biệt là cô không bao giờ mang giày cao gót, không để móng tay nhọn, không sơn móng tay. Hình ảnh của cô cho đến khi đã là hoa khôi rồi, vẫn với mái tóc dài óng mượt được chải bới thành búi phía sau, và chỉ xức dầu dừa như truyền thống của phụ nữ miền Nam thời ấy.

Hình ảnh của cô hoa khôi vừa ngộ nghĩnh, duyên dáng lại hết sức sang trọng đó, đã khiến cho ngay cả nhà nước tự trị của Pháp lúc ấy đã lệnh cho Ngân hàng Đông Dương cho họa sĩ vẽ hình cô theo lối truyền thần. Mục đích để lồng chân dung Hoa khôi Nam kỳ vào tờ giấy bạc Đông Dương thời ấy, gọi là sắc đẹp tiêu biểu cho cô gái miền Nam. Về sau, một hãng xà bông nổi tiếng ở Sài gòn là hãng Trương Văn Bền đã dùng hình ảnh của cô làm biểu tượng cho hãng này, và in lên bìa hộp một loại xà bông nổi tiếng nhất thời ấy gọi là “xà bông thơm cô Ba”. Do đó, mãi mãi cả trăm năm sau, người Việt Nam vẫn còn nhớ cái hình ảnh cô gái búi tóc mặc áo dài có cổ, rất đặc trưng miền Nam còn lưu danh. Cô Ba sống đạm bạc trong vòng lễ giáo của gia đình mình tại Trà Vinh, với sự bao bọc của cha và bà mẹ cũng có nhan sắc tuyệt vời như vậy ở một vùng tỉnh lẻ.

Tuy nhiên, chính cái nhan sắc trời cho này của cô là tiền đề cho một vụ án thảm khốc xảy ra sau đó không lâu. Vụ thảm án mà sau này ở miền Nam đã thành một đề tài trên đầu môi chót lưỡi của mọi người. Một nhà văn dân gian đã viết thành một tác phẩm bằng thơ với tựa đề “Thầy Thông Chánh”. Bài thơ kể lại đầu đuôi câu chuyện của gia đình thầy thông ngôn tên Nguyễn Văn Chánh ở Trà Vinh có cô vợ đẹp tuyệt trần, cùng với cô con gái là cô Ba Thiệu, tức cô hoa khôi đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh thời ấy. Áng thơ “Thầy Thông Chánh” đã gây phẫn nộ trong dư luận lúc ấy, bởi nó không đơn thuần là một vụ án ghen, như chính quyền Pháp lúc ấy muốn gán cho nó như vậy.

Vụ thảm án vì ghen hay vì lòng tự trọng?

Mà thực ra, đây là một vụ thảm án xuất phát từ sự ghen tức của một viên chức người Việt cấp nhỏ, bị một viên chức cấp cao người Pháp đương thời dùng quyền lực và thủ đoạn mưu mô để dụ dỗ vợ anh ta, cũng như đứa con vừa được phong làm hoa khôi thời ấy là cô Ba. Chuyện thầy Thông Chánh xách súng bắn chết tên biện lý tòa án Trà Vinh tên là Jaboin, ngay tại một buổi lễ lớn là lễ Quốc khánh Pháp, tổ chức tại tỉnh Trà Vinh đã khiến dư luận xôn xao. Ai cũng biết rằng, vụ án mạng được gán cho là một vụ ghen tuông, nhưng thật sự nó xuất phát từ sự bị dồn nén, bức ép quá đáng của kẻ có quyền thế. Và nhất là việc làm ấy của thủ phạm nhằm bảo vệ cho vợ con mình. Nó cũng tiêu biểu cho lòng tự trọng, là sức đề kháng mãnh liệt của người dân thuộc địa thời ấy.

Họ nhẫn nhịn để phục vụ cho chính quyền thuộc địa, nhưng không vì thế mà hèn hạ cúi mình chấp nhận mọi sự chèn ép, ức hiếp. Bởi vậy, “vụ án Thầy Thông Chánh” đã gióng lên một hồi chuông báo động cho bọn thực dân Pháp xâm lăng lúc bấy giờ hiểu rằng, người Việt Nam hiền hòa, nhẫn nhịn nhưng không bao giờ nhẫn nhục khuất phục đến hèn nhát. Do đó, dẫu cho áng văn thơ “Thầy Thông Chánh” chỉ là một loại tiểu thuyết bằng thơ bình dân thôi, nhưng người Pháp rất sợ nó. Bởi cuốn sách được đại đa số người dân Việt Nam hưởng ứng, ủng hộ. Thời ấy, dấy lên phong trào lấy chuyện “Thầy Thông Chánh” làm gương để đấu tranh một cách nhẹ nhàng, nhưng âm ỉ trong lòng dân chúng.

Người Pháp hoảng sợ khi thấy ảnh hưởng quá lớn của câu chuyện “Thầy Thông Chánh”, cho nên đã ra lệnh tịch thu cuốn sách được phổ biến một cách khiêm nhường này, và còn cấm người dân không được truyền miệng câu chuyện gọi là thảm án “Thầy Thông Chánh”. Qua câu chuyện “Thầy Thông Chánh” dẫn tới tan nát một gia đình, mà tưởng đâu với chức danh Hoa khôi đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh, sẽ khiến cho cô Ba và toàn gia được vinh dự, nổi tiếng, tương lai rạng rỡ… Nào ngờ vụ án thầy Thông Chánh bị xử tử hình tại Mỹ Tho đã trở thành một thảm án, một bi kịch cho cuộc đời những người phụ nữ có số phận hẩm hiu thời đó. Mở đầu cho cuộc đấu tranh cách mạng của toàn dân Việt Nam, đặc biệt là người dân các tỉnh miền Nam sau đó.

Còn tiếp...

Mở màn cho những cuộc đấu tranh phản kháng 

Thắng lợi vẻ vang mà ngày nay chúng ta được hưởng, cũng xuất phát từ những cuộc đấu tranh nhỏ, rồi dẫn tới lớn hơn và ý nghĩa hơn lúc nào cũng là chính nghĩa mà mọi người luôn phải nhớ. Viết lại vụ án “Thầy Thông Chánh” là chủ ý của chúng tôi nhằm nhắc nhở mọi người rằng, ngay từ thời xa xưa ấy, những câu chuyện gọi là thảm kịch đã có, đã chứng tỏ rằng người Việt chúng ta không bao giờ chấp nhận bị áp bức đè nén. Qua những vụ án như vậy, mới thấy tinh thần của dân tộc nhỏ bé này, không bao giờ bị khuất phục… Từ số sau chúng tôi sẽ lần lượt lật lại vụ thảm án này với tựa đề xuyên suốt: Vụ thảm án gia đình hoa khôi đầu tiên của miền Nam. Mời bạn đọc đón xem…

 

Nhà văn Thượng Hồng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý