Liên quan đến chính sách hưởng BHXH một lần: Người lao động cần cân nhắc

nhidong nhidong @nhidong

Liên quan đến chính sách hưởng BHXH một lần: Người lao động cần cân nhắc

(Công lý) Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

25/04/2015 12:34 AM
1,640

Theo ý kiến của chuyên gia, người lao động cần cân nhắc khi quyết định lựa chọn để cố gắng có đủ điều kiện hưởng chính sách hưu trí khi hết tuổi lao động, tránh được rủi ro khi tuổi già.

Nhiều năm trước đây, luật cho phép người lao động tham gia đóng BHXH được thanh toán một lần khi không còn tiếp tục lao động. Từ 1/1/2016, theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, người lao động sẽ không được thanh toán một lần số tiền đã đóng bảo hiểm mà phải đến lúc nghỉ hưu mới được sử dụng. 

Trên thực tế, việc thanh toán một lần số tiền BHXH không phải bây giờ mới có. Những nhà làm luật và chính sách đã có nhiều thời gian nghiên cứu, cân nhắc tính ưu việt của từng hình thức thanh toán và khả năng chịu đựng của Quỹ BHXH… rồi mới xây dựng Điều 60 Luật BHXH.

Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Điều 60 Luật BHXH được Chính phủ trình Quốc hội năm 2014 nhằm tăng số người lao động được hưởng lương hưu khi về già, Quốc hội đều thống nhất cao với Tờ trình số 28, ngày 7/2/2014 của Chính phủ về Dự án Luật BHXH (sửa đổi) về bỏ quy định BHXH một lần tại Điều 55 Luật BHXH hiện hành. Đề xuất này của Chính phủ là căn cứ vào tổng kết đánh giá qua 6 năm thực hiện Luật BHXH năm 2006, trên cơ sở số liệu thực tế, bình quân trong giai đoạn 2007-2012 trong tổng số người được giải quyết chế độ hưu trí thì có khoảng 80% giải quyết hưởng BHXH một lần, chỉ có khoảng 20% hưởng lương hưu hàng tháng. Hàng năm, có khoảng gần 500.000 người hưởng BHXH một lần và con số này có xu hướng gia tăng qua từng năm.

Người lao động cần cân nhắc khi lựa chọn các hình thức hưởng bảo hiểm xã hội

 Theo ông Bùi Sĩ Lợi, quan điểm của Chính phủ và Quốc hội mong muốn là thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Trong thực tế, rất nhiều người lao động sau khi nhận BHXH một lần trước đây mong muốn được hoàn trả lại quỹ BHXH phần đã nhận, tiếp tục thời gian làm việc và đóng BHXH để được hưởng lương hưu hàng tháng. Nhưng pháp luật không hồi tố.

Khi thiết kế Điều 60, Luật BHXH năm 2014, các trường hợp được hưởng BHXH một lần thu hẹp và dành cho người lao động bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng (như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao, HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và một số bệnh do Bộ Y tế quy định), để tăng số người lao động được hưởng chế độ hưu trí, nhằm bảo đảm an sinh lâu dài cho người lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chính sách BHXH một lần quy định trong Luật BHXH 2014 theo hướng tốt hơn về quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường lao động ở nước ta đang hoàn thiện, đời sống của người lao động, đặc biệt là lao động ở các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, tiền lương tối thiểu theo 4 vùng chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu (mới đáp ứng khoảng 70%), lao động làm việc trong các khu công nghiệp chủ yếu là người các tỉnh từ khu vực nông thôn, đều muốn làm việc một số năm và trở về quê tiếp tục lập nghiệp, vì vậy họ muốn thanh toán BHXH một lần để có tiền đảm bảo cuộc sống trước mắt là chính đáng để giải quyết khó khăn tức thời.

Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa Điều 60 để người lao động được quyền linh hoạt lựa chọn chính sách cũng căn cứ vào thực tiễn nêu trên. Với tư cách là một chuyên gia, ông Bùi Sỹ Lợi mong rằng, người lao động rất cần cân nhắc khi quyết định lựa chọn để cố gắng có đủ điều kiện hưởng chính sách hưu trí khi hết tuổi lao động, tránh được rủi ro khi tuổi già.

Còn theo ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, người lao động chưa hiểu hết tính ưu việt của điều luật này, thế nhưng cách giải thích của những đơn vị chức năng lại chưa thực sự thỏa đáng để công nhân thực sự “thông”. Trước hết phải xác định loại bảo hiểm này thực chất là bảo hiểm hưu trí. Ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn… không thể lấy từ nguồn bảo hiểm này. Vì thế, không thể trả một lần được. “Về bản chất, bảo hiểm hưu trí là bảo hiểm cuộc sống cho người lao động khi họ già yếu do hết tuổi lao động. Vậy tại sao chưa hết tuổi lao động, vẫn còn khỏe mạnh lại đòi lấy khoản tiền đó?”- Ông Đặng Như Lợi đặt vấn đề.

Ông Đặng Như Lợi cho rằng không phải sửa Điều 60 vì nếu sửa điều luật này thì không thể gọi là bảo hiểm hưu trí được. Nếu sửa luật thì phải đặt tên khác đi. Bảo hiểm hưu trí thì phải đúng với tên, mục đích của khoản bảo hiểm ấy. Còn khi người lao động chưa đủ tuổi hưu trí thì sẽ có cách hỗ trợ khác. Cũng theo ông Đặng Như Lợi, mục tiêu của luật này là đảm bảo an sinh xã hội lâu dài. Mà bảo hiểm hưu trí mới là cái lâu dài. 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý