Mối thâm tình của các nhà báo nước ngoài với Chủ tịch Hồ Chí Minh

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Mối thâm tình của các nhà báo nước ngoài với Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Công lý) Trong thời kỳ chiến tranh, những nhà báo nước ngoài khi tới Việt Nam, ai cũng mong một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số đó phải kể đến 3 nhà báo may mắn được làm việc cùng Người và họ đã có những kỷ niệm thật sâu sắc.

23/05/2015 10:29 AM
142

Nhà báo Nga - Petr Aleshin

Với tư cách là một phóng viên chiến trường, nhà báo Liên Xô, Petr Petrovich Aleshin đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1957 đến năm 1960. Với những người Việt Nam và người Nga hiện nay, có lẽ ít ai biết tới ông. Tuy nhiên, với giới Việt Nam học người Nga, thế hệ thứ nhất, thứ hai thì ông là không chỉ là bậc tiền bối, bậc thầy về tiếng Việt mà còn là người am hiểu sâu sắc về truyền thống, văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam và võ thuật, y học cổ truyền phương Đông.

Nhà báo Petr Petrovich Aleshin trực tiếp phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế ở Moscow

Sinh ngày 28/9/1922 tại Nga, với tình yêu tiếng Việt ông theo học Đại học chuyên ngành tiếng Việt và được nhận vào làm tại Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Liên Xô, sau đó làm việc tại các cơ quan như Hãng thông tấn APN, tiền thân của Hãng thông tấn Ria Novosti (nay là Hãng thông tấn Nước Nga ngày nay - MIA Russian Today)... và cuối cùng là Nhà xuất bản Tiến bộ trước khi nghỉ hưu năm 1995.

Chính thời gian làm việc tại Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Liên Xô, ông đã có những cơ hội để trải nghiệm vốn tiếng Việt của mình, qua đó tìm hiểu về đất nước Việt Nam xa xôi phải chịu nhiều khó khăn vất vả nhưng cũng đầy hào hùng và anh dũng.

Trước khi sang Việt Nam công tác, vào tháng 11/1957, ông là người trực tiếp làm phiên dịch viên cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế ở Moscow, đây là lần đầu tiên nhà báo Aleshin gặp Bác.

Thời gian làm việc tại Việt Nam, ông tiếp tục là người phiên dịch cho các lãnh đạo Liên Xô sang thăm và làm việc với Bác Hồ và các lãnh đạo Việt Nam. Đồng thời, nhiều lần tới Phủ chủ tịch và nhà sàn Bác Hồ để tiếp kiến và phỏng vấn Bác.

Theo hồi ức của các học trò nhà báo Aleshin, chính Bác Hồ là người dạy khí công cho ông trong một lần tình cờ ông thấy Bác tập tại khu vực nhà sàn trong Phủ Chủ tịch vào một buổi sáng sớm. Sau này, nhà báo Aleshin đã thỉnh giáo, luyện tập khí công với một số võ sư người Việt và đạt đến trình độ có thể sử dụng phương pháp này để chữa bệnh kết hợp với Đông y.

Theo con gái ông, bà Elena Aleshina, nay đã 60 tuổi, trong căn hộ ở quận Tây Nam thủ đô Moscow, nơi nhà báo Aleshin sống những năm tháng cuối đời, bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp chung với gia đình vẫn được treo trang trọng.

Bức ảnh kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp chung với gia đình nhà báo Aleshin

Ngoài các bức ảnh kỷ niệm chụp với Bác Hồ và được Bác ký tặng ảnh chân dung, trong các ảnh tư liệu mà gia đình còn lưu giữ được còn có các bức ảnh của các nhà lãnh đạo tiền bối của Việt Nam như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt...

Nhà báo Australia - Wilfred Burchett

Nhà báo người Australia, W. Burchett đến Việt Nam vào đầu năm 1953 và gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc thời gian Người cùng Bộ Chính trị chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhà báo Wilfred Burchett làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong bài báo “Chủ tịch Hồ Chí Minh - lần gặp gỡ đầu tiên tại Việt Nam” năm 1954, Wilfred Burchett từng nhớ lại: “Thật khó tin, chỉ vài giờ sau khi đến nơi, chúng tôi đã có thể ngồi đối diện với nhà lãnh tụ cách mạng huyền thoại này. Từ trong rừng, ông bất ngờ xuất hiện, ông bước rất nhanh với chiếc gậy tre dài trong tay, áo khoác vắt hững hờ ngang vai như khăn choàng, chiếc mũ cát nghển cao trước trán. Ông ở đó, gương mặt hiền từ không lẫn với ai được, đôi mắt đen sâu thẳm lấp lánh, chòm râu thưa mỏng rối bời, gương mặt chúng tôi đã biết qua những bức ảnh của ông trong nhiều năm qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với chúng tôi bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh rất lưu loát và Người còn nói mấy câu tiếng Ý với người bạn đồng nghiệp người Italy của tôi. Đầu tiên, ông ân cần hỏi thăm về sức khỏe của tôi…”.

Sau này Wilfred Burchett đã kể lại một kỷ niệm sâu sắc của vợ chồng ông với vị Cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam: 3 năm sau lần gặp đầu tiên đó, vào năm 1957, trong chuyến sang thăm Moscow của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Trong buổi lễ đón tiếp Cụ, Cụ Hồ đã trông thấy chúng tôi đứng ở hàng thứ ba trong giới báo chí. Trước sự lo sợ của nhân viên an ninh, lễ tân và trước cả sự ngạc nhiên của đoàn ngoại giao, Cụ Hồ đã rời hàng danh dự của những người đứng đón chào Cụ và bước đến chỗ chúng tôi, đặt bó hoa lớn mà Cụ vừa nhận được khi bước xuống máy bay vào tay của vợ tôi”, ông kể.

Chính những điều đó đã khiến nhà báo W. Burchett quyết định chuyển đến Việt Nam sinh sống vào năm 1955 – 1956. Sau thời gian đó, ông còn trở lại Việt Nam nhiều lần để viết về cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân Việt Nam.

Tuy chưa bao giờ là một người cộng sản, nhưng ông vô cùng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin cậy Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này được ông lý giải: “Những chính đảng, nhất là những đảng tận tụy phấn đấu làm thay đổi xã hội, chứ không phải những đảng lợi dụng đổi thay xã hội nhằm thu lợi cho bè cánh của mình (như trường hợp nhiều đảng chính trị ở phương Tây), các chính đảng đó xứng đáng được các nhà báo ở mọi nơi dốc lòng ủng hộ sự nghiệp và các mục tiêu của họ”.

Trong suốt sự nghiệp làm báo, nhà báo Wilfred Burchett đã cộng tác với nhiều tờ báo hàng đầu thế giới như London Daily Express, The Times (Anh), The National Guardian (The Guardian), The New York Times (Mỹ), L’Humanité (Pháp), Mainichi Simbun (Nhật Bản)… và đã xuất bản 40 đầu sách về nhiều chủ đề khác nhau nhưng chủ yếu là những tác phẩm về Việt Nam như: Phía Bắc vĩ tuyến 17, Ngược dòng sông Mekong, Việt Nam - cuộc kháng chiến lần thứ hai, Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam... Trong những tháng ngày cuối đời, ông Burchett từng viết, “Việt Nam chiếm phần quan trọng nhất trong sự nghiệp báo chí của tôi”.

Nhà báo Cuba - Marta Rojas

Tham gia với vai trò là phóng viên chiến trường tại địa đạo Tây Ninh, nữ nhà báo Cuba, Marta Rojas tới Việt Nam lần đầu tiên năm 1965. Bà là người tận mắt chứng kiến cảnh tàn phá của chiến tranh và sự khốc liệt của cuộc chiến đấu cùng những đau thương do chiến tranh mà nhân dân miền Nam Việt Nam phải gánh chịu. Qua đó, bà đã góp phần đưa thông tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam cho thế giới biết.

Nhà báo Marta Rojas - nhà báo quốc tế cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người qua đời

Với tình cảm sâu sắc dành cho nhân dân Việt Nam, bà cũng góp phần đưa hình ảnh Lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam đến với Cuba và người dân các nước Mỹ Latinh.

Bà là nhà báo quốc tế cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người qua đời. Cuộc phỏng vấn đó được thực hiện vào tháng 7-1969 tại Phủ Chủ tịch.

Bà nhớ lại: “Những lần ở Hà Nội tôi đều tới thăm báo Nhân Dân và nói với nhà báo Hoàng Tùng- Tổng Biên tập báo Nhân Dân lúc đó- rằng, tôi muốn có một cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tối, tôi đang ở khách sạn Thống Nhất tại Hà Nội, nhà báo Hoàng Tùng gọi điện cho tôi và nói: “Mai 6h sáng tôi qua đón chị vào phỏng vấn Hồ Chủ tịch. Đó là buổi sáng một ngày tháng 7-1969, tôi - nhà báo Hoàng Tùng và người phiên dịch bước vào Phủ Chủ tịch thì gặp một cụ già mặc bộ quần áo màu trắng tươi cười đi tới và chào tôi bằng tiếng Tây Ban Nha: “Chào buổi sáng, đồng chí Marta”. Tôi đã nghe nói nhiều về Bác Hồ nhưng không nghĩ Người lại giản dị, thân tình đến thế”.

Bà cho biết, cuộc phỏng vấn trở nên thú vị khi bà lại là người bị phỏng vấn ngược. Bà kể lại: Khi đang trả lời phỏng vấn tôi, Người bất chợt hỏi tôi về cảm nhận ở Việt Nam từ năm 1965, về thời gian tôi ở Tây Ninh, rất chi tiết những gì tôi đã trải qua, rồi Người hỏi thăm Fidel và nói: "Tôi đã đọc nhiều bài phát biểu của Fidel và rất thích những bài phát biểu đó"...

Nhà báo Marta Rojas ngừng lời và nhấn mạnh: Cho đến nay, câu hỏi tuyệt vời nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tôi lúc đó là, nhà báo nhìn nhận thế nào về những lá cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Marta trả lời Bác: Miền Nam mưa, nắng nhiều nhưng lá cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc nào cũng như mới.

Sau đó, Người lý giải về những điều nhà báo cảm nhận về lá cờ ấy khiến nhà báo Marta không thể nào quên: Đó là "vì mục tiêu đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam là bảo vệ cho lá cờ ở đúng vị trí mà nó cần phải có! Đó là biểu tượng của Việt Nam! Chắc chắn chúng tôi sẽ chiến thắng Mỹ! Tất cả sự chịu đựng và nỗi đau của người dân miền Nam cũng là sự chịu đựng và nỗi đau của tôi!".

Ngoài những ấn tượng về sự hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực của Người, nhà báo Marta Rojas không khỏi khâm phục về tính bao dung, quảng đại của Hồ Chủ tịch trong cuộc phỏng vấn tại Hà Nội năm ấy.

Bài báo phỏng vấn Người của Marta Rojas sau đó được đăng trên tờ Granma, nhiều độc giả Cuba đã viết thư về cho báo đề nghị cung cấp thêm thông tin về Hồ Chí Minh. Bài phỏng vấn ấy không chỉ đến với bạn đọc Cuba, mà còn cả ở một số nước Mỹ Latinh khác. Đảng Cộng sản Ý, Thụy Điển cũng đăng lại bài trên báo của họ, một số bang của Mỹ cũng đăng tải bài viết này.

Hơn 40 năm sau, trong lần trở lại Hà Nội, bà vẫn nhớ như in lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: "Sự chịu đựng của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng là nỗi khổ tâm của Người...".

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý