Lương y coi mình là 'chuột bạch' để chế thuốc trị sỏi thận

baybeface1 baybeface1 @baybeface1

Lương y coi mình là 'chuột bạch' để chế thuốc trị sỏi thận

Trải qua nhiều năm miệt mài với nghề y, tự thử thuốc trên chính bản thân mình đã giúp ông đúc kết được bài thuốc quý chữa sỏi thận.

19/04/2015 09:00 AM
955

Vốn là một thầy giáo dạy thể dục, nhưng lại có niềm đam mê y học khiến lương y Trần Phước Cầu theo cha học hỏi y thuật. Trải qua nhiều năm miệt mài với nghề y, tự thử thuốc trên chính bản thân mình đã giúp ông đúc kết được bài thuốc quý chữa sỏi thận bằng những dược liệu rẻ tiền.

Duyên lạ với nghề y

Câu chuyện kỳ lạ về thầy thuốc tự thử nghiệm thuốc trên người mình mới nghe qua cứ tưởng như đang xem trên phim ảnh. Thế nhưng khi biết đến lương y Trần Phước Cầu (SN 1961, hiện là Chủ tịch hội Lương y quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) thì ai cũng phải thán phục, bởi cái tâm vì nghề của ông. Chúng tôi tìm gặp ông trong những ngày đầu năm ở phòng khám tại nhà, khi ông đang bận rộn cho việc khám bệnh của mình cũng như công việc của Hội.

   - Ảnh 1

Chân dung lương y Trần Phước Cầu.

Sau một hồi tất bật với công việc, ông tâm sự với chúng tôi không chỉ chuyện của một người thầy thuốc, mà còn là những câu chuyện nhân tình thế thái. Nghe chuyện về ông, chúng tôi càng hiểu cái tâm của một thầy giáo, một thầy thuốc nhiệt huyết. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề bốc thuốc Nam ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam), lương y Trần Phước Cầu không nối nghiệp cha, mà chọn cho mình con đường “gieo chữ” khi theo nghề giáo. Thế nhưng, có lẽ duyên nghiệp với y thuật đã vận vào cuộc đời ông sau những lần ông cùng cha sớm hôm lên núi tìm thuốc.

Như một phản xạ tự nhiên cùng tư chất con nhà nòi khiến tình yêu với nghề y trong thầy giáo trẻ thêm lớn dần. Để rồi mấy năm sau, ông quyết theo nghiệp y rồi tiến bộ không ngừng dưới sự chỉ dạy của người cha cùng tâm niệm lấy chữ “Tâm” làm hướng đi cho cả cuộc đời.

Hay nói như lời những đồng đạo của ông thì suốt mấy chục năm theo nghề y, lương y Trần Phước Cầu không những gìn giữ được gia đạo, nghề gia truyền của cha ông, mà còn tìm tòi phát triển y thuật lên những bước mới. “Nếu ngày xưa ông ấy theo nghiệp giáo thì có lẽ Đông y thiếu đi một con người mẫn cán, hàng trăm bệnh nhân cũng thiếu đi một thầy thuốc tốt”, ông Trần Hữu Dư (SN 1964, trú tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) chia sẻ.

Ông Cầu luôn nhớ như in lời dạy của người thầy, người cha rằng, học nghề thuốc là phải học chân truyền, tức là học những gì chân thật, đúng đắn nhất. Hơn thế y thuật cũng giống như bất cứ ngành nghề nào cần có sự sáng tạo, phát triển chứ không phải chỉ học bí quyết gia truyền, khư khư với cái cũ. Và những bí quyết ấy càng không phải chỉ được áp dụng bất di bất dịch, mà nghề thuốc là nghề không ngừng học hỏi và trau dồi.

Tự coi mình là “chuột bạch”

Nói về bài thuốc trị sỏi thận của mình, lương y Cầu từ tốn: “Thật tình đâu phải phát minh hay sáng chế gì mà chỉ là do tôi tâm huyết mà thôi”. Theo lời ông, vốn gần chục năm trước, ông bị bệnh sỏi thận nặng chạy chữa nhiều nơi mà không khỏi, sau đó được con cái trong gia đình, đều là các bác sỹ Tây y khuyên đi mổ, ông cũng thuận theo. Chỉ vào vết mổ dài độ gang tay ở dưới bụng, ông nói tiếp: “Tôi đau đớn lắm nhưng cứ nghĩ lần mổ sỏi đó bệnh sẽ hết. Thôi thì ráng chịu đau, nhưng ai ngờ được vài ba bữa sau sỏi lại hình thành. Tôi nói với mấy đứa trong nhà để ba tự chữa bằng thuốc Nam xem sao, chứ cứ mổ xẻ vậy ba chịu không nổi”.

Năm 2006, ông bắt đầu bắt tay vào “hành trình” tự chữa trị cho mình. Theo đó, bài thuốc chữa sỏi thận thông thường là bài Lục vị gồm có: Thục địa, Toàn nhục, Hòa sơn, Đơn bì, Trạch tả, Phục linh. Dù vậy, ông nghĩ mỗi trường hợp cần có sự kết hợp riêng, tăng giảm liều lượng hay bổ sung thêm một số dược liệu dân gian khác.

Chính vì vậy, qua nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, ông có sự kết hợp bài thuốc cổ phương với các vị thuốc dân gian. Từ đó ông đưa vào thử nghiệm bài thuốc chữa sỏi thận với 9 vị thuốc sau: Kim tiền thảo, trái dứa dại, rễ cách không cây dứa dại (phần rễ mọc ra từ thân cây nhưng chưa chạm tới đất - PV), rau mèo, rau đắng, rễ tranh, râu bắp và cây mã đề.

   - Ảnh 2

Một số vị thuốc trong bài thuốc chữa bệnh thận của lương y Trần Phước Cầu.

Lương y Cầu phân tích thêm, thông thường các vị thuốc có một tên Hán tự được sử dụng cho những ai học y mới hiểu. Nhưng ở đây ông đều gọi các vị thuốc của mình theo tên dân gian nhằm giúp tất cả mọi người đều hiểu được và dễ tìm kiếm. Ông Cầu chia sẻ thêm: Trong suốt quá trình thử thuốc của mình ông phải thay đổi liều lượng các vị cho phù hợp với từng giai đoạn. Theo đó mỗi vị thuốc ẩn chứa một công dụng riêng như: Kim tiền thảo có tác dụng tán sỏi và rễ tranh có tác dụng bài sỏi thì được sử dụng với liều lượng cao hơn so với các vị khác.

Sau nhiều tháng tự thử thuốc trên chính cơ thể mình, cuối cùng ông cho liều lượng các vị thuốc theo thứ tự như sau: 25, 20, 10, 10, 10, 15, 10, 10, 10(g). Ông Cầu nhấn mạnh thêm bệnh tật là muôn hình vạn trạng nên tùy vào từng người, từng thể trạng cũng như kích cỡ của sỏi mà chữa trị chứ không phải cứ một khuôn áp dụng. Bài thuốc trị sỏi thận của lương y Trần Phước Cầu được điều chế thành hai dạng là dạng thuốc sắc và dạng viên.

Theo đó: “Với dạng thuốc sắc, mỗi thang chia hai lượt nấu: Lượt đầu tiên cho toàn bộ số thuốc vào ấm đun, đổ khoảng 5 lít, nấu cho đến khi cạn còn khoảng 0,5 lít thì ngừng đun, chắt hết nước thuốc ra ấm, sau đó nấu tiếp lượt hai bằng chính số thuốc này. Nhưng lần này chỉ cho khoảng 4 lít nước, rồi đun cạn cho đến khi còn khoảng 0,4 lít. Nấu xong, cho cả hai lượt thuốc trên vào bình giữ ấm rồi uống trong ba ngày. Uống thuốc dạng này tuy hơi mất công một chút, nhưng mang lại hiệu quả nhanh hơn, bởi tính ngyên chất, hàm lượng thuốc cao”. Còn đối với thuốc điều chế theo dạng viên thì dựa vào bệnh mà bốc 10 hay 15 thang.

Khái quát về công dụng bài thuốc trên, ông Cầu nói ngắn gọn: “Bổ thận tư âm, lợi tiểu, bài sỏi. Sau thời gian tự “đấu tranh”, chính bản thân tôi đã thử nghiệm bài thuốc này, năm ngày đầu uống, tôi thấy cơ thể vẫn bình thường, sang ngày thứ sáu tôi thấy bụng đau buốt, rồi đi tiểu ra sỏi”.

Những kết quả khả quan đến ngày một nhiều càng làm ông thêm tin vào chính mình. Hơn 6 năm trời (từ năm 2006 thử nghiệm, đến năm 2012), ông đã đưa bài thuốc của mình vào chữa bệnh cho mọi người. Không chỉ được bạn bè đồng nghiệp cũng như người bệnh coi trọng ở cái tài bắt bệnh mà lương y Cầu còn được biết đến là một con người hết lòng với những người nghèo khó. Với tâm niệm dụng thuốc như dụng binh, ông chia sẻ: “Làm thầy thuốc không có nghĩa gặp ai cũng cho thuốc. Nhiều nơi bà con còn đói, còn nghèo lắm cần gạo, cần cơm hơn cần thuốc”.

Video xem thêm:

Gặp người phụ nữ nuốt 250 con thằn lằn để chữa bệnh

Trong suốt hơn hai nhiệm kỳ là Chủ tịch hội Lương y quận Cẩm Lệ, ông luôn đi đầu trong các phong trào từ thiện. Theo đó, mỗi năm hội Lương y quận Cẩm Lệ luôn quyên góp trên 200kg các dược liệu quý, đã được chế biến thành thuốc giá trị gần 200 triệu đồng cùng nhiều quà sách vở cho trẻ em vùng cao. Mới nhất, đích thân ông Cầu còn vận động hàng trăm bộ bàn ghế, tủ học cho nhiều ngôi trường ở Quảng Nam.

Nhiều phần thưởng cao quý

Ghi nhận cho những thành tích đó, lương y Trần Phước Cầu đã nhận được nhiều bằng khen cao quý như: Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khen tặng trong phong trào hoạt động và phát thuốc miễn phí, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đông y của ban Chấp hành Đông y Việt Nam. Một số vị thuốc trong bài thuốc chữa bệnh sỏi thận của lương y Trần Phước Cầu.

Nhâm Thân

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý