Lời sám hối muộn của một người cha

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Lời sám hối muộn của một người cha

Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhớ lại chuyện mình đã từng đánh đập vợ cũ một cách dã man, rồi giở trò đồi bại với con gái riêng của vợ và phải trả giá bằng bản án 15 năm tù vẫn khiến người đàn ông ấy day dứt, ân hận.

28/09/2014 09:36 AM
380

Ma men dẫn lối

Mặc dù giờ đây đã trút bỏ được quá khứ tội lỗi để làm lại cuộc đời, đã có một gia đình mới yên ấm hạnh phúc, kinh tế khá giả nhưng ông vẫn bị cắn rứt bởi  tội lỗi của mình.

Trước mặt chúng tôi, Đỗ Ngọc Dung (SN 1956), ở bản Tà Cảo, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai - người đàn ông đầu đã hai thứ tóc, ngồi co ro, hai tay bó gối. Ông không muốn nhớ lại cái quá khứ mà ông muốn quên đi. “Có hay ho gì khi kể câu chuyện mình đã từng đánh đập vợ một cách dã man, hiếp dâm con gái vợ, và ngồi tù cả chục năm về những chuyện đó”, ông Dung phân trần. Nhưng, với một chút lương tri còn sót lại, ông thật thà bảo rằng: Sẽ kể lại hết…

Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ của Đỗ Ngọc Dung gắn liền với rừng núi, rượu chè và thiếu đói. Giải thích cho việc vì sao lại uống và nghiện rượu đến mức để rượu biến mình thành loài cầm thú, ông Dung buồn bã tâm sự: “Ở nơi nghèo đói, quanh năm sương lạnh giá như quê tôi, rượu là thứ có thể giúp tôi ấm lòng để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt”. Thời trẻ, đã có lúc Dung tưởng mình được đổi đời khác xa với đám bạn khi được vượt qua khỏi dãy núi cao chót vót quanh năm mây mù ấy để xuống thị trấn học nội trú. Nhưng những ngày tháng kham khổ xa nhà ấy là không đủ để giúp chàng trai trẻ thiếu bản lĩnh này mau chóng trưởng thành. Trái lại, với tâm lý buồn chán, tiêu cực, Dung đã nhanh chóng sa chân vào những cuộc rượu chè thâu đêm suốt sáng. Rượu say, Dung lại quay sang than thân trách phận, oán hận cuộc đời, để rồi bỏ học triền miên và ngày càng lún sâu vào con đường đen tối. Chẳng mấy chốc, lối sống bê tha và sự chểnh mảng đèn sách đã khiến Dung bị nhà trường đuổi học. Trở về với cuộc sống khó khăn khi con đường học vấn bị “đứt gánh giữa đường”, Dung trở thành con người khác, tự ti, lười lao động và ham mê rượu chè. Mà khi đã say thì thường “coi trời bằng vung”, đi cà khịa khắp nơi, chẳng coi ai ra gì hết…

Kẻ mất nhân tính

Bất lực trước thói ngang ngược của cậu con trai, qua mai mối, cha mẹ Dung đã hỏi cưới cho gã 1 phụ nữ cùng bản, tuy góa bụa nhưng xinh xắn, hiền dịu và chăm chỉ làm ăn với mong muốn con mình sẽ thay tâm, đổi tính. Nhưng không may, kể từ khi về nhà chồng, vợ Dung lại đau ốm triền miên, còn gã thì vẫn chưa bỏ được cố tật lười lao động, ham rượu chè nên kinh tế ngày càng suy kiệt. Cuộc sống gia đình bí bách, càng khiến Dung suy nghĩ tiêu cực hơn, lún sâu vào rượu chè để quên đi sự đời. Đã vậy, tính tình vốn ngang tàng, gia trưởng nên cứ rượu vào là Dung lại lôi vợ và con gái riêng của vợ ra đánh đập thậm tệ như để trả thù đời. Mà lúc gã đánh thì chẳng bao giờ nương tay, vớ cái gì đánh cái đó, bất kể ai can ngăn cũng không được, càng can hắn càng đánh vợ con một cách hung tợn...

Trong suốt quá trình hồi tưởng chuyện cũ, Dung không một lần dám nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Và đến khi Dung kể lại câu chuyện đồi bại gây nên với con gái riêng của vợ, năm đó chưa đầy 14 tuổi thì đôi mắt ông chợt đỏ ngàu, hai tay nắm chặt, không ngừng day day vào trán mình. Ông muốn òa khóc vì những mặc cảm tội lỗi đã gây ra trước đây.

Là người phụ nữ cam chịu, nhưng trước hành vi thú tính của chồng, vợ ông đành nuốt nước mắt vào trong, gửi đơn đến trình báo công an. Nghe phong thanh sự việc, Dung như con thú nổi điên đánh đập vợ con một cách tàn ác hơn. Vừa đánh, ông vừa đe dọa sẽ thiêu sống vợ con, cùng với lời thách thức bà con xóm giềng xung quanh xem ai dám làm gì hắn. Bởi lúc này ông suy nghĩ rất giản đơn: “Đánh vợ con, sao pháp luật có thể quy tội được?”. Ngay cả đến khi nhìn thấy bóng dáng của công an, ông cũng chẳng chút gì sợ hãi khi trói vợ con, dùng dao và súng khống chế, cố thủ trong nhà. Phải cho đến khi được các chiến sĩ công an, cùng người thân mất hàng giờ kiên trì giải thích động viên, “con thú hoang” lúc này mới bừng tỉnh. Ông chấp nhận quẳng bỏ dao, súng, ngồi thụp xuống, hai tay bắt lên đầu, xin hàng.

Câu chuyện của lương tri

“Hôm nghe Tòa tuyên án 15 năm về các tội Cố tình gây thương tích và Hiếp dâm trẻ em, tôi thực sự thấy mình bị phạt như thế là còn quá nhẹ. Bởi vì trong quá trình bị tạm giam, tôi đã nhìn nhận lại vấn đề và nhận ra rằng tội ác mình gây ra quả thực quá to lớn. Chính vì vậy, khi cho nói lời cuối cùng, tôi chỉ biết nói hai từ “Xin lỗi”. Và hai từ này sẽ theo tôi mãi mãi không bao giờ quên”, ông Dung ngồi thu mình lại, tâm sự một cách thành thật. Cũng theo ông Dung, hành vi bỉ ổi của ông không những chỉ bị pháp luật trừng trị thích đáng mà ngay cả những người bạn tù cũng căm tức, khinh thị, hành hạ tinh thần ông đến thừa sống thiếu chết vì hành động mất nhân tính của mình. Những ngày bị tạm giam đối với ông Dung là những ngày kinh hoàng nhất khiến ông còn bị ám ảnh đến tận bây giờ. Và sau khi “yên thân” trong trại giam, được sự giáo dục cảm hóa của các quản giáo, cán bộ, Dung đã thầm thề với lòng mình rằng sẽ không bao giờ lặp lại hành vi tội lỗi nào nữa. Khao khát được tự do, được làm lại cuộc đời đã thúc đẩy Dung cố gắng cải tạo thật tốt, nhờ đó Dung đã được đặc xá, tha tù trước thời hạn.

Được trả tự do nhưng chẳng ai đến đón, Dung coi kỷ niệm buồn đó là điều hiển nhiên bởi gã tự thấy mình không xứng đáng được hưởng bất kỳ một điều tốt đẹp nào nữa sau tội lỗi kinh tởm mà mình đã gây ra. Ngày đó, Dung cũng mon men về quê hương mình. Nhưng khi đi đến đầu bản Tà Cảo, Dung lại không dám bước vào bởi nghĩ rằng mọi người trong bản từ người già đến đứa trẻ, kể cả vợ con hắn đều khinh bỉ, ghê tởm hắn. Đắn đo trong đau khổ một hồi, Dung quyết định bỏ đi đến một miền đất mới, sau đó mới báo tin về cho bạn bè, người thân biết tình hình. Trải qua nhiều năm tháng  cố gắng để làm người lương thiện, giờ đây Dung đã hoàn toàn thay đổi.

Gã đã có một gia đình mới với 2 đứa con ngoan ngoãn và công việc ổn định với tay nghề sửa xe giỏi nức tiếng trong vùng. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều khiến Dung cảm thấy hạnh phúc nhất. Mà chính là vì người con gái riêng của vợ - nạn nhân trong vụ án năm xưa - ngày nay đã trưởng thành, có công việc ổn định và gia đình hạnh phúc. “Vợ cũ và con riêng của cô ấy giờ đây có cuộc sống tốt, nay đã tha thứ và thi thoảng có liên hệ với tôi”, Dung tự hào khoe. Đối với gã, dường như cái quá khứ đen tối trước kia nay đã được gạt bỏ hết. Hiện tại, Dung đã có cả đầy đủ mọi thứ nhưng gã vẫn muốn kể lại quá khứ cho mọi người nghe và coi đó là bài học cảnh tỉnh cho những kẻ đã, đang và có ý định sai lầm như mình. “Xin đừng ai giống như tôi”, ông Dung khép lại câu chuyện buồn của đời mình bằng câu nói ấy. Ngồi trong căn nhà sàn, miệng nhâm nhi chén trà nóng hổi, nhìn những giọt mưa rơi, ánh mắt ông Đỗ Ngọc Dung tiếp tục chìm vào quá khứ… 

Theo Anninhthudo.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý