Mạng người, mạng chó và câu chuyện 'tự xử'

mesu mesu @mesu

Mạng người, mạng chó và câu chuyện 'tự xử'

Nạn trộm chó hoành hành, người bị mất trộm xót của và thế là xảy ra tình trạng người dân tự xử kẻ trộm chó. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó, bởi không chỉ có kẻ trộm chó bị giết mà người bị nghi là kẻ trộm cũng đã phải đền mạng thay cho mạng chó.

24/12/2014 05:05 PM
827

Chết vì bị nghi là kẻ trộm chó

Đó là cái chết của hai thanh niên đi dự sinh nhật chạy xe qua làng, người dân tưởng là kẻ trộm chó nên đã đuổi đánh đến chết ở Đông Anh, Hà Nội. Hay một cụ ông mắc bệnh tâm thần, chỉ vì bê bát cơm đi lang thang ngoài đường mà đã phải chết oan do bị tình nghi là thả bả chó ở Phúc Thọ, Hà Tây.

Việc người thường dân tự xử mạng sống của người khác vì thế đã trở nên hết sức đáng báo động và lo ngại, khi bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là đối tượng bị dân nghi ngờ là kẻ trộm chó.

Khởi nguồn của vấn đề người dân tự xử này là bắt nguồn từ sở thích ăn thịt chó. Món thịt chó lên ngôi, trở thành đặc sản đắt đỏ khiến cho nhu cầu mua chó, giết chó lên cao. Thịt chó tăng giá. Thế là những kẻ ăn không ngồi rồi, lười lao động, thiếu giáo dục đã dấn thân vào nghề trộm chó.

Mất chó cũng là mất của, hết lần này đến lượt khác khiến cho người có chó bị trộm trở nên bức xúc. Một nhà bị trộm rồi hai nhà rồi …nhiều nhà bị trộm đã tạo nên một hiệu ứng bức xúc trước nạn trộm chó lây lan trong các xóm làng.

Bức xúc cái bọn trộm chó nhưng chờ mãi chẳng ai giải quyết cho họ nỗi bức xúc trước tệ nạn này. Và để bảo vệ chó, bảo vệ của cải của gia đình mình, người dân đã tự xử những kẻ trộm chó đáng ghét đó bằng việc đánh đến chết. Một vụ, hai vụ rồi nhiều vụ kẻ trộm chó bị cả dân làng đuổi đánh hết dã man như đuổi đánh một con chó mắc bệnh dại. Họ đánh kẻ trộm đến chết mà vẫn chưa hả giận nên mang xác chết và tài sản của kẻ trộm chó ra thiêu rụi trong sự hả hê của dân làng.


Thi thể kẻ trộm chó cùng chiếc xe máy bị người dân xã Hưng Đông
(TP Vinh, Nghệ An) đốt cháy ngày 7/6/2010

Thực trạng trên cho thấy hiện nay mạng sống con người (dù đó là người xấu xa) đang bị định đoạt bởi sự giận giữ của đám đông. Luật pháp đang được thay thế bởi luật rừng, phơi bày sự hỗn loạn đáng lo ngại ở nhiều vùng nông thôn hiện nay.

Bộc lộ thú tính để tồn tại

Nạn bắt trộm chó không phải bây giờ mới có mà xuất hiện từ rất lâu. Thế nhưng trước đây kẻ trộm chó nếu bị bắt thì họ sẽ bị trói lại, đeo một tấm biển có dòng chữ “Từ nay tôi không ăn trộm” và bị dẫn đi xung quanh làng cho bà con dè bỉu. Việc đó được xem như là cách làm nhục để giáo dục kẻ hư hỏng. Nếu có trút sự tức giận thì người dân cũng bị dám xô, đẩy, ném quả thối vào mặt hay quá lắm chỉ đánh nhẹ mà thôi.

Còn ngày nay, như ta đã thấy, khi bắt được kẻ trộm chó, cả dân làng từ thanh niên, người già đến trẻ con đều xông vào đánh kẻ trộm như đánh một con chó, thiêu rụi kẻ trộm như đang thiêu chó. Và hả hê nhìn lại thành quả “giết người” của mình.

Không ai muốn nói những người dân giết chết kẻ trộm chó đó là độc ác, là dã man, là phi nhân tính bởi xét cho cùng, họ vẫn là những người đáng thương. Đáng thương vì sự mông muội, si mê. Đáng thương vì sự bế tắc, cùng đường. Nhưng cuối cùng vẫn phải gọi đúng tên gọi của hành vi man rợ độc ác đó là “giết người”. Và không muốn vẫn phải gọi những người dân đánh kẻ trộm chó đó là những kẻ giết người.

Nhưng trong một xã hội mà người dân phải tự giải quyết tệ nạn xã hội bằng “luật rừng”, cụ thể ở đây là nạn trộm chó, một loại tệ nạn tồn tại trong thời gian dài và càng ngày càng phát triển thì vấn đề không còn nằm ở người dân nữa mà nằm ở những người điều hành xã hội, ở pháp luật xã hội và những người thực thi pháp luật.


Người dân chặn xe không cho lực lượng 115 đưa nạn nhân là kẻ trộm chó
đi cấp cứu

GSTS Đặng Vũ Cảnh Khanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống & phát triển từng nhìn nhận vấn đề cướp giật giữa ban ngày là biểu hiện của sự loạn kỷ cương xã hội. Đem thực trạng người dân tự xử tội chết những kẻ trộm chó so sánh với hiện tượng cướp giật ban ngày thì càng thấy rõ sự loạn kỷ cương này.

Một xã hội loạn kỷ cương, người dân không tuân thủ pháp luật, không sống và làm theo pháp luật thì rất khó để nói đến đạo đức hay đạo lý. Cái ác vì thế sẽ dần dần thắng thế, con người sẽ bộc lộ thú tính để tồn tại. Vì xót con chó mà đám đông xô vào đánh con người một cách dã man, đánh đến chết vẫn còn hả hê chính là biểu hiện rõ nhất của sự phát triển thú tính để tồn tại này.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý