Loại chi phí quảng cáo, giá sữa "đổi tên là lên giá bán"

nhidong nhidong @nhidong

Loại chi phí quảng cáo, giá sữa "đổi tên là lên giá bán"

(ĐSPL) Giá sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi không giảm mà có xu hướng nhích lên mặc dù giá sữa nguyên liệu giảm, các cơ quan chức năng quyết liệt áp giá trần, dù quy định cấm quảng cáo từ ngày 1/3 đã có hiệu lực...

31/03/2015 08:40 AM
1,094

Từ ngày 15/4/2015, theo yêu cầu của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi theo đúng Nghị định 100/2014 của Chính phủ.

Trước đó, theo Nghị định 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quảng cáo và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, sẽ cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.

Các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi gồm 3 loại: Thứ nhất, sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula);

Thứ hai, sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi (follow-up formula);

Thứ ba, sản phẩm dinh dưỡng công thức khác có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật được trình bày hoặc giới thiệu là phù hợp dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhưng không bao gồm thức ăn bổ sung trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.

Hiện nay, các chi phí quảng cáo, tiếp thị… đang được xem là cái cớ để doanh nghiệp vin vào cho mỗi lần điều chỉnh giá bán. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá sữa chỉ tăng chứ không giảm dù diễn biến giá nguyên liệu trên thị trường thế giới có như thế nào. Các hãng sữa nước ngoài chi phí cho quảng cáo, bán hàng tới trên 30% chi phí kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp lên tới 60-70%.

Video: Loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa, giá sữa có giảm?

"Đổi tên là... lên giá mới"

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, gần một tháng kể từ khi nghị định 100 đi vào cuộc sống, thị trường sữa đã có cách để thích nghi trong điều kiện mới khi các hãng sữa đã nhanh nhẹn tung ra các sản phẩm mới.

Bà Hà, chủ cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3), cho biết thời gian gần đây cửa hàng có bán thêm một số dòng dành cho trẻ từ 1-2 tuổi như Enfa của Mead Johnson dành cho trẻ 1-2 tuổi hộp 900 gam là 415.000 đồng, trong khi trước đây sản phẩm này chỉ có loại dành cho bé 1-3 tuổi, hiện dòng 2 tuổi trở lên của hãng này 370.000 đồng/hộp.

“Tuy vậy loại 1-2 tuổi mới bán chạy, sữa dành cho trẻ em càng ít tuổi bán càng nhanh dù giá cao hơn. Các dòng bước 4 dành cho bé từ 3 tuổi trở lên tình hình tiêu thụ chậm hơn” - bà Hà cho biết.

Theo bà Hà, các dòng 1-2 tuổi ở cửa hàng còn có Anpha Gold của Vinamilk, sữa Tò Mò của Hãng Dutch Lady... Các sản phẩm sau khi tách ra không khác biệt về công thức, điều này được thể hiện rõ trên bao bì nhưng giá mới của những sản phẩm mới vẫn cao hơn.

Lâu nay các sản phẩm sữa thường được chia độ tuổi 1-3 và 3-6, chưa phân độ tuổi 1-2, vì vậy theo các hãng sữa, để phù hợp với quy định mới cấm quảng cáo đối với sản phẩm cho trẻ dưới 2 tuổi trở xuống, hãng sữa đã phân lại độ tuổi.

Loại chi phí quảng cáo, giá sữa "đổi tên là lên giá bán" - Ảnh 1

Giá sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi không giảm và rất nhiều đại lý không giảm so với thời điểm trước ngày 1/3, mà có xu hướng nhích lên.

Theo lý giải của đại diện Mead Johnson, việc đưa ra thị trường dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 1-2 tuổi này chỉ dành riêng thị trường VN nhằm thích nghi với quy định mới có nhiều cải tiến về chất lượng.

“Dù mới tung ra thị trường nhưng sự chuẩn bị đã thực hiện từ hai năm trước, ngay khi dự thảo ra đời”, đại diện Mead Johnson nói thêm.

Đại diện một nhãn hàng sữa nước ngoài cho rằng ngân sách quảng cáo gắn liền với doanh số bán được. Một khi doanh số đi xuống, chi phí dành cho quảng cáo cũng sụt giảm theo. “Giá thành sản phẩm được quyết định bởi nhiều yếu tố đầu vào như bột sữa (chiếm 30%), xăng, điện, chi phí hàng tồn, kho bãi, nhân công... Các yếu tố này chiếm tỉ lệ lớn nhưng ít bị tác động.

Hiện sức mua đang thấp kéo những chi phí này tăng cao nên chúng tôi chưa nghĩ đến việc giảm giá” - ông này cho biết.

Trong khi đó, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường thế giới, giá sữa nguyên liệu những tháng đầu năm 2015 giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2014. Cùng với đó, chi phí quảng cáo, khuyến mãi của sữa dành cho trẻ từ 24 tháng trở xuống được cắt giảm. Tuy nhiên, giá sữa vẫn chưa giảm. Thậm chí, công bố giá trần sản phẩm sữa mới của Bộ Tài chính với nhiều mặt hàng sữa mới đây, giá còn tiếp tục tăng. Trên thị trường hiện nay, giá nhiều loại sữa đang cao chót vót dù chi phí nguyên liệu giảm và chi phí quảng cáo đã được tiết giảm.

Đặc biệt, hiện nay đã có trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng theo phản ánh của Báo Lao động, nhiều cửa hàng, điểm kinh doanh sữa và cả địa chỉ cung cấp sữa trên mạng đều bất chấp quy định giá trần, tăng giá từ vài chục ngàn đồng mỗi hộp sữa, khiến không ít NTD giật mình.

Đơn cử, giá sữa Enfamil A+1 Brain Plus dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng loại hộp 900g bán lẻ tại một số cửa hàng kinh doanh sữa trên phố Trần Xuân Soạn là 475.000 - 503.000đ/hộp. Có rất nhiều trang mạng rao bán sữa cũng đưa ra mức giá từ 489.000 - 500.000đ/hộp sau khi đã giảm giá. Trong khi đó giá trần bán lẻ đối với loại sữa này không quá 438.000đ/hộp.

Khảo sát một loại giá sữa cho thấy giá sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi không giảm và rất nhiều đại lý không giảm so với thời điểm trước ngày 1/3, mà có xu hướng nhích lên. Cụ thể, Enfa Grow 3 Brain Plus 900g: 420.000 - 435.000đ/hộp, Abbott Grow số 3 loại 900g: 260.000 - 270.000đ/hộp, Similac Gain Plus TQ số 3 lọa 900g: 400.000 - 410.000đ/hộp, Friso Gold số 3 loại 1,5kg: 595.000 - 615.000đ/kg…

Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính trong năm 2014 cho thấy, giá sữa thường được đẩy lên gấp 2-3 lần giá vốn. Nhiều sản phẩm sữa ngoại, nhất là những loại sữa dùng riêng cho trẻ nhỏ, người bệnh còn được đẩy giá cao gấp gần 4 lần. Vì thế, quy định cấm quảng cáo, loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa được cho là sẽ giúp giá bán của các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi có thể sẽ về đúng với giá trị thực.

Nhưng chính đại diện Cục Quản lý giá cho biết, quy định này đang gặp vướng mắc do theo Luật Quảng cáo, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được phân thành hai lứa tuổi, từ 1 đến 3 tuổi và từ 3 đến 6 tuổi. Thực tế, trên thị trường hiện hầu như không có loại sữa chỉ dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, mà thường được chia thành các mức 1 đến 3 tuổi, 3 đến 6 tuổi và một số loại dành cho mức tuổi lớn hơn. Bởi vậy, nếu nói sản phẩm sữa dành cho trẻ em từ 1 đến 3 tuổi thuộc nhóm phải loại chi phí quảng cáo ra khỏi mức giá bán cũng đúng, mà nếu nói không thuộc nhóm này cũng không sai.

Dù Cục Quản lý giá đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa cần phải sắp xếp lại tên phù hợp với quy định nghiêm cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng và báo cáo lại trước ngày 15.4 tới. Nhưng có lẽ vướng mắc này không thể tháo gỡ khi doanh nghiệp luôn tìm cách lách các quy định. Thậm chí, giá bán sản phẩm sữa vẫn không hề thay đổi dù Bộ Tài chính đã quyết định áp mức giá trần cho trên 20 loại sữa.

Vướng mắc này chỉ tháo gỡ khi Bộ Y tế hoàn thành phân loại sản phẩm sữa dựa trên các tiêu chuẩn đã ban hành. Quản lý giá sữa không thể chỉ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, mà những bộ, ngành có liên quan cũng phải tích cực vào cuộc.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý