Mộc Châu rực rỡ sắc màu người Mông trong tết cổ truyền

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Mộc Châu rực rỡ sắc màu người Mông trong tết cổ truyền

Bản Tả Phình, thị trấn Mộc Châu là một trong những nơi hiếm hoi mà đồng bào dân tộc Mông vẫn ăn tết theo truyền thống dân tộc mình. Mộc Châu những ngày này đang ngập tràn nắng ấm và sắc màu rực rỡ của những bộ váy người Mông đi chơi, đi chợ Tết. Ngày tết của người dân tộc Mộc độc đáo với bánh dày, hơi men rượu ngô, với sắc áo thổ cẩm sặc sỡ và những trò chơi dân gian độc đáo.

19/01/2014 10:14 AM
726

Vượt qua những đèo dốc ngút ngàn và hiểm trở, chúng tôi vào được đến bản Tả Phình. Tả Phình nằm cách xa trung tâm thị trấn Mộc Châu khoảng gần 40km, là một bản làng của người dân tộc Mông trên cao nguyên Mộc Châu. Nơi đây là một trong những bản làng hiếm hoi của người Mông vẫn còn ăn tết theo truyền thống của dân tộc mình. Khác với người Kinh, người Mông ăn tết vào đầu tháng 12 âm lịch.

Mộc Châu trong cái lạnh dịu dàng và mùa hoa mận hoa đào nở cũng là những ngày tết truyền thống của người Mông

Tại đây, những bản sắc dân tộc của người Mông vẫn còn được giữ nguyên từ  hương vị bát rượu ngô thơm nừng, món mèn mén ăn thay cơm, bánh dày dẻo mềm hay những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Và đặc biệt, nếu lên với Mộc Châu vào đúng dịp tết người Mông đầu tháng Chạp âm lịch thì bản Tả Phình chính là nơi để cảm nhận được đầy đủ hương vị đậm sắc màu văn hóa người Mông.

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông

Những ngày này, bước chân lên bản Tà Phình, đâu đâu cũng thấy những cô gái hay những em bé người Mông với chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ. Những bộ váy này đều do chính những người dân tộc nơi đây trồng bông lanh, dệt vải, thêu bằng tay từng họa tiết thổ cẩm sau đó cắt may và đính những vật trang trí bằng kim loại. Giá một bộ váy này có thể lên tới hàng triệu đồng tùy vào sự khéo léo và tinh tế của họa tiết và kim loại trang trí.

Ngày tết cổ truyền của người Mông với trò ném pao

Chị Pa Sua, bản Tả Phình, Mộc Châu cho biết “Chuẩn bị cho tết là phải có váy mới, phải may trước đó lâu. Phải xuống thị trấn mua váy áo mới nữa. Mỗi người ít nhất phải có một bộ quần áo mới chuẩn bị cho Tết”.

Tết chính của người Mông chỉ diễn ra trong 3 ngày. Nếu như người Kinh có bánh trưng đã trở thành truyền thống, thì đối với người Mông, bánh dầy chính là thứ bánh đặc trưng cho tết vùng cao. Trước ngày 26/11 âm lịch, người Mông ở bản Tả Phình đã bắt đầu nghỉ làm nương rẫy để mua sắm chuẩn bị cho tết truyền thống.

Những bộ váy này nặng hơn 1kg, được người phụ nữ Mông chính tay dệt lấy vải và thêu họa tiết thổ cẩm

Anh Vừa A Dế cho biết: “Tết chính thì chỉ có 3 ngày thôi. Ngày 26, 27, 28 thì thịt lợn. Mùng một thì mình thịt gà cúng tổ tiên. Sau đó là chỉ chơi thôi, không đi làm gì cả. Tết người Mông nhiều bánh dầy lắm. Vui lắm”. Những ngày này, rượu ngô, bánh dầy và mèn mén là những món truyền thống không thể thiếu trên mâm cơm ngày tết của người dân tộc Mông.

Những em bé cũng được mặc những bộ váy đẹp nhất trong ngày tết

Trong ngày tết, người Mông đặc biệt coi trọng tiếng gà gáy đầu năm vì họ cho rằng đó là tiếng gà mang lại may mắn cho cả năm mới. Những đồ nông cụ như cuốc, xẻng, cối xay…đều phải được tháo ra và dán tờ giấy bản lên để niêm phong lại.

Sau 3 ngày tết chính là những lễ hội vui chơi của người Mông diễn ra trong suốt tháng Chạp âm lịch. Những trò chơi dân gian như ném pao, đánh quay (đánh tu lu), rồng ấp trứng, đá bóng, thổi khèn được người Mông tổ chức chơi trong suốt đợt tết kéo dài này. Việc đi làm được tạm gác lại để nghỉ ngơi đón tết. Những trò chơi này chủ yếu diễn ra ở những sân vận động lớn.

Sân vận động là nơi tập trung đông người nhất trong những ngày tết của người Mông

Trò đánh tu lu của trẻ em vùng cao

Những cô gái trẻ và những chàng trai trao ánh mắt, nụ cười khi ném bao cho nhau trong tiếng khèn réo rắt. Những trẻ em say mê với trò đánh tu lu. Những bộ váy đẹp nhất, mới nhất, rực rỡ nhất được các cô gái đem ra mặc. Trẻ em cũng mặc trên mình những bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Mông. Tiếng khèn đôi khi hiện đại hơn được thay bằng những chiếc đài, đầu quay bật những bản nhạc của người Mông.

Nụ cười thiếu nữ Mông trong phiên chợ tình

Khi được hỏi người Mông có ăn tết Nguyên Đán như người Kinh không, chị Pa Sua (bản Tả Phình) cho biết: “Nhà nghèo thì không được ăn tết người Kinh vì không có đủ tiền. Có thì mới ăn thôi”.

Hiện nay, hầu hết người Mông đều ăn tết Nguyên Đán giống người Kinh. Còn rất ít nơi giống như bản Tả Phình vẫn tiếp tục ăn tết vào tháng Chạp âm lịch theo truyền thống.

Trẻ em vùng cao trong ngày tết

Ném pao

Váy áo sặc sỡ ngày tết cổ truyền người Mông

Niềm vui ngày xuân

Người lớn tuổi hoặc trẻ em thì ngồi xem và cổ vũ

Vui xuân trên đỉnh núi cao

Anh ném pao/Em không bắt/Em không yêu/Quả pảo rơi rồi.

Đánh quay (tu lu)

Rực rỡ sắc màu

Bên sườn núi

Clip Sắc màu văn hóa người Mông:

Hồng Hạnh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý