May mà U19 Việt Nam bị loại ở U19 châu Á!

mu mu @mu

May mà U19 Việt Nam bị loại ở U19 châu Á!

Thất bại của U19 Việt Nam tại giải U19 châu Á có đau sót thật, nhưng trong cái rủi lại có cái may. May vì VFF sẽ không huyễn hoặc vào thực tại và từ đó có thể đưa ra những chính sách phát triển hợp lý hơn.

16/10/2014 08:09 AM
3,192

1. Một “người trong cuộc” theo chân U19 Việt Nam suốt thời gian qua đã đưa ra một lập luận vui nhưng… khó bàn cãi: “May mắn là U19 Việt Nam đã thua U19 Nhật Bản, U19 Hàn Quốc và hòa U19 Trung Quốc, nếu không thì 3 cường quốc bóng đá châu Á này sẽ phải xóa hết những gì họ đang làm, khăn gói sang Việt Nam học hỏi. Khi đó, họ không cần chiến lược gì mà chỉ cần một học viện đào tạo bóng đá là xong!”.

 - Ảnh 1

U19 Việt Nam đã phải đối diện với quá nhiều áp lực.

Ngẫm lại mới thấy VFF vừa qua rất “lãng mạn”, muốn đưa một học viện đấu với những nền bóng đá tiên tiến nhất châu lục. “Lãng mạn” bởi mục tiêu đưa ra là lọt vào tốp 4 châu lục với những cầu thủ vừa bước chân vào trường đại học vài ngày trước đó. Nói vậy mới thấy các em lứa U19 đã làm được quá nhiều việc, thậm chí còn làm hơn khả năng của mình.

Thi đấu ngang ngửa với các đội mạnh nhất khi trong đội hình họ là những tinh hoa bóng đá quốc gia trong độ tuổi, được tuyển chọn gắt gao và đào tạo ở các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới. Vậy mà những Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Long, Hồng Duy… vẫn chiếm ưu thế trên sân.

Dù vậy, bóng đá tuy nhiều ngẫu hứng nhưng luôn mang đẳng cấp của nó, không thể trong thời gian ngắn, châu Á có thể qua mặt châu Âu, vì vậy càng không thể có chuyện một học viện đào tạo lại vượt qua được đội tuyển quốc gia cùng lứa tuổi. Bài học này cho thấy tầm nhìn của VFF. Cần xem học viện của Hoàng Anh Gia Lai là một mô hình tốt, có thể làm hình mẫu để nhiều địa phương, doanh nghiệp khác học hỏi, mở rộng. Dám chắc rằng khi có khoảng chục học viện như vậy trên cả nước thì trình độ và đẳng cấp bóng đá Việt Nam sẽ có những bước chuyển thật sự về chất, chứ không năm ăn năm thua như hiện nay.

2. Cũng “người trong cuộc” trên khi đề cập về thể hình và thể lực cầu thủ Việt Nam đã nói rằng chúng ta không nên trách cũng như đừng tự huyễn hoặc mình. Ai cũng thấy các cầu thủ châu Á khác có thể hình rất đẹp, cao, chắc, trong khi hầu hết các cầu thủ Việt Nam đều nhỏ con lại còn “mỏng cơm”. Bất lợi ấy không thể khắc phục một ngày một bữa, cũng khó có thể khắc phục trong tương lai vài năm tới mà ít nhất là chục năm cùng với một chiến lược khoa học.

Với đa số các nước hiện nay, cầu thủ được tuyển chọn từ các trường học, dinh dưỡng hợp lý từ trong bụng mẹ cộng thêm những năm đào tạo với chế độ dinh dưỡng hợp lý nên thể hình thể lực tốt gần như là đương nhiên. Có thể nói, kiếm một cầu thủ có thể hình… nhỏ con ở họ là điều quá khó! Trong khi ở Việt Nam có một thực tế là gia đình khá giả, có điều kiện lại ít cho con em mình theo nghề đá bóng.

Đến như học viện của Hoàng Anh Gia Lai tuyển sinh cũng lấy nguồn từ các em khá “còi cọc”, điều kiện gia đình ở mức không cao. Đầu vào đã vậy thì dù có được đào tạo bài bản với chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì cũng không đủ thời gian để những cậu bé nhỏ con trở nên cường tráng được. Khi và chỉ khi điều kiện dinh dưỡng toàn dân khá hơn, nhiều thành phần tham gia bóng đá hơn, việc tuyển chọn và đào tạo trẻ có chiến lược và khoa học thì mới có thể cải thiện được thể hình và thể lực cầu thủ chuyên nghiệp.

Chúng ta đang ở trong cơ hội có thể thay đổi đẳng cấp nền bóng đá đồng thời với việc cải thiện thể hình cầu thủ. Vấn đề là những người có trách nhiệm có chịu tận dụng lợi thế mà những người tiên phong như Hoàng Anh Gia Lai gầy dựng hay không, hay cứ mãi chỉ biết dựa vào đó để tìm những mục đích riêng tư trước mắt.

Theo báo Sài gòn Giải phóng

Xem thêm video clip : Tổng hợp trận đấu giữa U19 Việt Nam và U19 Hàn Quốc

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý