Lời trăng trối cha già khiến đứa con nghiện ngập hồi sinh

trungthanh trungthanh @trungthanh

Lời trăng trối cha già khiến đứa con nghiện ngập hồi sinh

Chỉ vài hôm sau, bố Thương mất. Những lời trăng trối của bố trước khi chết đã ám ảnh anh rất nhiều. Sau 2 năm sa vào con đường nghiện ngập, lần đầu tiên anh có suy nghĩ muốn làm người.

29/07/2015 06:37 AM
1,933

Tưởng chừng cuộc sống đã như chiếc xe “xuống dốc không phanh” với anh Nguyễn Song Thương (SN 1977, xóm Đồng Nại, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), khi mà “làn khói trắng” cứ liên tục đeo đuổi khiến anh rơi vào trạng thái mê mê, tỉnh tỉnh để rồi phần thú đã lấn át hoàn toàn phần người mỗi khi lên cơn thèm thuốc. Nhưng sự động viên của gia đình cùng với quyết tâm đứng dậy sau vấp ngã đã giúp anh hồi sinh.

Kết cục tất yếu của thói “ăn chơi lêu lổng”

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng núi phía tây tỉnh Nghệ An, Nguyễn Song Thương là con trai đầu, là niềm hy vọng của cả gia đình. Cuộc sống khó khăn, là anh cả trong một gia đình đông con nên Thương sớm phải ra đời bươn trải để phụ giúp gia đình. Năm 1998, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Bình. Một năm sau, gia đình vui mừng chào đón cậu con trai đầu lòng nhưng hạnh phúc chẳng tày gang. Do thiếu hiểu biết, lại bị bạn bè rủ rê, Thương đã sa chân vào ma túy khi con trai mới tròn 1 tuổi.

Bươn trải kiếm sống trong vùng “đá đỏ Quỳ Châu”, cái nơi mà khi đó hút thuốc phiện đơn giản như hút thuốc lá, như bao thanh niên chơi bời ngày đó, cuộc sống buông thả đã cuốn anh vào vòng tay của “nàng tiên nâu” từ lúc nào không hay.

Như thường lệ, trong một lần đi nhậu cùng đám bạn, Thương nhậu say mèm. Trong cơn say, một anh bạn đã cho Thương hút thử tép thuốc phiện. Và rồi, "ngựa quen đường cũ", người bạn đó đã dẫn dắt anh đến con đường nghiện ngập từ lúc nào không hay. Những cơn hoan lạc do ma túy mang lại đã khiến bao người không thể dời ra. Thương cũng vậy, cái cảm giác bên bàn đèn đã khiến anh quên đi mọi thứ, công việc, gia đình để cuốn theo những cuộc chơi không hồi kết.

Thương nhớ lại: “Thời kỳ những năm 2000, một bi thuốc phiện chỉ khoảng 50.000 đồng, nên tôi cho rằng chỉ cần dựa vào quán sửa chữa xe máy hiện có là thừa sức để chơi. Nhưng nhu cầu dùng thuốc liên tục tăng.

Những ngày đỉnh điểm, tôi đốt cả tiền triệu mà vẫn không thấy phê”. Chỉ sau một thời gian, người anh gầy rộc đi, không muốn làm ăn gì nữa, suốt ngày chỉ nằm bẹp ôm cái bàn đèn. Của cải gia đình vì thế cứ thay nhau đội nón ra đi khiến cho gia cảnh vốn đã chẳng có gì đáng giá nay lại càng thêm xơ xác, tiêu điều. Mỗi khi thèm thuốc, không có tiền mua, anh hung hãn đánh đập, chửi bới vợ con như “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”.

Gia đình và nhất là bố anh đã quyết tâm đưa anh đi cai nghiện nhiều lần nhưng không thành công. Thế rồi, một sự kiện đã làm thay đổi suy nghĩ của Thương.

Tối hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, người bố gọi Thương vào nói chuyện. Giọng chùng xuống, anh bảo: “Hôm ấy, hai cha con tâm sự với nhau rất nhiều điều. Bố tôi nói: “Chắc bố không sống được lâu nữa. Con là anh cả trong gia đình, đáng ra con phải làm gương cho các em, rồi cả gia đình nhỏ của con nữa, đằng này con lại như vậy. Bố buồn lắm! Giờ con muốn làm người thì phải quyết tâm từ bỏ ma tuý, làm lại cuộc đời. Có được như vậy thì bố mới được ngậm cười nơi chín suối”.

Nhưng rồi những cơn thèm thuốc, lại kéo anh đi cho đến một hôm, trong cơn phê thuốc Thương bị tra tay vào còng số 8.

Quyết tâm hoàn lương

Hai năm cải tạo trong tù là quãng thời gian giúp Thương có cơ hội ngẫm lại cuộc đời. Nhớ lại những gì cụ thân sinh ra anh trước khi mất đã căn dặn: “Muốn có thể tiếp tục làm người thì phải đoạn tuyệt với ma túy con à”, những ngày đầu cai nghiện trong trại giam, Thương vật vờ như “con ma đói”. Cái cảm giác hụt hẫng và trong xương tủy như có kiến bò dẫn đến những cơn vật vã dữ dội, ngáp, chảy nước mắt, nước mũi, tháo dạ, người nổi da gà... khiến Thương không muốn tiếp tục sống nữa. Nhưng rồi sự động viên của gia đình đã giúp anh vượt qua tất cả. Đặc biệt là người vợ chịu thương chịu khó của Thương.

Anh tâm sự: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn phải mang ơn cô ấy. Trong những ngày tháng cùng cực nhất, cô ấy vẫn nguyện đồng cam cộng khổ cùng tôi. Nếu lúc ấy cô ấy bỏ tôi thì không biết cuộc đời sẽ trượt dốc đến đâu”.

Những ngày đầu đến trại thăm, thấy anh gầy rộc đi, gân guốc xanh lè, mặt mày hốc hác, chị vừa giận lại vừa thương. Chị động viên anh rất nhiều: "Vì em, vì các con, anh phải cố gắng lên nhé!". Nhưng những lần sau đến thấy anh tươi tỉnh dần, chị đã có hy vọng. Đón anh từ trại giam Đồng Sơn, Đồng Hới, Quảng Bình trở về, chị biết anh đã không phụ công chị tin tưởng, chờ đợi.

Vùng đá đỏ Quỳ Châu khi đó là điểm nóng của các tệ nạn xã hội. Bao nhiêu con người ở vùng đất đó bị ma túy tàn phá sức khoẻ và nhân phẩm. Nói vậy mới thấy để cai nghiện và cai nghiện thành công cả chục năm nay như Thương phải có ý chí rất vững vàng.

Sau khi ra khỏi trại giam, bị bạn xấu lôi kéo, đôi khi Thương vẫn nhớ đến cảm giác phê thuốc mà “nàng tiên nâu” mang lại. Nhưng nhớ lời dặn của người cha trước lúc lâm chung, cùng với quyết tâm làm người đã giúp anh đoạn tuyệt hẳn với ma túy từ năm 2004 đến nay.

Ngày mới ra tù, muốn làm ăn nhưng không có vốn, không ai cho vay, Thương đã đi bán sắt vụn để lấy vốn làm ăn. Có trong tay 1,5 triệu đồng, anh quyết tâm mở lại cửa hàng sửa chữa xe máy. Do kiên trì học hỏi, tìm tòi, hiệu sửa xe máy mang tên Thương Bình ngày một phát triển.

Đến nay, cửa hàng của anh luôn tạo việc làm cho 3 thợ chính và dạy miễn phí cho nhiều con em trong xã có nhu cầu học nghề. Không những vậy, từ năm 2006, anh còn là tuyên truyền viên tích cực trong phòng chống ma túy và HIV của xã Châu Quang. Nhưng có lẽ điều khiến anh hạnh phúc nhất lúc này là hai cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi.

“Tôi không giấu quá khứ của mình với các con mà qua đó tôi dạy chúng phải sống như thế nào để không phải hối hận như bố chúng”, anh Thương chia sẻ.

   - Ảnh 1

Cửa hiệu xe máy ngày một phát triển của gia đình anh Thương.

Từng là người nghiện ma túy, anh hiểu hơn ai hết, cai nghiện không đơn thuần là cắt cơn, cách ly mà để cai thành công là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, tâm lý là yếu tố rất quan trọng. “Tôi muốn chia sẻ với những người đã từng sử dụng ma túy rằng, nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được nếu thực sự quyết tâm và có niềm tin.

Điều quan trọng hơn, những người xung quanh cần tạo không khí cũng như tâm lý thoải mái, giúp những người nghiện sớm xoá bỏ mặc cảm, tránh tệ nạn xã hội, có chính sách giúp đỡ những gia đình người nghiện, người sau cai nghiện sớm ổn định tinh thần tham gia lao động sản xuất. Tích cực tuyên truyền, nhân rộng các điển hình sản xuất giỏi của người sau cai nghiện để mọi người tham quan, học hỏi kinh nghiệm”, anh Thương chia sẻ thêm.

Ông Hủn Vi Thạy, Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xã Châu Quang cho biết: “Anh Nguyễn Song Thương là một trong những trường hợp cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng rất tốt. Không những vậy, hiện anh còn là một tuyên truyền viên tích cực của phong trào phòng chống ma túy và HIV ở địa phương”.

Nguyễn Xuân

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý