Lò đốt rác thải y tế: 'Bỏ thì thương, vương thì... khổ'

mesu mesu @mesu

Lò đốt rác thải y tế: 'Bỏ thì thương, vương thì... khổ'

Mỗi lần lò đốt của bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng hoạt động là y như rằng kèm theo cả cột khói đen, không những thế còn có mùi tanh khét lẹt, mùi gây gây đặc trưng của rác thải...

14/07/2014 08:30 AM
952

Nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa sự phơi nhiễm các chất độc hại, cũng như các tác nhân gây dịch bệnh đối với nhân viên y tế, bệnh nhân, người dân... do rác thải y tế nguy hại, trong khoảng thời gian những năm 2011 – 2012, Sở Y tế Hà Nội quyết định cho lắp đặt 16 lò đốt y tế cho 16 bệnh viện tuyến huyện, với tổng vốn đầu tư trên 29 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, tới nay đã có không ít những bất cập đáng quan ngại về hiệu quả của những chiếc lò đốt này.

Hiệu quả chưa... tới 

Những tưởng, việc trang bị lò đốt cho các bệnh viện tuyến huyện sẽ giải quyết được bài toán rác thải y tế nguy hại, nhưng trên thực tế lại không hẳn vậy, lò đốt vận hành có biểu hiện “cầm chừng” vì chất lượng kém không đạt hiệu quả như kỳ vọng, không giải quyết dứt điểm việc gây ô nhiễm, chi phí tốn kém…

Theo phản ánh của một số người sống ở thị trấn Phùng (gần bệnh viện), mỗi lần lò đốt của bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng hoạt động là y như rằng kèm theo cả cột khói đen, không những thế còn có mùi tanh khét lẹt, mùi gây gây đặc trưng của rác thải y tế, khiến người dân lo ngại.

Cũng theo những người dân này, những ngày có gió, những thứ mùi khó chịu này bay xa hàng trăm mét. Còn những ngày thời tiết ẩm ướt, khói, hơi lò bị quẩn lại, không thoát được, thì những hộ dân sinh sống xung quanh bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng lĩnh đủ...

 - Ảnh 1

Ô nhiễm khói, sự xuống cấp, không hiệu quả trong việc xử lý rác là những vấn đề bất cập đối với những chiếc lò đốt này.

Theo những thông tin PV tìm hiểu, 16 bệnh viện thuộc địa bàn TP. Hà Nội được trang bị lò đốt rác thải y tế gồm: Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, , Phúc Thọ, Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất, ứng Hòa... Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, những chiếc lò trị giá tiền tỉ này đã lộ rõ những bất cập và hư hỏng.

Cũng qua tìm hiểu, cùng thời điểm này, không chỉ riêng gì TP. Hà Nội, mà hàng loạt các sở Y tế của nhiều tỉnh thành khác trong cả nước như Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An… cũng có quyết định đầu tư lò đốt rác thải y tế. Tới thời điểm cuối năm 2012, cả nước đã có trên 150 chiếc lò đốt rác thải y tế nguy hại được lắp đặt với tổng giá trị lên tới hơn 300 tỉ đồng.

 - Ảnh 2

Để tìm hiểu về tình trạng hoạt động cũng như những hiệu quả thực tế đối với những chiếc lò đốt này PV đã tiếp cận thực tế và ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá của các cán bộ bệnh viện. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hưng (Trưởng Phòng hành chính - bệnh viện Đa Khoa huyện Đan Phượng): Lò đốt rác thải y tế của bệnh viện được đầu tư với số tiền lên tới 1,7 tỉ đồng và được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2011. Nhưng chỉ chưa tới 2 năm sử dụng, lò đã bị bục ống khói. Do vậy mà mỗi lần đốt rác, khói đen vẫn tỏa ra khá nhiều.

“Phải thú thật, chính chúng tôi là những người làm nghề, ngửi quen mùi của bệnh viện mà còn cảm thấy khó chịu mỗi khi lò hoạt động, huống hồ là người dân. Để giải quyết tình trạng này, hiện mỗi tuần, chúng tôi chỉ còn đốt từ 1 – 2 lần, chứ không phải ngày nào cũng đốt như trước đây. Và tới đây, cứ hai tuần, chúng tôi mới đốt một lần. Ngay sau khi đưa vào sử dựng để đốt mẻ rác đầu tiên, mọi người mới phát hiện, rác thải y tế không được đốt hết, các lọ thủy tinh chỉ co lại, vón cục… Lò đốt được lắp đặt và đưa vào hoạt động năm 2011, nhưng hiện lò đã trải qua không ít lần bảo dưỡng, sửa chữa”, ông Hưng cho hay.

Tại bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh (Hà Nội), theo quan sát của PV, chiếc lò được lắp đặt trong một không gian rộng chừng 20m2, độc lập ở góc cuối trong khuôn viên bệnh viện. Những thùng rác, túi rác thải được đặt ngổn ngang, rải rác chờ xử lý bốc lên thứ mùi khó chịu, nền sàn ẩm ướt, dầu loang lổ.

Qua quan sát bên ngoài, lò đã có những biểu hiện rỉ sét do nước mưa ngấm từ mái xuống, vỏ lò xuống cấp do nhiệt độ cao trong quá trình hoạt động. Hệ thống dây điện được đấu nối, thiếu an toàn. Dù theo những thông số kỹ thuật, lò được thiết kế để đốt các chất thải rắn y tế như: Bông băng gạc, dây truyền dịch, chai lọ nhựa, bơm kim tiêm, găng tay cao su, mô bệnh phẩm, lọ thủy tinh... nhưng trên thực tế, lò không thể tiêu hủy được những sản phẩm bằng thủy tinh. Những chất thải rắn bằng thủy tinh vẫn còn nguyên trạng và lăn lóc.

Thiết kế không phù hợp!

Về vấn đề trên, TS.Trịnh Văn Tuyên (Phó viện trưởng viện môi trường - viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) bày tỏ: Tuy được chế tạo bằng công nghệ của Nhật Bản nhưng vỏ lò làm từ kim loại thép, buồng lò không có vật liệu chịu nhiệt, mà chỉ được làm mát bằng nước, trong khi đó chất thải y tế nguy hại khi đốt sẽ sinh ra rất nhiều khí clo và axit clohydric. Cả hai chất này đều là chất ăn mòn kim loại, độc hại tới môi trường, cộng đồng… Và từ đây, nhiều mầm bệnh, vi khuẩn sẽ phát sinh. Với lò đốt Chuwastar F – 1SH, khi đốt rác thải y tế nguy hại thì cũng đồng nghĩa với việc vỏ lò bằng thép bị chính khí thải clo ăn mòn.

 - Ảnh 3

TS.Tuyên khẳng định: “Chúng tôi rất quan tâm tới Chuwastar F – 1SH và đã đi khảo sát hàng loạt lò đốt kiểu này sau khi được lắp đặt. Nếu chiếu theo các thông số kỹ thuật của lò đốt chất thải rắn y tế thì lò đốt Chuwastar F – 1SH đều không đạt TCVN 7380:2004, cũng như quy chuẩn 02:2012/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế”. Vẫn theo TS.Tuyên: “Qua thông tin chúng tôi nắm được, cũng như những tài liệu dịch được từ trang web chính thức của Chuwastar, lò đốt Chuwastar F – 1SH chỉ đơn thuần là lò đốt rác thải sinh hoạt. ở bên Nhật, cứ vài khu phố họ lại đặt một chiếc lò đốt kiểu này.

Những chiếc lò được lắp đặt để nhằm mục đích đốt giấy tờ, tài liệu và rác sinh hoạt thông thường. Với công năng và tính hiệu quả của lò Chuwastar F – 1SH đã thể hiện việc bỏ ra số tiền lớn để lắp đặt hành loạt những lò đốt rác kiểu này là không phù hợp. Thời điểm lò Chuwastar F – 1SH được lắp đặt thì trong nước cũng có không ít các loại lò đáp ứng được tiêu chuẩn. Việc lắp đặt hơn 150 chiếc lò đốt rác với công nghệ kể như vậy là tốn kém mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu xử lý triệt để vấn đề rác thải y tế”.    

 Gánh nặng chi phí

ông Vương Xuân Bình (Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính - bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh) cho hay: Chiếc lò đốt được bàn giao cho bệnh viện và đưa vào hoạt động từ tháng 11/2011. Đây là chiếc lò một buồng đốt, sử dụng dầu diezen với mức tiêu thụ 0,34 lít/kg rác. Với quy mô của bệnh viện khoảng 300 giường, mỗi tháng lượng rác là không nhỏ và để vận hành lò đốt tốn trên 700 lít dầu. Bên cạnh đó vẫn cần một khoản phí không hề nhỏ để thuê một công ty khác vận chuyển và tiêu hủy rác thải thứ cấp. Trong quá trình hoạt động, lò đã phải bảo dưỡng và thay thế linh kiện thường xuyên. Chi phí này không hề nhỏ và hoàn toàn là lấy từ nguồn kinh phí của bệnh viện.

Trần Hải

Xem thêm video clip : 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý