“Lên trời”… “gieo” chữ

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

“Lên trời”… “gieo” chữ

Nằm cheo leo, vắt vẻo giữa đại ngàn Trường Sơn, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 không chỉ được xem là có đường đi gập ghềnh, hiểm trở nhất của hệ thống trường học miền núi ở tỉnh Nghệ An, mà còn “độc nhất vô nhị” bởi 100% giáo viên nơi đây là thầy giáo.

17/09/2014 02:31 PM
547

Điểm trường tiểu học Huồi Mới 1 thuộc Trường Tiểu học Tri Lễ 4

Khó đi như lên trời

Trường Tri Lễ 4 có 6 điểm trường nằm cheo leo, heo hút trên những bản làng lâu đời của người Mông. Trường có 31 lớp với 528 học sinh đóng ở 6 bản khác nhau. Những năm về trước, từ trung tâm xã Tri Lễ vào các điểm trường này, các thầy giáo không có cách nào khác là phải cuốc bộ mất cả ngày đường, bất kể trời nắng hay mưa.

Những cung đường vắt vẻo bên sườn núi, phía dưới là vực thẳm sâu hun hút, chỉ cần sẩy chân chút là mất mạng. Với đặc thù đường đi như thế nên không thể tuyển những người “yếu bóng vía”, hay các cô giáo chân yếu tay mềm để cắm bản dạy chữ. Nói vui như Chủ tịch xã Tri lễ Lô Văn Thu thì: “Đường đi khó như lên trời, dù cái bụng của các cô giáo có nhiệt huyết, tận tâm yêu nghề, thương các cháu học sinh nghèo khó đến đâu thì cũng đành chịu. Trường Tiểu học Tri Lễ 4 hiện tại tuyển được 40 thầy giáo là những tay lái lụa cừ khôi, ngày đêm cắm bản “gieo” con chữ cho đồng bào người Mông, người Thái”.

Chúng tôi toát mồ hôi khi băng qua đỉnh núi Pa Cà Tún để vào điểm trường nằm trên bản Huồi Mới 1. Nhìn vẻ mặt căng thẳng, hồi hộp của tôi, Thò Mái Xông - một người bạn đường - pha trò: “Đường thế này là đẹp lắm rồi, chứ vào mùa mưa lũ trơn trượt lắm, nhà báo muốn đi phải quấn xích vào bánh xe mới chạy nổi”.

Sau hơn hai tiếng trèo đèo, lội suối, điểm trường tiểu học Huồi Mới 1 lợp bằng gỗ pơmu đen bóng hiện ra trước mắt. Trong không gian tĩnh mịch của núi rừng, tiếng đọc bài của các em vang lên đều đặn, ấm cúng. Đón chúng tôi là cái bắt tay thật chặt của thầy giáo Thò Bá Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường Tri Lễ 4. Thầy Sinh đã có 26 năm gắn bó với các em học sinh ở những bản làng heo hút nhất của xã Tri Lễ.

Những lớp học đơn sơ, được làm hoàn toàn bằng vật liệu là gỗ pơmu, samu... Nơi đây do đường sá hiểm trở, không thể vận chuyển sắt thép, ximăng hay gạch ngói vào, nên trường được người dân cùng các thầy góp sức lên rừng chặt cây dựng lên. Tuy nhiên theo năm tháng, ngôi trường đã xuống cấp trầm trọng, khiến việc học tập, ăn ở của thầy trò hết sức khó khăn, nhất là vào mùa đông.

“Dân bản cũng đã mấy lần bàn với nhau sửa lại trường học, nơi ở cho các thầy, nhưng bây giờ gỗ trên rừng khan hiếm, không biết kiếm đâu ra. Nhìn các thầy vất vả, nhiệt tình gieo chữ cho con em người Mông, cái bụng dân bản chúng tôi biết ơn nhiều lắm!” - Trưởng bản Huồi Mới 1 Thò Chia Chư tâm sự.

Lớp học ở bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ

Cùng học “ngoại ngữ” Kinh - Mông

Một ngày mới của các thầy ở miền sơn cước này bắt đầu từ lúc 5h sáng. Do không có nhà bếp tập thể nên các thầy kiêm luôn đầu bếp. Buổi sáng, có lẽ món được các thầy ăn nhiều nhất là mì tôm. Nhưng cũng có hôm do trời mưa gió, không ra ngoài mua được nên các thầy đành phải lên lớp với cái bụng đói. Thầy Nguyễn Văn Khoa (quê Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) tâm sự: “Ở đây xa trung tâm xã nên thức ăn cũng thất thường lắm, có khi vào mùa mưa lũ phải ăn nước mắm, bột canh cả tuần liền. Đời sống vất vả, nhưng được dạy chữ cho các em là vui lắm rồi”.

Được biết, thầy Khoa lên dạy học ở Quế Phong đã 7 năm nay. Do đường sá xa xôi, hiểm trở nên cứ vài ba tháng hay đến dịp lễ, tết thầy mới tranh thủ về xuôi thăm vợ con. Ngày trước ở nhà, không ít thầy chẳng biết nội trợ, bếp núc là gì, nhưng khi lên đây ai cũng phải tự túc nấu ăn. “Thời gian đầu lên cắm bản, các món mình nấu dở lắm, cơm khê, cơm sống, mặn lạt thất thường.

Tuy nhiên sau vài năm tự túc, giờ ai cũng có thể trở thành đầu bếp. 6 điểm trường toàn là nam nên anh em ai cũng phải cố gắng học hỏi, thích nghi dần để tự phục vụ cho nhau” - thầy Hà Văn Bốn (ở điểm trường Nậm Tột) cho biết.

Mới ra trường, thầy Phùng Văn Mùi (quê Châu Kim, Quế Phong) đã được phân công về dạy học ở vùng biên giới hẻo lánh. Tuổi trẻ, những đêm cô quạnh giữa rừng không ánh điện khiến thầy giáo trẻ không khỏi chạnh lòng nhớ gia đình, người yêu, bởi “các điểm trường toàn nam nên cũng hơi buồn, mọi công việc từ n���u ăn, rửa chén, giặt giũ… các thầy đều phải tự tay làm hết”. Nhưng “ban đầu thì còn thấy bỡ ngỡ vì ở nhà ít làm, nhưng sau một thời gian, ai cũng quen dần” - thầy Mùi nói.

Đa số các thầy giáo cắm bản của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 là người Kinh, Thái, còn các em học sinh chủ yếu người Mông. Vì vậy, để dạy và truyền đạt kiến thức tốt cho các em, các thầy phải tìm hiểu phong tục, tập quán của người bản địa, đặc biệt là phải hiểu tiếng Mông.

“Ngoài việc soạn giáo án để lên lớp, tụi em còn phải học tiếng Mông từ người dân hay các em học sinh. Nơi đây cách trở, các em không được giao lưu với thế giới bên ngoài nhiều, nên nếu chỉ giảng dạy bằng tiếng Kinh thì nhiều lúc các em không hiểu. Học và biết tiếng Mông, khiến mình cảm thấy gần gũi, thân thiết với bà con dân bản và các em học sinh nhiều hơn” - thầy Hoàng Văn Quang - cắm ở bản Huồi Xái 1 - tâm sự.

Có để ý mới hay, trên bàn soạn giáo án của các thầy, những quyển vở ghi chép chi chít tiếng Mông như những cuốn “từ điển”. Em Thò Y Nu (đang học lớp 5) trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Kinh rất thông thạo: “Nhờ sự dạy dỗ của các thầy, bây giờ em đã nói tiếng Kinh rất tốt, học bài cũng nhanh hiểu hơn. Các thầy cũng nhờ em “bày” cho tiếng Mông, giờ nói được ngôn ngữ của bản làng em rồi. Em ước mơ là sau này được học lên cao đẳng, đại học, quay về giảng dạy cho các em người Mông ở đây”. Ước mơ của Nu thật giản dị nhưng đáng trân quý và tự hào biết bao nhiêu.

Từ những mái trường nghèo khó nằm vắt vẻo trên đại ngàn Trường Sơn này, đã có những thế hệ học trò lớn lên, đi học đại học, cao đẳng rồi quay trở về giảng dạy, cống hiến sức trẻ cho bản làng. Thầy giáo trẻ Thò Bá Chò không giấu được vẻ tự hào: “Khi mới ra trường, em có rất nhiều lựa chọn, nhưng cuối cùng quyết định về đây dạy học. Mình còn trẻ, phải nhiệt huyết, dấn thân để góp một phần nhỏ cho giáo dục huyện nhà. Có cái chữ, đời sống người Mông mới bớt vất vả, trồng lúa, trồng ngô cũng tốt tươi, năng suất hơn”.

Thật bất ngờ là thầy Thò Bá Chò lại là con của Phó Hiệu trưởng Thò Bá Sinh. Gia đình thầy Sinh có 5 người con, 3 người đi học đại học, cao đẳng, 2 người thì đang học cấp 2 và 3. Có lẽ với cộng đồng người Mông ở Tri Lễ, gia đình thầy Sinh được xem là hiếu học và thành đạt nhất.

So với hai điểm trường Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 thì điểm trường Nậm Tột đường đi còn vất vả hơn nhiều lần. Vào những năm trước để vào đây dạy học, các thầy phải đi bộ mất cả ngày đường, cơm đùm, cơm nắm hết sức gian nan, vất vả. Có hôm đang đi giữa đường, gặp những cơn lũ rừng bất ngờ đổ về, các thầy phải leo lên cây cao lớn để trú, chờ cho hết mưa lại xuống đi tiếp.

Nhắc đến những kỷ niệm trong quãng đời cắm bản “gieo” chữ, thầy giáo Lữ Văn Cảnh xúc động: “Có hôm vào đến trường, quần áo bê bết bùn đất, chân tay tứa máu vì va phải đá, gai góc. Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt khát khao con chữ, ham học của các em, mình lại quên đi tất cả. Vì sự nghiệp trồng người, thay đổi những vùng cao nghèo khó, hy sinh một chút quyền lợi riêng tư là việc rất nên làm”.

Trên miền cao biên viễn của huyện Quế Phong (Nghệ An), những người thầy giáo của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 vượt qua bao khó khăn, gian khổ ngày đêm bám bản, “gieo” chữ cho các em học sinh người Mông, Thái. Hy vọng vào một ngày không xa, sự học ấy sẽ thay đổi diện mạo quê hương, đưa các bản làng nghèo khó, lạc hậu nơi biên cương bắt kịp, xích lại gần với miền xuôi, đồng bằng.

Theo Laodong.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý