Lính Mỹ đã tôn trọng bộ đội Việt Nam như thế nào? (kỳ 2)

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Lính Mỹ đã tôn trọng bộ đội Việt Nam như thế nào? (kỳ 2)

Cũng giống như dưới mặt đất, ở trên không, bộ đội Việt Nam cũng tỏ ra là những chiến sĩ quật cường khiến lính Mỹ phải ngả mũ kính phục.

21/08/2014 06:40 AM
1,409

Cuộc chiến ở trên không cũng ác liệt chẳng kém gì dưới đất. Trận chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam được ghi nhận là nơi lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, những loại tác chiến điện tử, máy bay siêu âm, tên lửa được sử dụng nhiều và số lượng lớn. Cũng giống như cuộc chiến dưới mặt đất, hệ thống phòng không của miền Bắc dù khá tân tiến (được chế tạo trên dưới 10 năm trước đó) đã phải đối đầu với lực lượng không quân mạnh hơn gấp bội, với bề dày kinh nghiệm sau chiến tranh Triều Tiên và đủ loại máy bay hiện đại đã được điện tử hóa tinh vi.

Có hàng trăm cuốn nhật ký, hồi ký, lịch sử và công trình nghiên cứu của người Mỹ bày tỏ sự khâm phục với lực lượng phòng không của miền Bắc Việt Nam. Ngay cả trong chiến tranh, không quân Mỹ cũng luôn đánh giá rằng đây là hệ thống phòng không tích hợp mạnh nhất thế giới. Tất nhiên, ở trên không, người Mỹ sẽ chẳng thể nào bị đánh bại bởi một dân tộc nhỏ bé, mà chẳng qua cuộc đụng độ này họ gặp một đối thủ quá quật cường, dẫn đến kết quả là những nỗ lực trên không đã phải trả một giá đắt về người và phương tiện. Ngoài ra còn có lý do về chính trị, những trận không kích này luôn bị phản đối tại nước Mỹ và dường như đã thất bại từ lúc chưa bắt đầu.

 - Ảnh 1

Minh họa trận không chiến giữa Mig-21 Việt Nam và F-4 Phantom của Mỹ.

Đầu tiên, những phi công Mỹ phải ngả mũ trước các phi công Việt Nam. Phía không quân Mỹ có quá nhiều phi công non kinh nghiệm phải đối đầu với những tay lái MiG điêu luyện. Phi công Việt Nam ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm sau những trận đánh và sau những lần bắn rơi máy bay Mỹ, trong khi đó phi công Mỹ lại chẳng có ai xuất kích quá 100 lần.

Thành tích nổi trội của phi công Việt Nam khiến người Mỹ phát hoảng. Và kết quả là, trong một thời gian dài ngừng không kích giữa năm 1968, lực lượng hải quân Mỹ đã nhanh chóng thiết lập một chương trình mang tên “Top Gun-Họng súng trên không” nhằm đào tạo lại các phi công, giúp họ có màn trình diễn tốt hơn trước các tay lái MiG. Phi công nói chung là những người hào sảng, họ tôn trọng nhau trong và sau trận đánh; họ sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm chung, phi công Mỹ và phi công Việt Nam cũng vậy. Dăm năm sau cuộc chiến trên không này, những cánh bay năm xưa đã gặp nhau, chào mừng ấm áp, kể lại chuyện xưa, thăm hỏi gia đình lẫn nhau.

Lực lượng thứ hai khiến phi công Mỹ bái phục là lực lượng phòng không ở miền Bắc Việt Nam. Lực lượng này cho họ ít kỷ niệm “lãng mạn” vì đã bắn rụng nhiều máy bay nhất. Nhiều hơn cả những tay lái MiG. Tôi có ông bạn bay trên chiếc “Wild Weasel-Chồn hoang”-loại máy bay làm nhiệm vụ tấn công hệ thống ra-đa mặt đất và các trận địa tên lửa. Họ bày ra lối bay “nhử mồi” các đơn vị tên lửa của Việt Nam.

Khi sóng ra-đa phát ra, “Chồn hoang” sẽ lao vào nguồn phát phóng vài quả tên lửa Shrike hoặc bom hạng nặng, hy vọng sẽ tiêu diệt luôn cả tổ hợp tên lửa gần đó trước khi nó kịp hành động. Đó quả là một đòn chí mạng. Phi công Mỹ luôn ngạc nhiên không hiểu tại sao các tổ hợp tên lửa lại thoát được đòn chí mạng này. Và, phi công Mỹ lại thêm khâm phục trí thông minh cũng như khả năng ứng biến, kỹ thuật tinh thông của những chiến sĩ ra-đa, tên lửa này vì họ luôn biết cách đối đầu trong tình thế ngặt nghèo nhất.

 - Ảnh 2

Thượng tướng Nguyễn Hữu An và H.Mo-rơ thăm lại Thung lũng Ia đrăng năm 1993.

Nhiều cựu chiến binh Mỹ ước rằng họ sẽ không phải nhớ những giây phút đau thương nhất đời họ, bởi quá nhiều người không quên nổi đắng cay. Và cũng còn rất nhiều cựu chiến binh Mỹ khác đã viết lại những tình huống, sự kiện để làm rõ hơn về sự tôn trọng của lính Mỹ dành cho không chỉ người chiến sĩ Việt Nam mà còn cả nhân dân Việt Nam, những người đã chịu đựng bao đau khổ để giành lại độc lập, tự chủ.

Mọi người hẳn đã biết họ, đó là Thượng nghị sĩ Giôn Mắc-kên (John McCain) và nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pi-tơ Pi-tơ-xơn (Pete Peterson). Cả hai đều là phi công và bị bắn rơi ở miền Bắc. Cả hai cũng nếm trải mấy năm trời làm tù binh chiến tranh. Còn có cả các cựu chiến binh Giêm Oép (James Webb), Chắc Hây-gơ (Chuck Hagel), Giôn Ke-ri (John Kerry) và nhiều người ít nổi tiếng hơn. Hầu hết trong số họ đã vận động tích cực suốt nhiều năm cho sự hòa giải trong quan hệ Mỹ-Việt. Sự hòa giải này đến từ sự tôn trọng của các cựu chiến binh dành cho nhau.

Sự tôn trọng cũng được biểu hiện qua nhiều cách khác, rất riêng tư mà cũng rất nhân văn. Một vài năm trước, tôi có vinh dự được cùng một đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu đi thăm Oa-sinh-tơn. Chúng tôi đã đến Bảo tàng Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ. Thấy vị đại tá đi cùng tôi mặc quân phục, một quý ông lẹ làng đến hỏi chúng tôi từ đâu tới. Sau khi nghe tôi giải thích, quý ông kia rất thích thú và thổ lộ chính mình cũng là cựu chiến binh thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến và nói ông sẽ vui nếu được chụp ảnh với vị đại tá này. Tất nhiên là vị đại tá đồng ý. Hai người siết tay nhau thân mật trong khi tôi bấm máy ảnh.

Chúng tôi cùng đi tham quan bảo tàng, thì bỗng có một nhân viên chạy tới nói rằng có người muốn gặp vị đại tá. Lần này là một vị tướng, người đang đi hộ tống một đoàn quan khách Hàn Quốc. Vị tướng nghe nói có một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm bảo tàng và nóng lòng muốn gặp. Vị tướng này cũng là một cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam. Vị tướng đặc biệt muốn dẫn chúng tôi đi tham quan bảo tàng. Đó là một trải nghiệm xúc động, khi hai cựu thù trở thành bạn hữu theo một cách hết sức tự nhiên, hết sức con người.

Một trong những người hùng chiến trận của nước Mỹ là H.Mo- rơ (H.Moore), người từng giữ chức tiểu đoàn trưởng trong trận đánh tại thung lũng Ia Đrăng năm 1965. Trận đụng độ đầu tiên giữa quân Mỹ và quân chính quy Bắc Việt Nam. Ba mươi năm sau, về hưu với quân hàm cấp tướng, Mo-rơ trở lại thăm chiến trường xưa và gặp những người từng đối địch. Ông viết:
“Niềm khát vọng hòa bình, đoàn tụ không dứt đã đưa tôi trở lại “Thung lũng chết” vào năm 1993. Chúng tôi được gặp Thượng tướng Nguyễn Hữu An, người trực tiếp chỉ huy trận đánh ở Ia Đrăng. Thay vì xốc nhau bằng lưỡi lê, chúng tôi cùng mở rộng vòng tay. Chúng tôi cùng xếp thành một vòng tròn rộng mở, người này ôm vai bá cổ người kia. Chúng tôi đọc lời cầu nguyện trong nước mắt, chia sớt những ký ức buồn.

Mặc dù chúng tôi không hiểu về ngôn ngữ của nhau nhưng chúng tôi như có cùng tâm trạng. Thượng tướng Nguyễn Hữu An cùng tôi bước dọc trận địa năm xưa, cùng nhau tìm lại những địa hình đã thấm máu đồng đội. Những công sự nay đã mọc đầy hoa dại. Không tiếng bom rơi, đạn nổ trên đầu, thay vào đó là tiếng chim hót véo von. Tướng An để tôi khoác tay, tôi cảm nhận được sự dịu dàng nồng ấm. Chúng tôi đã đi một con đường dài từ chiến tranh đến hòa bình. Vòng tay trìu mến này là minh chứng".

Từ lòng tôn trọng đã dẫn đến sự hòa giải. Từ sự hòa giải dẫn tới “hòa bình, đoàn kết” đó là thứ mà tướng Mo-rơ và nhiều người khác nữa kiếm tìm. Cầu cho những người ngã xuống yên nghỉ trong an lành.

Bài trước:

Lính Mỹ đã tôn trọng bộ đội Việt Nam như thế nào?

Theo báo Quân đội nhân dân

Xem thêm video clip : Tai nạn thảm khốc: Hai máy bay chiến đấu Italy đâm vào nhau

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý