Mang thai tháng thứ 8 đi ô tô đường dài được không?

ez ez @ez

Mang thai tháng thứ 8 đi ô tô đường dài được không?

Đối với phụ nữ mang thai, việc đi lại, di chuyển xa luôn luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc của thai phụ mang thai tháng thứ 8 khi có ý định đi ô tô đường dài.

14/01/2015 10:57 AM
650

Em dự sinh ngày 10/02, đến hôm nay thai đã được 32 tuần rồi. Em mang thai con đầu nên bụng nhỏ, em lại không bị nghén và cũng ko tăng cân nhiều. Em định nửa tháng nữa sẽ về quê nghỉ sinh (350km) đi xe giường nằm. Mặc dù khỏe nhưng em vẫn lo lắng vấn đề "bầu bí đi đường dài", liệu có nguy hiểm không ạ? Em có nên đi đường xa như vậy không?

Lan Hương (27 tuổi, Đống Đa)

Đối với phụ nữ mang thai việc đi lại, di chuyển xa luôn luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Tuy nhiên, có những trường hợp bất đắc dĩ các bà bầu vẫn phải đi xa. Vì vậy, các bà bầu nên cẩn trọng an toàn.

Trả lời về vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ (Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khoẻ Nam giới) có vài lời khuyên:

Mang thai tháng thứ 8 có nên đi ô tô đường dài? (Ảnh minh họa)

Mang thai tháng thứ 8 có nên đi ô tô đường dài? (Ảnh minh họa)

Về cơ bản, di chuyển đi xa bằng các phương tiện giao thông nói chung đều an toàn cho thai phụ. Tuy nhiên, so với hành khách thông thường, thai phụ có thể tiềm ẩn một số nguy cơ nhỏ, thường do những thay đổi sinh lý của mẹ cũng như bào thai.

Thời kỳ mang thai được chia thành ba kỳ, gọi là tam cá nguyệt, mỗi ba tháng được xếp vào một tam cá nguyệt. Tương ứng với mỗi kỳ tam cá nguyệt, thai phụ sẽ gặp phải một số trục trặc riêng về sinh hoạt, thay đổi sinh lý…

Đến tháng thứ 8, đáy tử cung của thai phụ cao 28 – 30 cm và to rộng ra, ép cơ tim và dạ dày, dẫn đến tim đập nhanh hơn, hơi thở ngắn hơn, tinh thần thường lo lắng, dạ dày thì trương lên…, thường đi tiểu nhiều lần và sau khi đi vẫn có cảm giác chưa hết nước tiểu. Thời gian này, thai phụ luôn mong đến ngày sinh, nhưng lại rất lo lắng.

Đây chính là thời gian người mẹ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, tinh thần hồi hộp như bị thúc giục. Phụ nữ mang thai tháng thứ 8 nhất định cần chú ý nghỉ ngơi cả ban ngày và buổi tối. Nếu có vận động thì nên vận động nhẹ bằng cách đi lại nhẹ nhàng.

Quay lại tình huống của chị, nếu tình trạng sức khỏe tốt, không nghén, việc di chuyển bằng ôtô vẫn rất an toàn, đặc biệt là giường nằm, chị có thể nghỉ ngơi. Trước khi chuẩn bị cho chuyến đi xa, thai phụ nên xin ý kiến chuyên môn của bác sĩ điều trị, trong đó bao gồm việc nên hay không nên sử dụng thuốc say tàu xe. Chỉ có bác sĩ trực tiếp điều trị mới nắm được tình trạng sức khỏe của thai phụ và em bé, cũng như đánh giá đầy đủ những tình huống mà mỗi thai phụ cần lưu ý.

Riêng tôi, xin chia sẻ với chị về vấn đề chống say tàu xe, thay vì dùng thuốc điều trị say tàu xe với các tác dụng phụ không lường trước được, chị nên xem xét những biện pháp chống say tàu xe không thuốc:

- Theo đông y, trước khi khởi hành khoảng 30 phút nên dùng một khúc gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng nên ngậm trong miệng một lát gừng.

- Trước khi khởi hành, nên ngủ đủ giấc vào đêm trước, tránh ăn quá no hay để bụng đói, tốt nhất ăn các thức ăn dễ tiêu, vừa phải, trước giờ lên xe ít nhất 2 giờ

- Chọn chỗ ngồi thoáng mát, tránh xa mùi thuốc lá hay các mùi khó chịu.

- Mang theo nước và đồ ăn vặt, mỗi khi có cảm giác khó chịu, một chút nước hay quà bánh có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng.

- Tránh căng thẳng, luôn giữ nhịp tim và nhịp thở điều hòa.

Song Ngư (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý