Lý giải chuyện lạ: Cặp song sinh ra đời cách nhau một tháng

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Lý giải chuyện lạ: Cặp song sinh ra đời cách nhau một tháng

Một cặp song sinh ra đời cách nhau đúng một tháng tại Hà Giang đang gây xôn xao dư luận. Đây được coi là trường hợp hiếm gặp trong sản khoa, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả trên thế giới.

12/07/2014 07:44 AM
2,763

Hai lần “vượt cạn” cách nhau một tháng

Thông tin, một người phụ nữ dân tộc La Chí, ở sinh hạ một bé gái sau khi vừa sinh một bé trai 30 ngày thu hút không ít sự quan tâm của dư luận.

Theo thông tin PV tìm hiểu, đầu tháng 5/2014, chị Lù Thị Biên (28 tuổi, dân tộc La Chí, ở bản Pắng, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) sinh hạ một bé trai. Mười hai ngày sau khi sinh, chị Biên thấy bụng vẫn to và nặng như lúc đang mang thai nên lặn lội ra bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì siêu âm. Kết quả khá bất ngờ, bác sỹ kết luận trong bụng chị Biên còn một thai nhi nữa.

 - Ảnh 1

Chị Lù Thị Biên và hai đứa con song sinh ra đời cách nhau một tháng (ảnh: Internet).

Chị Biên kể, sau 9 tháng mang thai, vào ngày 4/5, chị đã sinh hạ đứa con trai đặt tên là Thèn Văn Chuyến. Chị nghĩ trong bụng có một đứa con thôi, nhưng nào ngờ, vài ngày sau, chị thấy bụng mình đau và có dấu hiệu tiếp tục mang bầu, rồi chị vẫn thấy có biểu hiện như một đứa trẻ đạp và cựa quậy trong bụng. Thấy , chị Biên nói với chồng mình là anh Thèn Đức Đông (29 tuổi) đưa đi bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì khám.

“Qua quá trình xét nghiệm, các bác sỹ cho biết, trong bụng tôi vẫn còn một đứa bé nữa và lúc đó em bé vẫn đang rất khỏe. Bản thân tôi cũng không thể tin nổi lại có giờ, phần cũng lo cho đứa con tôi mới sinh ở nhà khóc đòi sữa nên tôi đã lẳng lặng bắt xe ôm bỏ về, ngay cả chồng cũng không biết”, chị Biên kể lại. Sau 30 ngày từ khi sinh bé trai, chị Biên tiếp tục trở dạ sinh thêm một bé gái. Được biết, đến nay ba mẹ con chị Biên đều tốt.

Trao đổi với , sản phụ sinh cháu trai đầu tại nhà hôm 3/5. Mười hai ngày sau, chị đến khám tại bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì, bác sỹ Ma Trung Nghĩa trực tiếp khám và xác định bé trai 12 ngày tuổi, nặng 2,3kg và đang bị vàng da. Tuy nhiên, người mẹ không có nhiều dấu hiệu của một phụ nữ mới sinh, cũng như không thấy sản dịch dù cổ tử cung hé mở. Tuy nhiên bác sỹ cho rằng chị đã sinh ba lần thì cổ tử cung hé mở là bình thường. Nhưng bác sỹ thấy bụng chị Biên rất cứng và siêu âm thấy vẫn có tim thai.

Ngày 4/6, gia đình cho biết chị Biên tiếp tục sinh một bé gái tại nhà. Bác sỹ Nghĩa đã yêu cầu trạm y tế xã nơi chị Biên cư trú tìm hiểu, xác minh lại thông tin. Theo thông tin ban đầu của cán bộ y tế thôn bản ở sát nhà chị Biên thì chị có sinh con vào hai thời điểm kể trên như thông tin của gia đình.

Hiếm gặp và khá may mắn

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Huy Bạo, nguyên Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Trong các tài liệu y khoa có nói đến trường hợp tương tự, có ca song sinh cách nhau một tháng, thậm chí còn lâu hơn.  Đứng về mặt khoa học giải thích thì nó không có gì là lạ. Tuy nhiên, suốt quá trình làm việc trong ngành phụ sản từ trước đến nay tôi cũng chưa từng gặp trường hợp nào song sinh mà hai đứa trẻ lại ra đời cách nhau cả tháng như vậy. Đây là lần đầu tiên tôi được biết đến trường hợp này trong thực tế ở Việt Nam”.

 - Ảnh 2

TS. Nguyễn Huy Bạo, nguyên Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Lý giải về mặt khoa học, theo TS.Nguyễn Huy Bạo, đây là trường hợp song thai hai buồng ối, hai bánh rau nên lúc sinh có thể hai thai bằng tuổi nhau hoặc cũng có thể thụ thai ở hai chu kỳ khác nhau. Tuy nhiên, về nguyên tắc là nếu các bác sỹ biết cụ thể về tình trạng như vậy sẽ lấy thai đó ra cùng nhau. Thông thường sau khi sinh đứa đầu tiên, dạ con sẽ kém thì không co bóp đẩy cái thai thứ hai ra nữa. Đến khi nào dạ con tiếp tục co bóp thì cái thai sẽ tiếp tục ra. Bình thường nếu chưa vỡ ối ở bọc thai thứ hai thì đứa trẻ không bị ảnh hưởng, bánh rau còn lại sẽ tiếp tục nuôi dưỡng thai.

Cũng theo TS. Nguyễn Huy Bạo, những trường hợp như của thai phụ này chỉ xảy ra ở các nơi khó khăn mà thai phụ đẻ ở trạm y tế xã hoặc ở nhà. Về mặt tự nhiên có thể nó không chuyển dạ tiếp, tử cung đẩy lực lúc đó không nhiều. Chửa hai thai, một thai ra rồi thì buồng tử cung lúc đó rộng hơn và thai tiếp tục ở trong bụng sản phụ. Nếu đến bệnh viện, không mấy bác sỹ để xảy ra như thế vì sau khi đẻ đứa thứ nhất, ngay lập tức bác sỹ phải kiểm tra ngôi thai thứ hai và xé ối cho đứa trẻ ra đời. Bởi nếu để như vậy thì nguy cơ băng huyết ở sản phụ rất cao và nguy cơ thai phụ bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, có thể xảy ra trường hợp bong rau và làm tử vong đứa trẻ còn lại trong bụng. Nói chung trường hợp sản phụ này rất hiếm gặp, và khá may mắn.

Theo anh Nguyễn Xuân Thành, người từng có năm năm là giáo viên tiểu học cắm bản tại khu vực miền núi của tỉnh Hà Giang thì với trình độ dân trí thấp, hạn chế về việc đi lại khiến không chỉ trẻ em và các thai phụ ở đây không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Chuyện suốt quá trình mang thai không hề được thăm khám và sinh con ngay tại nhà là chuyện diễn ra khá thường xuyên với người dân tộc thiểu số ở các bản vùng sâu, vùng xa.                                                                 

Giữa tháng Sáu vừa qua, một cặp song sinh được cho là hiếm thấy và tỷ lệ rủi ro cao nhất đã chào đời ở Mỹ khi đứa trẻ thứ hai ra đời cách đứa trẻ đầu tới gần 40 ngày. Một cặp song sinh đặc biệt đã chào đời ở TP.Kansas với ngày sinh của hai bé cách nhau hơn một tháng.

Bé trai Carl lớn hơn người em trai cùng trứng David năm tuần tuổi. Được biết, khi bố mẹ cặp song sinh đang trên chuyến bay từ ả-Rập-Xê-út đến Mỹ thì mẹ cậu bé gặp sự cố. Đúng lúc máy bay hạ cánh thì chị Elene, mẹ cậu gặp biến chứng. Các bác sỹ chẩn đoán, túi nước ối của bé Carl đang phồng lên và khiến chị đau đẻ. Mặc dù các bác sỹ đã cố gắng giảm đau, nhưng bé Carl vẫn phải sinh sớm khi ở tuần thứ 24 và nặng 450gr.

Đỗ Thơm

Xem thêm video clip : 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý