Mì Hảo Hảo 'tố' mì Hảo Hạng vì gây nhầm lẫn

bexinh bexinh @bexinh

Mì Hảo Hảo 'tố' mì Hảo Hạng vì gây nhầm lẫn

Cho rằng nhãn hiệu mì “Hảo Hạng” xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu mì Hảo Hảo của mình, đại diện Cty Cổ phần Acecook VN cho biết đang hoàn thành các thủ tục pháp lý để giải quyết vụ việc Cty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) ở Bình Dương

06/03/2015 08:20 PM
592

Ngày 4/3, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) cho biết sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý để giải quyết vụ việc Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu mì Hảo Hảo của Vina Acecook.

Theo Vina Acecook, từ ngày 26/1/2015 trên thị trường xuất hiện sản phẩm Hảo Hạng của Asia Foods với kiểu dáng thiết kế bao bì tương tự mì Hảo Hảo đã đăng ký độc quyền của Vina Acecook.

Ngày 3/2/2015 Vina Acecook đã gửi công văn khuyến cáo sự việc cho Asia Foods, đề nghị Asia Foods chấm dứt việc mua bán, quảng cáo mì Hảo Hạng và có biện pháp thu hồi, tiêu hủy sản phẩm đã đưa ra thị trường.

Đăng ký sao thì nên dùng vậy

Song song với việc đăng ký nhãn hiệu dưới dạng tên gọi, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký nhãn hiệu dưới dạng hình ảnh bao bì, đặc biệt là sản phẩm mì gói, bánh kẹo, nước giải khát... Không có quy định nào bắt buộc DN phải dùng đúng 100% mẫu nhãn hiệu đã đăng ký. DN cũng được quyền tùy chỉnh nhưng chỉ nên chỉnh những yếu tố không cơ bản, những chi tiết nhỏ mà thôi. Nếu DN thay đổi màu sắc chính, bố cục chính... thì có thể sẽ vi phạm nhãn hiệu khác.

Với cách bảo hộ hình ảnh bao bì thì khi DN khác trình bày bao bì tương tự, dù tên gọi sản phẩm có khác thì DN vẫn có thể khiếu nại và xử lý được. Nếu DN chỉ đăng ký bảo hộ cái tên mà không đăng ký hình ảnh bao bì thì sẽ có những tranh chấp về tên khó giải quyết hơn.

Việc bảo hộ hình ảnh bao gói dưới dạng nhãn hiệu cũng giúp DN bảo vệ sản phẩm của mình lâu dài hơn so với việc đăng ký kiểu dáng sản phẩm. Bởi lẽ đăng ký kiểu dáng thì có thời hạn bảo hộ tối đa 15 năm, sau đó thì kiểu dáng đó được xã hội dùng chung. Trong khi bảo hộ như một nhãn hiệu thì DN cứ xin gia hạn vẫn được độc quyền mẫu bao bì đó mãi.

Luật sư NGUYỄN THANH LONG,
Công ty Luật Phạm và Liên danh

Phúc đáp công văn, Asia Foods khẳng định việc sản xuất Hảo Hạng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 119302. Sau đó hai bên đã tiến hành gặp mặt nhưng không có được sự thống nhất về hướng giải quyết.

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Marketing của Acecook, cho biết tất cả sản phẩm của Acecook đều được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hình bao bì gói mì. Acecook có thiết kế bao gói riêng cho từng dòng sản phẩm và thiết kế đó giúp nhận dạng, phân biệt sản phẩm trong suốt hàng chục năm. Chẳng hạn, dòng mì Hảo Hảo có từ năm 2000 đến nay với kiểu thiết kế đặc trưng để người tiêu dùng ấn tượng, nhận dạng. Có rất nhiều cách thiết kế, tùy vào công ty, dòng sản phẩm, phân khúc thị trường mà các công ty đều có thiết kế riêng với cách trình bày, tông màu không “đụng” nhau, dù đều là mì tôm, mì gà, mì bò cả.

 - Ảnh 1

Nhãn hiệu mỳ Hảo Hạng thiết kế gây nhầm lẫn với mỳ Hảo Hảo.

Ngày 13/2/2015 Vina Acecook đã gửi công văn đến Cục SHTT để xin ý kiến chuyên môn và đã nhận Công văn số 1320/SHTT-TTKN của Cục SHTT với kết luận mẫu bao gói mì ăn liền mang dấu hiệu "Mì Hảo Hạng, TÔM CHUA CAY & Hình" của Công ty CP Thực phẩm Á Châu sử dụng trong thực tế (khác với mẫu được bảo hộ theo GCN ĐKNHHH số 119302) có cách trình bày tạo thành một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu "Hảo Hảo, MÌ TÔM CHUA CAY, Hình" đã được bảo hộ của Vina Acecook. Vì vậy, hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông, tàng trữ, nhằm để bán các sản phẩm mì ăn liền mang nhãn hiệu như đã nêu mà không do chủ nhãn hiệu hoặc người được chủ nhãn hiệu cho phép sản xuất sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đúng theo quy định Điều 129.1 Luật Sở hữu trí tuệ".

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Cường, giám đốc nhãn hàng công ty thực phẩm Á châu (AsiaFoods) cho biết đến nay công ty đã ngừng sản xuất những sản phẩm có bao bì gây tranh cãi là Hảo Hạng tôm chua cay có màu đỏ sẫm, bên ngoài có hình hai con tôm.

Theo các chuyên gia thương hiệu, khả năng gây nhầm lẫn của nhãn hiệu khá phổ biến trên thị trường, các vi phạm về sở hữu trí tuệ bao gồm vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, sao chép công nghệ, sáng chế, bản quyền…

Không chỉ giống nhau về kiểu dáng, mẫu mã... nhiều nhãn hiệu còn bị copy cả về logo thương hiệu, giống đến khó tin. Các trường hợp ăn theo này thường rơi vào nhãn hiệu mỹ phẩm, thực phẩm, thời trang…được người tiêu dùng ưa thích.

Chưa đánh giá ngay chất lượng sản phẩm bắt chước kiểu dáng, nhãn hiệu ra sao nhưng dễ thấy nó gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng danh tiếng của doanh nghiệp.

Asia Foods có đăng ký nhãn hiệu Hảo Hạng tôm chua cay từ năm 2006, gần đây chúng tôi có cải tiến mẫu bao bì này và Acecook cho rằng chúng tôi sai. Sau khi nhận được thư của Acecook, chúng tôi đã lập tức trả lời và thiện chí ngưng sản xuất mẫu bao bì đó, quay lại sản xuất đúng mẫu bao bì mà chúng tôi đăng ký.

Hiện nay trên thị trường gần như không còn loại bao bì Hảo Hạng tôm chua cay màu đỏ hồng nữa, chúng tôi đã ngưng cả tháng nay rồi, chỉ có sản phẩm Hảo Hạng tôm chua cay màu vàng cam thôi. Ngày 3-3, Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã kiểm tra một đại lý của chúng tôi và ghi nhận không có loại bao gói mà Acecook cho là tương tự bao bì của họ.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG,
Giám đốc nhãn hàng của Asia Foods

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý