Mất đất sau mùa gió chướng

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Mất đất sau mùa gió chướng

Sau mùa gió chướng (gió đông bắc) từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, hàng chục hecta đất ven biển Tiền Giang, Bến Tre lại bị biển xâm thực. Gần trăm hộ dân ở hai tỉnh chưa biết đi đâu.

26/05/2014 09:20 PM
931

Đặc biệt ba năm trở lại đây, tình trạng biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng hơn khi nhiều khu dân cư bị biển “ăn” vào hơn 50m mỗi mùa gió chướng về.

Tan hoang

Cách nay hai tháng, chỉ nửa mùa gió đã làm căn nhà của bà Nguyễn Thị Trắng ở xóm Nhà Ngang, ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, Gò Công Đông (Tiền Giang) đổ sập vì không chịu nổi sóng biển. Bà Trắng kể: “Đầu mùa gió là nước biển đánh đến vách nhà, tui phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua bao cát tấn vào nhưng chỉ hơn hai tháng thì các bao cát tan hoang, móng nhà cũng bị cuốn mất”.

Căn nhà bà Trắng xây từ mười năm trước, lúc đó mép nước biển còn cách hơn 300m. Phía ngoài nhà bà Trắng lúc ấy còn vài nhà khác và cả một nhà hàng ăn uống. Tất cả đã thành bãi biển. Hiện tại căn nhà của bà Trắng chỉ còn lại một bức tường xiêu vẹo nằm trên mặt nước, bà và chồng con phải ở tạm trong căn nhà của mẹ bà ngay bên cạnh. “Nhà mẹ tui vừa rồi phải bỏ ra mấy triệu đồng mua bao và dồn cát tấn vào nhưng chắc đợt gió chướng tới nhà này cũng đổ sập như nhà tui thôi” - bà Trắng lo lắng.

Căn nhà của bà Cô Thị Thương phía sau nhà bà Trắng cũng chung số phận. “Tui xây nhà cấp 4 từ năm 2008. Lúc ấy thấy biển còn cách xa, đất đây lại rẻ nên dành dụm tiền hi vọng về đây ổn định. Thế mà bây giờ tan hoang” - bà Thương buồn bã. Sập hết một bên vách phía biển và được chính quyền hỗ trợ 10 triệu đồng, bà Thương hiện đang tận dụng hơn 2m nền còn lại cất lên một căn nhà lá, cột cây để buôn bán. Bà Thương than vãn: “Sống tạm tới mùa gió sau, ở tới đâu hay tới đó chứ giờ cũng không biết phải đi đâu”.

Biển “liếm” ngày càng nghiêm trọng

Ấp Cầu Muống là một trong những nơi bị biển xâm thực nhiều nhất hiện nay ở bờ biển tỉnh Tiền Giang. Ông Ngô Phi Trường, chủ tịch UBND xã Tân Thành - cho biết chỉ trong vài năm trở lại đây, biển đã “ăn” hơn 20ha đất của xã Tân Thành. “Mùa gió vừa rồi toàn xã có ba căn nhà bị đánh sập, hiện còn 44 căn nhà bị ảnh hưởng trực tiếp và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào” - ông Trường nói thêm.

Khu vực bờ biển huyện Tân Phú Đông, nơi chia dòng Tiền Giang thành cửa Đại và cửa Tiểu, cũng mất đất không ít. Ông Nguyễn Văn Hải, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, cho biết: “Sau vài mùa gió chướng mạnh gần đây, 7ha đất có sẵn rừng thưa cũng bị biển xâm thực, đặc biệt là khu vực ấp Cồn Cống, xã Phú Tân”. Kể về điều này, ông Trần Văn Cẩn - trưởng ấp Cồn Cống - cho hay ba năm vừa qua biển đã “lấy” của nhà ông liên tiếp hai ao nuôi tôm rộng khoảng 50m và khiến hơn mười hộ dân trong ấp phải bỏ nhà dời đi nơi khác sống.

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Trắng đổ sập vào tháng 2, mùa gió tới có thể nhà mẹ bà sát bên cũng chung số phận

Theo khảo sát của Sở NN&PTNT Bến Tre, tình hình sạt lở ở đây cũng nghiêm trọng không kém. Là bờ nam của cửa biển Cửa Đại, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại bị sạt lở nghiêm trọng nhất. Vùng biển xâm thực ở xã Thừa Đức bao gồm khu vực sạt lở thuộc ấp Thừa Tiên có chiều dài 1,2km và khu vực bờ biển ấp Thừa Lợi dài 1,5km đang gây ảnh hưởng trực tiếp đối với 58 hộ dân. Ngoài ra còn có khu vực Cồn Tàu, ấp Thừa Trung, xã Thừa Đại bị biển xâm thực một đoạn dài 3km, chỉ trong ba mùa gió chướng qua đã mất gần 50ha đất, ảnh hưởng đến đời sống của 45 hộ dân. Huyện Thạnh Phú, Bến Tre cũng có khu vực bờ biển dài 9km ở xã Thạnh Hải bị sạt lở, đặc biệt là đoạn khoảng 2km từ bãi tắm Tây Đô tới hợp tác xã Thanh Bình.

Biển “đuổi” chỉ còn biết chạy

* Bến Tre: UBND tỉnh Bến Tre cho biết việc phòng chống sạt lở bờ biển là một vấn đề rất phức tạp và kinh phí đầu tư rất lớn, trong khi nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp. Biện pháp lâu dài và hiệu quả nhất hiện nay là trồng rừng chắn sóng phía ngoài. Tuy nhiên, việc trồng rừng phòng hộ hiện tại vẫn chưa có tác dụng. Ông Phạm Hoàng Long, chủ tịch UBND xã Thừa Đức, cho biết: “Phương án trồng rừng phòng hộ gần đây đều không thu lại được gì. Sóng mấy năm gần đây rất mạnh, rừng trồng lên chưa kịp vững đã bị cuốn đi hết”.

Ông Nguyễn Khánh Hoan, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Bến Tre, cũng nhìn nhận: “Mặc dù theo quy định đối với những nơi sạt lở gần khu dân cư phải ưu tiên làm ngay, nhưng do thiếu kinh phí nên hiện nay vẫn chưa có dự án nào cụ thể. Biện pháp trước mắt là nếu sạt lở đến đâu thì tạm thời động viên, hỗ trợ bà con di dời vào khu vực an toàn trước đã”.

* Tiền Giang: Ông Trần Hoàng Bá, phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết từng nhiều lần lập dự án xây kè mềm cho toàn bộ khu vực 21km bờ biển huyện Gò Công Đông. Ông Bá nói: “Sở NN&PTNT đã xin ý kiến và được UBND tỉnh Tiền Giang cho chủ trương xây kè mềm 17km. Phương pháp xây kè mềm là dùng các túi giữ cát chuyên dụng để cản sóng biển, một đoạn kè mềm dài 1km phải đầu tư khoảng 20 tỉ đồng. Vì số tiền quá lớn nên trước mắt chỉ có thể tập trung thí điểm 1,3km tại xã Tân Thành, Gò Công Đông. Phần bờ biển còn lại đành tạm thời để mặc tình trạng xâm thực và dùng các phương pháp hỗ trợ tạm thời để dân di dời khỏi vùng nguy hiểm”.

Cũng theo ông Bá, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều đợt hỗ trợ 10 triệu đồng, 20 triệu đồng đối với những hộ dân có nguy cơ bị biển uy hiếp để họ di dời vào khu vực an toàn. Nhưng đa số hộ dân này đều chưa có đất, nên các đợt hỗ trợ trên chỉ đủ để họ khắc phục phần nào thiệt hại của mùa gió vừa qua, để rồi lại mất trắng với mùa gió mới. 

Theo Tuoitre.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý