Móng Cái 'nóng' tình trạng vượt biên qua Trung Quốc kiếm việc

mesu mesu @mesu

Móng Cái 'nóng' tình trạng vượt biên qua Trung Quốc kiếm việc

Mặc dù có nhiều người vượt biên sang Trung Quốc làm việc phải trở về tay trắng nhưng dòng người đổ về Móng Cái chờ qua Trung Quốc tìm việc vẫn không giảm.

27/03/2015 06:41 AM
644

Tập kết chờ vượt sông Ka Long

Căn phòng trọ tồi tàn của vợ chồng Nguyễn Phúc Đông (39 tuổi, quê Quảng Yên, Quảng Ninh) và Phạm Thị Bích (40 tuổi, quê Tiên Lãng, Hải Phòng) nằm khuất nẻo ở khu 2 phường Ka Long (TP. Móng Cái) gần bờ sông Ka Long những ngày tháng 3 này hết sức nhộn nhịp.

Cứ vài ba ngày lại có một số người mang theo túi hành lý tới tụ lại đây. Căn phòng trọ chỉ rộng chừng 30m2 nhét tới 36 vị khách lạ từ các vùng quê ở các tỉnh về chật như nêm.

Họ chen chúc nhau, kẻ nằm người ngồi khiến cho không còn cả lối đi. Tất cả bị nhốt chặt trong nhà, đến bữa vợ chồng Đông mua cơm cho họ ăn. Những vị khách này đang chờ để chủ nhà đưa qua biên giới sang Trung Quốc kiếm việc làm.

 - Ảnh 1

Vợ chồng Phạm Thị Bích và Lưu Phúc Đông tại cơ quan công an.

Nhưng giấc mộng tìm việc làm ở xứ người của họ không thành. Rạng sáng 13/3, trong khi tất cả đang ngủ la liệt dưới nền nhà trọ thì lực lượng Công an TP. Móng Cái ập tới kiểm tra. Tất cả 36 vị khách cùng vợ chồng Đông được mời về trụ sở Công an TP. Móng Cái làm việc.

Tại đây, các vị khách đa phần ở vùng nông thôn tỉnh Thanh Hoá, khai nhận họ đến Móng Cái tập trung để chờ vợ chồng Đông đưa qua sông Ka Long tìm việc làm ở các công xưởng bên Trung Quốc.

Để vượt biên kiếm việc làm, mỗi người phải nộp cho vợ chồng Đông - Bích 4 triệu đồng. Sau khi qua bên kia biên giới sẽ có người trong đường dây của Đông đưa vào sâu nội địa Trung Quốc tìm việc làm.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, cơ quan CSĐT Công an TP. Móng Cái đã khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam đối với hai vợ chồng Nguyễn Phúc Đông và Phạm Thị Bích về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép theo Điều 275 Bộ luật Hình sự.

Tìm hiểu thêm, được biết, Đông vốn làm nghề chạy xe ôm ở khu vực bến xe Ka Long, Móng Cái. Thấy việc tổ chức đưa người vượt biên sang bên kia dễ kiếm nên cả hai vợ chồng đã chuyển hướng làm ăn, móc nối, tổ chức lập một đường dây với nhiều chân rết thu gom người lao động có nhu cầu xuất cảnh trái phép kiếm việc làm.

Bích bám bến xe và các khu nhà trọ “tiếp thị” mời khách có nhu cầu. Kiếm được khách, vợ chồng Đông Bích đưa về khu nhà trọ tập kết, chờ thời cơ thích hợp thì đưa qua đò vượt sông Ka Long.

Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, cặp đôi này thường xuyên tổ chức đưa người theo các đường mòn, đò ngang ở vành đai biên giới vào thời điểm rạng sáng.

Video xem thêm:

Báo động làn sóng vượt biên sang Trung Quốc làm thuê.

Thời gian gần đây, khu vực bến xe Ka Long, lượng người từ khắp các tỉnh đổ về Móng Cái chờ qua biên giới kiếm việc làm tăng bất thường. Từ bến xe, họ được xe ôm đợi sẵn tỏa vào các khu nhà trọ nằm gần đường biên.

Ông H., một người chạy xe ôm ở bến xe cho hay, tại đây thường xuyên có đội ngũ “cò” đông đảo tập trung đón người. Mỗi khi có xe khách về bến, đội quân này liền bám sát tiếp thị, khi kiếm được khách, họ lập tức đưa về nhà trọ ở tạm chờ ngày đi.

Đội ngũ “cò” thường “nổ” là có quan hệ với cơ quan chức năng có thể “bao” đưa người lao động qua biên giới trót lọt. Riêng những trùm lớn thì không phải “bắt khách” ở bến xe mà họ lập hẳn thành đường dây, tung chân rết đi khắp nơi gom người đưa về Móng Cái chờ giờ vượt biên.

Sau khi gom đủ người, những đường dây đưa người này chọn thời điểm thích hợp để đưa họ qua đường mòn, đi đò qua biên giới. Tuy nhiên, để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các nhóm này thường thay đổi cung đường khác nhau.

Mất cả chì lẫn chài

Đa số người lao động sau khi sang đến Trung Quốc sẽ có người của các đường dây đưa người tới làm việc tại các nhà xưởng sản xuất hàng hoá, giúp việc, bán hàng trong các chợ biên giới. Họ được chủ sử dụng lao động thỏa thuận miệng về mức lương và điều kiện làm việc.

Tuy nhiên, hầu hết đều phải làm việc trong môi trường cực nhọc với thời gian kéo dài tới 12 giờ mỗi ngày. Cả ngày đêm họ bị quản lý chặt chẽ, hạn chế đi lại, đe dọa giữ lương, giữ giấy tờ, thậm chí nhiều người đã bị lừa bán hoặc ép buộc mại dâm.

Anh Đinh Thanh T. (trú tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh), là một trong những người lao động vượt biên qua biên giới sang Trung Quốc kiếm việc làm nhưng đã phải trắng tay trở về. Anh T. cho hay, đầu năm 2014, anh cùng với hơn 50 người khác được đường dây đưa người đưa sang Trung Quốc kiếm việc với giá 4 triệu đồng/người, trừ dần vào lương.

Sau khi qua biên giới, anh T. được đưa đến tỉnh Chiết Giang làm trong một công xưởng chuyên sản xuất phích, ổ cắm điện cho một chủ xưởng. Làm được 4 tháng, chưa được lĩnh đồng lương nào thì anh T. bị Công an Trung Quốc bắt giữ vì cư trú, lao động trái phép. Sau 2 tháng bị giam giữ anh bị trục xuất về nước với hai bàn tay trắng.

Mặc dù đã có khá đông người sau khi sang Trung Quốc lao động một thời gian phải trở về tay trắng như anh T. nhưng thực tế lượng người đổ về Móng Cái tìm đường vượt biên vẫn không hề giảm, thậm chí ngày một gia tăng. Lý giải về tình trạng này, một điều tra viên Công an TP.Móng Cái cho biết, các đối tượng trong những đường dây đưa người vượt biên thường tung chiêu “thu nhập cao” để mồi chài người lao động.

Với một người lao động ở nông thôn khi được hứa hẹn sang Trung Quốc làm mỗi tháng có mức lương 7-10 triệu đồng thì người ta ham cũng là điều dễ hiểu. Để khách hàng tin tưởng, các đối tượng này thường khoe khoang có quan hệ “khủng”, đảm bảo đưa người đi trót lọt, có việc làm thu nhập cao.

Cũng theo điều tra viên này, mặc dù làm công nhân tại một số công xưởng bên Trung Quốc có thu nhập cao nhưng điều kiện làm việc hết sức hà khắc, chủ sử dụng lao động quản lý rất khắt khe. Thậm chí, nhiều người bị chủ giở chiêu bẩn bằng cách báo nhà chức trách bắt giữ, trả những lao động bất hợp pháp về Việt Nam để xù lương.

Trước đó, trong hai ngày 6 và 8/3/2015, Công an huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh liên tiếp phá hai vụ, bắt 4 đối tượng đang đưa gần 90 người dân ở các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Theo lời khai của những người lao động, mỗi người sẽ phải nộp 4 triệu đồng cho đối tượng cầm đầu để được qua biên giới.

Đầu tháng 3, tại khu vực vành đai biên giới thuộc khu 4, phường Hải Hòa, Móng Cái, Quảng Ninh, đồn Biên phòng Hải Hòa phối hợp với đội Cơ động, bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh cũng bắt giữ 16 đối tượng đi vào khu vực biên giới có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.

Thanh Hiên

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý