Máy bay rơi ở Pháp: Cú trượt dốc của hãng hàng không Lufthansa

thienlong thienlong @thienlong

Máy bay rơi ở Pháp: Cú trượt dốc của hãng hàng không Lufthansa

(ĐSPL) Vụ máy bay Đức rơi ở Pháp như một cú đánh mạnh làm tiêu tan hết hy vọng mở rộng kinh doanh của hãng hàng không Lufthansa. Tương lai của hãng hàng không này sẽ như thế nào?

26/03/2015 01:11 PM
519

Cổ phiếu trượt dốc, hi vọng bị dập tắt

Giám đốc điều hành Carsten Spohr của Lufthansa từng tự hào nhắc tới Germanwings như một điểm sáng trong hoạt động của công ty.

“Chi nhánh hàng không giá rẻ Germanwings là một thành công lớn hơn kỳ vọng của chúng tôi”, ông nhấn mạnh.

Trên thực tế, Lufthansa đang trong quá trình dịch chuyển lưu lượng chuyến bay châu Âu từ hãng hàng không mẹ sang Germanwings và Eurowings - một chi nhánh giá rẻ khác, để tiết kiệm chi phí.

Ông Spohr trả lời tạp chí Fortune cho biết ông kỳ vọng Germanwings sẽ bắt đầu có lãi vào năm 2015, sau 13 năm hoạt động. “Có vẻ chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu này”, ông nói.

Nhưng tai nạn thảm khốc ngày 24/3 có thể dập tắt hy vọng trên.

Một máy bay Airbus A320 của Germanwings chở 144 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đã rơi tại vùng Digne, miền Nam nước Pháp. Tổng thống Pháp François Hollande cho rằng có thể không còn ai sống sót.

Ông Spohr đăng trên mạng xã hội nói đây là một ngày đen tối đối với Lufthansa.

Sau tin dữ, cổ phiếu Lufthansa lập tức “bốc hơi” hơn 4%, tuy nhiên hồi phục một phần để chốt lại phiên giao dịch giảm 1,56%. Tuy nhiên đây vẫn là mã cổ phiếu chuyển động tệ nhất trên sàn Giao dịch chứng khoán Frankfurt ngày 24/3.

An toàn chưa bao giờ là vấn đề đối với Lufthansa. Tai nạn chết người gần đây nhất của máy bay tập đoàn là hơn 20 năm về trước. Trong 4 thập kỷ qua, hãng chỉ ghi nhận 9 vụ tai nạn có người thiệt mạng.

  - Ảnh 1

Sau khi xuất hiện thông tin về máy bay rơi ở Pháp, một số chuyến bay của Germanwings – thuộc tập đoàn Lufthansa (Đức) đã buộc phải hoãn lại hôm 24/3 vì phi công, tiếp viên từ chối bay.

Video: Người nhà nạn nhân vô vọng chờ tin máy bay rơi.

Lufthansa cũng điều hành Lufthansa Technik – một trong những công ty bảo dưỡng máy bay lớn nhất thế giới. Bảo trì tàu bay là thế mạnh của tập đoàn.

Kể cả Germanwings, hãng hàng không giá rẻ được Lufthansa thành lập năm 2002, cũng có lịch sử hoàn toàn sạch sẽ cho đến khi vụ tai nạn xảy ra vào thứ Ba.

Khi những thảm họa hàng không như thế này xảy ra, sẽ xuất hiện các đồn đoán về triển vọng dài hạn của những công ty liên quan.

Một cựu lãnh đạo hàng không - ông Robert Mann - nhận định hầu hết các vụ đâm máy bay không ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động của hãng, cho dù có thảm khốc và giật gân đến đâu.

Tuy nhiên có một số trường hợp ngoại lệ, khi các vụ tai nạn phơi bày vấn đề trong hệ thống công ty hoặc năng lực yếu kém. ValuJet là một ví dụ điển hình.

Năm 1996, chuyến bay 592 của ValuJet bốc cháy không lâu sau khi cất cánh và đâu xuống vườn quốc gia Florida Everglades, Mỹ. Toàn bộ 110 hành khách trên khoang đã tử nạn.

Kết quả điều tra cho thấy một đối tác của ValuJet đã gắn bình oxy bất hợp pháp vào khoang chứa hàng của máy bay, là nguyên nhân gây ra thảm họa này.

“Thật mỉa mai khi đây thậm chí không phải lỗi của ValuJet, mọi việc xảy ra vì một nhà cung cấp của họ tắc trách”, ông Mann cho biết.

Tuy nhiên ValuJet không tránh khỏi liên đới. Sau khi Cơ quan hàng không liên bang đình chỉ mọi máy bay của ValuJet, hãng hoạt động trở lại với một đội bay số lượng ít hơn.

Tuy nhiên ValuJet không thể lấy lại được niềm tin nơi khách hàng. Cuối cùng, công ty sáp nhập với AirTran Airways – một hãng hàng không nhỏ hơn.

Gần đây nhất là Malaysia Airlines. Số lượng khách hàng tìm đến hãng giảm hẳn sau khi máy bay MH370 mất tích vào tháng 3/2014, sau đó là vụ máy bay MH17 bị bắn rơi tại Ukraine vào tháng Bảy.

Chính phủ Malaysia đã phải tư nhân hóa công ty vào tháng Tám để vực dậy hoạt động.

Lufthansa là một tổ chức chất lượng, ông Mann thừa nhận. Hãng hàng không nào cũng theo đuổi các mức giá tốt, tuy nhiên có điều khách hàng không bao giờ chịu đánh đổi, đó là sự an toàn, ông chỉ ra.

  - Ảnh 2

Giám đốc điều hành Carsten Spohr của Lufthansa nói đây là một ngày đen tối đối với Lufthansa.

Phi công, tiếp viên hãng Germanwings lo sợ, tìm cách từ chối bay

Một số chuyến bay của Germanwings – thuộc tập đoàn Lufthansa (Đức) đã buộc phải hoãn lại hôm 24/3 vì tổ lái từ chối bay sau khi xuất hiện các thông tin cho thấy chiếc máy bay gặp nạn ở dãy núi Alps - Pháp đã phải sửa chữa vài giờ ngay trước khi tai nạn xảy ra.

Các phi công và thành viên phi hành đoàn từ chối bay vì lo ngại tai nạn này liên quan tới việc chiếc A320 gặp nạn mới được sửa các cánh cửa bánh xe nằm dưới mũi máy bay, theo một thông tin chưa được xác nhận đăng trên tạp chí Spiegel của Đức

Tuy nhiên, Lufthansa bác bỏ bất cứ sự liên quan nào giữa việc sữa chữa này với các chuyến bay bị hủy. 

Một phát ngôn viên của hãng lên tiếng phi hành đoàn từ chối bay vì “lý do cá nhân” và hoặc “quá căng thẳng” sau tai nạn.

Hãng này cũng khẳng định rằng, chiếc Airbus A320 bị rơi tại vùng núi Alps hôm qua đã tiếp đất trong một giờ để sửa chữa vấn đề liên quan tới bộ phận hạ cánh. Tuy nhiên, hãng này cũng nhấn mạnh rằng, máy bay đảm bảo an toàn.

"Chiếc máy bay chỉ tiếp đất để sửa chữa vấn đề tiếng ồn do cửa hạ cánh ở bánh lái trước tạo ra. Sau đó, chiếc máy bay đã cất cánh trở lại vào lúc 10h sáng thứ Hai (24.3)", phát ngôn viên hãng Lufthansa cho hay.

Airbus A320 đã bay an toàn một số chuyến sau khi sửa chữa lỗi này trước khi thảm kịch xảy ra, phát ngôn viên cho biết thêm và thừa nhận, nhiều chuyến bay của hãng Germanwings đã phải hủy bỏ vì các đội phi hành đoàn đang bị chấn động mạnh về tâm lý.

Hôm nay, hãng Germanwings tiếp tục phải hủy bỏ thêm một số chuyến bay khởi hành từ Dusseldorf tới một số khu vực khác. Ngoài ra, 3 chuyến bay của hãng này khởi hành từ Stuttgart cũng bị hủy bỏ.

AN NHIÊN (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý